Nguồn: Sun Yu và Joe Leahy, “‘Other leaders are corrupt’: Li Keqiang mourning poses challenge for Beijing,” Financial Times, 31/10/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Cái chết của cựu thủ tướng – người bị Tập Cận Bình gạt sang bên lề – đã tạo ra một thời điểm nhạy cảm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hàng trăm người đưa tang đã đổ về ngôi nhà thời thơ ấu của Lý Khắc Cường để bày tỏ lòng thành kính đối với một chính trị gia chủ trương cải cách mà nhiều người xem là “thủ tướng của nhân dân,” tạo ra một thách thức chính trị tiềm ẩn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sự đau xót trước cái chết của Lý, người đột ngột qua đời vào tuần trước ở tuổi 68, đã xuất hiện ở nhiều thành phố và trên khắp mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người so sánh phong cách tương đối giản dị của cố thủ tướng với phong cách của những đồng nghiệp xa cách hơn của ông.
Các nhà phân tích nhận định nỗi tiếc thương bộc phát của công chúng đối với sự ra đi của Lý Khắc Cường, người phần lớn đã bị Tập Cận Bình gạt ra bên lề khi còn đương chức, đặt ra một tình huống nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong lúc đảng này phải đối mặt với tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp và căng thẳng địa chính trị.
“Chúng tôi có rất nhiều nhà lãnh đạo tham nhũng, nhưng ông ấy không phải là một trong số họ,” trích lời một phụ nữ học cùng trường với Lý và đã tham gia vào đám đông đưa tiễn ông, được giám sát bởi lính canh. Bà cũng đặt hoa tại ngôi nhà nơi Lý đã trải qua một phần tuổi thơ của mình, ở Hợp Phì, tỉnh An Huy.
“Ông ấy quan tâm đến những người nghèo nhất trong xã hội,” bà nói thêm trong lúc lau nước mắt.
Là một nhà kinh tế được đào tạo bài bản, người đứng đầu chính phủ của Tập suốt một thập niên, từ năm 2013 đến năm 2023, trước khi ông bị thay thế vào tháng 3, Lý Khắc Cường từng được xem là một ứng viên cho ghế chủ tịch nước. Trong nhiệm kỳ thủ tướng, là nhân vật số 2 của Trung Quốc, Lý đã ủng hộ các chương trình cải cách theo định hướng thị trường và các chương trình chống đói nghèo. Nhưng ông đã dần bị gạt sang bên lề dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.
Cái chết của một lãnh đạo cấp cao thường là thời điểm nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản, vì đảng phải cân bằng việc bày tỏ lòng thương tiếc cố quan chức và xác định di sản của người ấy đối với đảng, với việc ngăn chặn dịp này trở thành tâm điểm cho các cuộc biểu tình hoặc cơ hội để đưa ra những so sánh bất lợi cho ban lãnh đạo hiện tại.
“Đôi khi người ta có thể khen ngợi con đường không được chọn bằng cách đưa ra nhận xét về con đường đã được chọn,” Wen-Ti Sung, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, nói. “Đối với một số người, Lý Khắc Cường đại diện cho một thái độ tương đối tự do đối với các quan hệ giữa nhà nước và xã hội, và ông cũng ủng hộ việc tạo ra nhiều không gian hơn cho các lực lượng xã hội và thị trường.”
Tập từng phải đối mặt với tình huống tương tự vào tháng 11 khi cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, nhà lãnh đạo Trung Quốc ở thời kỳ tăng trưởng cao và tương đối mở cửa kinh tế, qua đời ở tuổi 96.
Cái chết của Giang trùng hợp với sự bùng nổ của “phong trào biểu tình giấy trắng” tại các thành phố lớn trên khắp đất nước, nhằm chống lại lệnh phong tỏa nghiêm ngặt zero-COVID của Tập, khi những người biểu tình giương cao những tờ giấy trắng để ám chỉ đến sự kiểm duyệt và không khoan nhượng trước những lời chỉ trích đối với công tác kiểm soát đại dịch. Ngay sau đó, Tập đã huỷ bỏ chính sách này.
Tại nơi ở cũ của Lý Khắc Cường ở Hợp Phì, một phụ nữ lớn tuổi giận dữ tuyên bố rằng chính quyền tỉnh và thành phố nên làm nhiều hơn để tưởng nhớ sự ra đi của nhà lãnh đạo cấp cao. Bắc Kinh vẫn chưa công bố kế hoạch tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho Lý, dù sau khi Giang qua đời, đảng đã thành lập một ban quốc tang do Tập làm chủ tịch và tổ chức lễ tưởng niệm hoành tráng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Những người ngoài cuộc thì chần chừ không dám thảo luận về chính phủ hiện tại. “Chúng tôi không thể nói nhiều vì tình hình chung ở đây. Tất cả những gì chúng tôi có thể nói là mọi người yêu mến Thủ tướng Lý,” người phụ nữ lớn tuổi nói.
Tại làng Cửu Tử, cách Hợp Phì và nhà tổ của Lý Khắc Cường một giờ rưỡi đi xe, hàng trăm người đã đến đặt hoa trước một căn nhà tranh đơn sơ. Nhiều người thậm chí đã lái xe từ các tỉnh xa xôi đến để tưởng niệm một quan chức mà họ mô tả là “thủ tướng của nhân dân.”
Bó hoa do một công ty xây dựng gần Hợp Phì gửi tặng đã trích dẫn một câu mà Lý từng nói vào đầu năm ngoái, trong đại dịch coronavirus, để cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài.
“Sông Dương Tử và sông Hoàng Hà sẽ không chảy ngược dòng.” “Cánh cửa mở của Trung Quốc chắc chắn sẽ không đóng lại.”
Bó hoa kết lại bằng câu “Thủ tướng đáng kính của nhân dân, xin hãy yên nghỉ.”