TNS Manchin sẽ không tái tranh cử, Đảng Dân chủ nguy cơ mất ưu thế tại Thượng viện

TNS Joe Manchin (Ảnh: Third Way Think Tank/ Flickr)

Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Đảng Dân chủ, Tây Virgina) tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử vào năm 2024, ông có thể kết thúc sự nghiệp chính trị kéo dài 25 năm sau khi hứng chịu những chỉ trích của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà. Tuy nhiên ông không đóng cánh cửa tìm kiếm chức vụ cao hơn.

Ông Manchin, 76 tuổi, đưa ra thông báo của mình trong một video đăng trên mạng xã hội X.

Ông nói: “Sau nhiều tháng cân nhắc và trò chuyện với gia đình, tôi tin từ tận đáy lòng, tôi đã hoàn thành những gì tôi đặt ra cho Tây Virgina. Tôi đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong đời mình, tôi sẽ không tái tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ”.

Quyết định không tái tranh cử của Thượng nghị sĩ Joe Manchin là một đòn giáng mạnh vào Đảng Dân chủ. Các nhà phân tích dự đoán Đảng Dân chủ sẽ cần phải bảo vệ 10 ghế nếu không muốn mất thế đa số tại Thượng viện vào năm tới.

Ông Manchin được xem là một ứng cử viên tiềm năng cho nhóm “No Labels”, một tổ chức trung dung về mặt chính trị.

Thượng nghị sĩ cũng nói rằng vào cuối năm nay ông sẽ quyết định xem có nên tranh cử vào Nhà Trắng hay không.

Mặc dù các cơ quan nhà nước từng do Đảng Dân chủ thống trị ở tiểu bang nổi tiếng về than đá, nhưng trong những thập kỷ gần đây, Tây Virginia đã trở thành thành trì của Đảng Cộng hòa. Ông Manchin với những quan điểm ôn hòa của mình đã được thành viên Đảng Cộng hòa đánh giá cao và là nguyên nhân gây căng thẳng thường xuyên với các thành viên Đảng Dân chủ cấp tiến. Ông đã cố gắng giữ ghế của mình ngay cả khi phần còn lại của bang ông chuyển sang phe Cộng hoà.

Hai đối thủ chính mới nổi lên đối đầu với ông Manchin là: Thống đốc Tây Virginia Jim Justice – người giàu nhất bang và Dân biểu Alex Mooney (Đảng Cộng hòa, Tây Virginia).

Với sự nổi bật của mình trong chính trường tiểu bang, ông Justice được các nhà quan sát nhận định là người thừa kế đề cử của Đảng Cộng hòa.

Quá trình làm việc tại Thượng viện của ông Manchin được đánh dấu bằng việc ông sẵn sàng làm việc với phe bên kia và đôi khi lạc lõng với chính đảng của mình về các vấn đề chi tiêu, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Trong kỳ Quốc hội trước, việc ông phản đối một số chương trình nghị sự của tổng thống đã khiến những người phe cấp tiến và thậm chí cả chính tổng thống phẫn nộ.

Ông Manchin không ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Ông cũng chống lại lời kêu gọi ủng hộ dự luật “Build Back Better” của Tổng thống Joe Biden, dự luật này có trị giá ban đầu là 3,5 nghìn tỷ USD, sau đó đã giảm xuống còn 1,75 nghìn tỷ USD. Nhưng ông Manchin đã ủng hộ một phiên bản rút gọn là Đạo luật Giảm Lạm phát với trị giá khoảng 745 tỷ USD, bao gồm khoản đầu tư vào khí hậu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Dân biểu Alex Mooney từng nói với The Epoch Times rằng khi ông Manchin ủng hộ đạo luật Giảm Lạm phát (đạo luật gây lo ngại cho cử tri của bang phụ thuộc 90% năng lượng vào than), thì thượng nghị sĩ đã quyết định số phận chính trị của ông.

Trước khi vào Thượng viện, ông Manchin là thống đốc Tây Virginia năm 2005 đến năm 2010. Ông từng là bộ trưởng nội vụ của Tây Virginia, và cũng kinh qua công việc tại Thượng viện bang và tại Hạ viện bang.

Anh Nguyễn

Số người nước ngoài ở Hàn Quốc đạt kỷ lục mới, người Trung Quốc chiếm 42%

Khi phố Tàu ở Daelim, Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Quan Jinglin / Epoch Times)

Theo thống kê, số lượng người nước ngoài sinh sống lâu năm ở Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục gần 2,26 triệu người, 60% sống ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận Gyeonggi, Incheon…, trong đó người Trung Quốc chiếm 41,8% (bao gồm người dân tộc Triều Tiên tại Trung Quốc).

Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc đã phân tích dựa trên báo cáo “Thực trạng các nhóm tự quản cư dân nước ngoài năm 2022” của Cục Thống kê, theo đó cho biết tính đến ngày 1/11 năm ngoái đã có tổng cộng 2.258.248 người nước ngoài sống ở Hàn Quốc. Số liệu thống kê này bao gồm người nước ngoài đã ở lại Hàn Quốc từ 90 ngày, người nước ngoài nhập tịch và con cái của họ.

So với năm trước, số người nước ngoài ở Hàn Quốc đã tăng 123.679 người (5,8%), đây là con số cao nhất kể từ khi số liệu thống kê liên quan bắt đầu vào năm 2006, phá vỡ kỷ lục trước đó là 2,22 triệu vào năm 2019.

So với tổng dân số Hàn Quốc (51.692.272 người), số người nước ngoài chiếm 4,4% cũng là mức cao kỷ lục. Tỷ lệ này lần đầu tiên vượt 4% vào năm 2018, sau khi tăng lên mức đỉnh 4,3% vào năm 2019 do dịch bệnh COVID-19 tỷ lệ này đã giảm xuống lần lượt là 4,2% và 4,1% vào năm 2020 và 2021.

Dựa trên tư cách cư trú của người nước ngoài cho thấy có tổng số 1.752.346 người bao gồm là người đi lao động, người Hàn Quốc có quốc tịch nước ngoài, và người nhập cư kết hôn, so với năm ngoái tăng 102.379 người (6,2%).

Số người nước ngoài có quốc tịch Hàn Quốc là 223.825 người, so với năm ngoái tăng 12.945 người (6,1%). Trong đó có 98.477 người tộc Triều Tiên ở Trung Quốc (44,0%), 50.660 người Việt Nam (22,6%), 41.413 người ở Trung Quốc (không bao gồm tộc Triều Tiên ở Trung Quốc) (18,5%), 10.295 người ở Philippines (4,6%), và 4946 người Campuchia (2,2%)…

Đồng thời, số trẻ em nước ngoài sinh ra ở Hàn Quốc tăng thêm 8355, theo đó lên 282.077 trẻ. Trong đó, có 105451 trẻ mầm non (37,4%), 102.897 tiểu học (36,5%), và 73729 trung học cơ sở (26,1%).

Ngoài ra so với năm trước, số lượng người Hàn Quốc mang quốc tịch nước ngoài tăng 29.000 (7,9%) lên 397.581 người, số lượng sinh viên quốc tế tăng lên 189.397, và số lượng lao động nước ngoài và người nhập cư kết hôn lần lượt tăng lên 403.139 và 175.756 người.

Về phân bổ nơi cư trú của người nước ngoài, tỉnh Gyeonggi có số lượng người nước ngoài sinh sống đông nhất là 751.507, so với năm trước tăng 37.010; Seoul là 442.289, tăng 15.546 người; Incheon là 146.885, tăng 12.171 người. Có tổng cộng 1.340.681 người nước ngoài sinh sống tại khu vực thủ đô, chiếm 59,4% tổng số người nước ngoài.

Trong các khu vực hành chính dưới tỉnh (thành phố, quận và huyện), top 5 khu vực có nhiều người nước ngoài nhất đều ở tỉnh Gyeonggi: thành phố Ansan (101.850 người), tiếp theo là Suwon (68.633 người), Siheung (68.482 người), Hwaseong (66.955 người), Bucheon (55.383).

Cục trưởng hành chính địa phương của Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc là ông Ahn Seung-tae cho biết: “Thông qua các chính sách hội nhập xã hội, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương để giúp cư dân nước ngoài trở thành thành viên chính của xã hội Hàn Quốc”.

Theo An Cảnh, Epoch Times

Hillary Clinton: Cả Israel và Palestine cần thay đổi lãnh đạo để đạt được hòa bình

Hôm thứ Năm (9/11), bà Hillary Clinton nhận định, cả người Israel và Palestine cần có giới lãnh đạo mới nếu họ muốn đạt được hòa bình với nhau.

Cựu đệ nhất phu nhân, cựu thượng nghị sĩ, cựu ngoại trưởng, và cựu ứng cử viên tổng thống năm 2016 của Hoa Kỳ đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg ở Singapore qua liên kết video.

Nói chuyện với Tổng biên tập John Micklethwait của Bloomberg, bà Clinton lưu ý: “Hamas không phải là đối tác cho bất kỳ hình thức hòa bình hay giải pháp hai nhà nước nào”. Bà cho rằng hòa bình có thể đạt được bởi chính quyền Palestine ở Bờ Tây và bất kỳ ai nắm quyền ở Gaza sau cuộc chiến với Israel.

Khi được hỏi về khả năng đàm phán cho giải pháp hai nhà nước của Thủ tướng Netanyahu, bà Clinton nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ có bất kỳ bằng chứng nào về điều đó. Tôi nghĩ người dân Israel sẽ phải đưa ra quyết định về sự lãnh đạo của ông ấy.”

Bình luận về khả năng xảy ra lệnh đình chiến ở Gaza, bà Clinton cho rằng lệnh đó sẽ “đóng băng tình hình theo hướng có lợi cho Hamas” và do đó khó có khả năng được Israel chấp nhận. Bà dự đoán, Thủ tướng Netanyahu có thể sẵn sàng chấp nhận “sự tạm dừng nhân đạo” để viện trợ có thể đến tay dân thường ở Gaza và Hamas có thể thả các con tin bị bắt trong vụ tấn công hôm 7/10.

Theo bà Clinton, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp nhiều “thách thức” trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ cho cả Israel và Ukraine, nhưng điều đó có thể làm được với “những cuộc đàm phán khó khăn”. Thượng viện do Đảng Dân chủ chiếm đa số đã chặn dự luật chỉ tài trợ cho Israel của Hạ viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số. Thượng viện nhấn mạnh vào đề xuất của Nhà Trắng kết hợp tài trợ cho cả Israel và Ukraine cùng với việc tài trợ cho Đài Loan và xử lý vấn đề nhập cư ở biên giới phía nam với số tiền lên đến 106 tỷ đô la.

Theo tờ Straits Times, bà Clinton đã phát biểu khoảng 25 phút trước khán thính giả là “những nhà lãnh đạo chính phủ và các tập đoàn toàn cầu” tại khách sạn Capella của Singapore.

Chồng của bà Clinton, ông Bill Clinton, đã làm tổng thống Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ từ năm 1993 đến năm 2001. Bà Clinton tiếp tục phục vụ hai nhiệm kỳ tại Thượng viện Mỹ. Bà đã ra tranh cử vị trí ứng cử viên tranh cử tổng thống năm 2008 của Đảng Dân chủ nhưng đã thua ông Barack Obama trong cuộc tranh cử sơ bộ. Sau đó, bà đã được Tổng thống Obama giao nắm giữ Bộ Ngoại giao Mỹ cho đến năm 2013, trước khi bà nghỉ hưu để điều hành quỹ gia đình và chuẩn bị cho việc tranh cử tổng thống lần thứ hai. Mặc dù bà được coi là ứng cử viên có khả năng giành chiến thắng cao nhất trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng bất ngờ cuối cùng bà đã thua trước đối thủ Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump. Bà đã đổ lỗi sự thất bại cho WikiLeaks, FBI, Nga, và “tin tức giả”.

Gia Huy (Theo RT)

Related posts