Các cuộc điều tra gần đây của Bắc Kinh nhắm tới Foxconn được các nhà quan sát cho là có mang động cơ chính trị. Việc nhà sáng lập Foxconn tranh cử Tổng thống có thể làm gián đoạn tình hình ở Đài Loan và phá hỏng kế hoạch của Bắc Kinh.
Chính quyền Trung Quốc đã tiến hành các cuộc điều tra về thuế và sử dụng đất đối với Foxconn, một trong những nhà cung cấp lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ Apple, khi người sáng lập người Đài Loan của công ty này tìm cách ứng cử với tư cách độc lập cho chức Tổng thống của hòn đảo tự trị này.
Các nhà quan sát tin rằng các cuộc điều tra đột ngột về các vấn đề của công ty có thể là một động thái mang động cơ chính trị.
Truyền thông Trung Quốc đại lục đưa tin vào ngày 22/10 rằng chính quyền Trung Quốc gần đây đã kiểm toán các công ty con chủ chốt của Foxconn tại Quảng Đông, Giang Tô và các tỉnh khác. Trong khi đó, cơ quan tài nguyên thiên nhiên đã tiến hành điều tra tại chỗ về việc sử dụng đất của một số nhà máy của Foxconn.
Sau khi tin tức về cuộc kiểm toán của Foxconn được công bố, công ty này, vốn còn được gọi là Hon Hai Precision Industry, đã đưa ra tuyên bố rằng việc tuân thủ pháp luật là một trong những “nguyên tắc cơ bản” của công ty. Logo Foxconn được trưng bày trên một tòa nhà Foxconn ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 31/1/2019. (Ảnh: SAM YEH/AFP qua Getty Images)
Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi sẽ tích cực hợp tác với các đơn vị liên quan về công việc và hoạt động có liên quan”.
Sau tin tức về các cuộc điều tra, cổ phiếu của Fii, một công ty con của Foxconn được niêm yết trên thị trường cổ phiếu hạng A, đã giảm 10,02%. Đây là mức thấp nhất trong 5 tháng kể từ ngày 24/5. Công ty mẹ Foxconn Technology, niêm yết tại Đài Bắc, đã giảm hơn 2%. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của các công ty Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến].
Một động thái mang động cơ chính trị?
Trang web của công ty cho biết, người sáng lập Foxconn, ông Terry Gou (Quách Đài Minh) đã đầu tư vào Trung Quốc đại lục từ năm 1988 và có hơn 40 khu công nghiệp ở đó. Khu lớn nhất ở Trịnh Châu với 300.000 nhân viên, trong khi khu công nghiệp ở Thâm Quyến cũng có 200.000 nhân viên. Năng lực sản xuất của nhà máy Trịnh Châu chiếm khoảng một nửa nguồn cung toàn cầu của Apple và là nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
Ông Gou từ chức giám đốc Foxconn vào năm 2019 nhưng vẫn là cổ đông lớn. Công nhân Trung Quốc lắp ráp linh kiện điện tử tại nhà máy của gã khổng lồ công nghệ Đài Loan Foxconn ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 26/5/2010. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Tin tức về các cuộc điều tra xuất hiện sau thông báo của ông Gou vào ngày 28/8 rằng ông sẽ tranh cử với tư cách độc lập trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào đầu năm tới, một động thái sẽ chia rẽ phiếu bầu của phe đối lập.
Ông Gou ban đầu tìm cách trở thành ứng cử viên của Quốc Dân Đảng (Kuomintang), nhưng thay vào đó đảng này lại chọn một ứng cử viên khác, dẫn đến việc tỷ phú này phải từ bỏ đảng này và chuyển sang hoạt động một mình.
Ngay sau thông báo của ông, Liên đoàn Doanh nghiệp Đài Loan toàn Trung Quốc, một tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 5/9, nói rằng việc ông Gou tranh cử tổng thống với tư cách độc lập sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn cho phe đối lập [phe xanh thân Trung Quốc].
Tuyên bố kêu gọi ông Gou “trở về đội” càng sớm càng tốt và cùng nhau thay đổi đảng cầm quyền Đài Loan.
Một số nhà bình luận nước ngoài cho rằng Bắc Kinh đang có hành động can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử của Đài Loan vào năm tới.
Ông Cai Shenkun, một học giả tại Mỹ, cho biết trên X, trước đây là Twitter: “Với việc các công ty nước ngoài lần lượt rút lui và chế độ Trung Quốc đang tha thiết giữ họ, liệu việc nhắm vào Foxconn, một trong những nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có khiến các công ty nước ngoài sợ hãi, đặc biệt là các công ty Đài Loan?”
Ông chỉ ra rằng đó là do người sáng lập Foxconn, ông Gou, đã “không tuân theo mệnh lệnh của [ĐCSTQ] và làm gián đoạn tình hình ở Đài Loan”, khiến Đài Loan gặp khó khăn hơn trong việc thay đổi tình hình chính trị của mình.
Ông Cai nói: “Sự sắp xếp ban đầu để ông Terry Gou tranh cử tổng thống là nhằm thúc đẩy sự nổi tiếng của phe xanh và đoàn kết tất cả các lực lượng có thể để giúp Quốc dân đảng (KMT) tiếp quản vị trí của Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền”.
Ông cho rằng động thái tranh cử với tư cách độc lập của ông Gou sẽ làm giảm cơ hội của phe đối lập trong cuộc bầu cử. Ứng cử viên tổng thống độc lập của Đài Loan và người sáng lập Foxconn Terry Gou (phải) chào đón những người ủng hộ khi vận động tranh cử tại một khu chợ truyền thống ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 11/8/2023. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)
Nhà bình luận thời sự Shi Tao tại Mỹ cho biết trên kênh YouTube của mình rằng ĐCSTQ đang buộc ông Guo phải từ bỏ trước thời điểm đăng ký chính thức tranh cử tổng thống vào tháng 11 bằng cách đe dọa tới khối tài sản khổng lồ của ông ở Trung Quốc, vì việc ông tranh cử với tư cách độc lập đã chia rẽ số phiếu bầu từ Quốc Dân Đảng.
Hiện tại, ông Lai Ching-te của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền đang dẫn đầu cuộc thăm dò, ông Hou Yu-ih của Quốc Dân Đảng và ông Ko Wen-je của Đảng Nhân dân Đài Loan đang xếp sau.
Ông Cai nói: “Nếu phe toàn xanh không thể đưa ra một ứng cử viên thống nhất và các ông Hou Yu-ih, Ko Wen-je và Terry Gou hành động riêng biệt để thách thức DPP, thì gần như điều đó không thể thay đổi cục diện chính trị của Đài Loan”. Ông Cai cho biết: “Nhắm mục tiêu vào Foxconn vào thời điểm này là một lời cảnh báo rõ ràng để ông Terry Gou quay lại và ủng hộ Quốc dân đảng, đồng thời đe dọa ông Ko, người sẽ sớm thảo luận về việc hợp nhất với Quốc dân đảng”.
Một phóng viên AFP đã đặt câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vào ngày 23/10 tại sao chính quyền Trung Quốc muốn điều tra Foxconn.
Người phát ngôn của Bộ, bà Mao Ninh trả lời: “Đây không phải là vấn đề về ngoại giao”.
Bảo Nguyên biên dịch