Phóng sự chiến trường: Lực lượng quân y đang chiến đấu trên ‘tiền tuyến thứ hai’ của Ukraine

Financial Times

Cù Tuấn, biên dịch

29-10-2023

Tóm tắt: Các bác sĩ tình nguyện cho biết, dây ga-rô kém chất lượng và việc thiếu đào tạo y tế đang khiến nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng.

Một người lính Ukraine, có vết thương do mảnh đạn ở chân, đã kêu lên đau đớn khi các bác sĩ nhấc anh ta ra khỏi chiếc cáng đẫm máu và đưa lên bàn mổ của bác sĩ Volodymyr Veselovskyi.

“Bạn sẽ sống mà. Bạn có thể sẽ giữ được đôi chân của mình”, Veselovskyi, một bác sĩ phẫu thuật quân đội, an ủi người lính. Ông kéo mạnh dây ga-rô buộc quanh đùi người lính, thứ đã giúp anh ta không bị chảy máu đến chết. “Những thứ này tốt đấy”, ông nói. “Bạn thật may mắn”.

Tại “hậu cứ” này, cách chiến trường Bakhmut khoảng 10 dặm về phía tây, Veselovskyi làm việc cùng với những tình nguyện viên khác, những người đã đánh đổi nghề bác sĩ dân sự nhàn hạ để nhận lấy sự mệt mỏi của trách nhiệm bác sĩ quân y sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine 20 tháng trước. Hàng chục đơn vị cấp cứu như vậy đã được thành lập dọc theo đường chiến tuyến dài 600 dặm, đóng vai trò là điểm dừng đầu tiên quan trọng cho các thương binh cần được điều trị khẩn cấp trước khi được sơ tán đến các bệnh viện lớn hơn.

Những người lính Ukraine đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì hành động dũng cảm của họ trên chiến trường, nơi họ chiến đấu trong một cuộc chiến giữa người tí hon David, chống lại kẻ khổng lồ Goliath, khi họ chống lại quân đội Nga đông đảo và mạnh mẽ hơn nhiều. Nhưng các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế của Ukraine cũng không kém phần quan trọng, khi họ phải chiến đấu hàng ngày để cứu sống những người lính đang bảo vệ đất nước.

“Đây là tiền tuyến thứ hai”, bác sĩ quân đội Bohdan cho biết tại một điểm ổn định khác ở Pokrovske, một thị trấn cách trọng tâm chính của cuộc phản công của Ukraine ở khu vực Zaporizhzhia phía nam khoảng 25 dặm về phía bắc.

Hơn 20 tháng sau cuộc chiến tranh tổng lực căng thẳng, lực lượng y tế Ukraine luôn cần những thiết bị y tế quan trọng. Hơn chục bác sĩ chiến đấu được phỏng vấn kể từ khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công hồi tháng 5, bày tỏ sự thất vọng vì thiết bị y tế khiếm khuyết và việc thiếu đào tạo y tế, việc này đang khiến binh lính phải trả giá.

Ukraine không tiết lộ thương vong nhưng ước tính mới nhất của Mỹ cho thấy, khoảng 130.000 binh sĩ Ukraine bị thương và 70.000 người thiệt mạng kể từ tháng 2 năm 2022. Quân đội Nga được cho là đã mất khoảng 120.000 quân và 280.000 người khác bị thương, theo ước tính của Mỹ.

Những con số thương vong này sẽ tiếp tục tăng lên khi cuộc xâm lược của Nga trở thành một cuộc tranh giành từng mét đất, với các cuộc đấu súng hạng nặng và bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào đều bị chặn lại với các công sự và các bãi mìn dày đặc.

Đối mặt với hỏa lực đáng gờm và hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga, cuộc phản công của Ukraine đã không mang lại kết quả mà Kyiv đã mong đợi trong năm nay. Cả hai bên đều không đạt được bước tiến nào đáng kể và các nhà phân tích quân sự dự đoán năm 2024 sẽ là một năm khó khăn tương tự.

Tính chất khốc liệt của cuộc xung đột này đã được chứng minh bằng chuỗi binh sĩ bị thương được đưa đến các điểm hậu cứ, bao gồm 5 cơ sở được phóng viên FT đến thăm ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia. Các bác sĩ cho biết có khoảng 30 đến 80 binh sĩ Ukraine bị thương được chuyển qua các cơ sở này mỗi ngày. Nhưng khi giao tranh dâng cao, con số này tăng lên 150 thương binh một ngày.

Alina Bilous, một bác sĩ chiến đấu ở Pokrovske, cho biết, cô thấy số binh sĩ bị thương tăng gấp ba lần sau khi cuộc phản công bắt đầu. Cô và các bác sĩ khác ở đó đã làm việc “24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần”.

Họ ngủ trong những chiếc giường cũi ở cuối hành lang, cách xa bàn mổ và những chiếc cáng dính đầy máu, với mùi kim loại hăng nồng xen lẫn mùi nồng nặc của thuốc sát trùng lơ lửng trong không khí.

Thương tích của các binh sĩ chủ yếu là vết thương do mảnh đạn pháo và bom mìn gây ra.

Veselovskyi cho biết, ông đã thực hiện bảy ca cắt cụt chi trong vòng chưa đầy 24 giờ, cắt bỏ chân tay của những người lính bị kẻ thù pháo kích khi tiến qua một bãi mìn trong một cuộc tấn công ở phía bắc Bakhmut, thành phố Donetsk bị Nga chiếm giữ sau 10 tháng chiến đấu căng thẳng và tiêu hao. Bác sĩ phẫu thuật này cho biết, tất cả họ đều bị mất chân tay nhưng vẫn được cứu sống nhờ dây garô chất lượng tốt.

Nhưng ông và các bác sĩ khác ngày càng phải làm việc với những vật tư y tế kém chất lượng, khiến việc cứu sống bệnh nhân trở nên khó khăn hơn. Tại một thời điểm, một “bảo tàng ga-rô giết người” được trưng bày với hơn chục thiết bị ga-rô hỏng và không cứu được mạng sống của người đeo chúng.

Rebekah Maciorowski, một y tá người Mỹ tình nguyện làm bác sĩ cho quân đội Ukraine vào tháng 3 năm 2022, cho biết: “Tôi đã tận mắt chứng kiến ​​điều này khi một người lính bị đứt dây ga-rô và người lính đó đã thiệt mạng”.

Maciorowski cho biết, dây ga-rô giá rẻ, hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc, đã tràn ngập Ukraine và được đưa vào bộ dụng cụ sơ cứu của binh lính. Bà nói thêm, nếu dây ga-rô kém, một người lính có thể chảy máu đến chết trong vòng ba phút. “Đây không phải là lúc để tiết kiệm tiền”.

Bộ Tư lệnh Lực lượng Y tế Ukraine đã được biết về vấn đề này vào đầu mùa hè và Anton Shevchuk, một trong những chỉ huy y tế hàng đầu, đã yêu cầu hồi tháng 7, rằng các dây ga-rô giá rẻ phải được thay thế ngay lập tức. Ông cho biết những ga-rô Trung Quốc đã được tìm thấy trong hơn 5.000 bộ dụng cụ sơ cứu do quân đội cấp.

Shevchuk cho biết, ông đã “bị khiển trách nặng nề” vì những bình luận của mình, nhưng “tôi không thể để những người lính lao vào trận chiến với dây ga-rô của Trung Quốc”.

Vụ bê bối đã gây ra một cuộc thảo luận công khai hiếm hoi về việc mua sắm quân sự. Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga, việc chỉ trích công khai quân đội Ukraine hầu như là điều cấm kỵ và bị các quan chức cũng như người dân coi là không yêu nước.

Đài truyền hình công cộng Suspilne gần đây đã hỏi Bộ Tư lệnh Lực lượng Y tế, tại sao các binh sĩ vẫn nhận được bộ dụng cụ sơ cứu và dây ga-rô “kém chất lượng”. Suspilne đưa tin vào cuối tháng 8, quân đội Ukraine đã nhận được lệnh cấp 80.000 ga-rô mới đáp ứng các tiêu chuẩn của quân đội Mỹ. Không rõ liệu những thứ đó có được lấy và phân phát cho binh lính hay không.

Bộ Tư lệnh Lực lượng Y tế Ukraine đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Maciorowski nói: “Điều còn thiếu [là] bất kỳ hình thức đánh giá tiêu chuẩn nào về bộ dụng cụ sơ cứu”.

Điều quan trọng không kém việc có được vật liệu chất lượng tốt là biết cách sử dụng chúng – và nhiều bác sĩ cho rằng, cần phải đào tạo sơ cứu tốt hơn cho binh lính.

Maciorowski cho biết: “Phần lớn hoạt động huấn luyện y tế chiến thuật đã bị bỏ qua hoàn toàn”, kể cả khi quân đội Ukraine đang được huấn luyện ở nước ngoài. Ngoài binh lính, các bác sĩ cũng đã được đào tạo ở Mỹ, Anh và các nước đồng minh khác. “Bởi vì có sự thúc đẩy để đưa các chàng trai ra mặt trận, họ có thể được huấn luyện một tháng [với] chỉ một hoặc hai ngày huấn luyện y tế chiến thuật. Họ sẽ không nhớ những gì được dạy đâu”.

Mykyta Zavilinskyi, một nhiếp ảnh gia chuyển sang làm tình nguyện viên y tế chiến đấu, cho biết, các binh sĩ được dạy cách áp dụng ga-rô bất cứ khi nào họ nhìn thấy một chi bị thương mà không cân nhắc xem liệu có cần thiết hay không.

Zavilinskyi nói: “Chúng tôi thấy những tình huống mà các chàng trai phải mất sáu, bảy, thậm chí tám giờ để thắt dây garô, điều này sẽ gây tổn hại đến tứ chi đến mức phải cắt cụt. Họ không bắt buộc phải thắt dây ga-rô ngay từ đầu”.

Ông cũng nhận thấy một số binh sĩ coi thường việc huấn luyện y tế.

“Tôi thực sự muốn nhiều binh sĩ hiểu được tầm quan trọng tuyệt đối của việc huấn luyện y tế, bởi vì kiến thức về sơ cứu và y học chiến thuật của bạn không chỉ quan trọng đối với bạn mà còn đối với đồng đội của bạn nữa”.

Nhưng ngay cả việc huấn luyện tốt cũng không thể giúp binh sĩ chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống thực tế, Veselovskyi nói. “Bạn có thể tập luyện hàng triệu lần cách thắt ga-rô. Nhưng khi bạn đang chảy máu và chân bạn bị đứt lìa, bạn có thể quên mất những gì bạn đã được dạy”.

Related posts