Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và dự báo đến năm 2035 sẽ là 30% dân số.
Thông tin trên được đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra tại Hội thảo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp về phát triển công tác xã hội, do Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/11.
Thống kê cho thấy, hiện nay số lượng người yếu thế, dễ bị tổn thương, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội nhằm giải quyết các vấn đề xã hội chiếm khoảng 20% dân số.
Trong đó, có khoảng 17 triệu người cao tuổi, 7,06 triệu người khuyết tật, 10 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 2,23% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo; 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 1,5 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm…
Tình trạng bạo lực, bạo hành gia đình, phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại; trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố; phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm… tiếp tục là những vấn đề xã hội nóng, bức xúc cần phải tập trung giải quyết.
“Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định tổng thể, đầy đủ, chuyên sâu về công tác xã hội, quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội, quy trình và các điều kiện đảm bảo cung cấp dịch vụ công tác xã hội; trách nhiệm quản lý nhà nước và điều khoản thi hành về công tác xã hội”, đại diện Cục Bảo trợ xã hội cho hay.
“Dân số già” sẽ dẫn đến hệ lụy gì cho Việt Nam?
Theo cảnh báo đến từ Ngân hàng Thế giới, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, trong khi Việt Nam có ít thời gian để thích nghi với một xã hội già hóa hơn so với các nền kinh tế phát triển.
Trước hết, dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, là nhóm rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội.
Cơ cấu và mô hình bệnh tật của người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay cũng đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng, vừa tăng chi phí chăm sóc y tế vừa tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện.
Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho hay nghiên cứu thực trạng sức khỏe của hơn 610 người cao tuổi (trên 80 tuổi) tại Sóc Sơn (Hà Nội) cho thấy, trung bình một người cao tuổi mắc đến gần 7 bệnh. Trong đó nhiều nhất là bệnh đục thủy tinh thể, bệnh hô hấp, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, rối loạn mỡ máu… Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.
Cùng với tuổi cao là sự xuất hiện của các tình trạng sức khỏe phức tạp có xu hướng xuất hiện vào những năm sau của cuộc đời. Đó là các hội chứng lão khoa như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, sảng, tiểu không tự chủ, rối loạn dáng đi và ngã, suy giảm hoạt động chức năng…
Thêm vào đó, tình trạng đa bệnh lý, giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém đòi hỏi người cao tuổi phải được điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt. Mặt khác, chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cũng cao gấp nhiều lần so với người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) và thiếu nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…).
Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng…
Minh Long
ĐBQH đề xuất cần đảm bảo cán bộ có thu nhập khá để giảm tham nhũng
ĐBQH đoàn Bình Thuận đề nghị để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cần để cho cán bộ, công chức và viên chức sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội.
Tại phiên Quốc hội hôm 21/11, liên quan đến phòng ngừa tội phạm và tham nhũng, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nêu trong báo cáo của Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ ngành, địa phương đã tiến hành 18.000 cuộc kiểm tra tại 156.708 cơ quan, tổ chức đơn vị.
Qua đó, tiến hành trên 15.000 cuộc kiểm tra thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 900 vụ việc vi phạm, 1.400 người vi phạm và kiến nghị thu hồi, bồi thường 672 tỷ đồng.
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác việc làm đối với gần 112.000 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, đã thụ lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử.
“Thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử”, bà Linh nêu.
Để tiếp tục phòng chống tham nhũng hiệu quả, bà Linh đề nghị cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.
Bà Linh cho rằng lương và phụ cấp là những khoản thu chính và nguồn sống chính của cán bộ công chức. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy rằng, chính sách lương phụ cấp cũng còn nhiều bộc lộ, bất cập hiện nay.
“Để góp phần công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, cần để cho họ sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội”, bà Linh nói.
Bà Linh còn cho rằng trong quá trình xử lý những người vi phạm, đại biểu cho biết cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; đối với những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…
Minh Long
Trưởng khoa say xỉn gây tai nạn ở TP.HCM: Bệnh viện làm việc với công an
Phía bệnh viện cho biết đang làm việc với công an để xác minh vụ việc một trưởng khoa say xỉn gây tai nạn trên đường Cao Thắng (quận 10, TP.HCM).
Liên quan đến vụ tài xế ô tô có dấu hiệu say xỉn, tông xe và dải phân cách ở khu vực quận 10 (TP.HCM) đêm 20/11, sáng nay (ngày 21/11), báo Dân trí dẫn một nguồn tin cho biết người cầm lái chiếc xe nói trên là một trưởng khoa, làm việc lâu năm tại Bệnh viện Nhân dân 115.
“Bệnh viện đang cử cán bộ qua làm việc với công an để xác minh vụ việc”, lãnh đạo bệnh viện trên cho hay.
Trước đó, khoảng 19h ngày 20/11, một người đàn ông ngoài 40 tuổi lái ô tô mang BKS 51G-244.81 trên đường Cao Thắng (quận 10). Khi vừa qua khỏi ngã tư giao với đường 3/2 (phường 12, quận 10), chiếc ô tô va chạm với một xe máy do một cô gái cầm lái khiến cô này té ngã.
Theo người dân chứng kiến, lúc này, cô gái dựng xe lên để tiếp tục di chuyển thì tài xế ô tô bất ngờ lùi xe về sau rồi đột ngột tăng ga, lao vào xe cô gái và thanh lan can chắn giữa đường. Cô gái thấy vậy nên tìm cách bỏ chạy nên không bị thương.
Chiếc ô tô tiếp tục tông xe máy, cuốn chiếc xe máy vào gầm kéo lê 1 đoạn dài hơn 20m rồi mới dừng lại. Lúc này, nhiều người phát hiện nên tìm cách tránh né. Tài xế ô tô mở cửa xuống xe, người nồng nặc mùi bia rượu và bị người dân giữ lại.
Tại hiện trường, xe máy bị kẹt dưới gầm ô tô. Hai phương tiện hư hỏng nặng. Theo người đi đường, trong lúc dừng đèn đỏ, tài xế lái ô tô bóp còi inh ỏi, có biểu hiện không tỉnh táo khi gây tai nạn.
Tối cùng ngày, công an đã đưa người đàn ông trên về trụ sở để làm việc.
Khánh Vy