Chẳng giống ai…

Lưu Trọng Văn

9-11-2023

Đang chuyện thời sự, nhà nước phong tặng học hàm giáo sư, phó giáo sư tranh cãi ỏm tỏi, thì tiến sĩ vật lý Nguyễn Mộng Giao, cháu đích tôn cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến alo cho tôi.

Quá đúng… “hớp”.

Tiến sĩ Giao nói: “Chỉ có Việt Nam mình làm chuyện lạ đời không giống ai là nhà nước phong tặng học hàm giáo sư, phó giáo sư. Trên thế giới, việc ấy là của các trường đại học. Trường đại học nào thì công nhận giáo sư của trường nấy.

Tôi giảng dạy tại Mỹ được anh bạn thân trong Hội đồng phong tặng giáo sư ở VN ép, cậu trước đây được phong phó giáo sư rồi bây giờ làm thủ tục để nhà nước công nhận cậu là giáo sư đi. Tôi từ chối vì trường đại học ở Mỹ nơi tôi giảng dạy đã công nhận tôi là giáo sư của trường rồi“.

Tôi hỏi, học hàm giáo sư ở Mỹ, ở châu Âu có giá trị gì không?

Ông Giao đáp: “Giá trị phụ thuộc danh tiếng của trường đại học nào công nhận. Khi người ta giới thiệu học hàm giáo sư thì luôn kèm của trường đại học nào. Giáo sư của Harvard, Sorbonne, Stanford… khác hoàn toàn giáo sư một trường vô danh. Danh dự và đẳng cấp là ở cái uy tín của trường đại học và ở chính cái họ tên của người đó gắn với các công trình cống hiến“.

Tôi nói: Khi qua Mỹ, Canada, châu Âu, tôi thấy người ta không giới thiệu học hàm mà chỉ giới thiệu học vị.

Ông Giao nói:

Ở các nước muốn được công nhận tiến sĩ không dễ, phải làm luận án và được các nhà khoa học công nhận. Nhưng thực tế xã hội bây giờ học hàm học vị không còn quan trọng với lớp trẻ nữa. Bao nhiêu nhà phát minh, sáng chế công nghệ không có bằng cấp gì hết. Xã hội văn minh đánh giá theo chuẩn có tài hay nhàng nhàng, có cống hiến giá trị hay chả tích sự gì. Một xã hội đánh giá nhân tài như vậy mới phát triển. Còn Việt Nam chúng ta đua nhau theo hình thức. Một phần có cuộc chạy đua này là do tiêu chuẩn liên quan có khoản ưu tiên người có học hàm, học vị. Rõ buồn cười, biết bao tay giáo sư về triết học chính trị mà gà mờ về lý thuyết xã hội chủ nghĩa. Có người không hiểu vì sao ông Marx, ông Lê Nin nói, muốn tiến lên CNXH thì phải có ‘giai cấp công nhân tiên tiến’ để rồi ở Việt Nam chưa hề thấy cái ‘giai cấp công nhân tiên tiến’ ấy đâu đã phét lác về CNXH ở Việt Nam!“.

Tôi nghĩ, đất nước mình sẽ khó mà phát triển khi còn nhiều kẻ dốt mà cứ hãnh tiến khoe mẽ các học hàm, học vị hình thức để mua quan bán tước, đến xấu hổ.

Ông Giao quả quyết: “Tốt nhất cứ làm giống người ta đi, trả việc công nhận học hàm cho các trường đại học. Trường nào chịu trách nhiệm bảo vệ giá trị và chất lượng thương hiệu của trường nấy, khi còn dạy thì còn giáo sư, hết dạy, hết giáo sư. Xong!

Related posts