Tin VN sáng thứ Bảy: Nhà trọ xây vượt 135 phòng tại TP.HCM: Mất 3 năm thanh tra quận mới nhận ra

Cựu giám đốc bệnh viện ở Vĩnh Long bị cáo buộc nhận 1,4 tỷ đồng từ Việt Á

Ông Đoàn Văn Hùng khi chưa bị khởi tố. (Ảnh: soyte.vinhlong.gov.vN)

Ông Đoàn Văn Hùng, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, bị cáo buộc nhận 1,4 tỷ đồng từ Công ty Việt Á.

Ngày 20/10, VKSND tỉnh Vĩnh Long cho biết cơ quan này vừa ban hành cáo trạng truy tố 3 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.

Các bị can gồm: Đoàn Văn Hùng (SN 1963), Giám đốc; Phan Thị Ngọc Thấm (SN 1980), Kỹ thuật viên trưởng phụ trách Khoa Sinh hóa – vi sinh – miễn dịch – sinh học phân tử; Đinh Thị Thanh Chi (SN 1968), Phó trưởng Khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.

Theo cáo trạng, đầu tháng 4/2021, Trần Tiến Lực (nhân viên kinh doanh công ty Việt Á) đến gặp trực tiếp bị can Hùng và Thấm để giới thiệu sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm COVID-19 và dụng cụ, vật tư.

Bị can Lực cho biết phía công ty sẽ cho bệnh viện được tạm ứng trước kit test xét nghiệm COVID-19 và trả tiền sau.

Sau đó, bị can Hùng đã chỉ đạo Thấm và Chi liên hệ Lực và Trần Thị Hồng (nhân viên Phòng kinh doanh Công ty Việt Á) để cung cấp 3 bản báo giá với giá cao hơn của Công ty Việt Á. Việc này nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ cho Công ty Việt Á được chỉ định thầu.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 5/2021 đến 9/2021, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long và Công ty Việt Á đã hợp thức bằng cách làm hồ sơ 6 gói thầu cho công ty được chỉ định thầu theo thủ tục chỉ định thầu thông thường.

Sau đó, Công ty Việt Á bán cho Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long 37.000 test xét nghiệm COVID-19 với giá từ 367.500 đến 509.250 đồng/kit với tổng số tiền hơn 17,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu sản xuất và lợi nhuận theo quy định thì giá một kit test do Công ty Việt Á sản xuất tối đa là 143.461 đồng. Từ đó, các bị can gây thiệt hại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long với số tiền trên 12,3 tỷ đồng.

Sau khi nhận được tiền thanh toán, Lực báo cáo với Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) chi phần trăm tiền ngoài hợp đồng trên số tiền mà Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thanh toán với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng (tương đương 20%).

Cơ quan điều tra xác định bị cáo Hùng nhận số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng; bị cáo Thấm nhận số tiền 850 triệu đồng và bị cáo Thanh nhận số tiền 100 triệu đồng của công ty Việt Á.

Hồi tháng 5/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam Đoàn Văn Hùng, Phan Thị Ngọc Thấm, Đinh Thị Thanh Chi.

Đến tháng 9/2022 các bị can được cho tại ngoại. Quá trình điều tra, các bị can đã nộp lại toàn bộ số tiền hoa hồng đã nhận từ Việt Á.

Phạm Toàn

Nhà trọ xây vượt 135 phòng tại TP.HCM: Mất 3 năm thanh tra quận mới nhận ra

Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Nguyễn Quốc Bình. (Ảnh: Linh Nhi/ttbc-hcm.gov.vn)

Cấp phép 41 phòng xây 176 phòng, căn nhà trọ cao 7 tầng trên đường Khuông Việt, quận Tân Phú (TPHCM) vận hành được 3 năm, thanh tra quận Tân Phú mới phát hiện ra sai phạm.

Về việc căn nhà số 24A Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú xây dựng vượt 135 phòng so với giấy phép, ông Bình cho biết trong quá trình thi công dự án (12/6–10/10/2019), Đội Thanh tra địa bàn quận đã phối hợp với UBND phường Phú Trung kiểm tra công trình 4 lần và không phát hiện sai phạm. Đến ngày 14/1/2020, tổ công tác kiểm tra và ghi nhận công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

Tuy nhiên, đến ngày 23/9/2023, Đội Thanh tra địa bàn quận Tân Phú phát hiện công trình có xây dựng khác với hiện trạng đã được ghi nhận trước đó. Cụ thể, căn nhà xây gác lửng tại phòng, xây dựng thêm phòng ở phần sân thượng phía sau, mái che toàn bộ mặt bằng sân thượng lợp pin năng lượng mặt trời, lợp tấm nhựa che mưa hai bên hông công trình.

Hiện tại, Quận đã chỉ đạo Phòng quản lý đô thị phối hợp các đơn vị liên quan mời chủ đầu tư đến làm rõ quá trình xây dựng, thời gian xây dựng các hạng mục không có trong giấy phép và khắc phục các nội dung theo quy định. Phòng quản lý đô thị có trách nhiệm làm việc với UBND phường Phú Trung xác định thời điểm phát sinh các hạng mục, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong vụ việc này.

Công trình nhà trọ tại số 24A Khuông Việt được UBND quận cấp giấy phép xây dựng với quy mô 1 tầng hầm, 1 trệt, 5 lầu và sân thượng. Diện tích xây dựng tầng 1 là 537m2; tổng diện tích sàn xây dựng là 4.384m2.

Sau đó, chủ đầu tư điều chỉnh giấy phép xây dựng và được UBND quận cấp giấy phép với quy mô 1 tầng hầm, 1 trệt, 5 lầu và sân thượng. Diện tích xây dựng tầng 1 là 558,7m2; tổng diện tích sàn xây dựng là 5.053m2.

Tại buổi kiểm tra vào sáng 12/10/2023, tổng số phòng thực tế là 176 phòng, tăng 135 phòng so với quy mô 41 tầng theo giấy phép xây dựng; tăng diện tích sàn 26,8m2… Cơ sở trên do ông Trần Thái Hoàng làm chủ hộ kinh doanh, hiện có 255 nhân khẩu, trong đó có 7 nhân khẩu là người nước ngoài đang cư trú.

Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM xác nhận giao thông phục vụ chữa cháy đảm bảo theo quy định, xe chữa cháy và xe thang cứu hộ có khả năng tiếp cận căn nhà; nguồn nước chữa cháy bên trong và bên ngoài đều đảm bảo việc tiếp cận lấy nước khi cần thiết; cơ sở xây dựng tường gạch ngăn cháy đảm bảo yêu cầu; hai lối thoát nạn và chiều rộng của hành lang thoát nạn đảm bảo theo quy định…

Tuy nhiên, cầu thang bộ chưa đảm bảo kín, chưa có cửa ngăn buồng thang có giới hạn chịu lửa, phòng kỹ thuật điện chưa được chèn bịt kín ngăn cháy theo trục đứng; các cầu thang bộ tại công trình bố trí phân tán chưa đảm bảo khoảng cách; chưa trang bị đèn chiếu sáng sự cố cho thang bộ từ tầng 1 đến tầng 7…

Minh Sơn

9 tháng năm 2023, phát hiện vi phạm kinh tế gần 500 ha đất, trên 198.000 tỷ đồng

Một thanh niên Việt Nam chạy xe ôm công nghệ trên đường Bà Triệu, Hà Nội, tháng 7/2017. (Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

Cùng thời gian 9 tháng 2023, trên cả nước, số đất đai và tài sản vi phạm kinh tế thu hồi được là 4.418 tỷ đồng và 9 ha.

Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri, trong đó nổi cộm vấn đề phòng chống tham nhũng, phát hiện các sai phạm về kinh tế trên 198 nghìn tỷ đồng, 495 ha đất…

Theo văn bản trên, Thanh tra Chính phủ cho biết trong 9 tháng năm 2023, toàn ngành đã triển khai 7.169 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, các cơ quan đã phát hiện vi phạm về kinh tế 198.665 tỷ đồng, 495 ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 155.548 tỷ đồng và 56 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 43.117 tỷ đồng, 439 ha đất.

Các cơ quan thanh tra đã ban hành 94.717 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 4.460 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.293 tập thể và 4.732 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ/363 đối tượng.

Cũng thời gian, toàn ngành đã hoàn thành 3.445 kết luận thanh tra, chiếm 42,7% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra (8.075 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra). Tổng số tài sản đã thu hồi là 4.418 tỷ đồng và 9 ha đất; xử lý hành chính 1.529 tổ chức, 5.182 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 207 vụ/158 đối tượng; khởi tố 9 vụ/15 đối tượng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 221 văn bản về cơ chế, chính sách, phát luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 58,2%).

Về kế hoạch thanh tra trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước…

Mới đây, tại báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí gửi Quốc hội, theo số liệu tính từ 1/10/2022 đến 30/9/2023, VKS các cấp đã khởi tố mới 877 vụ phạm tội tham nhũng, chức vụ, tăng 75%. Trong đó có nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, chứng khoán, trái phiếu, y tế, giáo dục và đăng kiểm.

Một số vụ án được VKSND tối cao xác định là điển hình như vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động Ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại NXB Giáo dục Việt Nam; vụ án “Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) và các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, Chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước…

Lý giải nguyên nhân một số loại tội phạm mới khởi tố tăng, ông Trí cho là do tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn dẫn đến gia tăng nhiều loại tội phạm; công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở để một số cán bộ lợi dụng; sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật từ người dân.

Vụ Việt Á: Hai cựu nhân viên Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ bị đề nghị truy tố

Hai bị can Phương và Thùy. (Ảnh từ cơ quan công an)

Hai bị can Phạm Ngọc Thùy, Đỗ Thị Yến Phương bị đề nghị truy tố tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 18/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Cần Thơ cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VSKND cùng cấp đề nghị truy tố 3 bị can Phạm Ngọc Thùy (SN 1987), Đỗ Thị Yến Phương (SN 1990), cả hai là cựu nhân viên khoa xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ và Trần Tiến Lực (SN 1987, cựu nhân viên kinh doanh của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á).

Cả ba bị can này bị đề nghị truy tố tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết luận điều tra, bị can Thùy và Phương là nhân viên khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, được phân công nhiệm vụ thực hiện giao, nhận hàng hóa với Công ty Việt Á; đồng thời thực hiện xét nghiệm, kiểm kho, dự trù hóa chất hàng tháng. Do đó, bị can Phương và Thùy quen biết Trần Tiến Lực.

Cuối năm 2017, bị can Lực trao đổi với hai nhân viên của Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ về quá trình làm xét nghiệm, nếu có hóa chất dư thì Công ty Việt Á sẽ có chính sách hỗ trợ mua lại hàng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Phương và Thùy tự tính toán trong quá trình thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm; nếu gom nhiều đợt mẫu bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm cùng một lần sẽ có hóa chất dư.

Để hợp thức hóa lượng hàng dư, bị can Lực, Thùy và Phương đã bàn bạc, thống nhất về cách làm hàng khống và giao hàng khống. Cụ thể, những bị can này sẽ dùng cách “bao bì nhãn mác như thật, nhưng bên trong là nước lọc”

Đến cuối tháng, khi kiểm kho và dự trù hàng cho tháng tiếp theo, bị can Phương và Thùy sẽ xác định trong đơn hàng của bệnh viện cần bao nhiêu kit thật để xét nghiệm, phần còn lại nhận hàng khống.

Khi khoa Dược đặt mua hàng của Công ty Việt Á, cả hai thông báo với bị can Lực số lượng hàng thật và số lượng hàng khống.

Khi giao hàng, Lực thông báo cho Phương và Thùy ký hiệu trên hộp hoặc số lô hàng khống.

Sau khi nhận hàng khống, bị can Phương, Thùy bỏ không sử dụng. Khi bệnh viện thanh toán toàn bộ đơn hàng, Công ty Việt Á tính toán trừ các chi phí và trả lại tiền hàng khống còn lại cho bị can Phương và Thùy.

Với thủ đoạn trên từ tháng 1/2018 đến 5/2021, tổng giá trị hàng khống Công ty Việt Á đã cung cấp cho Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ theo yêu cầu của bị can Phương, Thùy và Lực hơn 1,9 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí, Công ty Việt Á chuyển cho bị can Lực hơn 1,2 tỷ đồng. Sau đó, bị can Lực thanh toán lại cho Phương, Thùy.

Kết luận nêu bị can Thùy và Phương đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn được phân công, kê khống số lượng hàng hóa phục vụ công tác xét nghiệm, cấu kết với bị can Lực cung cấp hàng khống, gây thiệt hại cho bệnh viện hơn 1,9 tỷ đồng.

Trong đó, bà Phương và Thùy mỗi người chiếm đoạt 400 triệu đồng.

Minh Long

TGĐ CT Tập đoàn Thái Dương bị bắt với cáo buộc bán trái phép 11.000 tấn đất hiếm

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Văn Yên kiểm tra khu vực san ủi, khai thác đất trái phép tại thôn Khe Trang, xã An Bình. (Ảnh minh hoạ: baoyenbai.com.vn)

Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Dương bị bắt tạm giam với cáo buộc tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm với trị giá khoảng 440 tỷ đồng.

Ngày 20/10, Bộ Công an cho biết đã quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và kế toán gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính – Phó Tổng Giám đốc, kiêm kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Thái Dương về hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố và bắt tạm giam 4 người khác liên quan gồm: Đặng Trần Chí – Giám đốc; Phạm Thị Hà – Kế toán của Công ty Hợp Thành Phát; Lưu Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Thị Hiền – Kế toán của Công ty CP Đất hiếm Việt Nam về hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Bộ Công an, cơ quan điều tra đang tập trung điều tra những vi phạm pháp luật trong việc khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương.

Trước đó, ngày 9/10, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã khám xét khẩn cấp tại 21 địa điểm liên quan đến việc khai thác, tập kết và kinh doanh quặng đất hiếm tại tỉnh Yên Bái và 3 tỉnh, thành phố khác. Từ đó, công an tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.

Theo cơ quan công an, quá trình điều tra đã cho thấy rằng Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính đã tổ chức khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm và gần 153.000 tấn quặng sắt, với tổng giá trị khoảng 632 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2 người này đã giao dịch với Công ty CP Đất hiếm Việt Nam và Công ty Hợp Thành Phát, sử dụng hóa đơn VAT giảm số lượng và giá trị thực tế của quặng bán, làm cho Công ty CP Tập đoàn Thái Dương thu được ngoài sổ sách kế toán khoảng 28 tỷ đồng từ bán quặng đất hiếm và quặng sắt, gây thiệt hại tạm tính cho Nhà nước là trên 7,5 tỷ đồng.

Bộ Công an cho biết hiện tại, cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra để làm rõ tính chất, vai trò và hành vi vi phạm của những người liên quan nhằm mở rộng phạm vi điều tra và thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Khánh Vy

Gần 70 Trung Tâm Đăng kiểm sắp bị dừng hoạt động, nguy cơ ùn tắc lần nữa?

Cục Đăng kiểm dự báo có 31 tỉnh, thành phố có nguy cơ sẽ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định. (Ảnh: vr.org.vn)

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện có 69 Trung tâm Đăng kiểm tại 24 tỉnh, thành phố sắp bị buộc phải tạm dừng hoạt động. Nhiều tỉnh sẽ không còn trung tâm đăng kiểm và có nguy cơ ùn tắc ở 31 địa phương. Trong khi đó, nhiều loại xe được gia hạn 6 tháng cũng sẽ phải đến kỳ đăng kiểm trở lại.

Theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP có hiệu lực 8/6/2023, trường hợp trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian 3 tháng.

Như vậy, với quy định này, sắp tới sẽ có 69 trung tâm đăng kiểm tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động. Việc này khiến cho đăng kiểm tại các địa phương có nguy cơ ùn tắc nếu không chủ động sắp xếp.

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trên cả nước có 31 tỉnh, thành phố có nguy cơ sẽ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định bao gồm: Bắc Kạn, Bình thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắc Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang; trong đó, có những tỉnh không còn trung tâm đăng kiểm như Bắc Kạn, Hòa Bình và Thái Bình.

Theo thống kê đến nay, toàn quốc có 17 trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động. Còn lại 271/288 (chiếm khoảng 95%) trung tâm hoạt động với số dây chuyền đã được đầu tư là 510/536 dây chuyền (chiếm 95,15%) nhưng thực tế có 435/536 dây chuyền đang hoạt động (trên 80%).

Hiện tại có khoảng 700 đăng kiểm viên tại các Trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, trong đó một số đơn vị hầu hết đăng kiểm viên đều bị khởi tố.

Phần lớn đăng kiểm viên bị khởi tố, được tại ngoại đã và đang tham gia hỗ trợ cho hoạt động kiểm định xe cơ giới (gần 300 đăng kiểm viên), bên cạnh đó còn có một số lượng lớn các đăng kiểm viên xin nghỉ việc và tự ý bỏ việc.

Theo đó, với khoảng 300 đăng kiểm viên bị khởi tố nêu trên đang làm việc tại 81 trung tâm đăng kiểm của 31 tỉnh, thành phố khi bị đưa ra xét xử sẽ có 21 trung tâm đăng kiểm của 9 tỉnh, thành phố bị dừng hoạt động.

Cục Đăng kiểm dự kiến năm 2023 cả hệ thống mới bổ sung được khoảng 300 đăng kiểm viên mới.

Đến giai đoạn từ tháng 5/2024 mới bắt đầu có thêm đăng kiểm viên mới (mỗi tháng dự kiến có thêm khoảng 50 học viên đủ điều kiện để được đánh giá công nhận) thì tính đến hết năm 2024 và sang đầu năm 2025 mới có khoảng gần 350 đăng kiểm mới được công nhận.

Phân tích thêm tình hình các trung tâm phải đối mặt, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nêu rõ các trung tâm đăng kiểm còn bị sụt giảm nguồn thu do một lượng lớn các phương tiện được miễm kiểm định lần đầu, kéo dài thời gian chu kỳ kiểm định, được gia hạn tự động ngay chu kỳ kiểm định mới mà không phải đưa xe đến kiểm định.

Trong khi đó, giá dịch vụ kiểm định hiện tại được ban hành cách đây 10 năm, chưa có quy định về giá thu cho việc cấp miễn kiểm định lần đầu, in, cấp lại Giấy chứng nhận, Tem kiểm định bị hỏng mất…, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu và kế hoạch tài chính của các trung tâm, nhiều đơn vị nguồn thu không đủ bù đắp chi phí.

Trọng Minh

Related posts