Trong đợt mưa lũ tại miền Trung những ngày vừa qua, TP. Đà Nẵng là khu vực tâm điểm bởi địa phương này thường xuyên xảy ra ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Trong cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ngày 18/10, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết Đà Nẵng liên tục xảy ra ngập lụt ở các khu đô thị có 2 nguyên nhân chính: một là nước ở sân bay tràn xuống, hai là nước ở khu công nghiệp tràn sang. Trong khi đó, khu vực thượng nguồn tại thành phố này không có nước.
Ông Tiến cho rằng vấn đề chống ngập lụt ở các gia đình tại Đà Nẵng vừa qua là “hết sức đơn giản”.
Cụ thể, theo ông Tiến, khi thấy nước tràn từ ngoài cửa vào, chỉ cần dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò, sẽ ngăn cho nước không vào nhà.
Còn nước tràn lên từ hố nước thải, chỉ cần một cái bô hoặc xô chít mỡ bò xung quanh rồi đặt vào khu vực đó thì nước sẽ không tràn qua được. Tuy nhiên, 100% người dân ở đây đều không làm, không chống ngập như cảnh báo.
“Về mặt diện tích, đa số các ngôi nhà của người dân đều có thể chủ động chống được ngập. Tuy nhiên, đa số người dân đều không kê đồ lên cao và sử dụng các kỹ thuật để chống ngập trong khu đô thị. Xảy ra nhiều thiệt hại về tài sản là do sự chủ quan của người dân”, ông Tiến nói.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đợt mưa khoảng ngày 13/10 đến nay tại miền Trung đã gây ngập lụt tại một số địa phương.
Đặc biệt tại TP. Đà Nẵng, nhiều quận, huyện xảy ra ngập lụt. Một số khu vực dân cư trũng thấp bị ngập sâu 40-50cm. Các đoạn đường thường hay ngập thì bị ngập từ 30-40cm.
Thời điểm cao nhất, thành phố phải sơ tán khoảng 7.600 người dân, ước tính 1.500 nhà dân bị ngập lụt và học sinh toàn thành phố phải nghỉ học.
Đến ngày 18/10, tại các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang còn ngập úng cục bộ tại một số vị trí.
Dự báo, mưa lớn hôm nay tập trung từ Thừa Thiên – Huế trở ra các tỉnh Bắc Trung Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế.
Minh Long
Nghệ An: Thủy điện xả lũ trong đêm khi dân đang ngủ
Người dân cũng như lãnh đạo huyện Quỳ Châu đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và cơ quan chức năng xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện, trong đợt mưa lũ hồi cuối tháng 9 gây thiệt hại hơn 177 tỷ đồng.
Mới đây, ông Lê Hải Lý – Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết huyện đã có báo cáo thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra từ ngày 26 và 27/9, trong đó huyện đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và cơ quan liên quan xem xét đánh giá quy trình xả lũ của các thủy điện.
Đợt mưa lũ vừa qua ở huyện Quỳ Châu xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được 310mm, lũ trên các thượng nguồn chảy về lớn.
Đồng thời các nhà máy thủy điện như Nhạn Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông đã xả lũ với lưu lượng 2.000 – 2.500m3/s gây ra đợt ngập lụt diện rộng tại huyện Quỳ Châu.
Ngoài một người chết do lũ cuốn trôi, mưa lũ làm 1.371 nhà ngập, các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực cũng như cơ sở giáo dục, y tế, sản xuất nông nghiệp của người dân bị hư hỏng, thiệt hại.
Ước tính tổng thiệt hại hơn 177 tỷ đồng. Thiệt hại này gấp hơn 6,5 lần tổng thu ngân sách toàn huyện vào năm 2022.
Đáng chú ý, trong báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu nêu “Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ, đánh giá nguyên nhân gây lũ lụt, trong đó xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện trong việc xả lũ ngày 27/9”.
Thủy điện xả lũ trong đêm
Dọc sông Quàng – một nhánh của sông Hiếu trên tại huyện Quỳ Châu có 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động là Nhạc Hạc, Châu Thắng và Nậm Pông.
Theo hồ sơ từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An cung cấp cho thấy, tối ngày 26/9 thủy điện Châu Thắng có thông báo kế hoạch vận hành xả lũ hồ chứa dự kiến từ 4h sáng ngày 27/9, lưu lượng xả từ 76m3/s đến 450m3/s.
Tiếp đó, đơn vị này có thông báo với nội dung do nước hồ tăng đột biến từ việc thủy điện Nhạn Hạc xả khẩn cấp vào lúc 2h sáng 27/9 nên thủy điện Châu Thắng xả khẩn cấp vào lúc 2h35 sáng 27/9, lưu lượng xả từ 76m3/s đến 1.200m3/s.
Sau đó, thủy điện Châu Thắng gửi tiếp thông báo với nội dung hiện tại lưu vực hồ chứa mưa to, rất to, lượng nước về hồ có xu hướng gia tăng, dự kiến mức xả lũ về hạ du có thể đến 2.500m3/s, thời gian xả lũ tăng cường từ 8h30 sáng 27/9.
Trong ngày 27/9, thủy điện Nhạn Hạc cũng thông báo xả lũ với lưu lượng xả tăng cường từ 500m3/s đến 1.100m3/s.
Giải thích lý do vì sao tăng lưu lượng xả lũ trong đêm, ông Hồ Ngọc Thiết – Giám đốc Công ty cổ phần Prime Quế Phong (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Châu Thắng) cho biết theo kế hoạch ban đầu lúc 23h30 tối 26/9, thủy điện có thông báo dự kiến xả lũ lúc 4h sáng 27/9 với lưu lượng 450m3/s.
“Tuy nhiên, lúc 2h sáng 27/9, thủy điện Nhạn Hạc phía trên thông báo xả lũ 1.100m3/s. Tình huống lúc đó bất ngờ, bất khả kháng nên buộc chúng tôi phải thông báo khẩn cấp, xin xả 1.200m3/s”, ông Thiết nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Lê Hải Lý cho hay các thủy điện đều xả lũ với lưu lượng lớn nhưng chỉ thủy điện Châu Thắng có thông báo gửi huyện để huyện có phương án cũng như thông báo tới nhân dân.
“Các nhà máy thủy điện khác chỉ thông báo về cho Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh cũng như Chi cục Thủy lợi nắm và thông tin. Khi huyện nhận được thông báo thì lũ lớn cũng đã ùa về gây ngập lụt rồi.
Nhân dân và địa phương kiến nghị tỉnh có đánh giá toàn diện khách quan, khoa học về nguyên nhân, nhất là quy trình vận hành liên hồ chứa”, ông Lý đề nghị.
thông báo xả lũ trong dêm quỳ châu nghệ an
Thuỷ điện Châu Thắng thông báo xả lũ trong đêm. (Ảnh: Người Quỳ Châu/Facebook)
Nói với báo Tiền Phong, bà Trần Thị Hòa (trú khối 1, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Khoảng 1h sáng ngày 27/9, nước bắt đầu tràn vào sân. Nước chảy như thác đổ, dâng rất nhanh. Chỉ 30 phút sau, nước đã dâng lên nửa bức tường nhà. Đến khoảng 4h sáng, nước đã dâng tận nóc. Chúng tôi phải dỡ mái ngói cầu cứu. Sau gần một giờ đồng hồ, với sự giúp sức của lực lượng công an, vợ chồng tôi mới an toàn. Nếu chậm ít phút thì chúng tôi đã bị lũ cuốn trôi”.
Theo bà Hòa, đây là đợt mưa lũ lịch sử trong hơn 15 năm qua ở địa phương. Mọi đồ đạc trong nhà đều bị lũ cuốn trôi. “Đây là trận lũ lịch sử, vượt trận lũ năm 2009. Nguyên nhân gây lũ lụt rõ ràng là do mưa lớn, nhưng nước lên nhanh còn có thể do nguyên nhân các nhà máy thủy điện xả lũ. Thủy điện thông báo xả lũ lúc 2 – 3h sáng, sau đó lại vận hành xả lũ trước thời gian quy định, người dân làm sao trở tay kịp”, bà Hòa nói.
Ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An cho rằng cơ quan này cũng chỉ nhận thông báo xả lũ từ các thủy điện, sau đó phát thông báo này lên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài địa phương. Còn nội dung thông báo cho huyện, thị là trách nhiệm của nhà máy thủy điện đơn vị trực tiếp vận hành liên hồ chứa – thực hiện trước khi xả lũ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết ngày 13/10, Sở đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc vận hành các hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc. Đoàn kiểm tra gồm các thành viên thuộc Sở Công Thương và Chi cục Thủy lợi. Nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ, quy trình vận hành đơn hồ đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc. Thời gian kiểm tra là 5 ngày.
Khánh Vy