Ấn Độ: Nhiều trường học tại thủ đô đóng cửa do ô nhiễm không khí
Hôm 3/11 vừa qua, trường học tại một số khu vực ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ được yêu cầu đóng cửa trong 2 ngày do chỉ số chất lượng không khí (AQI) rơi xuống mức nghiêm trọng. Hầu hết các công trình xây dựng trong các khu vực này cũng bị đình chỉ, theo hãng tin Reuters.
Vào mùa đông, khắp Delhi bao phủ làn sương mù mỏng khi các khối khí lạnh giữ lại bụi xây dựng, khí thải xe cộ và khói từ việc đốt rơm rạ ở các bang lân cận, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp ở thành phố 20 triệu dân này.
Tại một số trạm giám sát trong thành phố, chỉ số AQI dao động quanh mức 480. Người dân đã thông báo các triệu chứng khó chịu ở mắt và ngứa họng, khi không khí chuyển sang màu xám đậm.
Chỉ số AQI từ 0-50 được coi là tốt trong khi chỉ số AQI từ 400-500 sẽ ảnh hưởng đến người khỏe mạnh và là mối nguy hiểm đối với những người đang mắc bệnh.
Hôm 3/11, New Delhi đã đứng đầu danh sách về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo thời gian thực do tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ phân tích. Số liệu mới này đã đưa AQI của New Delhi vào mức nguy hiểm.
Trước đó, ngày 2/11, Ủy ban Quản lý chất lượng không khí của Delhi cho hay: “Điều kiện khí tượng không thuận lợi, các vụ đốt rơm rạ gia tăng đột ngột và gió Tây Bắc di chuyển các chất ô nhiễm đến Delhi là những nguyên nhân chính khiến chỉ số AQI tăng đột ngột”. Một số nhà cung cấp bộ lọc máy lọc không khí cũng thông báo tình trạng thiếu hàng do nhu cầu đột ngột tăng vọt.
Năm 2022, Bhiwadi ở miền Bắc Ấn Độ là thành phố ô nhiễm nhất trên cả nước và đứng thứ 3 thế giới (theo IQAir). New Delhi đứng thứ 4 trong khi Lahore của Pakistan và Hòa Điền (Hotan) của Trung Quốc đứng đầu danh sách.
Phan Anh
AI – thách thức lớn nhất của thời đại, có nguy cơ thay thế con người
AI đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trong 5 năm tới, máy móc có thể thay thế con người trong một số công việc, đặc biệt là những công việc văn phòng.
Mới đây, cựu nhà ngoại giao Henry Kissinger đã mô tả trí tuệ nhân tạo là “thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta”. Ông dự đoán rằng máy móc có thể sẽ thay thế loài người trong 5 năm tới.
Kể từ khi OpenAI phát hành ChatGPT vào tháng 11 năm 2022, tiềm năng của AI đã tăng lên rất nhiều. Các chuyên gia cho rằng nó có thể thay thế con người trong một số công việc, đặc biệt là những công việc văn phòng.
Các công việc thuộc lĩnh vực công nghệ, truyền thông, luật, phân tích nghiên cứu thị trường, giáo dục, thương mại, thiết kế đồ họa, kế toán và dịch vụ khách hàng nằm trong số những công việc có nguy cơ bị thay thế bởi AI cao nhất.
Theo ông Kissinger, AI có thể phát triển mạnh mẽ đến mức dẫn đến viễn cảnh con người phục vụ máy móc chứ không phải ngược lại. Ông cho rằng chúng ta có thể tránh được kịch bản trên bằng cách thấu hiểu bản chất của những thông tin do AI mang lại, từ đó vận dụng chúng cho đời sống theo cách của chúng ta.
Theo Kissinger, AI đáng sợ ở chỗ nó có khả năng sáng tạo rất tốt. Các thuật toán, như ChatGPT, có thể tạo ra nhiều nội dung hữu ích từ những kiến thức hoặc bối cảnh đơn giản mà nó thu thập được.
“Khi những cỗ máy này có thể giao tiếp với nhau, điều này chắc chắn sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới, thì đây sẽ là vấn đề của loài người. Liệu chúng ta có thể giữ được cá tính của mình khi phải đối mặt với sự cạnh tranh quá lớn này hay không?” ông Kissinger nói.
Kissinger là đồng tác giả cuốn sách viết về trí tuệ nhân tạo “The Age of AI and Our Human Future” (Tạm dịch: Thời đại AI và tương lai của con người). Trong đó, ông cùng với cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmitt và nhà khoa học máy tính Daniel Huttenlocher đã nói về cách AI có thể thay đổi mối quan hệ của chúng ta với kiến thức, chính trị, xã hội như thế nào.
Ông đang trong quá trình viết cuốn sách thứ hai về chủ đề này. Theo ông, “liệu AI có thay thế con người hay không” là câu hỏi phải mất cả đời mới có thể trả lời được. Bắt đầu từ các cường quốc rồi cuối cùng là các đất nước đang phát triển, tất cả đều phải tham gia vào dòng chảy AI nếu không muốn tương lai phải nắm trong tay một cỗ máy mà họ không thể hiểu được.
Hiện tại, ông Kissinger đang cố gắng tập hợp các nhà khoa học có chung chí hướng lại với nhau để thúc đẩy một tương lai tự do và cùng tồn tại trên thế giới.
Minh Minh/ Theo Insider
Thủ tướng Kishida công bố gói kích thích kinh tế trị giá 17,000 tỷ Yen
Thủ tướng Nhật Bản – ông Fumio Kishida công bố gói kích thích kinh tế trị giá tới 17,000 tỷ Yên (khoảng 113 tỷ USD) trong bối cảnh bất đồng ý kiến giữa các thành viên trong Chính phủ.
Thủ tướng Fumio Kishida hôm thứ Năm (1/11) đã tiết lộ gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 17.000 tỷ yên (khoảng 113 tỷ USD), bao gồm một kế hoạch cắt giảm thuế gây tranh cãi, trong bối cảnh hoài nghi lan rộng về các biện pháp trong Đảng Dân chủ Tự do của chính ông.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp này nhằm giảm thiểu tác động của giá cả tăng (lạm phát) đối với các hộ gia đình có giúp tăng tỷ lệ hỗ trợ đang giảm dần của ông Kishida hay không khi chính phủ phải đối mặt với nhu cầu tăng thuế để tài trợ cho việc tăng chi tiêu quốc phòng và chăm sóc trẻ em.
Gói này, được Nội các thông qua vào buổi tối cùng ngày, cũng bao gồm các điều khoản nhằm tăng cường nguồn cung hàng hóa và dịch vụ trên thị trường và tạo điều kiện cho việc tăng lương liên tục.
Một đề xuất ngân sách bổ sung trị giá tổng cộng 13.100 tỷ Yên dùg để ủng hộ gói này sẽ được đệ trình lên Quốc hội trong những tuần tới để thảo luận giữa các Đảng.
Trong một cuộc họp báo vào tối thứ Năm, Thủ tướng Kishida cho biết năm tài chính tiếp theo (bắt đầu vào tháng 4) sẽ rất quan trọng để thiết lập mức tăng lương vượt quá lạm phát, qua đó cho phép Nhật Bản hoàn toàn thoát khỏi giảm phát.
Ông đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của các cuộc đàm phán tiền lương vào thời điểm mùa xuân giữa các công đoàn lao động và các công ty.
‘Bằng cách kết hợp tăng lương với cắt giảm thuế thu nhập, tôi hy vọng sẽ tạo ra một tình huống mà mức tăng thu nhập của người dân sẽ cao hơn mức tăng giá vào mùa hè năm sau’, ông Kishida nói.
‘Đó sẽ là khi mọi người bắt đầu cảm thấy sức mạnh tổng hợp’ của việc tăng lương và cắt giảm thuế’, theo ông Kishida.
Trong khi ngân sách trải qua cuộc thảo luận tại Quốc hội, các Uy ban thuế của LDP và đối tác liên minh cấp dưới của nó, Komeito, sẽ xem xét kỹ lưỡng các đề xuất tài chính của Chính phủ và đưa ra các đề xuất thuế cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu vào tháng Tư tới.
Vào thời điểm lạm phát ổn định và tiền lương giảm theo giá trị thực, ông Kishida đã nhiều lần nhấn mạnh ý định tăng thu nhập khả dụng của người lao động để ngăn chặn khả năng rơi trở lại vào tình trạng giảm phát.
Tuy nhiên, sự suy yếu kéo dài của đồng Yên đã làm tăng chi phí nhập khẩu, dẫn đến giá cả tăng vọt và ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình.
Cùng với việc cắt giảm thuế thu nhập và cư trú trị giá tổng cộng 40.000 Yên mỗi người, gói này bao gồm trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình đã được miễn nộp thuế, với những hộ gia đình như vậy dự kiến sẽ nhận được thêm 30.000 Yên tiền mặt ngoài các khoản trợ cấp đang diễn ra trị giá 70.000 Yên.
Những người không thuộc nhóm này, nhưng với vị trí của họ ngay trên ngưỡng, vẫn kiếm được quá ít để tận hưởng toàn bộ lợi thế của việc cắt giảm thuế 40.000 Yên sẽ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ bổ sung chưa rõ ràng.
Không giống như các khoản tài trợ – sẽ đến tay người thụ hưởng của họ tương đối nhanh chóng – việc cắt giảm thuế sẽ chỉ có hiệu lực vào khoảng tháng Sáu năm sau, tùy thuộc vào sự chấp thuận của một luật liên quan tại Quốc hội.
Tuấn Minh, theo Japan Times
Các phi hành gia NASA đi bộ ngoài không gian để bảo trì trạm ISS
Ngày 1/11, các phi hành gia thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là bà Jasmin Moghbeli và bà Loral O’Hara đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian để tiến hành nghiên cứu khoa học và bảo trì Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), theo tờ Space.
Cụ thể, chuyến đi bộ bắt đầu lúc 8h05 sáng 1/11 theo giờ miền Đông nước Mỹ (19h05 giờ Việt Nam). Cuộc đi bộ kéo dài khoảng 6,5 giờ. Theo NASA, bộ đôi này được giao nhiệm vụ tháo thiết bị liên lạc vô tuyến và hoán đổi các tấm pin Mặt Trời của ISS quay theo Mặt Trời.
Ở một diễn biến khác, ngày 1/11, NASA thông báo tàu vũ trụ Lucy của cơ quan này dự kiến bay ngang qua tiểu hành tinh Dinkinesh vào ngày 8/11 tới, và đây sẽ là lần đầu tiên Lucy có cái nhìn cận cảnh về một tiểu hành tinh. Chuyến bay cũng sẽ giúp sứ mệnh Lucy thử nghiệm các thiết bị của mình để chuẩn bị cho các chuyến thăm trong thập kỷ tới đến nhiều tiểu hành tinh Trojan quay quanh Mặt Trời theo cùng quỹ đạo với sao Mộc.
Tiểu hành tinh Dinkinesh, rộng gần 1km, quay quanh Mặt Trời trong vành đai tiểu hành tinh chính nằm giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc. Theo NASA, Lucy đã theo dõi trực quan Dinkinesh kể từ ngày 3/9. Dinkinesh sẽ là tiểu hành tinh đầu tiên trong số 10 tiểu hành tinh mà Lucy sẽ ghé thăm trong chuyến hành trình kéo dài 12 năm.
Mục đích chính của sứ mệnh Lucy, được khởi động vào ngày 16/10/2021, là khảo sát các tiểu hành tinh Trojan của sao Mộc, một quần thể các vật thể nhỏ quay quanh Mặt Trời chưa từng được khám phá trước đó.
Phan Anh