Cao Phong
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã đàn áp một số ngành nghề đặc biệt, cùng với sự bất ổn xung quanh nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch, khiến tầng lớp giàu có và thậm chí cả tầng lớp trung lưu của Trung Quốc cảm thấy hoang mang. Ngày càng có nhiều người giàu chọn cách chuyển tài sản ra nước ngoài thông qua các kênh ngầm để vượt qua sự kiểm soát ngoại hối của chính phủ.
Sau đại dịch, ngày càng nhiều người Trung Quốc bắt đầu chuyển tài sản ra nước ngoài với hy vọng đa dạng hóa tài sản hoặc chuẩn bị cho việc di dân ra nước ngoài trong tương lai.
Bloomberg News hôm 9/10 đưa tin, nhiều người giàu Trung Quốc không chọn các kênh chính thức khi chuyển nhượng tài sản mà thay vào đó dựa vào các ngân hàng ngầm.
Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), nhà bình luận tài chính ở Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng ở Trung Quốc, các ngân hàng ngầm xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng khác nhau.
Ông Thái Thận Khôn cho biết: “Một vài người trong số họ đã thay đổi diện mạo và xuất hiện dưới danh nghĩa các công ty thương mại lớn. Họ có thể trả đô la Mỹ từ hoạt động buôn bán ở nước ngoài, sau đó nhận Nhân dân tệ trong nước để kiếm chênh lệch giá. Nhiều người trong số họ thu thập lượng lớn căn cước công dân, hoặc là mượn người ở quê hoặc đồng hương. Ngày nay nhiều khoản tiền lớn được chia thành nhiều phần nhỏ, trước đây một lần chuyển khoản có thể trị giá hàng triệu, hàng chục triệu, nhưng bây giờ mỗi lần chuyển rất nhỏ, có thể là hàng trăm ngàn nhân dân tệ. Ngoài ra còn có một loại khác nữa đó là chấp nhận tiền nhân dân tệ trong nước với thân phận là nhà đầu tư nước ngoài, cho phép bạn chọn một dự án đầu tư phù hợp và họ có cách trả cho bạn ngoại tệ ở nước ngoài.”
Một số ngân hàng ngầm nhờ vào nhóm tội phạm để huy động vốn
Bloomberg dẫn lời cơ quan chức năng của Vương quốc Anh cho biết, nhiều ngân hàng ngầm ở Trung Quốc thường dựa vào các nhóm tội phạm để huy động tiền mặt thông qua các hoạt động như buôn bán ma túy, buôn lậu thuốc lá, v.v. Ông Thái Thận Khôn mô tả rằng các ngân hàng ngầm của Trung Quốc thiếu sự giám sát và phải tìm không gian để tồn tại ở những vùng xám.
Ông Thái Thận Khôn cho biết: “Bây giờ các ngân hàng phương Tây đôi khi đóng băng tiền (từ các ngân hàng ngầm). Lý do là một số tiền ở Hồng Kông đến từ các nhóm buôn bán ma túy. Chỉ cần bạn dính líu đến các nhóm buôn bán ma túy hoặc các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, thì rủi ro của số tiền này là rất lớn và có thể dễ dàng bị đóng băng. Các ngân hàng phương Tây hiện nay về cơ bản có ‘thời gian khóa’ ba tháng. Trong ba tháng này, miễn là tổ chức chống rửa tiền không tra được số tiền đó thì nó là hợp pháp. Cá nhân tôi cho rằng ngay cả với sự kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, số tiền chuyển ra khỏi Trung Quốc ít nhất cũng phải hàng trăm tỷ USD, một con số khổng lồ và đáng kinh ngạc.”
Thế giới bên ngoài không có cách nào xác nhận quy mô hoạt động của ngân hàng ngầm ở Trung Quốc, nhưng hai năm trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng bộ phận quản lý ngoại hối và cơ quan công an đã phá một vụ án ngân hàng ngầm lớn ở Cam Túc, liên quan đến tổng số tiền lên tới 75,6 tỷ nhân dân tệ và hơn 8.000 tài khoản liên quan, các điểm mở tài khoản trải rộng trên 20 tỉnh ở Trung Quốc.
Người giàu Trung Quốc không thể chuyển một lượng lớn tiền mặt một cách hợp pháp
Trung Quốc thực hiện kiểm soát ngoại hối, và có những giới hạn nghiêm ngặt về lượng ngoại hối mà mỗi người có thể thanh toán mỗi năm. Ngoài ra còn có những giới hạn về số lượng nhân dân tệ hoặc ngoại tệ tiền mặt có thể được mang ra khỏi đất nước. Chỉ khi di dân mới có thể nộp đơn xin chuyển dịch toàn bộ tài sản một lần. Ông Thái Thận Khôn cho rằng việc người giàu không có khả năng chuyển lượng lớn tiền mặt ra nước ngoài thông qua các kênh hợp pháp là yếu tố dẫn đến sự phổ biến của các kênh ngầm.
Ông nói: “Bởi vì hạn ngạch ngoại hối hàng năm của Trung Quốc cho mỗi công dân Trung Quốc là 50.000 đô la Mỹ, bạn phải điền nguồn và mục đích chuyển ra nước ngoài, bạn phải điền rõ ràng. Bạn cũng phải báo cáo lên Cục Quản lý Ngoại hối để xem xét. Đối với số tiền lớn hiện nay, hầu như không có cách nào để chuyển tiền ra khỏi lãnh thổ.”
Mạng lưới ngân hàng ngầm của Trung Quốc trải rộng khắp thế giới, thậm chí có người còn cho rằng các tổ chức này đang hoạt động ở bất cứ nơi nào có đông người Hoa ở nước ngoài. Thông tin tình báo từ chính quyền Anh cho thấy, các ngân hàng ngầm này sẽ chuẩn bị trước số tiền lớn để người nhận có thể nhanh chóng chuyển đổi nhân dân tệ sang nội tệ.
Ông Thái Thận Khôn nói: “Mỗi ông chủ lớn hay nhỏ đều có những quan chức khác nhau đằng sau để phê duyệt. Ông chủ lớn phải có quan chức lớn, còn công ty cỡ vừa phải có quan chức cấp trung. Nói cách khác, trong số tiền mà công ty kiếm được có bao nhiêu là quan chức phải lấy, nhưng bây giờ sau chiến dịch chống tham nhũng, các quan chức cũng không dám lấy tiền trong nước.”
Nhiều người Trung Quốc giàu có quan tâm đến bất động sản và đầu tư tài chính ở nước ngoài, nhưng ông Thái Thận Khôn cho biết, khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt giám sát, nhiều nhà đầu tư phải dựa vào các ngân hàng ngầm để huy động vốn.
Ông nói: “Ví dụ như một khách sạn có giá trị 10 tỷ USD, nhưng trong khi ký hợp đồng, nó được ký kết với giá trị là 20 tỷ USD. Sau khi thêm vào 10 tỷ USD, tiền này sẽ được chuyển cho đối tác sau vài lần. Có nhiều doanh nghiệp tại sao làm thế lại không thể chứ? Tôi có thể giúp bạn rửa 10 tỷ USD và thu thêm một khoản phí, rồi sau đó có thể thu thêm một hoặc hai chục triệu đô la của bạn. Nhưng kể từ khi Chính phủ Trung Quốc phát hiện ra các vấn đề này, ngay cả các doanh nghiệp nhà nước cũng phải được phê duyệt nghiêm ngặt khi đầu tư ra nước ngoài. Bây giờ khi mua nhà ở nước ngoài, một căn nhà có giá vài chục triệu USD, còn có cả trăm triệu USD, đều là tiền được rửa qua các cơ sở tài chính ngầm.”
Nghiên cứu: 150 tỷ USD chảy ra khỏi Trung Quốc trong năm nay
Bloomberg dẫn lời các chuyên gia kinh tế từ ngân hàng nước ngoài Natixis của Pháp cho biết, nhiều du khách Trung Quốc tận dụng việc đi du lịch nước ngoài để chuyển tiền mặt. Các học giả ước tính dựa trên dữ liệu du lịch rằng 150 tỷ USD sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc vào năm 2023.
Một cố vấn tài chính nói với Bloomberg rằng nhu cầu chuyển tài sản ra nước ngoài của khách hàng Trung Quốc tăng cao có liên quan đến sự bất ổn của căng thẳng địa chính trị và chính sách “thịnh vượng chung” khiến người giàu và thậm chí cả tầng lớp trung lưu cảm thấy bị đe dọa. Ông Tăng Vĩ Phong (Wei-Feng Tzeng), trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đại Lục tại Đại học Tamkang ở Đài Loan, lại bày tỏ quan điểm khác trong cuộc phỏng vấn với VOA.
Ông Tăng Vĩ Phong cho biết: “Trong những năm gần đây, việc Trung Quốc chỉnh đốn các doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như ngành Internet, đã khiến nhiều người giàu có thấy rằng Trung Quốc đang hạn chế sự tăng trưởng nhanh chóng của của cải. Điều này cũng liên quan đến ‘doanh nghiệp nhà nước tiến lên, doanh nghiệp tư nhân thoái lùi’. Có vẻ như Trung Quốc hiện đang muốn quốc hữu hóa tài sản. Tài sản của nhiều người giàu có ở Trung Quốc có liên quan đến sự thông đồng giữa quan chức và doanh nhân. Ông Tập Cận Bình vẫn đang quyết liệt chống tham nhũng trong nhiệm kỳ thứ ba và cường độ vẫn không hề suy giảm.”
Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, chính quyền tìm mọi cách để chống tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra ngoài. Trong những năm gần đây, họ cũng đã trấn áp hoạt động cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp và cờ bạc xuyên biên giới.
“Mạnh tay chỉnh đốn cái gọi là vấn đề cờ bạc ở nước ngoài, chẳng hạn như sòng bạc ở Campuchia và sòng bạc ở Philippines, đặc biệt là sòng bạc trực tuyến. Nhiều trong số đó là do người Trung Quốc đánh bạc và mục đích của cờ bạc Trung Quốc là rửa tiền ra nước ngoài. Nếu tình trạng tương tự tiếp diễn, tôi tin Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề này một cách cụ thể,” ông Tăng Vĩ Phong nói.
Theo Cao Phong, VOA