Tin VN trưa thứ Tư: Cựu Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM lãnh 5 năm tù

Vụ cháy chung cư mini: Hơn 130 tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân

Những người bị thương trong vụ cháy tại chung cư mini ở Khương Hạ được đưa ra ngoài. (Ảnh: hanoionline.vn)

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ xảy ra đêm 12 và rạng sáng 13/9 khiến 56 người bị thương, 37 người bị thiệt mạng. Đến nay (31/10) – tức gần 2 tháng trôi qua, nhưng số tiền hơn 130 tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân để hỗ trợ các gia đình.

Gần hai tháng sau vụ cháy, chung cư mini trong ngõ 70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) vẫn niêm phong, quây kín bạt bên ngoài. Lực lượng an ninh trông giữ hàng ngày, phòng người lạ đột nhập trộm cắp tài sản.

Các hộ dân từng sống trong chung cư tản mát nhiều nơi, có hộ nương náu nhà người thân, họ hàng. Nhiều người dân vẫn chờ “dài cổ” để nhận tiền hỗ trợ.

Nói về việc chậm trễ giải ngân, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho hay những hỗ trợ tức thời để giải quyết vấn đề trước mắt ngay sau vụ cháy đã được thực hiện, ví như gia đình có người tử vong được hỗ trợ 5-6 triệu đồng, gia đình có người bị thương mỗi người được hỗ trợ 3 triệu đồng…

Sau đó, MTTQ TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ tổng thể từ những nguồn lực huy động được, cho các trường hợp bị ảnh hưởng. Việc này cần có thời gian, lên phương án, phân nhóm đối tượng cho phù hợp…

“Theo tôi thấy cũng không phải là lâu đâu. Sự cố xảy ra từ tháng 9, bây giờ cuối tháng 10, cần rà soát kỹ danh sách những người bị ảnh hưởng, phân loại các nhóm để bảo đảm mức hỗ trợ nên với thời gian hơn một tháng không phải là lâu”, bà Ánh nói.

Bà Ánh cho biết theo kế hoạch của Hà Nội, số tiền hỗ trợ này sẽ được chuyển tới những nạn nhân vụ cháy chung cư mini trong đầu tháng 11/2023, để từ nay đến cuối năm, các gia đình bị ảnh hưởng sẽ ổn định cuộc sống.

Còn ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội, thì nói rằng “thời gian tiếp nhận lẫn phân phối nguồn lực vẫn nằm trong quy định tại Nghị định 93 năm 2021 của Chính phủ”.

Cụ thể, việc tiếp nhận hỗ trợ ngay sau ngày vụ hỏa hoạn xảy ra, thời gian tiếp nhận ủng hộ không vượt quá 90 ngày tính từ ngày phát động. Việc phân phối nguồn lực ủng hộ trong vòng 20 ngày tính từ ngày dừng tiếp nhận. Hôm 16/10, Mặt trận các cấp đã thông báo dừng tiếp nhận ủng hộ.

“Các bước hỗ trợ ban đầu thành phố đã tổ chức tích cực rồi. Thành phố không chậm trong việc chi trả hỗ trợ, vì mọi thứ làm đúng quy trình, quy định, công khai, minh bạch”, ông Tuấn nói.

Một độc giả tên Thành lại nhận định “đây chính là lý do người dân ngại đóng góp tiền qua các đoàn thể, vì người bị nạn thật sự cần cả vật chất lẫn tinh thần ngay sau khi sự việc xảy ra còn nóng hổi thì lúc đó giá trị cho họ 10 triệu nhưng với họ đáng giá 20 – 30 triệu vì ý nghĩa lớn lắm. Còn bây giờ ổn định tâm lý và mấy tháng họ tất tả để ổn định chỗ ở và cuộc sống phần nào thì cho họ 100 -200 triệu hay 500 triệu cho một cá nhân thì cũng là an ủi và vui thêm thôi nhưng nếu để chậm và kéo dài nữa thì thật là ngán ngại.

Nếu tôi là chính quyền sở tại được phép chi số tiền này sẽ lấy ý kiến ban ngành ứng ngay khoảng 30-50% cho các nạn nhân, còn lại thì làm kế hoạch chuẩn vừa đưa ra công chúng để lắng nghe ý kiến phản biện vừa trình thống nhất với cơ quan ban ngành thì giờ đã xong hết rồi.”

Minh Long

Cựu Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM lãnh 5 năm tù

Do có sai phạm gây thiệt hại ngân sách hơn 22,6 tỷ đồng, bị cáo Phan Minh Tân bị tuyên phạt 5 năm tù. (Ảnh: vtc.vn)

Do có sai phạm gây thiệt hại ngân sách hơn 22,6 tỷ đồng, bị cáo Phan Minh Tân bị tuyên phạt 5 năm tù. 5 bị cáo đồng phạm bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù.

Chiều 31/10, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với cựu giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Phan Minh Tân cùng 5 đồng phạm, vì Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Phan Minh Tân bị tuyên 5 năm tù, phải bồi thường 6,9 tỷ đồng.

Bị cáo Võ Thùy Linh, cựu Trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở KH&CN TP.HCM, bị tuyên 3 năm tù, phải bồi thường 5,7 tỷ đồng.

Bị cáo Khuất Duy Vĩnh Long, cựu Trưởng phòng quản lý công nghệ Sở KH&CN TP.HCM, đã bỏ trốn khỏi địa phương, hiện chưa truy bắt được, bị tuyên 10 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Quốc Thái, cựu Phó trưởng phòng quản lý công nghệ của Sở KH&CN TP.HCM, bị tuyên 2 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm, phải bồi thường 135 triệu đồng.

Bị cáo Chu Bá Long, cựu cán bộ phòng quản lý khoa học Sở KH&CN TP.HCM, bị tuyên 2 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm, phải bồi thường 135 triệu đồng.

Bị cáo Phan Thị Thu Nga, cựu Trưởng phòng quản lý khoa học Sở KH&CN TP.HCM, bị tuyên 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm, phải bồi thường 4,6 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ TP.HCM (Quỹ phát triển) là tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ của TP.

Hội đồng quản lý của quỹ trên gồm 6 thành viên do Phan Minh Tân làm chủ tịch; cơ quan điều hành của quỹ là Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP.HCM (HIFU).

Tháng 8/2009, ông Nguyễn Trọng Vũ, Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển công nghệ Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng, chuyên sản xuất chip), có công văn gửi Sở KH&CN TP.HCM đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học với số tiền 5,1 tỷ đồng để thực hiện dự án 1.

Sau khi hội đồng xét duyệt dự án do Phan Minh Tân làm Chủ tịch thẩm định và thông qua, Công ty Huy Hoàng được hỗ trợ 4,9 tỷ đồng, thời hạn 18 tháng. Tiến độ cấp kinh phí được chia thành 3 đợt.

Mặc dù tiến độ thực hiện dự án của Công ty Huy Hoàng chậm hơn kế hoạch, nhưng ông Tân cùng các đồng phạm vẫn đề xuất, xét duyệt cấp tiếp kinh phí đợt 2 là 700 triệu đồng.

Sau khi nhận kinh phí đợt 2, Công ty Huy Hoàng không hoàn thành được dự án, cũng không hoàn trả kinh phí phải thu hồi. Theo kết luận giám định, dự án 1 gây thiệt hại gần 3,2 tỷ đồng.

Song song dự án trên, tháng 9/2009, Nguyễn Trọng Vũ tiếp tục có công văn gửi Sở KH&CN TP.HCM đề nghị vay 10 tỷ đồng để thực hiện dự án 2.

Sau các bước thẩm định, xét duyệt, đầu năm 2010, ông Phan Minh Tân đã ký văn bản kết luận dự án đạt yêu cầu, đồng ý cho vay dù có nhiều ý kiến phản đối cho rằng dự án không khả thi, đồng thời đề nghị xem xét lại nguồn vốn của Công ty Huy Hoàng.

Tháng 4/2019, HIFU ký hợp đồng cho Công ty Huy Hoàng vay 10 tỷ đồng, thời hạn 48 tháng, lãi suất 0%, tiến độ giải ngân chia thành nhiều đợt. Tuy nhiên sau khi nhận giải ngân đợt 3 ngày 13/5/2011, ông Nguyễn Trọng Vũ xuất cảnh bỏ trốn về Mỹ.

Tính đến ngày 30/6/2021, thiệt hại của dự án 2 được xác định là 19,5 tỷ đồng gồm gốc lẫn lãi.

Cũng theo cáo trạng, ông Tân và đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho cả hai dự án tổng số tiền hơn 22,6 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Bộ Tài chính: Kiểm tra tiền công đức trong năm 2023 trên toàn quốc

Bộ Tài chính muốn kiểm tra tiền công đức năm 2023 trên toàn quốc. (Ảnh minh họa: Sybillla/Shutterstock)

Bộ Tài chính gửi công văn đến UBND các tỉnh thành để yêu cầu thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tiền tại các di tích lịch sử – văn hóa. Với thời hạn báo cáo về cơ quan này trước 31/3/2024.

Truyền thông trong nước đưa tin hôm 30/10, Bộ Tài chính có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ tỉnh Quảng Ninh) hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tiền tại các di tích lịch sử – văn hóa. Thời kỳ kiểm tra trong năm 2023.

Tại công văn này, Bộ Tài chính khẳng định Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.

Tuy vậy, Bộ này muốn nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh các khoản thu chi và bảo đảm tính công khai.

Nội dung kiểm tra gồm việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích và hoạt động lễ hội trong 2023.

Chủ tịch UBND cấp huyện là người chỉ đạo việc kiểm tra. Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ gửi báo cáo kết quả cho Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.

Bạn đọc hoanganhloc thắc mắc trên tờ Vnexpress: “Kiểm bằng cách nào? Hòm công đức hằng ngày làm sao thống kê được có bao nhiêu?”.

Còn bạn T.Thắng hỏi: “Tiền công đức lớn như vậy bình thường sẽ đi về đâu nhỉ?”.

Theo Bộ Tài chính, tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết chúng được sử dụng như thế nào. Nhằm khắc phục phần nào tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn nói trên để quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Trọng Minh

Related posts