Con cháu giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nỗ lực chuyển tài sản ra nước ngoài

Xin Ning

Con cháu giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nỗ lực chuyển tài sản ra nước ngoài
Một người đi bộ đi ngang qua một bảng quảng cáo có hình đồng nhân dân tệ Trung Quốc (trên cùng ở giữa), đô la Hong Kong (phải) và đô la Mỹ được trưng bày trước một tòa nhà ở Hong Kong vào ngày 21/3/2009. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP qua Getty Images)

Theo thông tin từ các thái tử đảng, hậu duệ của các quan chức cấp cao kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực chuyển tài sản của họ ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh các phe phái chính trị tại Trung Quốc đang tranh giành căng thẳng.

Sử dụng hóa danh vì sợ bị trả thù, ông Fang Ming, một thái tử đảng của ĐCSTQ hiện đang sống ở New York, nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung vào ngày 25/10 rằng chiến dịch chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang xâm phạm lợi ích đặc quyền của thế hệ hậu duệ, khiến họ lo ngại về khả năng bảo vệ khối tài sản lớn mà họ đã tích lũy ở Trung Quốc.

Ông Fang nói: “Chúng tôi đang cố gắng chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc để ngăn chặn tài sản của chúng tôi trở thành nạn nhân của sự bóc lột của ĐCSTQ”.

“Thái tử đảng đỏ”, “những người thừa kế đỏ” hay “thế hệ đỏ thứ hai” ám chỉ con cháu và các thế hệ tiếp theo của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ. Những gia đình của các vị lãnh đạo này được hưởng nhiều đặc quyền hơn và nắm giữ các vị trí có ảnh hưởng trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị nhà nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm quân sự, công nghệ và tài chính.

Trở thành mục tiêu thanh trừng

Ông Tập tuân theo các nguyên tắc của Chủ nghĩa Mao, tìm cách noi gương nhà lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ, Mao Trạch Đông, người duy trì sự cô lập về kinh tế của Trung Quốc với thế giới. Cách tiếp cận này khác với chính sách “cải cách và mở cửa” – được đưa ra lần đầu bởi nhà lãnh đạo thứ hai của ĐCSTQ, Đặng Tiểu Bình, và sau đó được phát triển dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – trong đó nhấn mạnh đến thương mại và hợp tác quốc tế.

Hai phe phái nổi bật và có mối liên hệ với nhau đã nổi lên trong thời kỳ “cải cách và mở cửa”: các thái tử đảng, những người đại diện cho lợi ích của các doanh nhân và tầng lớp tinh hoa và giàu có mới nổi, và phe “tuanpai” hay Đoàn Thanh niên, với các thành viên là những nhà cải cách ôn hòa chủ yếu tới từ tầng lớp cơ sở. Các cựu quan chức cấp cao Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường vừa mới qua đời đều có liên quan tới tuanpai. Hậu duệ của tuanpai cũng sẽ được coi là thái tử đảng.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập đã thực hiện một loạt cuộc thanh trừng chính trị trong nội bộ ĐCSTQ nhằm loại bỏ những kẻ thù và củng cố quyền kiểm soát của ông đối với đảng. Các thái tử đảng và tuanpai sợ trở thành mục tiêu thanh trừng của ông Tập bất chấp họ đang nỗ lực mở rộng sự cai trị của chế độ ĐCSTQ.

Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc là một ví dụ gần đây về một thái tử đảng không được lòng ông Tập, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Việc tướng Lý bị cách chức khỏi chức vụ cao nhất của Bộ Quốc phòng đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV chính thức công bố vào ngày 24/10. Cha của ông, Lý Thiệu Châu, từng giữ chức Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân đoàn Đường sắt Tây Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu trong Hội nghị Moscow về An ninh Quốc tế ở Kubinka, ngoại ô Moscow, Nga, vào ngày 15/8/2023. (Ảnh: Alexander Nemenov/AFP qua Getty Images)

Theo ông Diêu Thành, cựu trung tá trong Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, Tướng Lý bị cho là có liên quan đến một cuộc điều tra chống tham nhũng trong hệ thống mua sắm thiết bị và bị nghi ngờ làm rò rỉ bí mật quân sự liên quan đến Lực lượng Tên lửa.

Lực lượng Tên lửa đã trải qua những thay đổi đáng kể trong đội ngũ lãnh đạo, với tư lệnh và phó tư lệnh bị điều tra. PLA Daily cảnh báo vào ngày 4/9 rằng quân đội Trung Quốc có dấu hiệu “chậm chạp, mệt mỏi và chán nản trong việc chuẩn bị chiến tranh”, mô tả đó là dấu hiệu của sự không trung thành với ông Tập và ĐCSTQ.

Cựu tướng Lưu Á Châu – con rể của ông Lý Tiên Niệm, một trong “tám trưởng lão cách mạng của đảng”, và cũng là một thái tử đảng – đã bị đồn đại vào tháng 3 là đã tham gia vào một vụ tham nhũng nghiêm trọng. Các bài báo cho rằng ông Lưu có thể phải nhận một bản án khắc nghiệt sau khi biến mất trước công chúng vào năm 2021.

Tháng trước, con trai cả của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình là Đặng Phổ Phương bất ngờ từ chức sau 30 năm lãnh đạo Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc và được kế nhiệm bởi ông Dương Hiểu Độ (Yang Xiaodu), một người thân tín của ông Tập.

Ông Diêu nói với The Epoch Times rằng biến động gần đây trong giới lãnh đạo chính trị và quân sự cho thấy ông Tập cảm thấy việc nắm giữ quyền lực của mình không ổn định. Ông lưu ý: “Tập Cận Bình rất sợ xảy ra đảo chính”.

Ông Fang nói, cuộc thanh trừng của ông Tập đã làm suy yếu niềm tin của thế hệ con cháu các lãnh đạo vào ĐCSTQ, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin rằng hầu hết các thái tử đảng không đồng ý với quyết định của chế độ Tập Cận Bình ủng hộ Nga bất chấp phản ứng dữ dội trên toàn cầu chống lại việc nước này xâm lược Ukraine cũng như việc ủng hộ Iran giữa cuộc chiến Israel-Hamas.

Trong những năm gần đây, việc ông Tập đàn áp các doanh nghiệp tư nhân, chẳng hạn như các công ty dạy kèm và các gã khổng lồ công nghệ, cũng như các biện pháp hà khắc đối với đại dịch COVID-19 đã góp phần khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái. Điều này đi ngược lại mong đợi của các thái tử đảng, những người đang hy vọng có một nhà lãnh đạo có thể bảo vệ sự giàu có và tầm ảnh hưởng của tầng lớp đặc quyền trong ĐCSTQ.

Tuy nhiên, “các thái tử đảng không thể đối đầu với ông Tập Cận Bình, nhân vật quyền lực trung tâm của ĐCSTQ”, ông Gia Cát Minh Dương, một nhà quan sát tình hình Trung Quốc và cộng tác viên của ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, cho biết.

Ông nói thêm: “Đối với họ, lối thoát duy nhất là lấy tiền và bỏ chạy”.

Các kênh chuyển tiền bí mật

Việc chuyển tiền ra nước ngoài của các gia đình quyền lực của ĐCSTQ đã thúc đẩy hoạt động của các kênh tài chính bí mật, khi Trung Quốc áp dụng mức trần hàng năm là 50.000 USD cho mỗi người đối với chuyển khoản ngân hàng.

Ông Zhao Wei (hóa danh), một thái tử đảng, cho biết ông và các thành viên khác thuộc thế hệ đỏ thứ hai quan tâm đến việc bảo toàn tài sản của mình để tránh bị chế độ Tập Cận Bình tịch thu.

Ông nhấn mạnh: “Tất cả chúng tôi đều sợ mối đe dọa sắp xảy đến từ chính quyền của ông Tập. Một khi tài sản của chúng tôi ở Trung Quốc bị đóng băng, chúng tôi sẽ mất tất cả”.

Theo ông Zhao, khoảng thời gian rút tiền tích cực nhất xảy ra từ năm 2018 đến năm 2020. Một năm quan trọng khác là năm 2022, khi Thượng Hải, một trung tâm tài chính, bị phong tỏa. Ông nói: “Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi [các thái tử] tin rằng các biện pháp zero-COVID sẽ khiến đất nước suy thoái, vì vậy chúng tôi đã suy nghĩ kỹ về việc rút tiền của mình”.

Ông Zhao tiết lộ những phương pháp được những người quyền lực và giàu có sử dụng để chuyển tiền từ tài khoản trong nước sang tài khoản nước ngoài. Ông giải thích rằng các phương pháp chuyển tiền khác nhau được áp dụng dựa trên số tiền liên quan.

Ví dụ, ông giải thích rằng với số tiền lên tới 1 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 130.000 USD), người chuyển tiền sẽ gửi tiền đến tài khoản được chỉ định của một người trung gian chịu trách nhiệm chuyển tiền. Người nhận nhanh chóng chuyển đổi ngoại tệ vào tài khoản được chỉ định hoặc rút trực tiếp bằng tiền mặt.

Đối với số tiền từ 1 triệu CNY đến 10 triệu CNY (khoảng 130.000 – 1,3 triệu USD), tài khoản công ty sẽ được sử dụng để chuyển khoản. Các công ty này thường ẩn danh, về cơ bản là pháp nhân không tồn tại và họ không nộp thuế, giống như các công ty vỏ bọc.

“Bạn có thể nhờ ai đó đăng ký một công ty như vậy với giá 5.000 CNY [khoảng 680 USD] ở Trung Quốc, sau đó công ty sẽ bị hủy đăng ký ngay sau khi tài khoản của công ty được sử dụng để chuyển tiền vài lần”, ông nói.

Việc chuyển số tiền vượt quá 10 triệu CNY (khoảng 1,3 triệu USD) liên quan đến việc sử dụng một kênh đặc biệt: hệ thống thanh toán bằng điện chuyển tiền của ngân hàng. “Hệ thống này không được cung cấp cho công chúng. Hệ thống xuyên biên giới này thường được sử dụng bởi các cá nhân tham gia vào thương mại quốc tế có giá trị cao và hoạt động tách biệt với hệ thống dành cho công chúng”, ông Zhao nói.

Bên cạnh các thái tử đảng của ĐCSTQ, các ông trùm khác và tầng lớp trung lưu cũng đang chạy trốn khỏi Trung Quốc, mang theo tài sản nhiều trăm triệu USD ra nước ngoài. Các chuyên gia và nhà quan sát Trung Quốc cảnh báo rằng dòng vốn thất thoát này có thể đẩy nhanh tốc độ suy thoái kinh tế của Trung Quốc.

Những vụ thanh trừng thái tử đảng khác

Ông Nhậm Chí Cường, cựu Chủ tịch của tập đoàn phát triển bất động sản nhà nước Huayuan Group, có bài phát biểu tại Diễn đàn Phúc lợi Công cộng Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/11/2013. (Ảnh: CNS/AFP qua Getty Images)

Năm 2016, chính quyền đã chiếm quyền kiểm soát tạp chí cải cách Viêm Hoàng Xuân Thu (Yanhuang Chunqiu), do ông Hồ Đức Bình (Hu Deping), con trai cả của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, quản lý.

Vào tháng 9/2020, ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một ông trùm bất động sản và thái tử đảng nổi tiếng, đã bị kết án 18 năm tù với cáo buộc tham nhũng, hối lộ và biển thủ công quỹ. Ông Nhậm nổi tiếng với việc công khai bày tỏ sự bất bình của mình đối với các chính sách bất động sản cũng như những lời chỉ trích gay gắt đối với ĐCSTQ và ông Tập.

Vào tháng 7/2019, ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, bị kết án 18 năm vì cáo buộc gian lận gây quỹ và tham ô. Ông Ngô từng là cháu rể của Đặng Tiểu Bình (có thông tin cho thấy ông và cháu Đặng Tiểu Bình đã ký đơn ly hôn).

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts