Việc Hong Kong mất đi vị thế trung tâm tài chính và trung tâm kinh doanh đẳng cấp thế giới chỉ có thể gây thêm tổn hại cho nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Trung Quốc. Kỳ lạ thay, Bắc Kinh có thể đang phá hủy viên ngọc quý này chỉ để đạt được sự kiểm soát chính trị công khai, những điều mà trước đây họ có thể thực hiện thông qua các biện pháp bí mật.
Khi Bắc Kinh bắt đầu đàn áp Hong Kong, kết quả của cuộc đàn áp hoàn toàn có thể đoán trước được và trên thực tế, đã được dự đoán trước một cách rộng rãi.
Bắc Kinh lẽ ra phải thấy rõ rằng các chiến thuật nặng tay của họ ở Hong Kong sẽ xua đuổi cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Đây chính là các đối tượng đã biến thành phố này trở thành tài sản kinh tế và tài chính quý giá đối với Trung Quốc. Giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc không biết hoặc không quan tâm. Bây giờ, bằng chứng đã rõ ràng. Doanh nghiệp đang ồ ạt rời bỏ Hong Kong và Trung Quốc là kẻ thua cuộc.
Vào năm 1997, khi Vương quốc Anh chuyển giao thuộc địa cũ là Hong Kong cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã hứa sẽ giữ nguyên hiện trạng thành phố. Lãnh đạo Trung Quốc nói về “một quốc gia, hai chế độ”. Đó dường như là một lời hứa đáng tin cậy. Hong Kong đã duy trì được giá trị của mình. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, Bắc Kinh đã dùng sức mạnh phá vỡ lời hứa đó với người dân Hong Kong và thế giới. Các động thái nhằm hạn chế quyền tự do dân sự, thứ mà người dân Hong Kong đã được hưởng từ lâu, đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2019. Bắc Kinh đã dùng vũ lực dập tắt chúng.
Các đặc tính cũ của thành phố vẫn còn đâu đó. Tiền vẫn chảy vào và ra khỏi thành phố một cách tự do hơn so với vào và ra khỏi Trung Quốc, nhưng sự an toàn trước đây trước sự can thiệp của Bắc Kinh – vào hoạt động kinh doanh và cuộc sống hàng ngày – đã biến mất. Theo đó, thành phố này đã mất đi sức hấp dẫn như một nơi kinh doanh không chỉ đối với người nước ngoài mà còn đối với các công ty Trung Quốc có trụ sở chính ở đó.
Doanh nghiệp nước ngoài rời đi
Bằng chứng về tác hại kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng. Các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản ở Hong Kong bắt đầu rời khỏi thành phố gần như ngay lập tức sau khi Bắc Kinh đàn áp. Theo Cục Thống kê và Điều tra Dân số Hong Kong, số lượng trụ sở khu vực do các công ty nước ngoài duy trì trong thành phố đã giảm 2,4% trong năm đầu tiên sau khi các cuộc biểu tình bị dập tắt. Tính đến năm 2022, giai đoạn gần đây nhất mà cơ quan này cung cấp dữ liệu, số liệu này đã giảm gần 9% so với mức trước đây. Các công ty Mỹ dường như đang dẫn đầu cho sự ra đi. Đến năm 2022, các công ty Mỹ có trụ sở khu vực tại Hong Kong đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh. Các giám đốc điều hành cho biết họ gặp khó khăn trong việc thuyết phục những nhân viên có giá trị chuyển đến Hong Kong.
Và tất nhiên không chỉ có người Mỹ. Hai ngân hàng Úc – Westpac và Ngân hàng Quốc gia Úc – đã công bố ý định rời đi. Đáng chú ý là họ đã hứa sẽ ở lại sau các cuộc biểu tình để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy tài chính giữa Hong Kong và phần còn lại của Trung Quốc. Họ không còn thấy giá trị của Hong Kong nữa. Một số lượng lớn các tổ chức của Canada và châu Âu cũng đã bày tỏ ý định rời đi. Danh sách này còn rất dài. Nhìn vào danh sách, có vẻ như tốc độ rời đi đang tăng nhanh. Đặc biệt, các doanh nhân nước ngoài đến Hong Kong được khuyên chỉ nên mang theo các thiết bị được dùng trong ngắn hạn và nếu không thì hãy xóa sạch dữ liệu và ứng dụng trên thiết bị điện tử của họ.
Vinh quang đang lụi tàn
Trong một thời gian, dòng chảy của các công ty Trung Quốc vào Hong Kong bù đắp cho sự rời đi của các công ty nước ngoài, nhưng giờ đây, ngay cả xu hướng đó cũng đã biến mất. Hong Kong không còn đóng vai trò là kênh tương tác giữa Trung Quốc và thế giới. Nó đơn giản đã trở thành một phần mở rộng của Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc không còn thấy được lợi thế của việc đặt trụ sở hoặc văn phòng khu vực tại Hong Kong. Họ có thể tập trung ở Thượng Hải, Bắc Kinh hoặc các trung tâm kinh doanh khác của Trung Quốc.
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy vinh quang đang lụi tàn của Hong Kong là những biến động thị trường chứng khoán nơi đây. Tổng vốn hóa của thị trường ngày nay ở mức tương đương khoảng 4 nghìn tỷ USD, thấp hơn khoảng 40% so với mức năm 2019. Lượng niêm yết mới đã giảm từ mức tương đương 52 tỷ USD vào năm 2020 xuống chỉ còn 3,5 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Doanh thu hàng ngày hiện dao động quanh mức 14 tỷ USD, giảm 40% so với hai năm trước. Chủ sở hữu sàn giao dịch Hong Kong, HKEX, đã chứng kiến giá trị cổ phiếu của mình giảm kể từ năm 2021 và khoảng 15% trong chỉ riêng năm nay.
Việc Hong Kong mất đi vị thế trung tâm tài chính và trung tâm kinh doanh đẳng cấp thế giới chỉ có thể gây thêm tổn hại cho nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn và tình hình tài chính bấp bênh của Trung Quốc. Kỳ lạ thay, Bắc Kinh có thể đang phá hủy viên ngọc quý này chỉ để đạt được sự kiểm soát chính trị công khai, những điều mà trước đây họ có thể thực hiện thông qua các biện pháp bí mật. Nhưng đó là đường lối của ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, mặc dù nó đi ngược lại mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh nhằm đạt được ảnh hưởng toàn cầu và quyền bá chủ kinh tế. Đó là một trường hợp kinh điển về việc thắng một trận chiến nhưng thua cả cuộc chiến lớn, nhưng đó dường như là quy luật bình thường dưới thời ông Tập.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch