Tại sao Trung Quốc không thể độc lập về chip?

Sophia Lam

Tại sao Trung Quốc không thể độc lập về chip?
Một nhân viên làm việc tại một nhà máy của Công ty Chất bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 17/3/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Theo các chuyên gia, ngay cả khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư số tiền lớn vào việc phát triển chip cao cấp, Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn và sẽ không thể đạt được sự độc lập trong ngành công nghiệp chip của mình.

Chính phủ Mỹ đã cập nhật các hạn chế đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc vào tháng 10. Các chip chuyên dụng như Nvidia A800, H800 trước đây được xuất khẩu sang Trung Quốc nay không còn được phép bán sang thị trường này. Ngoài ra, ngay cả thiết bị in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) kém tiên tiến hơn có khả năng sản xuất chip trong phạm vi 14 đến 28 nanomet cũng bị cấm xuất khẩu.

Chất bán dẫn, một thuật ngữ chung cho chip, có thể được tìm thấy trong hàng nghìn sản phẩm, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính và thiết bị y tế. Nó cũng là một thành phần tiên tiến và quan trọng của hệ thống điện tử quân sự.

Các hạn chế mà Mỹ áp dụng được xem là biện pháp nhằm “ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc” đối với các loại chip cao cấp được sản xuất và thiết kế tại Mỹ cũng như các công nghệ và thiết bị có liên quan của Mỹ.

Theo đài truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc vào năm 2020, chính quyền Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực nâng cao năng lực thiết kế và sản xuất chất bán dẫn trong nước, với hy vọng giảm lượng chip nhập khẩu xuống 30% vào năm 2025.

Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng những hạn chế do Mỹ áp đặt sẽ cản trở một cách mạnh mẽ sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết ngay cả khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư số tiền lớn vào việc phát triển chip cao cấp, Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn và sẽ không thể đạt được sự độc lập trong ngành công nghiệp chip của mình.

Một ngành đặc biệt

Theo ông Chiou Jiunn-rong, giáo sư tại Khoa Kinh tế, Đại học Quốc lập Trung ương của Đài Loan, ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành rất chuyên biệt, cần sự hợp tác và chia sẻ nguồn lực giữa các lĩnh vực khác nhau ở các quốc gia khác nhau và một quốc gia không thể thành công chỉ bằng cách ném tiền vào nó.

Ông Chiou cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn vô cùng rộng lớn và phức tạp”. “Phần lớn hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như bằng sáng chế đều ở Mỹ. Các hợp chất quan trọng nằm ở Nhật Bản, thiết bị in thạch bản ở Hà Lan; và ở Đài Loan, bạn có một nhóm công nhân lành nghề chăm chỉ và siêng năng”.

Ông Chiou nói thêm rằng, với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, sẽ rất khó khăn cho chính quyền Trung Quốc trong việc kết hợp tất cả các lĩnh vực này ở Trung Quốc. Đây là điều sẽ phải mất ít nhất 10 năm và hàng tỷ USD để thực hiện.

Ông lấy Mỹ làm ví dụ. Mặc dù Mỹ có bí quyết về công nghệ chip tiên tiến nhưng nước này vẫn cần Công ty TNHH Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) trong việc thành lập các nhà máy tại Mỹ để sản xuất chip.

Tổng thống Joe Biden (giữa) chào hỏi các công nhân khi ông đi tham quan Cơ sở Sản xuất Chất bán dẫn TSMC ở Phoenix, Mỹ, vào ngày 6/12/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Theo nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, ngoài nhà máy đầu tiên ở Arizona sẽ bắt đầu sản xuất công nghệ xử lý N4 vào nửa đầu năm 2025, TSMC đã “bắt đầu xây dựng nhà máy thứ hai, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất công nghệ xử lý 3nm vào năm 2026”.

Vai trò của Nhật Bản và Hà Lan, khả năng bắt kịp của Trung Quốc

Ông Tai Chih-Yen, một chuyên gia người Đài Loan về kinh tế quốc tế, nói với The Epoch Times rằng hầu hết các hợp chất hóa học quan trọng đối với lĩnh vực này đều nằm ở Nhật Bản.

“Trong những năm 1980 và 1990, Nhật Bản đã thay thế Mỹ trở thành nước lớn trong ngành sản xuất chất bán dẫn và tiếp quản việc sản xuất các sản phẩm hóa chất từ Mỹ. Lợi thế này của Nhật Bản vẫn không bị lay chuyển cho đến ngày nay”, ông Tai nói.

Ông Tai là nhà nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua (CIER) của Đài Loan, chuyên về quản lý chiến lược ngành, công nghệ mới nổi và khởi nghiệp.

Ông nói thêm rằng, dù Đài Loan đã phát triển chất bán dẫn từ lâu và có nhiều loại hóa chất đặc biệt nhưng vẫn không thể thay thế được Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản sở hữu nhiều quy trình và bằng sáng chế quan trọng trong việc sản xuất các loại hóa chất này.

“Các công ty Nhật Bản rất mạnh về vấn đề này. Nguồn cung của họ luôn rất ổn định. Nếu muốn tìm nguồn thứ hai để thay thế, đôi khi bạn có thể gặp phải vấn đề về độ tinh khiết và ổn định”, ông Tai nói.

Theo ông Brad Liao, giám đốc thiết kế vi mạch tích hợp cấp cao làm việc tại Đài Loan, các hệ thống in thạch bản EUV do ASML Hà Lan sản xuất có mức độ tinh vi mà bất kỳ đối thủ nào của nó cũng không thể dễ dàng vượt qua trong thời gian ngắn.

Theo công ty Hà Lan, ASML đã chi hơn 6 tỷ EUR (đồng Euro) cho nghiên cứu và phát triển EUV trong 17 năm. Máy in thạch bản là một công cụ có độ chính xác cao với các yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt về độ chính xác. Ông Liao cho biết, để tích hợp nhiều thành phần như vậy và đạt được độ chính xác cao như vậy cần rất nhiều bí quyết.

Ông Liao nói: “Đó không phải là thứ có thể bắt kịp chỉ trong vòng 5 hay 10 năm”.

Một nhân viên đi ngang qua logo ASML, một công ty Hà Lan hiện là nhà cung cấp máy sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới thông qua hệ thống quang khắc ở Veldhoven, Hà Lan, vào ngày 17/4/2018. (Ảnh: EMMANUEL DUNAND/AFP qua Getty Images)

“Khi Trung Quốc cuối cùng có thể sản xuất được thứ gì đó bằng công nghệ nội địa của mình, thì nó sẽ muộn hơn mười năm so với các nhà sản xuất phương Tây và chất lượng sản phẩm sẽ khá kém. Ví dụ, những chiếc điện thoại gần đây của Huawei được cài đặt chip được sản xuất theo công nghệ [Trung Quốc] lỗi thời và chúng rất dễ bị nóng”, ông Liao nói.

Sau lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ Mỹ, ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc gần đây đã cảm thấy bị bóp nghẹt.

Moore Threads Intelligence Technology Beijing Co., một nhà phát triển bộ xử lý đồ họa và bộ tăng tốc AI của Trung Quốc được thành lập cách đây ba năm, được cho là có kế hoạch cắt giảm một tỷ lệ phần trăm một chữ số trong số khoảng 1.000 nhân viên của mình sau khi công ty này được đưa vào danh sách thực thể của Mỹ vào tháng 10.

Trung Quốc được cho là sẽ phụ thuộc vào chip nhập khẩu từ nước ngoài trong những năm tới. OFWeek, một hãng truyền thông tập trung vào công nghệ cao của Trung Quốc có trụ sở tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến ở phía nam Trung Quốc, đã đưa tin vào tháng 8 rằng chip sản xuất trong nước của Trung Quốc chiếm khoảng 12% tổng số chip cần thiết vào năm 2023. Tỷ lệ này thua xa mục tiêu 70% của Bắc Kinh cho năm 2027.

Lợi thế của Đài Loan

Ông Liao đồng ý với ông Chiou rằng Đài Loan có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Đó chính là đội ngũ công nhân lành nghề trong ngành bán dẫn, những người siêng năng, kiên trì và có trách nhiệm.

Ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn rằng có một trận động đất lớn xảy ra ở Đài Loan vào tháng 10 và nó có tác động đáng kể đến thiết bị bán dẫn. Sau trận động đất, các kỹ sư của TSMC ngay lập tức quay lại nhà máy để kiểm tra xem thiết bị có vấn đề gì không và đảm bảo chúng hoạt động bình thường vì các nhà máy của TSMC chạy suốt ngày đêm.

Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung, Đài Loan, vào ngày 25/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)

Ông Liao cho biết: “Đó là lý do tại sao TSMC có hiệu suất trên 90%, cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, vốn có hiệu suất từ 80% trở xuống”.

Ông Tai cho rằng Trung Quốc cũng thiếu công nhân lành nghề trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chất bán dẫn.

Ông Tai cho biết: “Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động Trung Quốc có theo kịp hay không là một nghi vấn”. “Các nhà khoa học Trung Quốc trong ngành này thực sự rất hiếm vì những người lao động lành nghề hạng nhất của Trung Quốc chủ yếu làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính”.

Thủ đoạn của Trung Quốc để lách lệnh cấm chip

Các chuyên gia về Trung Quốc cảnh báo, đối mặt với các lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ và yêu cầu đáp ứng nhu cầu về chip tiên tiến của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để có được công nghệ và công nhân lành nghề từ nước ngoài.

Một nhà báo chụp ảnh màn hình trình chiếu trước khi bắt đầu cuộc đấu giá của Đức phục vụ việc xây dựng mạng di động 5G cực nhanh tại Cơ quan Mạng Liên bang Đức (BNA, Bundesnetzagentur) ở Mainz, miền Tây nước Đức, vào ngày 19 tháng 3 năm 2019. ( Arne Dedert /DPA/AFP qua Getty Images)

Ông Tai cho rằng các nền dân chủ phương Tây không nên bán sản phẩm có chip tiên tiến cho Trung Quốc.

“Sony có một máy chơi game tên là PlayStation, có GPU 128-bit bên trong. Tuy nhiên, máy chơi game này đã bị cấm bán cho Triều Tiên, Trung Quốc đại lục và Nga vào thời điểm đó. Điều này là do con chip trong máy chơi game do Sony phát triển có khả năng tính toán rất mạnh và có thể được tái sử dụng để dẫn đường cho tên lửa”, ông nói.

Ông nói thêm rằng Nga đã sử dụng chip tủ lạnh trong tên lửa trong Chiến tranh Nga-Ukraine. “Phương Tây có thể cần phải đánh giá lại những thứ gì hiện có thể được vận chuyển tới Trung Quốc thông qua các sản phẩm thương mại mà không bị chú ý”.

Còn một cách khả thi khác để tránh lệnh cấm chip, đó là bỏ qua công nghệ chip hiện tại và khai thác các hệ thống tiên tiến hơn hiện chưa bị cấm, chẳng hạn như chip quang tử và máy tính lượng tử, những thứ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và nghiên cứu, ông Tai nói. Ông nhắc nhở phương Tây không chia sẻ bất kỳ thông tin và dữ liệu nghiên cứu hoặc thử nghiệm nào với ĐCSTQ.

“ĐCSTQ cũng đang đầu tư vào những lĩnh vực này, và nếu chúng ta không bắt đầu hạn chế những công nghệ này ngay từ đầu, liệu họ có thể tạo ra bước nhảy vọt trong phát triển và dẫn đầu trong những lĩnh vực này không?” Ông Tai cho biết thêm rằng kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực viễn thông di động trong quá khứ của ĐCSTQ là một bài học cho các nước phương Tây.

Chính quyền Trung Quốc bắt đầu hoạt động viễn thông di động bằng cách bắt chước và sao chép những thành tựu của phương Tây đối với hệ thống viễn thông thế hệ thứ nhất (1G) cho tới thế hệ thứ ba (3G). Trung Quốc dần dần bắt kịp phương Tây ở thế hệ thứ tư (4G), và các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE nổi lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Huawei sau đó trở thành ông lớn trong hệ thống viễn thông thế hệ thứ năm (5G) và tham gia thiết lập các tiêu chuẩn nghiên cứu phát triển cũng như thử nghiệm thương mại cho hệ thống 5G.

Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Úc và Nhật Bản, đã cấm Huawei xây dựng mạng 5G ở nước họ do Huawei bị cáo buộc thực hiện hành vi gián điệp mạng, trộm cắp tài sản trí tuệ và vi phạm thương mại ở nước ngoài.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts