Thủ tướng Úc thăm TQ: Doanh nghiệp Úc nghĩ gì về thương mại với Trung Quốc?

Hạ Vũ

Thủ tướng Úc Albanese đã đến thăm Trung Quốc và gặp Thủ tướng Lý Cường hôm 5/11/2023. (Ảnh: y HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty)

Hôm thứ Bảy (4/11), Thủ tướng Úc Albanese đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Ông cho biết thương mại là một trong những chủ đề của cuộc đàm phán. Doanh nghiệp Úc phản ứng thế nào trong trường hợp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể nới lỏng thêm việc nhập khẩu hàng hóa Úc?

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Anthony Albanese là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo kể từ khi Úc và Trung Quốc rạn nứt ngoại giao. Sau khi Úc cấm Huawei tham gia 5G và cựu Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19, ĐCSTQ đã áp đặt lệnh cấm đối với một loạt sản phẩm của Úc (bao gồm than đá, rượu vang, thịt bò, lúa mạch và thậm chí cả tôm hùm…).

Các nhà xuất khẩu than của Úc bị Bắc Kinh đóng cửa cũng buộc phải nhanh chóng tìm kiếm các thị trường mới, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang Ấn Độ là nơi cần than để cung cấp cho ngành thép Ấn Độ đang bùng nổ. Đầu tháng 1 năm nay, ĐCSTQ bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với việc nhập khẩu than của Úc, nhưng những mối liên hệ mới giữa các nhà buôn than của Úc và các nước như Ấn Độ vẫn tồn tại.

Albanese cho biết, trong chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày của ông thì thương mại và biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu, trong đó sẽ bao gồm cuộc gặp với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Trong bối cảnh mối quan hệ thương mại Úc-Trung Quốc đã bị thiệt hại lâu dài, kinh nghiệm của các nhà xuất khẩu than luyện thép và một số ngành công nghiệp khác chịu những hạn chế như thuế quan của Trung Quốc cho thấy ông Albanese phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn.

Không muốn đặt cược vào các nước dùng biện pháp ép buộc kinh tế

Sau khi ĐCSTQ áp đặt hạn chế nhập khẩu, các công ty khai thác mỏ của Úc đã phục hồi nhanh chóng nhờ tìm được thị trường thay thế ở Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Giá tăng vọt đã giúp các công ty than Úc thu về lợi nhuận khổng lồ, trong năm tài chính 2021-2022 doanh thu từ than tăng gấp 3 lần lên 9,32 tỷ USD.

Đầu tháng 1, ĐCSTQ bắt đầu nới lỏng hạn chế nhập khẩu than của Úc. Vào tháng 2 năm nay, công ty khai thác than New Hope Group niêm yết ở Úc nói với news.com.au rằng họ không sẵn lòng cung cấp than cho bên mua Trung Quốc, vì than của họ đang được vận chuyển đi nơi khác, bao gồm cả Đài Loan.

Người phát ngôn của New Hope Group cho biết: “Việc sản xuất của tập đoàn hiện vẫn hoàn toàn theo các khách hàng đang có, bao gồm cả khách hàng quốc tế dài hạn ở Nhật Bản và Đài Loan”.

Hiện tại xuất sang sang Trung Quốc chỉ hơn 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc, giảm mạnh so với mức cao khoảng 45% vào năm 2021. Các nhà kinh tế cho rằng xuất khẩu sụt giảm một phần là do sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc sau đại dịch, nhưng điều đó cũng có thể phản ánh sự miễn cưỡng của một bộ phận các nhà xuất khẩu Úc khi đặt cược vào một nước thường dùng biện pháp cưỡng chế kinh tế. Bất chấp những cải thiện gần đây trong quan hệ Úc-Trung thì căng thẳng vẫn còn đó, bao gồm cả việc Úc mở rộng liên minh quân sự với Mỹ và việc ĐCSTQ bắt giữ blogger và tiểu thuyết gia người Úc [gốc Hoa] là Yang Hengjun.

Nhà kinh tế trưởng Shane Oliver tại công ty quản lý đầu tư AMP Capital của Úc, nói với WSJ: “Các nhà sản xuất Úc có thể hơi lo lắng về việc lại phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc”.

Bông và lúa mạch Úc tìm được thị trường mới

Bất chấp quy mô của thị trường Trung Quốc và mức giá cao thường phải trả cho các sản phẩm của Úc, với một số ngành việc quay trở lại hoạt động kinh doanh bình thường với Trung Quốc không phải là lựa chọn dễ dàng. Gần đây, giới trồng bông ở Úc đã xuất khẩu bông sang Việt Nam với sản lượng tương đương họ đã xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất của họ trước khi lệnh cấm của ĐCSTQ chính thức bắt đầu vào năm 2020.

Từ năm 2020 – 2021, nhập khẩu bông thô của Việt Nam từ Úc tăng 899%, trị giá 555 triệu USD. Dự kiến ​​đến năm 2023 ngành quần áo và dệt may Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 46 – 47 tỷ USD. Thị trường Việt Nam được coi là khu vực tăng trưởng trọng điểm của các nhà kinh doanh bông Úc. Nhiều yếu tố đã cho phép Việt Nam nhanh chóng thay thế Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của bông Úc, như: căng thẳng thương mại với Trung Quốc tích tụ, lợi ích từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do, nhu cầu cao từ ngành dệt may Việt Nam và vị trí gần Úc của Việt Nam…

Ngay cả khi xuất khẩu lúa mạch sang Trung Quốc giảm thì tổng thể xuất khẩu của Úc vẫn giữ ổn định, chủ yếu là do lúa mạch ban đầu dự kiến ​​bán sang Trung Quốc đã được bán lại cho các nước khác, bù đắp cho tác động của việc mất thị trường Trung Quốc. Những người trồng lúa mạch Úc bị ảnh hưởng bởi thuế quan trừng phạt tại Trung Quốc cũng đã tìm được thị trường mới, bao gồm cả Ả Rập Saudi.

Xuất khẩu lúa mạch của Úc sang Trung Quốc hồi tháng 4/2020 có trị giá khoảng 130 triệu USD, nhưng một tháng sau [vào tháng 5/2020 khi Trung Quốc áp thuế] giảm một nửa xuống còn 64 triệu USD, tổng xuất khẩu lúa mạch Úc ra thế giới trong tháng đó đã giảm xuống 40% giá trị ban đầu, nhưng sau đó dần phục hồi với tổng xuất khẩu lúa mạch phục hồi đạt giá trị khoảng 190 triệu USD vào tháng 2/2021.

Ngành rượu vang Úc khai thác thị trường mới

Rượu vang Úc là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan của Trung Quốc. Giám đốc điều hành Lee McLean của Công ty Rượu và Nho Úc nói với China Daily rằng sẽ có một số công ty quay trở lại Trung Quốc, nhưng nhiều công ty sẽ không vội quay lại.

McLean cho rằng không có quốc gia hay tập hợp thị trường nào có thể thay thế hoạt động kinh doanh bị mất với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết các nhà xuất khẩu đã đạt được một số thành công trong việc mở rộng thương mại với Nhật Bản, đặc biệt là đối với các loại rượu vang giá cao, ngoài ra doanh số bán hàng sang Đông Nam Á đang tăng nhanh.

Tờ WSJ đưa tin, đối với một số nhà sản xuất bia, sự sụp đổ thảm hại trong thương mại với Trung Quốc cũng mang đến một tia hy vọng. Điều này đã thúc đẩy việc xem xét lại liệu ngành này có nên phụ thuộc quá mức vào một thị trường hay không. Jeffrey Grosset, người sáng lập công ty Grosset Wines ở Thung lũng Clare – Nam Úc cho biết: “Việc này (mức thuế cao của ĐCSTQ) thực sự khá tàn nhẫn, nhưng nhìn lại thì có thể thấy một mức độ nào đó đã giúp ích cho chúng tôi”. Thung lũng Clare nổi tiếng với rượu vang trắng.

Báo cáo xuất khẩu rượu vang của Úc tháng 5 năm nay cho thấy, giá trị xuất khẩu rượu vang của Úc [năm nay] tính đến ngày 31/3/2023 đã giảm 7% xuống còn 1,99 tỷ USD, lượng xuất khẩu giảm 1% xuống còn 620 triệu lít. Giám đốc Peter Bailey hiểu biết thị trường rượu vang Úc cho biết, đây không phải là tin xấu, những thay đổi tích cực cũng được nêu trong Báo cáo Xuất khẩu Rượu vang Úc, đặc biệt liên quan đến các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á.

Điểm tích cực của báo cáo là các khoản đầu tư đa dạng của Úc vào các thị trường mới nổi đang bắt đầu mang lại kết quả, điều này tốt cho sự ổn định và tăng trưởng lâu dài. Những sản phẩm cao cấp tăng trưởng mạnh ở Đông Nam Á, bao gồm các thị trường mới nổi quan trọng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines.

Tháng 8 năm nay ĐCSTQ đã hủy bỏ mức thuế cao bất hợp lý đối với lúa mạch Úc. Tuy nhiên Thượng nghị sĩ Bridget McKenzie (Đảng Quốc gia Úc) cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, hãy đánh giá rủi ro tại thị trường Trung Quốc khi đưa ra quyết định. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi mong các doanh nghiệp có thể thận trọng khi lựa chọn thị trường xuất khẩu”.

Theo Hạ Vũ, Epoch Times

Related posts