Viên Minh
Tờ Daily Mail của Anh mới đây bất ngờ đưa tin rằng tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 của Trung Quốc đã gặp phải tai nạn thảm khốc ở Hoàng Hải, khiến 55 người thiệt mạng, báo cáo cũng cho biết thông tin này đến từ cơ quan tình báo của Anh. Tin tức này vừa đưa ra đã tạo nên những chấn động to lớn, nhưng liệu đó có phải là sự thật hay không? Trong khi đó, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan liên tục nóng bỏng. Không chỉ Trung Quốc đại lục liên tục phát triển vũ khí, thiết bị quân sự mà Đài Loan cũng không chịu kém cạnh. Tàu ngầm đầu tiên của Đài Loan mang tên Hải Côn đã chính thức được hạ thủy vào ngày 28/9 vùa qua. Điều này sẽ có tác động gì đến tình hình tương lai ở eo biển Đài Loan?
Tổng biên tập thời báo Epoch Times là bà Quách Quân cho biết trong chương trình “Tinh Anh Luận Đàm” của đài truyền hình NTD rằng: Tờ “Daily Mail” dẫn tin tình báo quốc phòng Anh đưa tin rằng tàu ngầm hạt nhân Type 093 mang số hiệu 417 của Trung Quốc đã xảy ra tai nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Hải vào ngày 21 tháng 8. Nguyên nhân tai nạn của tàu là do bị mắc bẫy bởi chính phía Trung Quốc giăng ra. Báo cáo cho rằng, lưới chặn này được Bắc Kinh giăng ra nhằm ngăn chặn tàu ngầm nước ngoài, nhưng kết quả lại khiến tàu ngầm của mình mắc bẫy.
Báo cáo cũng cho biết, sau khi tàu ngầm này mắc kẹt, hệ thống cung cấp oxy gặp sự cố, dẫn đến sự cố nghiêm trọng, tàu ngầm không thể nổi lên mặt nước, khiến 55 người thiệt mạng, trong đó có 22 sĩ quan, 7 học viên sĩ quan, 9 hạ sĩ quan, 17 thủy thủ. Thuyền trưởng tàu ngầm là Tiết Vĩnh Bằng cũng thiệt mạng. Dù vậy, Hải quân Hoàng gia Anh hiện từ chối bình luận hoặc đưa ra bất kỳ câu trả lời nào về vấn đề này.
Bà Quách cho biết, tờ “Daily Mail” có số lượng phát hành rất lớn ở Anh và nó là tờ báo lớn thứ hai. Nhưng tính chính xác về thông tin của tờ báo này vẫn rất có vấn đề. Trước đây từng phát sinh một số vụ tin giả, khiến độ tin cậy của tờ báo này không được cao. Điều được nó đưa tin nhiều nhất là những vụ bê bối của hoàng gia, cũng như những vụ bê bối tình dục của những người nổi tiếng, v.v., vì vậy độ tin cậy của nó vẫn cần được xác minh lại.
Ông Diêu Thành, Cựu Trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cũng bày tỏ rằng, tờ Daily Mail cho biết tàu ngầm đã va phải thiết bị chặn do Trung Quốc triển khai dưới đáy biển. Những thiết bị này nhằm ngăn chặn tàu ngầm nước ngoài tiến vào Hoàng Hải. Những thiết bị này là có thật, để ngăn chặn tàu ngầm hạt nhân nước ngoài tiến vào, chúng được lắp đặt ở dưới Biển Đông và Hoàng Hải. Tuy nhiên, báo cáo này cho biết, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 số 417 của Trung Quốc đã mắc phải lưới chặn do chính nước này triển khai, điều này rõ ràng là rất khó xảy ra, nếu không muốn nói là không thể.
Tàu ngầm hạt nhân ra khơi phải được sự chấp thuận của Hải quân, phải báo cáo Quân ủy để lập hồ sơ, phải nộp cho Bộ chỉ huy Bộ Tham mưu Tác chiến. Hồ sơ kế hoạch được làm rất kỹ lưỡng, thậm chí trong đó nói rõ rằng nơi nào có thiết bị bẫy được triển khai, nơi nào tàu không được đi vào. Đây là một nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ hai là sau khi tàu ngầm khởi hành, quỹ đạo của nó được theo dõi và giám sát từng giây từng phút trên màn hình lớn của sở chỉ huy. Vì vậy, nếu chiếc tàu ngầm này đi đến một nơi có chướng ngại vật, bộ chỉ huy chắc chắn sẽ ra lệnh buộc họ thay đổi hướng đi và không cho phép đi qua nơi đó. Vì vậy, nếu nói tàu ngầm Trung Quốc va phải thứ gì đó, hơn nữa lại là cái bẫy do chính nó giăng ra, điều này thật khó xảy ra.
Sau khi tin này được đưa ra, lại có một tuyên bố khác còn khó tin hơn, cho rằng vụ va chạm đã khiến cho thiết bị phát điện trên thuyền gặp trục trặc, thiết bị cung cấp oxy và hệ thống cung cấp oxy ngừng hoạt động khiến người ở bên trong bị nhiễm độc và chết vì thiếu oxy.
Chúng ta đều biết rằng độ sâu trung bình của Hoàng Hải là 44 mét, và nếu ở độ sâu sâu nhất có một rãnh nhỏ thì cũng chỉ có 140 mét. Vì vậy, sau khi tàu ngầm hạt nhân gặp tai nạn dưới đáy biển, có hai cách để trốn thoát, một là cabin cứu hộ, có thể chứa tới 20 người, sau khi mọi người vào trong, họ rời khỏi tàu ngầm và nổi lên mặt nước để chờ đợi cứu hộ từ bên ngoài.
Thứ hai là thủy thủ đoàn của tàu ngầm có thể thoát hiểm bằng cách bò ra từ ống phóng ngư lôi. Tất cả thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân, kể cả thủy thủ đoàn tàu ngầm thông thường, đều trải qua nhiều lần huấn luyện về kỹ năng thoát hiểm. Vì vậy, tin tức mà truyền thông Anh đưa ra thật sự khó đáng tin cậy, nói rằng chỉ trong 6 giờ đồng hồ mà bên trong con tàu đã có hơn 50 người chết, không một ai sống sót để đi ra ngoài, điều này là không thể.
Nếu tàu ngầm hạt nhân thật sự xảy ra chuyện, thì đó sẽ là một tai nạn nghiêm trọng. Còn nhớ vào năm 2003, một chiếc tàu ngầm thông thường Type 035 của Trung Quốc bị chìm. Khi đó Tư lệnh Hải quân Thạch Vân Sâm và chính ủy Dương Hoài Khánh đều bị cách chức, đây là một chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường kiểu cũ sắp bị đào thải. Cho nên lần này có tin tàu ngầm hạt nhân gặp tai nạn, hơn 50 người chết, dù là ở phương diện nào, tính chất lần này cũng lớn hơn nhiều so với vụ tai nạn của lần trước đó. Vậy thì tại sao Tổng tư lệnh Hạm đội Bắc Hải vẫn ngồi vững trên cương vị của mình?
Chúng ta hãy khoan nói đến chuyện khác, trong vụ tai nạn lần trước thì Tư lệnh Hải quân bị cách chức, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải Đinh Nhất Bình bị giáng xuống làm Phó Tham mưu trưởng. Vì vậy, nếu có chuyện gì xảy ra với tàu ngầm hạt nhân và hơn 50 người thiệt mạng thì ít nhất chỉ huy Hạm đội Bắc Hải sẽ phải chịu trách nhiệm. Hạm đội Bắc Hải căn bản không có động tĩnh gì, chuyện này giải thích thế nào đây? Hơn nữa, những điều họ tiết lộ hoàn toàn không phù hợp với hiểu biết cơ bản trong quân sự.
Ông Thạch Sơn, biên tập viên cao cấp và chủ bút của Thời báo Epoch Times, cho biết rằng Trung Quốc có số lượng tàu ngầm đứng thứ hạng cao trên thế giới. Trung Quốc mặc dù có số lượng tàu ngầm lớn, nhưng chất lượng lại rất kém, vì phần lớn là tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường, cộng với các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 093 đời đầu, nhưng chất lượng thực tế không tốt lắm.
Ông Thạch chia sẻ thêm rằng, ngày trước bản thân ông có đọc một số tài liệu chính thức của Mỹ, tức là tài liệu của Hải quân Mỹ, họ đều nói đùa rằng Hệ thống giám sát âm thanh của họ được đặt tại Singapore. Ngay khi hải quân Trung Quốc vừa ra khỏi đảo Hải Nam, âm thanh giống như khua chiêng đánh trống đi ra khỏi nhà vậy, âm thanh rất rõ ràng. Đối với phía Mỹ, điều họ lo lắng nhất không phải là việc tàu ngầm hạt nhân tấn công ra trận với vũ khí thông thường, mà điều họ lo lắng nhất là tàu ngầm hạt nhân chiến lược, đó là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược với tên lửa đạn đạo Cự Lang-3 có thể phóng hạt nhân từ tàu ngầm.
Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc được chia thành hai căn cứ, căn cứ đầu tiên ở Thanh Đảo là tàu ngầm hạt nhân tấn công, nặng khoảng dưới 8.000 tấn. Căn cứ ở vịnh Á Long trên đảo Hải Nam là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược, Type 094 về cơ bản khi nạp đầy tải trọng cũng lên tới hàng chục nghìn tấn. Như vậy Trung Quốc hiện có 11 tàu ngầm hạt nhân tấn công, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược là Type 094 mà mọi người nhìn thấy, chính là có 6 chiếc. Trên thực tế, thì có 1 chiếc đã được hạ thủy, vậy tổng cộng là 7 chiếc. Tàu ngầm Type 094 sau đó được gọi là tàu ngầm Type 094A. Vì vậy, tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm Julang-2 phóng từ tàu ngầm Type 094 trước đó có tầm bắn khoảng 8.000 km. Bây giờ chiếc Type 094A có lưng rùa cao hơn và nếu phóng tên lửa Cự Lang-3 thì tầm bắn có thể lên tới 12.000 km. Cự Lang-3 chính là phiên bản phóng từ tàu ngầm của tên lửa đất liền Dông Phong-41.
Để kiềm chế Trung Quốc, Hoa Kỳ hiện sử dụng nhóm tác chiến tàu sân bay của mình. Tuy nhiên, do Trung Quốc có khả năng tấn công bão hòa tên lửa mạnh mẽ nên các hàng không mẫu hạm của Mỹ nhìn chung sẽ không tiếp cận eo biển Đài Loan, và thường sẽ tập trung ở cự ly an toàn cách đó 1.000 km. Vậy làm thế nào để bóp nghẹt Trung Quốc một cách hiệu quả? Hoa Kỳ chính là cần sử dụng tàu ngầm hạt nhân tấn công.
Hiện tại Hoa Kỳ có 4 loại tàu ngầm hạt nhân. Trong đó tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf là loại tiên tiến nhất, chỉ có 3 chiếc. Ban đầu Hoa Kỳ vốn muốn chế tạo nhiều chiếc, tuy nhiên trong quá trình chế tạo, vừa khéo Liên Xô đã giải thể, nên không cần chế tạo nhiều như thế nữa. Mỹ đã chế tạo một số lượng lớn tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, tổng cộng có 62 chiếc đã được chế tạo, nhưng có những chiếc đã bị cho vào kho, hiện chỉ có 26 chiếc có thể sử dụng.
Ngoài ra còn có các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược được gọi là lớp Ohio, có khoảng 18 chiếc, trong đó có 4 chiếc đã được chuyển đổi thành tàu ngầm hạt nhân tấn công. Trên thực tế, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược của Mỹ cũng được trang bị một số ngư lôi có thể tấn công tàu bè và cũng có vũ khí tấn công trên không. Tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất hiện nay được Mỹ chế tạo là tàu ngầm lớp Columbia, đây là lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, có lượng giãn nước 28.000 tấn, Mỹ sẽ đóng 12 tàu ngầm để thay thế các tàu ngầm lớp Ohio cũ.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc có một điểm yếu rất lớn, chính là không có năng lực chống ngầm, điều này đã được cả thế giới công nhận. Tàu ngầm Hải Côn do Đài Loan sản xuất hiện nặng hơn 3.000 tấn, được biết nó có 6 ống phóng ngư lôi và được trang bị 18 quả ngư lôi, đồng thời nó còn có thể phóng nhiều tên lửa khác nhau của riêng mình.
Tất nhiên, đối với Trung Quốc, mối đe dọa này sẽ tăng lên rất nhiều, bởi vì Trung Quốc không biết nó ở đâu. Vì vậy, nếu Đài Loan có tàu ngầm thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc. Mặt khác, nếu Đài Loan có tàu ngầm thì có thể khởi được tác dụng lớn hơn ở phía đông Đài Loan. Bởi vì khi Trung Quốc tấn công Đài Loan, nó cũng có thể áp dụng biện pháp phong tỏa cùng lúc, tức là nó sẽ phong tỏa Đài Loan bằng tàu chiến từ cả hai phía nam-bắc, không có tàu thuyền hay hàng hóa nào có thể ra vào Đài Loan, điều này có thể khiến nền kinh tế của chính Đài Loan sụp đổ. Vì vậy, trong hoạt động phong tỏa và chống phong tỏa này, tàu ngầm có thể sẽ khởi được tác dụng hết sức to lớn. Do độ sâu nước ở eo biển Đài Loan cũng rất nông nên không gian cho tàu ngầm hoạt động cũng bị hạn chế, nhưng ở phía đông thì khác, bởi nước ở phía đông khá là sâu.
Nếu chiến tranh ở eo biển Đài Loan nổ ra, Bắc Kinh chắc chắn sẽ dốc toàn lực để phá hủy các sân bay và bến cảng của Đài Loan. Do đó, máy bay cánh cố định của Đài Loan bao gồm cả chiếc F16, họ cũng có kế hoạch. Một khi chiến tranh bắt đầu phải giấu những chiếc máy bay chiến đấu này đi để đảm bảo sức mạnh, đợi khi chiến tranh bước vào giai đoạn bế tắc hoặc giai đoạn phản công, sẽ sử dụng nó trong việc ngăn chặn các cuộc đổ bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đoạn thời gian sau khi che giấu những chiếc máy bay này khả năng sẽ khiến khả năng phản công của Đài Loan về cơ bản sẽ rơi vào trạng thái bị động, máy bay của Đài Loan không thể cất cánh thì cũng bằng như quyền kiểm soát trên không và trên biển sẽ bị Trung Quốc chiếm mất.
Vậy thứ mà Đài Loan thiếu là gì? Đài Loan thiếu hai thứ. Một là máy bay chiến đấu F35B. Nó cất cánh thẳng đứng và lại có khả năng tàng hình, mang theo bom đạn và bay vào trong đất liền. Không ai có thể nhìn rõ nó, và nó cứ thế bay đến sở chỉ huy của Trung Quốc và thả hai quả tên lửa, sở chỉ huy của Trung Quốc sẽ bị san bằng ngay lập tức, vậy nên đây là mối đe dọa to lớn đối với Trung Quốc. Thứ hai là Đài Loan cần phát triển tàu ngầm, tàu ngầm của Đài Loan sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với quân đội, tàu chiến và tàu đổ bộ của Trung Quốc trong quá trình vượt biển. Chỉ cần Đài Loan có 2 hoặc 3 chiếc tàu ngầm ở vùng eo biển này, thì tàu chiến của Trung Quốc sẽ không dám vượt biển một cách ung dung.
Kế hoạch sản xuất tàu ngầm nội địa của Đài Loan đã được thực hiện trong nhiều năm. Tàu Hải Côn được hạ thủy gần đây hiện đang trong quá trình thử nghiệm phá hủy cảng biển. Chính là trong ụ tàu đã chế tạo xong lớp vỏ, sau đó nó sẽ được đưa vào vịnh để lắp đặt; việc lắp đặt hệ thống sonar, thiết bị vũ khí bên trong. Những công việc lắp đặt này phải đến cuối năm sau, tức là cuối năm 2024 mới được bàn giao cho Hải quân, có lẽ phải đợi đến năm 2025 mới chính thức tham gia hoạt động của Hải quân. Đây là nguyên mẫu tàu ngầm đầu tiên do chính Đài Loan chế tạo. Đài Loan đã mua một lượng lớn thiết bị từ nhiều nước, và cũng đã mời một số chuyên gia quốc tế đến giúp đỡ, nếu mọi việc suôn sẻ, thì việc chế tạo trong tương lai của Đài Loan cũng sẽ dễ dàng hơn.
Vấn đề mấu chốt là tình hình quốc tế đã có những thay đổi lớn, quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Trung-Nhật và quan hệ Trung- u đã hoàn toàn đổi khác. Trước đây, Mỹ vẫn luôn phản đối việc Đài Loan sản xuất tàu ngầm vì cho rằng đây là một loại vũ khí tấn công. Trong khi Mỹ và Nhật Bản đều là những nước sản xuất tàu ngầm lớn. Trong tình hình hiện tại, việc sản xuất tàu ngầm trong tương lai của Đài Loan sẽ dễ dàng hơn trước đây, đồng nghĩa rằng cán cân lực lượng ở eo biển Đài Loan có thể có một bước ngoặt và một sự thay đổi khác.
Theo NTD Tiếng Trung
Viên Minh (biên dịch)