Indrajit Basu
Việc giải quyết và ngăn chặn vòng xoáy nợ nần của các địa phương tại Trung Quốc không dễ như những lời tuyên bố. Trong khi đó, rủi ro tài chính liên quan tới bất động sản vẫn còn đó.
Mặc dù giọng điệu bao trùm của Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương (CFWC) kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 31/10 là nhấn mạnh hơn vào các quy định và an toàn tài chính, nhưng việc giải quyết và ngăn chặn vòng xoáy nợ nần của các tỉnh đang gặp khó khăn của Trung Quốc không dễ như những lời tuyên bố.
Ngoài ra, theo các nhà phân tích, cuộc họp kín diễn ra hai lần một thập kỷ – hội nghị chính sách cấp cao nhất của ngành tài chính, sự kiện được kỳ vọng sẽ giảm bớt rủi ro liên quan đến nợ của chính quyền địa phương – hóa ra cũng lại là một sự thất vọng.
“CFWC là một sự kiện gây thất vọng. Các cơ quan quản lý dự kiến sẽ đưa ra kế hoạch giải quyết rủi ro nợ của chính quyền địa phương tại cuộc họp. Nhưng tuyên bố tóm tắt chính thức chỉ đề cập ngắn gọn sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế dài hạn để ngăn chặn và giải quyết rủi ro nợ địa phương”, ông Adam Wolfe, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Tuyệt đối có trụ sở tại London, viết trong một ghi chú dành cho khách hàng được truy cập bởi The Epoch Times.
Theo ông Wolfe, từ góc độ chính sách, cuộc họp không công bố bất kỳ thay đổi lớn nào so với Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia (tên trước kia của CFWC) năm 2017, tại đó việc giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính được đặt lên hàng đầu và một siêu cơ quan quản lý mới đã được công bố.
Ông nói, các ưu tiên của năm nay về cơ bản giống như trước, ngoại trừ cơ quan siêu quản lý đã được chuyển từ việc nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ sang Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
CFWC được tổ chức vào thời điểm mà những điểm yếu trong giám sát và quản trị tài chính đang bị đổ lỗi đã gây ra những tai ương hiện tại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách đề xuất việc thiết lập một giải pháp có hiệu quả lâu dài nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nợ chính quyền địa phương.
Điều này phù hợp với những nỗ lực gần đây nhằm giảm nợ của chính quyền địa phương và giảm thiểu rủi ro đáo nợ của các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV).
Ví dụ, vào ngày 27/9, Bắc Kinh đã triển khai chương trình hoán đổi nợ trị giá hơn 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (137 tỷ USD), cho phép các chính quyền địa phương yếu kém phát hành trái phiếu chính quyền địa phương có mục đích đặc biệt để đảo nợ cho trái phiếu công, các khoản trả chậm và các khoản vay ủy thác.
Vào ngày 24/10, Bắc Kinh cũng công bố kế hoạch phát hành thêm 1 nghìn tỷ CNY trái phiếu chính phủ để hỗ trợ ngân sách của chính quyền địa phương. ĐCSTQ được cho là cũng đang đề cao kỷ luật thị trường và áp đặt các hạn chế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các LGFV tham gia vào hoạt động đầu cơ và vay mượn quá mức.
Tuy nhiên, tất cả những gì CFWC làm là đề ra ưu tiên cho một nhiệm vụ chung chung cho Bắc Kinh, theo một lưu ý dành cho khách hàng của ANZ được The Epoch Times truy cập, tuyên bố “tăng cường quy định tài chính, giải quyết rủi ro tài chính của LGFV và thúc đẩy một nền tài chính có chất lượng cao hơn phục vụ cho phát triển”.
Một nhiệm vụ khó khăn
Thật vậy, một trong những điểm quan trọng nhất rút ra từ cuộc họp là đề xuất giải quyết những rủi ro liên quan đến khoản nợ khổng lồ và đang gia tăng của chính quyền địa phương của Trung Quốc.
Thông cáo của CFWC cho biết: “Thiết lập cơ chế dài hạn để ngăn ngừa và giải quyết rủi ro nợ địa phương, đồng thời thiết lập cơ chế quản lý nợ chính phủ tương thích với sự phát triển chất lượng cao”.
Điều này cũng phù hợp với các biện pháp gần đây mà chính quyền trung ương thực hiện nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần của chính quyền địa phương, CreditSights cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng mà The Epoch Times đã xem.
CreditSights, một công ty con của Fitch Group, cho biết thêm: “Chúng tôi nghĩ rằng các biện pháp này đã làm giảm rủi ro có xác suất nhỏ của LGFV từ các tỉnh yếu và rủi ro vỡ nợ trong tương lai gần của trái phiếu LGFV; tuy nhiên, chúng tôi lưu ý một số hạn chế”.
Theo cơ quan phân tích rủi ro, quy mô nhỏ của chương trình hoán đổi nợ và trái phiếu chính phủ trung ương đặc biệt so với khoản nợ LGFV tồn đọng là một số trở ngại lớn mà ĐCSTQ phải đối mặt trong việc giải quyết vòng xoáy nợ của chính quyền địa phương.
Điều chắc chắn là các khoản vay của chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc đã tăng lên rất nhiều.
Theo thông tin của Reuters, nợ của chính quyền địa phương đạt 92 nghìn tỷ CNY (khoảng 12,6 nghìn tỷ USD), tương đương 76% GDP Trung Quốc vào năm 2022, tăng từ 62% vào năm 2019. Một phần khoản nợ này được phát hành bởi LGFV, vốn được các thành phố Trung Quốc sử dụng để huy động tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến khoản nợ LGFV sẽ đạt 9 nghìn tỷ USD trong năm nay, trong đó ước tính khoảng 2,64 nghìn tỷ CNY (khoảng 361,5 tỷ USD) dự kiến sẽ đáo hạn vào cuối năm nay, theo một ghi chú của Everbright Securities.
Trách nhiệm trả nợ khổng lồ này sẽ là “áp lực đối với các chính quyền địa phương vốn đang chịu hạn chế nghiêm trọng về ngân sách [và] chịu áp lực do mất doanh thu bán đất, khi lĩnh vực bất động sản thắt chặt với suy nghĩ rằng những ngày tháng hưng thịnh của sự mở rộng chóng mặt cùng với các sơ đồ nhà được bán trước [khi hoàn thành nhà] đã kết thúc”, ghi chú của Everbright cho biết. Logo Evergrande được nhìn thấy trên các tòa nhà dân cư ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 18/8/2023. (Ảnh: Stringer/AFP qua Getty Images)
Rủi ro bất động sản vẫn còn đó
CreditSights cũng tin rằng chiến lược giải quyết rủi ro trong lĩnh vực bất động sản của CFWC sẽ khó có thể thay đổi được những điểm yếu dài hạn của lĩnh vực này.
CFWC kêu gọi các tổ chức tài chính đối xử bình đẳng với các nhà phát triển nhà nước và tư nhân, đồng thời đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của lĩnh vực bất động sản. Nó cũng xác định ba động lực phát triển lĩnh vực bất động sản: xây dựng nhà ở xã hội, các dự án làm mới làng đô thị và các cơ sở công cộng liên quan đến văn hóa, du lịch, nhà hưu trí và nơi trú ẩn khẩn cấp.
Tuy nhiên, theo CreditSights, do “các cơ quan có thẩm quyền hàng đầu” vẫn coi khó khăn bất động sản của Trung Quốc chỉ là sự thu hẹp nhẹ trong lĩnh vực bất động sản do dân số già hóa của Trung Quốc và quá trình đô thị hóa chậm lại, nên “lời hứa” của CFWC trong việc giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản có vẻ yếu ớt.
“Những tuyên bố chính sách này, cùng với các biện pháp nới lỏng bất động sản khác, đã được công bố và truyền đạt nhiều lần kể từ năm 2022 nhưng khó có khả năng đảo ngược tình trạng suy thoái kéo dài nhiều năm của lĩnh vực bất động sản hoặc ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trái phiếu bất động sản, theo quan điểm của chúng tôi”, ghi chú của CreditSights chỉ ra.
Tập trung hoá trong việc ra quyết định trong ngành tài chính
Ông Wolfe viết: “Nếu có một chủ đề cho cuộc họp kín, thì đó là tầm quan trọng của việc thực hiện đúng về mặt chính trị”.
Không giống như hội nghị lần trước được tổ chức vào năm 2017 do Ủy ban Ổn định Tài chính của Hội đồng Nhà nước chủ trì, CFWC năm nay do lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình chủ trì. Sự kiện đã nhấn mạnh vai trò của ĐCSTQ trong việc thiết lập và thực thi chính sách tài chính.
Theo các nhà phân tích, điều này báo hiệu việc ra quyết định tập trung hơn trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc, điều ở một mức độ nào đó có thể giúp các cơ quan quản lý tài chính khác nhau làm việc cùng nhau dễ dàng hơn và đẩy nhanh việc áp dụng các chính sách và cải cách tài chính.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể có nghĩa là “rủi ro từ tin tức đối với trái phiếu bằng đồng USD của các tổ chức tài chính Trung Quốc có thể tăng lên khi các cơ quan cấp cao cam kết sẽ triển khai giám sát toàn diện ngành tài chính và tiếp tục trấn áp tham nhũng”, ghi chú của CreditSights cho biết.
Ông Wolfe cũng nghi ngờ liệu điều này có dẫn đến việc Trung Quốc có thể đưa ra các hoạch định chính sách tốt hơn hay không.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch