Thủ tướng Bồ Đào Nha từ chức vì bị điều tra tham nhũng

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa (Ảnh của Chesnot/Getty Images)

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa từ chức hôm thứ Ba (7/11), vài giờ sau khi các công tố viên bắt giữ chánh văn phòng của ông trong cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng việc chính quyền của ông xử lý các dự án khai thác lithium và hydro.

Thủ tướng Antonio Costa công bố quyết định này trong một tuyên bố trên truyền hình sau cuộc gặp với Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa.

Ông cho biết lương tâm của ông trong sáng, nhưng ông sẽ không ra ứng cử lần thứ tư cho chức thủ tướng.

Bồ Đàu Nha hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị.

Tổng thống có quyền quyết định xem có cho phép những người theo chủ nghĩa Xã hội của ông Costa (chiếm đa số trong quốc hội), thành lập chính phủ mới hay giải tán quốc hội và tổ chức một cuộc bầu cử sớm.

Chủ tịch Đảng Xã hội, Carlos Cesar, cho biết đảng của ông đã chuẩn bị cho “mọi kịch bản có thể xảy ra”.

Trong khi ông Luis Montenegro, lãnh đạo đảng đối lập chính – Dân chủ Xã hội, cho biết ông sẵn sàng cho một cuộc bầu cử sớm.

Ông Montenegro nói: “Sự xuống cấp của chính phủ đòi hỏi không được lãng phí thêm thời gian nữa”.

Điều tra các dự án khai thác lithium, hydro

Văn phòng công tố cho biết vào hôm thứ Ba (7/11) rằng 5 người đã bị giam giữ trong cuộc điều tra, bao gồm Vitor Escaria, chánh văn phòng của ông Costa, đã bị khám xét văn phòng cùng với một số tòa nhà chính phủ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Joao Galamba, người từng giữ chức Bộ trưởng Năng lượng và chủ tịch cơ quan môi trường APA, ông Nuno Lacasta, là nghi phạm chính thức và sẽ xuất hiện trước thẩm phán.

Các công tố viên cáo buộc các bị cáo tham nhũng và gây ảnh hưởng đến hoạt động bán lẻ trong nhượng quyền khai thác lithium ở Barroso và Montalegre – miền bắc Bồ Đào Nha, một dự án nhà máy hydro ở cảng Sines và một khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu lớn ở đó.

Cơ quan công tố cho biết các nghi phạm đã sử dụng tên và quyền hạn của ông Costa để “bỏ qua các thủ tục” liên quan đến các thương vụ. Tòa án Tối cao sẽ xem xét vai trò của Thủ tướng Costa trong vụ việc này.

Ông Costa cho biết ông “hoàn toàn sẵn sàng hợp tác” với hệ thống tư pháp.

Với hơn 60.000 tấn trữ lượng lithium, Bồ Đào Nha được coi là trung tâm của châu Âu nhằm đảm bảo chuỗi giá trị pin lithium và cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Các dự án lithium đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương và các nhà hoạt động môi trường.

Trong một tuyên bố, các nhóm chống khai thác mỏ của Bồ Đào Nha cho biết những diễn biến hôm thứ Ba là bằng chứng cho thấy các quy trình khai thác không được tiến hành một cách minh bạch và họ kêu gọi “hủy bỏ ngay lập tức” tất cả các dự án lithium.

Những quan ngại về tương lai

Thủ tướng Costa sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi có quyết định của tổng thống. Tổng thống Rebelo de Sousa đã triệu tập các đảng chính trị để tham vấn vào thứ Tư (8/11) và cơ quan tư vấn của Tổng thống, Hội đồng Nhà nước, vào thứ Năm (9/11).

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2015 sau cuộc khủng hoảng nợ và gói cứu trợ quốc tế, Thủ tướng Costa đã lãnh đạo một thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chính phủ của ông đã giảm thâm hụt ngân sách và giảm gánh nặng nợ, đồng thời giành được sự khen ngợi của châu Âu về các chính sách tài chính hợp lý.

Nhưng từ nhiệm kỳ năm 2022, Thủ tướng Costa bị ảnh hưởng bởi các vụ bê bối, bao gồm cả những tranh cãi xung quanh Hãng Hàng không Quốc gia TAP vào tháng 1 năm 2023, khiến các đảng đối lập yêu cầu chính phủ của ông từ chức.

Anh Nguyễn

Related posts