Trân Văn (VOA)
13-10-2023
“Tôi mày mò tra trên Google, thấy chưa đâu lắm ngày này, ngày nọ như ta.”
Dường như chỉ có hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức nhớ Ngày Doanh nhân Việt Nam – 13 tháng 10 hàng năm. Nói như thế vì ngoài chuyện Bộ Chính trị ban hành một… nghị quyết để xác định sẽ “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” (1), chính phủ mời đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham dự một cuộc tọa đàm (2) và hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt tán tụng doanh giới bằng đủ loại mỹ từ (3), chẳng có bao nhiêu người sử dụng mạng xã hội bận tâm đến ngày này…
Dẫu chẳng có bao nhiêu người bận tâm nhưng trên mạng xã hội không phải là không có ai ngẫm nghĩ, chia sẻ những suy tư về kinh doanh, làm giàu ở Việt Nam và tuy không đáng kể nhưng rất đáng ngẫm nghĩ. Chẳng hạn một Huynh Van Diep kể khơi khơi về việc tham dự buổi thảo luận nhân dịp 13 tháng 10. Theo Diep, hôm ấy, một doanh nhân thuộc loại có số má hỏi ông: Vì sao lại chọn ngày 13 tháng 10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam? Diệp không trả lời mà hỏi ngược lại người hỏi lẫn cử tọa: Thưa quý vị, tại sao ở xứ mình, địa chỉ không có số nhà 13? Doanh nhân đã hỏi ông Diep nhận xét: Địa chỉ nhà và Ngày Doanh nhân Việt Nam có liên quan gì với nhau đâu mà ông hỏi vớ vẩn thế? Diep kể thêm: Tôi cười to trả lời, tự hiểu đi ông doanh nhân ạ? Biết chuyện, Giang Phạm Hương – một trong những thân hữu của ông Diep – bình: Dễ hiểu đến vậy nhưng không hiểu mà còn dám nhận là doanh nhân! Ông Nguyen Trung Dan – một thân hữu khác của ông Diep – bình thêm, cũng theo kiểu khơi khơi: Giống như đi tìm lá diêu bông! Có ngày đó hay không thì doanh nhân vẫn là người vất vả nhất và dễ thất bại khi không biết chọn phe với người có quyền và hối lộ. Thật là cái lá phiêu bồng, cái lá không không (4)!
Tuy nhiên cũng có vài người “nhân cái gọi là Ngày Doanh nhân Việt Nam”, huỵch toẹt như Nguyễn Thông: “Tôi mày mò tra trên Google, thấy chưa đâu lắm ngày này, ngày nọ như ta.” Rồi viết tiếp: “…Chỉ những anh đội cái bệnh hình thức lên đầu đi ngênh ngang giữa đường mới khoái kiểu như vậy. Ngày nghiếc cũng là thứ bệnh, bệnh nặng, cùng khối u với bệnh ưa cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu. Vừa lừa dối, vừa mị dân. Năm 2004, ông Phan Văn Khải thay mặt nhà nước ký quyết định chọn ngày 13 tháng 10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, tới nay đã chẵn 19 năm.”
Giống như “ôn cố, tri tân”, Nguyễn Thông nhắc: Thời xưa, các cụ xứ ta xếp bốn tầng lớp đáng để ý nhất trong xã hội là “sĩ, nông, công, thương”. Khi cộng sản làm cách mạng, họ chủ trương “trí, phú, địa, hào (trí thức, phú nông, địa chủ, cường hào) – đào tận gốc trốc tận rễ”. Chả hiểu tại sao người ta lại thích số bốn đến thế. Tới khi cướp được chính quyền, phe cách mạng đưa lên ban thờ nhóm “công, nông, binh” – chỉ ba thành phần thôi. Mãi về sau họ giật mình khi nghe thiên hạ, nhất là những anh có chữ, có học eo xèo nên bổ sung “trí” cho thành bộ tứ “công, nông, binh, trí” nhưng bắt trí đứng ở cuối hàng. Những người còn lại trong xã hội chỉ là công dân hạng hai, “bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”, đâu có doanh diếc gì. Có một giai đoạn rất dài dưới sự cai trị của nhà nước công – nông, khi viết lý lịch mà khai thành phần gia đình hoặc cha mẹ là buôn bán, tiểu thương, thương nhân,… thì không khác chi hạ dấu chấm hết cho tương lai mình. Trong con mắt nhà cai trị, đó là đối tượng, thành phần bóc lột, cùng duộc với bọn tư sản. Cộng sản cực kỳ ghét tư sản, nếu bắn nghìn viên đạn vào đầu thằng tư sản họ cũng bắn, không tiếc đạn.
Dẫn chứng chả khó kiếm. Bà Nguyễn Thị Năm không phải chỉ là địa chủ mà còn là doanh nhân cực kỳ tài giỏi, nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Bà đã chết bởi những viên đạn thù của đám khố rách áo ôm nắm quyền, bởi chúng ghét người giàu. Gần hơn nữa, thập niên 1980, có mấy ai tài giỏi hơn ông Nguyễn Văn Chẩn, được tôn là vua – Vua Lốp. Giỏi, lại biết làm giàu, dù ông làm giàu một cách cực kỳ chính đáng, đáng được trân trọng, tôn vinh nhưng những kẻ ngu muội đã hành ông lên bờ xuống ruộng, bắt giam ông hết lần này đến lần khác, tịch thu tài sản, kê biên – tịch biên nhà xưởng, máy móc. Vua Lốp tội gì? Không hề phản động, thù địch, chống đối gì sất. “Tội” của ông và gia đình là biết làm giàu, làm ra sản phẩm phục vụ đời sống. Tôi đâu dám kể sai. Con cái ông còn sống sờ sờ ra kia, họ là nhân chứng. Nếu ai muốn biết thêm, lên mạng tìm đọc ký sự “Vua Lốp” của nhà văn Trần Huy Quang (người đã viết những tác phẩm lừng danh, trong đó có truyện ngắn “Linh nghiệm” và ký sự “Lời khai của một bị can”) [5]…
Cũng nhân “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, Lê Huyền Ái Mỹ kể chuyện doanh nhân Nhật, những Shibusawa Eiichi – “ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật”, người thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại, các công ty dẫn đường cho lĩnh vực dệt vải, đóng tàu, bảo hiểm, hàng hải… và luôn đề cao đạo đức trong kinh doanh (“nhà kinh doanh phải là người yêu nước và có hoài bão đem năng lực cải tiến xã hội, góp phần vào việc xây dựng đất nước và làm cho đồng bào mình được ấm no”, Matsushita Konosuke – người sáng lập công ty tổng hợp điện và điện từ Matsushita ngày nay mang tên Panasonic, chọn National làm tên của loại tivi mới vì nghĩ rằng, sản phẩm, trước hết phải phục vụ tốt nhất cho đồng bào mình, “cặp” Ibuka Masaru và Morita Akio – những người sáng lập đế chế Sony với tôn chỉ “cần dùng sức mạnh của công nghệ để góp phần vào việc phục hưng kinh tế cho tổ quốc của chúng ta”, Toyoda Eiji – người đã hiện thực hóa “công ty Toyota được lớn mạnh như hiện nay là nhờ ân huệ của môi trường xã hộ, do đó, điều quan trọng là công ty phải đáp đền ân huệ đó đối với xã hội”…
Lê Huyền Ái Mỹ nhắc lại nhận xét của ông Trần Văn Thọ về những doanh nhân vừa kể: Những doanh nhân vĩ đại ấy mang tinh thần doanh nghiệp (bao gồm nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, tích cực đầu tư, tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng chịu đựng rủi ro; mưu tìm lợi nhuận chứ không mưu tìm đặc lợi). Họ lớn lên, nuôi dưỡng, kích thích và bảo vệ bởi một bộ máy quan chức nhà nước có tinh thần dân tộc cao, được đào tạo, tuyển chọn, sử dụng thực chất, minh bạch và đặc biệt liêm chính. Song song với một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh làm hạn chế những quyết định thiếu công minh của quan chức, sự giám sát, phê phán của xã hội đối với quan chức nhà nước rất chặt chẽ, nghiêm khắc làm cho quan chức nhà nước phải hết sức giữ gìn, thận trọng…
Rồi bà Mỹ viết thêm: Đến đây, lại nhớ cái cảnh cười ra nước mắt ở phiên tòa “giải kíu ngạo nghễ” hôm nào được tường thuật trên báo: “Bị cáo Dương thấy bị cáo Kiên quát tháo: Tôi biết các anh nộp 150 triệu mỗi chuyến cho anh Tuấn (bị cáo Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý XNC) thì các anh cũng nộp cho tôi 150 triệu đồng, các anh nộp cho Tuấn cả 300 triệu đồng rồi anh Tuấn đưa lại cho tôi hoặc đưa cho tôi rồi tôi đưa anh Tuấn. Nếu không nộp thì không được cấp phép”. Đến đây lại lướt báo tung hoa ngày 13 tháng 10 năm nay, thấy con số mà VCCI vừa công bố “10% người Việt là doanh nhân. Nếu tính cả người làm kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể đạt con số 10 triệu”. Mừng đến lã chã nước mắt. Thật! Đã thế, lại còn mong muốn chính phủ “đã yêu thương doanh nghiệp thì yêu thương nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn thì tháo gỡ hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn“. “Doanh nghiệp mong chính phủ là điểm tựa những lúc tụt huyết áp…”. Không đọc nữa! Không đọc nổi (6)
“Ngày Doanh nhân Việt Nam” cũng là dịp để Lương Vĩnh Kim bày tỏ sự trăn trở về “giàu”: Việt Nam thống nhất đã gần 50 năm nhưng vẫn nghèo với một xã hội được tổ chức và quản lý rất kém. Không phải vì chiến tranh sinh ra tụt hậu mà chủ yếu là vì chúng ta chưa bao giờ làm qua, chưa bao giờ giàu qua và chưa bao giờ tổ chức được một xã hội dân chủ, văn minh như thế giới G7. Tụt hậu là từ đời ông cha của chúng ta cho đến đời ta. Quê ta, chỉ biết trồng lúa, đi lính, xin viện trợ, sau chiến tranh, chúng ta lại quay về núp lũy tre làng, quờ quạng trồng lúa, hoặc “tay bị tay gậy” tứ tán trông chờ ngoại bang. Chúng ta chưa chế tạo được sản phẩm công nghệ nào mang tầm vóc thương hiệu quốc gia.
Nước Nhật gặp thảm hoạ động đất, sóng thần, gây nên cảnh đổ nát tan hoang. Cả thế giới dõi theo với sự cảm thông, chia sẻ, đồng thời ngưỡng mộ dân tộc Nhật. “Gia bần tri hiếu tử” – trong bối cảnh hoạn nạn này, người Nhật càng bộc lộ những phẩm chất mà chúng ta phải phấn đấu bền bỉ, mất nhiều thế hệ mới có thể hy vọng vươn tới được: Tiền bay lả tả không ai nhặt. Em bé chín tuổi, mất cha mất mẹ, đói lả, sắp hàng để chờ được lãnh phần ăn, khi chưa đến lượt mình mà có người cho phần ăn, em mang lên nộp phần ăn ấy để phân phát chung, rồi quay về vị trí cũ, tiếp tục xếp hàng chờ… Với những con người như thế, dân tộc Nhật đã vượt qua thảm họa bom nguyên tử và sóng thần dễ hơn chúng ta giải quyết nạn khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, lấn đường – kẹt xe! Dân tộc Nhật không chỉ giàu về của cải mà họ còn rất giàu về văn hoá. Nhờ văn hoá, họ làm giàu và đồng thời, nhờ làm giàu mà họ hình thành văn hoá của người làm giàu đã mấy trăm năm nay... Phải làm thì mới tìm ra cách làm và sản sinh ra văn hoá làm. Phải làm giàu thì mới tạo ra thói quen làm giàu. Điều quan trọng nhất là phải để lại cho thế hệ sau cách làm giàu và văn hoá làm giàu (7).
***
Chẳng bao nhiêu quốc gia có “Ngày Doanh nhân” như Việt Nam, cũng chẳng bao nhiêu quốc gia có những doanh nhân lẫy lừng vì giàu nhanh nhờ muốn gì được đó kể cả “chọc Trời, khuấy nước” nhưng sự nghiệp chỉ tồn tại được một thời gian rồi bị tống giam, lãnh án tù như Việt Nam. Khó mà tìm thấy quốc gia nào có những… nghị quyết liên quan đến việc “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân” (8) tồn tại song song với những nghị quyết, chỉ thị, công điện,… hối thúc “xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp” (9). Vì sao lại thế?
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/doanh-nghiep-mong-chinh-phu-la-diem-tua-nhung-luc-tut-huyet-ap-4663722.html
(9) https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=196835