Tin thế giới sáng thứ thứ Năm: Iran cố gắng thuyết phục Ấn Độ ủng hộ Hamas

Bộ Ngoại giao Anh mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga

Hôm 8/11 vừa qua, Bộ Ngoại giao Anh đã mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga, theo đó áp đặt trừng phạt đối với công ty Krastsvetmet, công ty khai thác khoáng sản Ural và các công ty khai thác vàng Nord Gold và Highland Gold Mining của “xứ sở bạch dương”.

Được biết, danh sách trừng phạt cập nhật nêu trên còn có công ty tái bảo hiểm quốc gia Nga, Paramount Energy & Commodities, Paloma Precious, Fly Bridge và 20 cá nhân. Toàn bộ tài sản của họ nếu bị phát hiện ở Anh sẽ bị phong tỏa và cấm nhập cảnh vào nước này. Ngoài ra, các hạn chế cũng được áp dụng đối với Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga.

Cũng trong ngày 8/11, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết EU sẽ tiến hành lệnh cấm mặt hàng kim cương của Nga sau khi nhận được đủ sự ủng hộ từ các quốc gia Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).

Theo ông Borrell, cuộc họp kéo dài hai ngày của các ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản kết thúc ngày 8/11 đã ủng hộ động thái này. Các nước thành viên EU dự kiến sẽ thảo luận về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga trong tuần tới.

Trước đó, hôm 6/11, phía EU cho hay rằng họ đang chờ các nước G7 đưa ra một số đề xuất để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng kim cương của Nga.

Phan Anh

Iran cố gắng thuyết phục Ấn Độ ủng hộ Hamas

Hôm thứ Hai (6/11), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thực hiện cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm nỗ lực lôi kéo liên minh BRICS bảo vệ tổ chức khủng bố Hamas trong cuộc xung đột Israel – Hamas đang diễn ra.

Thủ tướng Modi mô tả cuộc điện đàm này là một “cuộc trao đổi quan điểm tốt đẹp”, nhưng ông dường như không hào hứng với việc chấp nhận luận điệu của Iran về cuộc chiến ở Gaza cũng như việc cứu Hamas khỏi những hậu quả do các hành động của tổ chức này gây ra.

Sau cuộc điện đàm, Thủ tướng Modi đã đề cập đến một số chủ đề mà Iran hoàn toàn không muốn thảo luận: “Các vụ khủng bố, bạo lực và thiệt hại về sinh mạng dân thường là những mối quan ngại nghiêm trọng. Ngăn chặn leo thang, đảm bảo viện trợ nhân đạo được tiếp tục và sớm khôi phục lại hòa bình và ổn định là điều quan trọng.”

Luận điệu của Tổng thống Raisi là Israel đang ném bom bừa bãi vào dân thường ở Gaza mà không có lý do chính đáng nào và các quốc gia khối BRICS nên hợp tác để ngăn chặn Israel thực hiện “tội ác diệt chủng” đối với người Palestine. Tổng thống Raisi muốn Israel ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện để bảo vệ Hamas, mà không hề cân nhắc đến tội ác chống lại loài người mà tổ chức khủng bố người Palestine gây ra và cũng không cân nhắc đến sự an toàn của người Israel và người nước ngoài mà tổ chức khủng bố này bắt cóc vào ngày 7/10.

Ấn Độ là một trong những thành viên sáng lập BRICS, trong khi Iran cùng với năm quốc gia khác mới được mời tham gia vào tháng Tám.

Tờ WION News của Ấn Độ đưa tin, Tổng thống Raisi đã chơi lá bài thực dân khi thuyết phục Thủ tướng Modi. Nhà lãnh đạo Iran đã nhắc nhở ông Modi về cuộc đấu tranh của Ấn Độ chống lại “chủ nghĩa thực dân phương Tây” và sự lãnh đạo của New Delhi trong Phong trào Không liên kết. Tổng thống Raisi ngụ ý rằng Ấn Độ nên thông cảm với người Palestine bởi vì người Israel được cho là “đang thuộc địa hóa” Palestine.

Thủ tướng Modi đã ủng hộ những nỗ lực nhân đạo ở Gaza, chứ không phải một lệnh ngừng bắn vô điều kiện thân thiện với Hamas như điều mà Tổng thống Raisi mong muốn. Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu hôm 28/10 của Liên Hợp Quốc về một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức bởi vì nghị quyết này không bao gồm “việc lên án mạnh mẽ” các hành động tàn bạo của Hamas và Ấn Độ cảm thấy không thể có sự mập mờ về khủng bố.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu của LHQ, phó đại diện của Ấn Độ tại LHQ, bà Yojna Patel, lên án: “Chủ nghĩa khủng bố là một căn bệnh ác tính và không phân biệt biên giới, quốc tịch, hay chủng tộc.Thế giới không nên tin vào bất kỳ lời biện minh nào cho các hành động khủng bố. Chúng ta hãy gạt sự khác biệt sang một bên, hãy đoàn kết và áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng đối với chủ nghĩa khủng bố.”

Trong một tình huống khá khó xử, Ấn Độ đã ủng hộ bản sửa đổi nghị quyết của LHQ nhằm lên án hành động tàn bạo của Hamas, và bản sửa đổi đó được đưa ra bởi Canada, quốc gia hiện đang có mối quan hệ căng thẳng với Ấn Độ bởi vì Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cáo buộc công khai chính phủ của Thủ tướng Modi đã giết chết một nhà hoạt động người Sikh trên đất Canada.

Việc Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của LHQ đã gây ra một số tranh cãi tại quê nhà, khi phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Modi từ bỏ sự ủng hộ lịch sử của Ấn Độ đối với chính nghĩa của người Palestine.

Bà Priyanka Gandhi Vadra, tổng thư ký đảng Quốc đại đối lập, chỉ trích gay gắt: “Từ chối đứng lên và im lặng nhìn mọi luật lệ của nhân loại bị nghiền nát, thực phẩm, nước, vật tư y tế, thông tin liên lạc và điện bị cắt đối với hàng triệu người, và hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang bị giết chết, đi ngược lại với mọi điều mà đất nước chúng ta đã ủng hộ trong suốt lịch sử của quốc gia chúng ta.”

Chính quyền Modi có mối quan ngại sâu sắc về khủng bố, trong đó nổi bật nhất là những người Sikh ly khai. Ấn Độ cũng ngày càng trở nên thân thiết hơn với Israel trong vài năm qua. Tuần trước, báo chi đưa tin, ngành xây dựng của Israel đã xin phép thuê tới 100.000 công nhân Ấn Độ để thay thế những người Palestine bị mất giấy phép lao động sau vụ tấn công khủng bố của Hamas vào Israel hôm 7/10.

Giống như cuộc chiến Nga-Ukraine, Ấn Độ đã cố gắng duy trì mối quan hệ lâu năm với Moscow, ngay cả khi hầu hết các đồng minh trong thế giới tự do của New Delhi đứng về Ukraine, thì cuộc chiến ở Gaza đang buộc Ấn Độ phải cân bằng giữa sự ủng hộ mang tính lịch sử đối với người Palestine và mối quan ngại sâu sắc về chủ nghĩa khủng bố. Một vấn đề khác là Ấn Độ mong muốn trở thành lãnh đạo của “Nam Bán cầu”, một nhóm rộng lớn gồm các quốc gia đang phát triển, những nước có thiện cảm với chính nghĩa của người Palestine nhưng cũng lo ngại về việc hợp pháp hóa chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu với tờ Nikkei Asia hôm 3/11, Giám đốc điều hành Indrani Bagchi của Trung tâm Ananta Aspen lưu ý, Nam Bán cầu không ủng hộ Palestine theo phản xạ như một số nhà quan sát nhận định.

Ông Bachi giải thích: “Nam Bán cầu là một trong những nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố. Ngoài Ấn Độ, đã có nhiều quốc gia trở thành mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố thánh chiến.”

Tờ Diplomat lưu ý, Ấn Độ hiện đang mua khoảng 2 tỷ đô la vũ khí từ Israel mỗi năm, chiếm gần 1/3 xuất khẩu quân sự của Israel. Thủ tướng Modi là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới lên án công khai những hành động tàn ác của Hamas trong vụ tấn công khủng bố hôm 7/10. Nhìn chung, dân số đông đảo và khó tính của Ấn Độ đều ủng hộ Israel trong cuộc xung đột hiện nay.

Một số nhà phân tích quốc tế đa nghi hơn nói với tờ The Diplomat rằng họ hy vọng Thủ tướng Modi sẽ đưa sự tàn bạo của Hamas vào cương lĩnh chính trị theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của mình, ủng hộ Israel một cách công khai như một cách nhắc nhở người Ấn Độ rằng họ có một lượng lớn dân số Hồi giáo bất mãn cần phải lo lắng.

Một quan điểm hoài nghi khác cho rằng Ấn Độ nóng lòng lên án tổ chức khủng bố Hamas là nhằm giành lại một số ưu ái mà họ đã mất ở các nước phương Tây do từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nhưng Thủ tướng Modi không muốn nghiêng quá nhiều về hướng đó vì lo sợ sẽ mất ảnh hưởng ở Trung Đông vào tay đối thủ Trung Quốc.

Gia Huy (Theo Breitbart News)

Phái đoàn hộ tống Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bị tấn công tại West Bank

Phái đoàn hộ tổng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm thứ Ba (7/11) đã bị tấn công tại Bờ Tây (West Bank). Một trong các cận vệ của ông Abbas đã bị thiệt mạng. Nhóm chiến binh cực đoan có tên ‘Những đứa con của Abu Jandal’ đã tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này.

Những nỗ lực ám sát nhắm vào Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas diễn ra trong bối cảnh xung đột Israel – Hamas vẫn tiếp diễn tại Gaza, đã đang gây ra sự hoảng loạn trong khu vực.
Ông Abbas nhận tối hậu thư phải hành động trong vòng 24 giờ

Nhóm chiến binh ‘Những đứa con của Abu Jandal’ bị cáo buộc được tổ chức bên trong thể chế an ninh của người Palestine tại Bờ Tây, đã gửi tối hậu thư cho ông Abbas yêu cầu tổng thống Palestine phải hành động chống lại Israel trong vòng 24 giờ. Khi thời gian đưa ra kết thúc, phái đoàn hộ tống ông Abbas đã bị tấn công hôm 7/11. Một trong những cận vệ của ông Abbas đã bị bắn chết trong cuộc đụng độ. Nhóm chiến binh ‘Những đứa con của Abu Jandal’ đã chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công này.

Nhóm chiến binh ‘Những đứa con của Abu Jandal’ đã yêu cầu ông Abbas phải loan báo hoàn toàn phản đối Israel chiếm đóng Bờ Tây và đưa ra lập trường rõ ràng về tình hình Israel không kích Dải Gaza. Đáng chú ý, ông Abbas là chủ tịch của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), lực lượng kiểm soát Bờ Tây, nhưng đã bị Hamas tước quyền lực tại Gaza vào năm 2007 sau một cuộc bầu cử một năm trước đó.

Ông Abbas bất ngờ gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken

Ông Abbas đã có cuộc gặp bất ngờ với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại Bờ Tây hôm Chủ nhật (5/11). Trong cuộc gặp với ông Blinken, ông Abbas đã yêu cầu Israel phải dừng các cuộc tấn công vào Gaza.

Ông Blinken đã bất ngờ tới thành phố Ramallah, khu Bờ Tây mà không báo trước. An ninh tại Bờ Tây đã được thắt chặt khi ngoại trưởng Mỹ tới đây. Tuy nhiên, vẫn có hàng chục người Palestine xuống đường biểu tình, giương cao các biển hiệu thể hiện máu tươi đang chảy và các thông điệp gay gắt, trong đó có hiệu ngữ ghi, “Blinken phải chịu trách nhiệm về cái chết của hắn ta”.

Hải Đăng

Related posts