Viên Minh
Hôm 7/10, hàng trăm tay súng Hamas có vũ trang đã có thể vượt qua biên giới được canh gác nghiêm ngặt giữa Israel và Dải Gaza một cách dễ dàng. Đồng thời, Hamas cũng bắn hàng nghìn quả rocket từ Gaza vào Israel, khiến ít nhất hơn 900 người thiệt mạng trong các cuộc đột kích. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao các cơ quan tình báo của Israel, với nguồn lực dồi dào của mình, lại không lường trước được cuộc tấn công này?
Israel được cho là có cơ quan tình báo rộng khắp và được tài trợ tốt nhất ở Trung Đông. Các cơ quan tình báo của nước này đã có được danh tiếng lớn nhờ một loạt thành tựu trong nhiều thập kỷ. Israel đã phá vỡ các âm mưu ở Bờ Tây, đã săn lùng các thành viên Hamas ở Dubai và loại bỏ các nhà khoa học hạt nhân Iran ở sâu bên trong lãnh thổ Iran.
Với sức mạnh tổng hợp của Cơ quan an ninh nội địa Israel Shin Bet, cơ quan tình báo nước ngoài Mossad và bộ phận tình báo quân sự Aman, thực sự là một cú sốc khi không ai biết trước rằng cuộc đột kích Hamas sẽ diễn ra.
Để chuẩn bị và thực hiện một cuộc tấn công phối hợp tinh vi như vậy, bao gồm việc cất giữ và bắn hàng nghìn quả tên lửa ngay trước mũi người Israel, Hamas đã phải áp dụng các biện pháp an ninh hoạt động ở mức độ rất cao. Theo giới chức quốc phòng Israel và quan chức Mỹ, các cơ quan tình báo Israel không đưa ra cảnh báo cụ thể nào rằng Hamas đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công tinh vi phối hợp trên bộ, trên không và trên biển. Đây thực sự là một thất bại đáng kinh ngạc của một trong những lực lượng tình báo tinh nhuệ nhất thế giới.
Tại sao hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) có kinh nghiệm thực chiến hàng chục năm của Israel lại bị choáng ngợp trước đòn tấn công bằng tên lửa rẻ tiền nhưng chí mạng ngay từ đầu? Làm thế nào mà Hamas xây dựng được một kho tên lửa, rocket khổng lồ như vậy mà tình báo Israel không phát hiện được mảy may dấu hiệu lạ nào? Có phải Israel quá tập trung vào các mối đe dọa từ Hezbollah và Bờ Tây hơn là tập trung nguồn lực quân sự và tình báo vào Gaza? Tại sao nhiều binh sĩ Israel nghỉ phép hoặc được bố trí rất xa biên giới phía Nam? Những chuyện này xem ra thực quá vô lý.
Thiếu tướng Daniel Hagari, người phát ngôn của quân đội Israel, thừa nhận rằng, họ nợ công chúng một lời giải thích. Nhưng ông Hagari nói bây giờ chưa phải là lúc hỏi đến những chuyện này, Israel cần tấn công tiêu diệt triệt để Israel.
Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng giới chức Israel và Mỹ sẽ “viết một báo cáo trong vài ngày tới để xem liệu có điều gì bị bỏ sót hay không, liệu thông tin tình báo có được thu thập và giải mã sai hay không, hoặc liệu có một mảng tối mà họ hoàn toàn không biết hay không”.
Như vậy, thất bại về tình báo của Israel nếu có thì nằm trong 2 dạng: một là trong việc thu thập thông tin tình báo và một là trong việc đánh giá, giải thích thông tin tình báo. Trong Chiến tranh Yom Kippur 50 năm trước, tình báo chủ chốt cũng bị hiểu lầm.
Trong những năm qua, Israel đã xây dựng một mạng lưới chặn sóng điện tử, cảm biến và người cung cấp thông tin trên khắp Gaza, một khu vực có diện tích chỉ khoảng 360 km2. Israel và các nước láng giềng trước đây đã đầu tư rất nhiều để cố gắng theo dõi và ngăn chặn các mạng lưới của Hamas, thường chặn các chuyến hàng vận chuyển linh kiện tên lửa. Israel biết vị trí các đường hầm dưới lòng đất được Hamas sử dụng để vận chuyển các chiến binh và vũ khí. Họ đã phá hủy rất nhiều lối đi bí mật.
Cơ quan tình báo Israel có những người cung cấp thông tin và đặc vụ trong các nhóm chiến binh Palestine cũng như ở Lebanon, Syria và các nơi khác. Trong quá khứ, lực lượng này đã thực hiện các vụ ám sát có chủ đích nhằm vào các thủ lĩnh phiến quân và theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của họ. Đôi khi các đặc vụ hoàn thành những nhiệm vụ này thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sau khi cài đặt thiết bị theo dõi GPS trên ô tô cá nhân; thậm chí đôi khi còn sử dụng điện thoại di động gây nổ.
Bất chấp những khả năng này, Hamas vẫn giữ bí mật kế hoạch đột kích một cách hoàn hảo. Cuộc tấn công dữ dội có thể cần nhiều tháng lập kế hoạch và huấn luyện cẩn thận, đồng thời có sự phối hợp giữa nhiều nhóm vũ trang.
The Economist phân tích rằng những người biết trước về cuộc đột kích sẽ chỉ giới hạn trong một nhóm các quan chức cấp cao của Hamas. Những người này sẽ không mạo hiểm sử dụng các cuộc gọi điện thoại hoặc bất kỳ hình thức liên lạc điện tử nào khác. Bởi vì Israel đã giám sát tất cả các thông tin liên lạc ở Gaza, vì vậy có thể thông tin liên lạc sẽ bị chặn. Những người lính bộ binh Hamas được cử đi làm nhiệm vụ có thể chỉ được thông báo trước vài giờ và được yêu cầu mang theo vũ khí đến một địa điểm gần biên giới, nhưng không có thêm thông tin chi tiết nào được cung cấp.
Tướng về hưu của Israel, Amir Avivi, nói với hãng tin AP rằng khi không có chỗ đứng ở Dải Gaza, các cơ quan an ninh Israel đang ngày càng dựa vào công nghệ để thu thập thông tin tình báo. Ông nói: “Kẻ thù đã học cách đối phó với sự thống trị về công nghệ của chúng tôi và họ đã ngừng sử dụng những công nghệ có thể làm lộ điều đó”.
Ông Avivi nói rằng, Hamas đã quay trở lại thời kỳ đồ đá, đồng thời giải thích rằng các chiến binh không sử dụng điện thoại hoặc máy tính. Họ tiến hành các hoạt động nhạy cảm trong các căn phòng được thiết kế để bảo vệ chống lại hoạt động gián điệp công nghệ.
Các cựu quan chức Mỹ cũng nói rằng Israel thường sử dụng mạng lưới người dân rộng khắp ở Gaza và chặn các liên lạc điện tử để đưa ra cảnh báo về các cuộc tấn công tiềm tàng. Việc tình báo Israel mất cảnh giác trước cuộc tấn công cho thấy trước cuộc tấn công hôm 7/10, các chiến binh Hamas đã tránh thảo luận về kế hoạch qua điện thoại di động hoặc các phương tiện liên lạc khác có thể bị chặn. Hamas có thể sử dụng phương pháp lập kế hoạch trực diện có vẻ lỗi thời để tránh bị Israel phát hiện.
Vậy thì binh lính Hamas đã tiến vào Israel như thế nào?
Trên mặt đất, dọc theo hàng rào biên giới giữa Gaza và Israel, có camera, cảm biến chuyển động mặt đất và quân đội thường xuyên tuần tra. Hàng rào được bọc dây thép gai được coi là “rào cản thông minh” để ngăn chặn kiểu xâm nhập xảy ra trong cuộc tấn công này. Nhưng các chiến binh Hamas đã san phẳng các con đường, đào hố trên hàng rào dây thép gai hoặc dùng dù lượn xâm nhập vào Israel từ biển.
Lính nghĩa vụ và sĩ quan cấp dưới giám sát mạng lưới camera và cảm biến bao phủ từng cm biên giới có thể xác định từng thành viên Hamas trên màn hình của họ. Nhưng không có gì lạ khi thấy các thành viên Hamas đi bộ gần biên giới, thậm chí với số lượng lớn. Sức mạnh quân sự của Hamas tập trung vào các lữ đoàn và tiểu đoàn trong khu vực, có thành viên hoạt động trong cộng đồng địa phương. Toàn bộ vùng Dải Gaza chỉ rộng 360 km2 và chỉ cách biên giới Israel ở phía đông và bờ biển Địa Trung Hải ở phía tây 10 km. Nhiều kẻ tấn công sinh sống gần hàng rào biên giới chỉ cách một quãng đi bộ. Máy ủi tại các công trường xây dựng gần biên giới cũng không gây ra sự nghi ngờ. Các cuộc tấn công sử dụng các phương tiện dân sự, chẳng hạn như xe bán tải cũng sẽ không bị chú ý.
Tóm lại là Hamas đã nguỵ trang cực kỳ khéo léo và khiến Israel tin rằng mọi chuyện không có gì lạ lùng. Điều này gợi cho chúng ta nhớ lại một câu chuyện trong thời Tam Quốc. Lã Mông cũng dùng các thương thuyền và cho binh sĩ hoá trang thành khách buôn mặc áo trắng, rồi đột kích sang sông Trường Giang, tấn công đánh úp Kinh Châu.
Hamas cũng đã phát động một chiến dịch quân sự theo đúng sách giáo khoa. Nó bắt đầu bằng một cuộc tấn công thận trọng vào các cảm biến và hệ thống thông tin liên lạc của Israel. Nhiều camera giám sát của Israel đã bị các tay súng bắn tỉa nhắm tới và vô hiệu hóa. Chiến tranh điện tử dường như cũng có liên quan.
Reuters đưa tin, một cuộc tấn công của lực lượng biệt kích Hamas vào trụ sở Lực lượng Phòng vệ Israel ở miền nam Gaza đã dẫn đến mất điện liên lạc khiến các chỉ huy không thể đưa ra cảnh báo.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin, theo đánh giá của cơ quan tình báo, Nga, Trung Quốc và Iran đóng vai trò quan trọng trong cuộc tấn công quy mô lớn của Hamas vào Israel hôm 7/10. Đánh giá lưu ý rằng trong khi Iran cung cấp đào tạo công khai và hỗ trợ chính trị cho Hamas, Nga được biết đến với mối quan hệ chặt chẽ với Hamas và công nghệ Trung Quốc là chìa khóa cho cuộc tấn công. Các phần mềm Trojan gián điệp của Trung Quốc được sử dụng để xâm nhập và gây nhiễu hệ thống an ninh Israel.
Cuộc tấn công của Hamas cũng có sự phối hợp khá tinh vi. Một loạt tên lửa khổng lồ tấn công Israel vào lúc bình minh để che chắn cho cuộc tiến công trên bộ. Các chiến binh Hamas còn sử dụng dù lượn có động cơ để vượt qua các hàng rào biên giới và xâm nhập Israel từ đường biển.
Mặt khác, hệ thống Vòm Sắt của Israel trước đây tỏ ra hiệu quả trước các cuộc tấn công quy mô lớn của Hamas song lại tỏ ra yếu kém trong đợt tấn công này. Các rocket của Hamas trong cuộc tấn công hôm 7/10 rõ ràng là khó đánh chặn hơn rất nhiều. Theo tổ chức tình báo quốc phòng nguồn mở Janes, Hamas đã sử dụng hệ thống tên lửa mới có tên Rajum trong cuộc tấn công, đồng thời sử dụng máy bay không người lái nhỏ để thả đạn vào các vị trí quân sự của Israel. Hamas bắn nhiều loại rocket, tên lửa cả mới và cũ. Nhưng gần như tất cả rocket và tên lửa đều là vũ khí do Iran thiết kế, được tuồn lậu vào Gaza dưới dạng các bộ phận và sau đó được lắp ráp bí mật.
Theo các cựu quan chức tình báo Mỹ, cả Israel và Ai Cập đều đã cố gắng giám sát việc buôn lậu các bộ phận tên lửa từ Iran thông qua các đường hầm bên dưới Bán đảo Sinai. Năm 2021, Israel báo cáo đã phá hủy khoảng 100 km đường hầm dưới lòng đất và xây dựng các hàng rào ngầm sâu 50 mét. Ai Cập cũng đang nỗ lực bịt kín đường hầm giữa Gaza và bán đảo Sinai của họ. Nhưng không có rào cản nào là hoàn hảo. Các cựu quan chức Mỹ cho biết, ngoài các tuyến đường ngầm và hàng hải, các bộ phận tên lửa và tên lửa còn được buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới hợp pháp.
Dải Gaza đã bị Israel phong tỏa với sự hẫu thuận của Ai Cập kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát dải bờ biển vào năm 2007. Lệnh phong tỏa của Israel đã hạn chế nhập khẩu hàng hóa có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí, bao gồm cả thiết bị điện tử và máy tính, đồng thời ngăn cản hầu hết người dân rời khỏi lãnh thổ. Căng thẳng giữa Israel và Palestine cũng gia tăng trong nhiều tháng, cùng với những cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện.
Phần lớn sự chú ý gần đây tập trung vào Bờ Tây bị chiếm đóng, nơi các hoạt động quân sự lặp đi lặp lại của Israel đã gây ra các cuộc đấu súng thường xuyên với phiến quân Palestine. Các binh sĩ Israel và Palestine ở Dải Gaza cũng tham gia vào các cuộc giao tranh ăn miếng trả miếng quy mô nhỏ.
Mùa xuân năm nay, Giám đốc CIA William J. Burns cảnh báo rằng bất chấp tiến bộ ngoại giao trong khu vực, căng thẳng giữa Israel và Palestine có thể bùng phát trở lại. Nhưng Israel dường như đã tập trung nhiều hơn vào Bờ Tây như một lo ngại an ninh tiềm năng hơn là Dải Gaza.
Trong những năm gần đây, các cơ quan an ninh Israel ngày càng coi Hamas là một tổ chức quan tâm đến quản trị, tìm cách phát triển nền kinh tế Gaza và cải thiện mức sống cho 2,3 triệu người dân tại đây. Nhưng sự thật là Hamas vẫn luôn coi mục tiêu tiêu diệt Israel là ưu tiên hàng đầu.
Trong những năm gần đây, Israel đã cho phép tới 18.000 lao động Palestine từ Gaza đến làm việc ở Israel, nơi mức lương của họ cao gấp 10 lần so với vùng đất ven biển nghèo khó. Các cơ quan an ninh xem thiện chí này như một cách để duy trì sự bình yên tương đối dọc biên giới. Nhưng với việc xung đột leo thang thành bạo lực như thế này, câu chuyện này sẽ sớm chấm dứt.
Vẫn còn nhiều điều cần phải làm rõ về những gì tình báo Israel biết và những dấu hiệu cảnh báo mà họ đã bỏ lỡ. Câu hỏi tương tự có thể được đặt ra đối với Ai Cập và các chính phủ Ả Rập khác thù địch Hamas và thường âm thầm chia sẻ thông tin tình báo với Israel.
Một câu hỏi quan trọng mà các cơ quan tình báo Mỹ đang phải giải quyết là liệu Iran có liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Hamas và khuyến khích hay thậm chí lên kế hoạch tấn công hay không. Các quan chức Mỹ cho biết Iran có thể đã đóng một vai trò nào đó nhưng vai trò chính xác thì vẫn chưa rõ ràng.
Đối với Iran, liên minh với Hamas là một con bài thương lượng quan trọng. Iran muốn phá hoại nền hòa bình đang hình thành giữa Ả Rập Saudi và Israel. Bởi nước này cho rằng, một nền hoà bình giữa Ả Rập và Israel đồng nghĩa với việc họ sẽ bị Tel Aviv dồn toàn lực nhắm tới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 9/10 cho biết quân đội Israel đang mở cuộc tấn công nhằm vào Hamas với lực lượng “chưa từng có” và các cuộc không kích vào Gaza chỉ là bước khởi đầu. Đã có những tiếng nói từ quan chức Israel cho biết, nếu Iran có liên quan thì họ cũng sẽ không ngần ngại tấn công vào lãnh thổ nước này. Một Trung Đông bùng nổ đại chiến đang ở trước mắt chúng ta…
Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)