Hai quốc gia: Palestine và Israël

Bởi AdminTD – 11/10/2023

Lâm Bình Duy Nhiên

11-10-2023

Bản đồ hai nước Israel – Palestine. Nguồn: Shaul Arieli

Hai quốc gia độc lập, tồn tại cạnh nhau theo Sáng kiến Geneva (Initiative de Genève) giờ chỉ là một điều không tưởng.

Ngày 1/12/2003, Sáng kiến Geneva đã được ký kết với hy vọng thiết lập hoà bình tại Trung Đông. Hai quốc gia Israël và Palestine sẽ tồn tại bên nhau, đặc biệt nhà nước Palestine phi quân sự sẽ ra đời nhưng vẫn có sự hiện diện của một lực lượng an ninh bảo đảm trật tự, ngăn chặn khủng bố và bảo vệ biên giới.

Vấn đề lãnh thổ và thủ đô (Jérusalem luôn bị tranh chấp) cũng được thảo luận trong Sáng kiến Geneva nhằm đáp ứng những yêu cầu tôn giáo và lịch sử của vùng đất bị tranh chấp.

Tuy không có sự đồng tình chính thức của chính phủ hai bên khi Israël thẳng thừng bác bỏ, còn phía Palestine, Yasser Arafat không công khai ủng hộ dù phái cố vấn an ninh cao cấp tới tham dự buổi lễ ở Geneva nhưng ít nhiều sáng kiến này cũng đã phác họa một tương lai tương đối rõ ràng về một thỏa thuận hòa bình toàn diện. Sáng kiến Geneva cũng mang lại hy vọng đem lại hoà bình cho cuộc xung đột ở Trung Đông.

Tuy nhiên, Sáng kiến Geneva, từ gần 20 năm nay, dường như đã rơi vào quên lãng và chỉ tồn tại trên lý thuyết, trong một văn kiện dài 50 trang. Các chính phủ tại Israël thay đổi với các chính sách về Palestine khác nhau. Vấn đề đi dân, xây dựng xác khu đô thị cho người Do Thái ngay tại lãnh thổ thuộc Palestine đã không làm giảm xung đột, ngược lại, làm leo thang tranh chấp và hận thù giữa hai sắc dân.

Bên cạnh đó, các tổ chức khủng bố Palestine như Hamas vẫn chủ trương xoá sổ quốc gia Israël và sử dụng bạo lực để tiến hành các cuộc đánh bom tự sát hay khủng bố trên bình diện lớn, nhằm vào các khu dân cư Do Thái. Tất cả chỉ làm cho cuộc xung đột trở nên bế tắc và bạo lực hơn.

Cuộc khủng bố kinh hoàng, tàn bạo và mọi rợ của Hamas vào cuối tuần qua tại các khu dân cư Do Thái là điểm kết cho mọi hy vọng hoà bình tại Trung Đông. Đáp trả lại là quyền tự bảo vệ của Israël. Sự trả thù cũng vô cùng nặng nề khi Dải Gaza bị bao vây hoàn toàn, chặn nguồn hàng hóa thiết yếu, điện nước, để sinh tồn của dân thường Palestine tại đây.

Một sự bao vây hoàn toàn đi ngược lại Luật nhân đạo quốc tế. Không phải ai trong số hơn 2 triệu dân tại Dải Gaza cũng là khủng bố hay ủng hộ Hamas!

Hai Quốc gia, hai Nhà nước phác hoạ trong Sáng kiến Geneva, trong thời khắc hiện tại chỉ là điều không tưởng, phi thực tế khi cuộc xung đột đã lên đến đỉnh điểm của hận thù. Quốc gia Palestine nhất định phải ra đời. Israël không thể nào bị xoá sổ như ý muốn của Hamas, nhưng chắc chắn, tổ chức khủng bố này sẽ phải bị xoá bỏ. Chỉ như thế, cơ hội đàm phán để tái lập hoà bình tại Trung Đông mới có thể diễn ra.

Chính phủ Israël cũng cần có các chính sách mang tính đối thoại thay vì đối đầu, thực dân, đối với dân tộc Palestine. Bằng không, xung đột vẫn diễn ra. Máu dân thường, vô tội vẫn rơi và hận thù ngút trời. Một bên với quân đội tinh nhuệ và hùng mạnh. Bên kia với các quả “ bom người “ tự sát và các cuộc khủng bố. Tất cả đều là tội ác và cần bị lên án!

Hai Nhà nước, có lẽ sẽ vẫn là mục đích nhằm đem lại hoà bình cho hai dân tộc Palestine và Israël. Qua đó, mâu thuẫn giữa sắc dân Ả Rập và Do Thái cũng sẽ dần dần bị xoá bỏ. Vấn đề Trung Đông sẽ phải là ưu tiên hàng đầu của các cường quốc.

Một giải pháp khác là xây dựng một quốc gia Liên bang, dựa trên mô hình Liên bang Thuỵ Sĩ với các bang (canton) khác nhau. Mỗi bang có một cơ chế chính phủ tối cao, độc lập dựa trên sắc tộc và tôn giáo. Tất cả dưới sự giám sát của Chính phủ Liên bang.

Nhưng đó cũng là một bài toán hóc búa khi cả người Do Thái lẫn Palestine vẫn xem tôn giáo là tối cao, không thể tách rời với khái niệm Nhà nước.

Khó như lời bộc bạch của một cô bạn người Pháp gốc Do Thái: Tôi sống trong lo lắng, chiếc vali bên giường, lúc nào tôi cũng sẵn sàng quay về Israël nếu gặp biến, vì chỉ có Israël mới là quốc gia của tôi, sẵn sàng bảo vệ chúng tôi, những người Do Thái!

Nhưng có lẽ cô đã quên rằng, trong lịch sử, người Do Thái mỗi khi bị xua đuổi, tấn công và truy quét, luôn có cộng đồng Ả Rập cưu mang và giúp đỡ. Họ đã từng chung sống trong hoà bình, vượt lên trên tất cả các cuộc chiến tranh tàn khốc.

Vậy tại sao, ngày nay, người Do Thái và người Palestine lại không thể tiếp tục sống trong hoà bình và xoá bỏ mọi hận thù và xung đột?

Related posts