Bình luận: Chi tiêu cơ sở hạ tầng có thể giải cứu nền kinh tế Trung Quốc?

Milton Ezrati

Bình luận: Chi tiêu cơ sở hạ tầng có thể giải cứu nền kinh tế Trung Quốc?
Công nhân tại một công trường xây dựng tuyến đường sắt Đường Sơn – Hồi Hột ở Ô Lan Sát Bố, khu vực Nội Mông phía bắc Trung Quốc, vào ngày 19/3/2019. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Không chắc nỗ lực chi tiêu cơ sở hạ tầng mới của Bắc Kinh có đem lại lợi nhuận kinh tế hay không, nhưng ta có thể chắc chắn rằng nỗ lực này quá nhỏ để giải cứu nền kinh tế đang bị khó khăn đè nặng của Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng đã nhận ra thực tế rằng nền kinh tế nước này cần nhiều sự giúp đỡ hơn. Tuy nhiên, với một “trí tưởng tượng” không quá xuất sắc, Bắc Kinh đã chuyển sang sử dụng biện pháp mặc định: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Tại hội nghị công tác tài chính trung ương gần đây, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã cho phép phát hành trái phiếu mới trị giá 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (137 tỷ USD) để tài trợ chi tiêu cho các dự án, chủ yếu là giúp đỡ các khu vực bị thiệt hại do lũ lụt. Mặc dù những khoản chi tiêu như vậy trước đây đã có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thật khó có thể nói, trong hoàn cảnh hiện tại, một nỗ lực như thế này sẽ phát huy hiệu quả.

Một lý do quan trọng để nghi ngờ tính hiệu quả của chính sách của Bắc Kinh là trong những năm gần đây, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Việc không thu được lợi ích kinh tế đáng kể từ chi tiêu trong quá khứ được thể hiện rõ ràng trong tình hình tài chính bấp bênh của chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Trong quá khứ, các dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh phần lớn tạo ra gánh nặng tài chính cho các tỉnh và địa phương.

Bắc Kinh đã cho phép vay để tài trợ cho các kế hoạch cơ sở hạ tầng của mình thông qua cái được gọi là phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). Tuy nhiên, chính quyền tỉnh và địa phương vẫn đảm nhận các nghĩa vụ tài chính. Bởi vì những nỗ lực gần đây đã không tạo ra được lợi nhuận kinh tế như mong muốn, các chính quyền địa phương này hiện phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ mà họ đang phải vật lộn để quản lý. Chúng tạo ra nhiều gánh nặng đến mức trong một số trường hợp, các thực thể chính quyền này gặp khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân của họ. Thật vậy, một số chính quyền địa phương đã sử dụng LGFV mới để trả các khoản nợ còn sót lại từ những nỗ lực cơ sở hạ tầng trong quá khứ.

Bắc Kinh đã nhận ra khó khăn tài chính của chính quyền địa phương và lần đầu tiên sau một thời gian dài, họ đã quyết định ghi nhận khoản nợ cho nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng mới nhất này vào bảng cân đối kế toán của chính mình. Động thái này có thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính quyền địa phương hoặc ít nhất là không làm chúng trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, sự thất bại của những nỗ lực trước đây trong việc đạt được lợi nhuận kinh tế cần thiết đã đặt ra câu hỏi liệu đợt chi tiêu cơ sở hạ tầng mới nhất này có mang lại kết quả tốt hơn hay không. Ngay cả khi khoản chi tiêu mới này tạo ra lợi nhuận kinh tế, vẫn chưa chắc chắn rằng nó sẽ đủ để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Rốt cuộc, số tiền ngân sách lần này chiếm chưa đến 1,0% nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Những vấn đề nghiêm trọng

Để đạt được hiệu quả mong muốn, sáng kiến chi tiêu mới sẽ không chỉ phải thúc đẩy nền kinh tế khổng lồ mà còn phải vượt qua lực cản kinh tế to lớn do những vấn đề tài chính nghiêm trọng của Trung Quốc gây ra. Như đã đề cập, chính quyền địa phương đang gặp khó khăn. Theo ông Li Daokui, cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và là giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, khoản nợ tích lũy của họ đã tăng lên 64 nghìn tỷ CNY, chủ yếu là từ hoạt động tài trợ cho cơ sở hạ tầng trước đây. Con số này lớn hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Ngoài gánh nặng này, hệ thống tài chính của Trung Quốc còn phải đối mặt với những thất bại khổng lồ của các nhà phát triển bất động sản nhà ở – nổi bật nhất là Evergrande và Country Garden, cùng các nhà phát triển khác.

Không chỉ vậy, căng thẳng đã gia tăng đối với các tổ chức tài chính của Trung Quốc khi các hộ gia đình Trung Quốc từ chối trả các khoản nợ thế chấp mà họ phải gánh chịu đối với những căn hộ được mua trước từ các nhà phát triển thất bại. Tất cả những căng thẳng tài chính này không thể không gây ra những ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Trung Quốc, nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa. Sự sụt giảm giá trị bất động sản đi kèm với những vụ sụp đổ của các nhà phát triển đã ảnh hưởng đến tình hình tài sản của các hộ gia đình đến mức nền kinh tế cũng đang phải hứng chịu tâm lý miễn cưỡng trong tiêu dùng của các hộ gia đình Trung Quốc.

Trong sự thừa nhận gián tiếp về bản chất nghiêm trọng của những căng thẳng tài chính này, Bắc Kinh cũng tuyên bố tại hội nghị công tác tài chính trung ương rằng họ hướng tới mục đích “tối ưu hóa cơ cấu nợ cho chính quyền trung ương và địa phương”. Có lẽ, quyết định tài trợ cho khoản chi tiêu cơ sở hạ tầng mới nhất này bằng trái phiếu kho bạc chính phủ trung ương là một phần của “sự tối ưu hóa” đó. Nhưng ngoài bước đi này, Bắc Kinh cho thấy rất ít về ý nghĩa của cụm từ này. Việc thiếu tính cụ thể chắc chắn khiến người ta có cảm giác rằng Bắc Kinh không có ý tưởng về những bước đi khác mà họ cần thực hiện.

Nếu, ở giai đoạn đầu này, chúng ta không thể biết liệu sáng kiến cơ sở hạ tầng mới nhất này có mang lại lợi nhuận kinh tế hay không, thì tuy nhiên, ta có thể chắc chắn rằng nỗ lực này quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang bị khó khăn đè nặng của Trung Quốc. Ngay cả trong trường hợp khó xảy ra, đó là nỗ lực này tạo ra lợi nhuận kinh tế lớn, nền kinh tế dường như vẫn sẽ gặp khó khăn khi bước vào năm 2024.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).

Related posts