Những lá thư thử thách

Đặng Duy Hưng 

Hùng tâm sự với Annie là đã được nằm qua cái giường xếp của quân đội Mỹ ngày xưa dùng dã chiến ở Việt Nam thời chiến tranh. Có một lần vào thăm ông bà nội Hùng bị lâm vào trận mưa bão lụt lịch sử ở miền trung, may mắn được giải cứu về ở tạm trong trại gia binh cũng nằm cái giường cùng loại nhưng cũ không sạch sẽ như cái này. Annie nhìn anh thương hại: “Nằm tạm vài đêm rồi hội (Hồng thập tự đỏ) sẽ tìm chỗ ở tạm thời cho anh. Nếu thấy đau lưng để em lấy thêm cái gối.”

Mỗi lần trong đời gặp chuyện không may anh lại nhớ đến ông thầy bói toán gần nhà phán một câu: “Dù con sanh ra trong gia đình khá giả nhưng số phận gian nan năm chìm bảy nổi. Sẽ trải qua màn trời chiếu đất sống kiếp lang thang khắp nơi. Hãy nhớ dù cuộc đời đãi ta bạc bẽo đến mức nào nên giữ bản chất thiện lương sẽ có tương lai sáng lạn.” 

Thật lòng mà nói, lúc nhỏ khi nghe đến chuyện bói toán, xin xăm, tử vi xem tuổi tốt xấu, mười điều nhiều lắm anh chỉ tin hai! Bây giờ nhìn lại cuộc đời trôi nổi thuyền mắc cạn ở đảo Hải Nam; đêm nằm ngủ trên bờ cát biển Quảng Châu dưới cơn mưa tầm tã; hay tả tơi trong những ngày đầu tiên trên đất Mỹ tha hương thấm thía tình đời, thì anh bắt đầu tin nhiều hơn.

Mới định cư được hơn hai năm, vừa học, vừa làm anh cứ ngỡ đâu vào đó. Nào ngờ chung cư nơi anh ở bị chạm công tắc điện phát hỏa cháy rụi mất tất cả khi anh đi học về. Vì vậy anh phải vào sống tạm trong sân đấu bóng rổ trường trung học M. Chỉ vui là quen với cô Annie học cùng trường làm thiện nguyện không lương. Nhìn khuôn mặt cô mái tóc để dài xuống vai, lai hai dòng máu da vang và trắng. Sau này anh mới biết gia đình cô từ Đài Loan chạy trốn chiến tranh qua đây lập nghiệp. Ba cô quen cô bạn học người Mỹ trắng rồi lấy nhau mấy năm sau khi tốt nghiệp ra trường.

Nhớ hai ngày sau đó, Annie dẫn anh đến cái phòng trọ nhỏ (studio) được sắm sửa giường mền gối vài vật dụng cần thiết đầy đủ. Nàng kể cho  nghe câu chuyện người đàn ông hiền lành cuộc đời bất hạnh ngày trước tạm trú nơi đây: “Ông ấy ly dị vợ, có một người con trai nghe đâu sống ở thành phố New York. Ông thương con muốn đi thăm nhưng mấy năm sau này sức khỏe yếu mất đi không còn cơ hội nữa.”

Sau một ngày ở đó, anh tình cờ kéo cái hộc tủ ngỡ để trống nhưn hóa ra trong đó có một xấp thư viết sẵn dán tem sẵn sàng nhưng chưa gửi. Ông viết một bức thư riêng nhờ người mới tới ở nhà này hãy làm ơn giúp ông hoàn thành ý nguyện sau cùng của cuộc đời. Kèm theo có năm lá thư viết sẵn gửi cho con trai mong ước mỗi tháng đúng ngày 24 gửi đi để nó nhận vào cuối tháng. Trong hai lá thư có kẹp sẵn một tờ bạc 100 đô. Ông mong ước ai đó hãy giúp ông gửi ba lá thư, sau đó mỗi tháng giúp ông gởi kèm 100 đô. Lời thư ông viết rất cảm động, hứa kiếp sau sẽ làm nô lệ trả lại ơn sâu. Và sau cùng là tấm thiệp mừng sinh nhật con trai 18 tuổi trong đó có sợi dây chuyền vàng. Ông chẳng mong muốn gì hơn vào ngày 8 tháng 5 này, làm ơn đem giùm đến đưa tận tay cho con trai. Làm ơn báo tin ông đã mất nhưng ông mãi mãi yêu thương nó.

Anh  đọc mấy lá thư rơi mà nước mắt lăn xuống má, khi nghĩ lại bản thân mình với tình yêu thương từ cha mẹ hy sinh tất cả để tìm cách đưa qua đây tìm tương lai. Lời cha mẹ thầy cô giáo dạy dỗ bao năm vẫn như văng vẳng bên tai: “Ở hiền gặp lành nghe con. Của phi nghĩa có giàu đâu. Tham thì thâm.”

Từ đó anh ráng sức đi làm thêm để có thêm tý tiền giúp người đàn ông kia hoàn thành ý nguyện sau cùng.

Thế rồi tình bạn anh và Annie ngày càng thân thiết! Cuối tuần anh đi phụ nàng múc cơm, cắt thịt phục vụ người sa cơ lỡ thế. Dù vậy, anh hiểu tương lai cuộc tình hai đứa như hai đám mây tạm bợ nương tựa vào nhau khi bầu trời nắng đẹp không mưa gió bão. Anh chấp nhận nàng ra trường hè năm nay sẽ như tất cả thanh niên thiếu nữ nơi đây nhảy ra bương chải với đời. Phần anh cần ít nhất phải ba năm nữa mới hoàn thành được ý nguyện. Thôi suy nghĩ cũng không điều khiển được những gì không quan lý được. Gần cuối tháng 4 sau khi gửi đi lá thư cuối cùng, vào một buổi tối, anh kể câu chuyện những lá thư và lời ước nguyện của người đàn ông cho nàng nghe. Nàng nghe vui lắm: “Để em nhờ hội giúp cho anh một ít tiền mua vé máy bay cộng thêm ít nhất hai đêm khách sạn.”

Nàng khuôn mặt hớn hở: “Em thật hảnh diện có người yêu với trái tim bác ái.”

Bay từ Los Angeles tới Dallas về khách sạn thì trời đã tối. Anh nằm trên giường suy nghĩ mãi không biết làm sao nói cho đứa con trai vừa 18 tuổi đã mất cha. Khoảng 2 giờ sáng anh mới đi vào giấc ngủ chập chờn. Không hiểu sao anh mơ thấy Annie cầm tay dẫn vào vườn Hồng thật đẹp! 

Hôm nay đứng  trước căn nhà phải gọi là biệt thự mới đúng. Anh xem lại địa chỉ mấy lần rồi hỏi mấy người đi tản bộ cho chắc ăn. Bấm chuông, cửa mở ra, anh giựt mình thấy Annie đứng đó. Nàng  nước mắt mừng vui làm anh rất ngạc nhiên muốn hỏi nhưng lại nghẹn lời. Nàng ôm anh hôn môi mặn đẫm nước mắt: “Em xin lỗi phải dùng cách này để thử nhân cách và tình yêu của anh.”

Anh lắc đầu không hiểu! Nàng giải thích: “Câu chuyện người đàn ông gửi tiền cho con là do em đặt ra để thử xem con người anh tốt xấu. Đừng giận em nhé! Em lớn lên từ gia đình giàu có nên phải làm đủ cách để tìm được tình yêu chân thật. Chỉ một điều đúng là hôm nay là sinh nhật của em. Xin mời anh vào nhà chung vui với gia đình em.”

Chiều hôm đó lần đầu tiên anh được hưởng hạnh phúc ấm cúng trong mái ấm gia đình nhỏ. Người cha của Annie nhìn thẳng vào mặt anh: “Con gái tôi có con mắt biết chọn lựa người tốt trong thế giới lọc lừa.”

Mẹ nàng xen vào: “Chính cả tôi khi dùng sợi dây chuyền vàng cũng hơi lo, vì đã đặt cậu vào hoàn cảnh khó xử.”

Anh trả lời giọng nói lắp bắp: “Dạ thưa hai bác, nguyên nhân cháu không dám tham lam tiền hay sợi dây chuyền vàng vì bản chất thiện lương của cháu chỉ đúng một phần thôi.”

Cả nhà nhìn anh ngạc nhiên chờ giải thích thêm. Anh lấy hết can đảm thành thật tâm sự: “Cháu sợ hồn ma ông đó tìm cách báo thù.” 

Cả nhà ôm bụng cười làm khuôn mặt anh đỏ lên dù chưa uống một giọt rượu nào!

Đặng Duy Hưng 

Related posts