Chuyên gia: Việc ĐCSTQ cắt giảm đồn công an cho thấy dấu hiệu sắp sụp đổ giống các chế độ cộng sản trước đây

Alex Wu

Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc đứng gác bên dưới bức chân dung của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông phía trước Tử Cấm Thành tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/06/2014 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Hai mươi lăm năm trước, vào ngày 04/06/1989, quân đội Trung Quốc đã đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ và trong các cuộc đụng độ sau đó, rất nhiều người đã bị thiệt mạng và bị thương. (Ảnh: Do Kevin Frayer chụp/Getty Images)

Việc chính quyền cộng sản cắt giảm các đồn công an địa phương do nợ chính quyền địa phương cao trong bối cảnh bất ổn xã hội tương tự như dấu hiệu sụp đổ của các chế độ thuộc Khối Cộng sản trước đây.

Mới đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cắt giảm số lượng đồn công an địa phương bất chấp tình trạng bất ổn xã hội ngày càng gia tăng. Các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng họ làm như vậy là để giải quyết tình hình tài chính giật gấu vá vai của chính quyền địa phương do nền kinh tế Trung Quốc suy thoái gây ra, và là một tín hiệu về sự sụp đổ sau cùng của chính quyền này tương tự như sự tan rã của Khối Cộng sản Đông Âu vào năm 1989.

Hôm 10/11, Nhật báo Mai Châu, một cơ quan truyền thông địa phương ở thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, đưa tin rằng Sở Công an Thành phố Mai Châu đã thông báo về việc đóng cửa Đồn Công an Ngô Châu và Đồn Công an Đông Sơn. Lý do chính thức được đưa ra là để “tích hợp hiệu quả các nguồn lực sẵn có của công an.”

Hai tuần trước, các sở công an của Thanh Đảo, Yên Đài, và Hoài Phường ở tỉnh Sơn Đông cũng công bố các kế hoạch “giải thể và hợp nhất” các đồn công an địa phương. Sở Công an Thanh Đảo đề cập trong một thông báo chính thức rằng bắt đầu từ ngày 23/10, chín đồn công an sẽ được sáp nhập với chín đồn công an khác.

Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, thị trường địa ốc trì trệ, và nợ chính quyền địa phương ở mức cao kỷ lục. Ad

“Họ thậm chí không thể trả lương, tài chính không bền vững, và nhiều chính quyền địa phương đang phá sản,” ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư ở Hoa lục, cho biết. “Thực ra họ đã phá sản rồi. Không còn cách nào khác, bất kể họ có phải là công an không chính quy hay không, không quan trọng là bộ phận nào, họ đang sa thải nhân viên, cắt giảm chức vụ và lương bổng, thực sự là khó có thể duy trì.”

Ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), phó giáo sư và là trưởng Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, nói với The Epoch Times: “Các khoản nợ của chính quyền địa phương dẫn đến việc cắt giảm lương của công chức. Để tồn tại, các chính quyền địa phương này đang tước đoạt và bóc lột người dân ở khắp nơi, bao gồm cả việc tăng mức tiền phạt. Họ đang viện đến mọi cách để kiếm tiền. Điều này thực sự sẽ gây ra bất ổn xã hội lớn.”

Các cuộc biểu tình của sinh viên trường y, đề nghị trả lương công bằng, xảy ra ở nhiều tỉnh của Trung Quốc, chẳng hạn như Vân Nam, Tứ Xuyên, Giang Tây, và Giang Tô, vào tối ngày 12/12/2022. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình video/The Epoch Times)
Các cuộc biểu tình của sinh viên trường y, đề nghị trả lương công bằng, xảy ra ở nhiều tỉnh của Trung Quốc, chẳng hạn như Vân Nam, Tứ Xuyên, Giang Tây, và Giang Tô, vào tối ngày 12/12/2022. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình video/The Epoch Times)

Ông Lại cho biết: “Khi xung đột xã hội gia tăng, họ sẽ bãi bỏ các cơ quan duy trì sự ổn định này hoặc giảm lương và phúc lợi của họ,” ông nói về chính sách mới đồng thời dự đoán sẽ có sự phản ứng dữ dội. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần duy trì ổn định của họ và vô cùng bất lợi cho việc duy trì quyền lực của họ.”

Ông nói thêm: “Nếu nguồn tài chính vẫn có thể hỗ trợ và duy trì, thì họ sẽ không đi đến điểm này, đặc biệt là không làm suy yếu các cơ quan như cảnh sát, công tố, và thậm chí cả lực lượng công an và an ninh không chính quy.” Ad

Ông Trịnh nói: “Đây là một phần của sự sụp đổ kinh tế ở Trung Quốc. Đây là khởi đầu cho sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Trung Quốc. Bởi vì tiếp theo, chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều tình trạng bất ổn và hỗn loạn xã hội, cùng với tỷ lệ thất nghiệp rất cao ở thanh niên. Trong trường hợp này, tôi nghĩ sự việc này đang đẩy nhanh sự sụp đổ của ĐCSTQ.”

Ông Lại cho biết, “Những người bị sa thải này có thể sẽ chống trả. Bởi vì nhiều người trong số họ về cơ bản đang không làm việc vì lý tưởng hay đạo đức, họ là nhóm người ở đáy xã hội đang cố gắng kiếm sống. Vì vậy, để kiếm sống, họ có thể làm bất cứ điều gì, thậm chí là gia nhập băng đảng xã hội đen.”

Dấu hiệu sụp đổ

Về việc ĐCSTQ cắt giảm ồ ạt các lực lượng trị an, ông Trịnh cho biết: “Qua nghiên cứu, đặc biệt là từ sự sụp đổ của những chế độ cộng sản ở các nước Trung và Đông Âu lúc bấy giờ, thì đây là một phần dẫn đến sự tan rã của toàn bộ trật tự xã hội.”

Người dân Tây Berlin tụ tập trước Bức tường Berlin vào sáng sớm ngày 11/11/1989, khi chứng kiến những người lính bảo vệ biên giới Đông Đức phá hủy một phần bức tường. (Ảnh: Gerard Malie/AFP qua Getty Images)
Người dân Tây Berlin tụ tập trước Bức tường Berlin vào sáng sớm ngày 11/11/1989, khi chứng kiến những người lính bảo vệ biên giới Đông Đức phá hủy một phần bức tường. (Ảnh: Gerard Malie/AFP qua Getty Images)

“Trong lịch sử, Liên Xô cũ và sau này là các nước cộng sản cũ ở Trung và Đông Âu — như là Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, và Romania — đều giống như vậy. Sau này, những công chức thất nghiệp này, đặc biệt là cảnh sát và thậm chí cả binh lính bị sa thải, tất cả những người này đều đứng về phía dân chúng và tổ chức biểu tình chống chính phủ, điều này sớm dẫn đến sự sụp đổ của chế độ.”

Ông tiên liệu, “Tôi đoán là trong tương lai ngay cả quân đội cũng sẽ bị cắt giảm quy mô. Những người này đã được tổ chức và được huấn luyện, và họ sẽ trở thành lực lượng có tổ chức chống chính phủ trong tương lai.”

Cẩm An biên dịch

Related posts