Kỷ niệm 32 năm Nguyễn Tuân (28/7/1987–28/7/2019)
Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910 tai Hà Nội, mất 28-7-1987 cũng tại Hà Nội
Các tác phẩm của ông viết trước ngày theo Việt Minh gồm có:
-Vang Bóng Một Thời, tập truyện ngắn, xuất bản năm 1940.
-Ngọn Đèn Dầu Lạc, ký sự, Mai Lĩnh xuất bản 1941.
-Tàn Đèn Dầu Lạc, ký sự, Mai Lĩnh xuất bản 1941
-Một Chuyến Đi, Tân Dân xuất bản, Hà nội 1941.
-Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, tùy bút, Hàn Thuyên xuất bản 1941.
-Tùy Bút I, Cộng Lực xuất bản 1941.
-Tùy Bút II, Lượm Lúa Vàng xuất bản 1943.
-Quê Hương, tiểu thuyết, Anh Hoa xuất bản 1943.
-Tùy Bút III hay Nguyễn, Thời Đại, Hà Nội xuất bản 1945.
-Chùa Đàn, truyện ma quỉ, xuất bản Hà Nội 1945.
Chém Treo Ngành là truyện đầu trong Vang Bóng Một Thời
Vang Bóng Một Thời viết năm 1940 đã được dư luận chung coi như một trong những tác phẩm hay và nổi tiếng nhất của nền văn chương Việt Nam, cũng là một trong những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất, được coi ngang với Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Đôi Bạn của Nhất Linh, truyện đã được tác giả Nhà Văn Hiện Đại ca ngợi như sau.
“Tác phẩm đầu tay của ông là một văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ. Đó là tập Vang Bóng Một Thời (Tân Dân – Hà Nội 1940).”
Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ, nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang:
Chém Treo Ngành là bài đầu tiên của tác phẩm, Nguyễn Tuân ngụ ý cho là hay nhất nhưng nó lại ít được các nhà phê bình như Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ . . . ca ngợi. Trong cuốn Nguyễn Tuân, Về Tác Giả Và Tác Phẩm, nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội năm 2001, dầy 600 trang khổ lớn, gồm trên 100 bài nói về Nguyễn Tuân, Chém Treo Ngành cũng không được các nhà phê bình trong nước chú ý bằng các truyện khác.
Đây là một đề tài tàn bạo, phũ phàng, rùng rợn hoàn toàn trái ngược với tinh thần nhẹ nhàng thanh tao của các nghệ thuật cầm, kỳ, thi, tửu vì nó là một nghệ thuật giết người, chém người ngọt như chuối vậy. Nguyễn Tuân ẩn núp dưới chiêu bài làm sống lại một nghệ thuật cổ để phơi bầy tội ác ghê tởm, rùng rợn của thực dân Pháp và bọn tay sai bán nước vời loài người.
Bát Lê là một tay đao phủ có tiếng, chuyên xử dụng thanh quất, loại kiếm hai lưỡi nay đã về già, mỗi lần có án trảm, ông chỉ ra pháp trường cho có mặt, việc đã có người khác đỡ tay. Nhưng nay quan lớn Đổng lý Quân vụ gọi vào cho biết có mười hai tên tử tù sắp phải bị hành hình, quan công sứ (thực dân) muốn được thị kiến. Bát Lê có tài chém đầu rất ngọt, chỉ một nhát lướt qua là đứt cổ nhưng vẫn còn dính một làn da.
Thế là Bát Lê được phép vào vườn chuối để tập luyện cho thuận tay. Đến ngày hành hình, Bát Lê hoa thanh quất, mười hai cái đầu của tội nhân bị chẻ gục xuống, không một giọt máu vấy vào áo hắn, Bát Lê được quan công sứ thưởng mấy cọc bạc đồng bà lão.
So với toàn bộ Vang Bóng Một Thời, Chém Treo Nghành đã được Nguyễn Tuân diễn tả kỹ lưỡng, tỉ mỉ, trong sáng và trang trọng; từ tả cảnh cho đến lối hành văn đều đã được chăm sóc tận tình. Ngay khi mở đầu tác giả đã tạo cho bài một không khí rùng rợn, quái đản qua tiếng hát tẩy oan của tên đao phủ, ngụ ý hắn vô tội.
“Trời
nổi cơn lốc
Cảnh càng u sầu
Tiếng loa vừa dậy
Hồi chuông mớm mau
Ta hoa thanh quất
Cỏ xanh đổi màu
Sống không thù nhau
Chết không oán nhau
Thừa chịu lệnh cả
Dám nghĩ thế nào
Người ngồi cho vững
Cho ngọt nhát dao
Hỡi hồn!
Hỡi quỉ không đầu”
Ngay khi Bát Lê còn tập luyện tại vườn chuối, sự diễn tả đã đủ thể hiện sự phũ phàng tàn bạo của tội ác:
“Bát Lê lại tiến thêm ba bước đến ngang tầm cây chuối hàng đầu dẫy bên trái, Bát Lê thuận đà thanh quất, lại chém xuống đấy một nhát thứ hai. Một thân cây thứ hai gục xuống nữa như một thân hình người quì, chịu tội. Thế rồi vừa hát vừa chém bên trái, vừa chém bên phải, Bát Lê đã hát hết mười bốn câu, và đánh gục mười bốn cây chuối”
Để tăng phần hồi hộp, rùng rợn Nguyễn Tuân đã tả cảnh rất trịnh trọng, cảnh tĩnh cũng như hoạt cảnh.
“Trước
nhà rạp người ta đã chôn sẵn mười hai cái cọc tre bị vồ gỗ đập mạnh xuống toét
cả đầu…
…
Trời
chiều có một vẻ dữ dội. Mặt đất thì sáng hơn nền trời. Nền trời vẩn những đám
mây tím đỏ vẽ đủ mọi hình quái lạ. Những bức tranh mây chó mầu thẫm hạ thấp
thêm và đè nặng xuống pháp trường oi bức và sáng gắt.
Mọi người chờ đợi một cái gì”.
Tác giả đã vô cùng khéo léo tả chân kỹ kưỡng sự chuẩn bị cho cuộc hành quyết để che mắt bọn kiểm duyệt, bọn thám tử thực dân, ông đã thành công trong sự tố cáo tội ác man rợ của bọn chúng như sau:
“Lũ tử tù bị trói giật cánh khuỷu, quì gối trên mặt đất, khom khom lưng, xếp theo hai hàng chênh chếch nhau, chầu mặt vào rạp. Những người giữ phần việc ở bãi đoạn đầu đang bóp hông, nắn xương cổ và tuốt cho mềm sống lưng lũ tử tù. Họ cần om thế nào cho tội nhân lúc quì phải để được gót chân đúng vào cái mẩu xương cụt nơi hậu môn. Như thế tử tù sẽ phải rướn mình lên mà nhận lấy lưỡi đao thả mạnh xuống cái cổ căng thẳng. Họ lạnh người dần dần. Sinh khí chừng như đã thoát hết khỏi người họ.”
Những người bị hành hình là dư đang của giặc Bãi sậy, những nhà ái quốc sa cơ thất thế, bằng nghệ thuật tả chân đường gươm tuyệt diệu của tên đao phủ, Nguyễn Tuân đã thành công trong sự tố cáo hành động bạo ngược của bọn sát nhân, chúng đã nhẫn tâm lấy việc giết người làm trò chơi tiêu khiển.
“Một tiếng loa. Một tiếng trống. Ba tiếng chiêng. Rứt mỗi hồi chiêng mớm, thì một tấm linh hồn lại lìa khỏi một thể xác. Tùng! Bi li! Bi li!
Bát Lê bắt đầu hoa không thanh quất mấy vòng. Rồi y hát những câu tẩy oan với hồn con tội. Trong nhà rạp, các quan chỉ nghe thấy cái âm lơ lờ rờn rợn, quan công sứ chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù múa hát đến đâu thì những cái đầu tội nhân bị quì kia chẻ gục đến đấy, những tia máu phun kêu phì phì, vọt cao lên nền trời chiều. Trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống.”
Nguyễn Tuân và Thạch Lam những nhà văn Việt Nam đầu tiên xử dụng lối mô tả tàn bạo y như Sholokhov trong tác phẩm vĩ đại Sông Don Thanh Bình (The Quiet Don) với những đường gươm bửa đôi đầu địch thủ, bằng những nét chấm phá tuyệt diệu tác giả đã tô điểm thêm bản cáo trạng tội ác của bọn sát nhân như sau.
“Bát Lê làm xong công việc, không nghỉ ngơi, chạy tuốt vào đứng trước nhà rạp. Bấy giờ quan Công Sứ mới nhìn kỹ. Y mặc áo dài trắng, một dải giây lưng điều thắt chẽn ngang bụng. Thấy trên quần áo trắng của y không một giọt máu phun tới, quan Công sứ gật gù hỏi quan Tổng Đốc để nhớ lấy tên họ một người đao phủ có lối chém treo nghành rất ngọt. Ngài thưởng cho Bát Lê mấy cọc bạc đồng bà lão.”
Tác giả đã ẩn mình vô cùng khéo léo dưới cách mô tả nghệ thuật hành hình để tố cáo tội ác của bọn sát nhân khát máu với nhân loại ngày một cao và nhiều hơn, ông đã qua mặt được cặp mắt cú vọ của bọn kiểm duyệt.
“Lúc quan Lưu Trú gần cầm mũ áo từ về tòa sứ, quan Đổng lý Quân vụ còn ân cần buộc ông thông ngôn Nam Kỳ dịch cho đủ câu này.
-Bẩm quan lớn, chém treo nghành như thế này là phải lựa vào những lúc việc quân quốc thanh thản, số tử tù ít ít thôi. Vào những lúc nhộn nhạo quá, tử tù đông quá, thì ty chức đã có cách khác. Là chẻ đôi cây tre đực dài ra, cặp vào cổ tử tù xếp hàng và nối đuôi quì hướng về một chiều. Đại để nó cũng như là cái lối cặp gắp chả chim mà nướng ấy. Rồi Bát Lê sẽ cầm gươm mà róc ngang như người ta róc mắt mía.”
Thuật chém treo nghành của Nguyễn Tuân khiến tôi lại nhớ đến thuật sử sóc siên của bọn Thổ Nhĩ Kỳ khi chúng cai trị Nam Tư hồi thế kỷ thứ 18 trong cuốn tiểu thuyết bất hủ Cầu Sông Drina (Il est un pont sur le Drina) của nhà văn Nam Tư Ivo Andrich viết năm 1945, được giải Nobel văn chương năm 1961 mà ông Phạm Công Thiện đã cho là giải văn chương xứng đáng nhất trong vòng mười năm qua.
Họ trói
kẻ tử tù bắt nằm xuống đất rồi lấy một cây cọc vót nhọn đầu bịt sắt đóng từ hậu
môn đóng lên. Tên đao phủ là một tay rất thiện nghệ, hắn đóng rất khéo khiến
cho mũi nhọn nằm giữa xương sống và các bộ phận trọng yếu như tim, gan, phèo,
phổi… nó không đụng vào xương sống và các bộ phận ấy để khiến cho tên tử tội
phải chết ngay. Hắn đóng từ từ cho cọc lên đến tận cổ mà tội nhân vẫn còn sống.
Khi ấy chúng đem dựng cọc nơi bờ sông để răn đe nhân dân, những kẻ dám chống
lại chúng, nạn nhân phải chịu đau đớn hai ngày sau mới chết.
Ivo Andrich cũng như Nguyễn Tuân đã tả chân kỹ lưỡng những nghệ thuật giết
người kinh hoàng khủng khiếp ấy để tố cáo với nhân loại tội ác và thú tính của
bọn thực dân bạo ngược. Mặc dù phải vượt qua hàng rào kiểm duyệt gai góc của
thực dân, Nguyễn Tuân vẫn lém lỉnh đưa vào đoạn kết những lời tiên tri cũng như
ước vọng của ông về ngày tàn của chế độ thực dân đại gian đại ác.
“Lúc quan Công sứ ra về, khi lướt qua mười hai cái đầu còn dính vào cổ người chết quì kia, giữa sân pháp trường sắp giải tán, nổi lên một trận gió lốc xoáy rất mạnh. Thường những lúc xuất quân bất lợi, tưởng cơn gió lốc cuốn gẫy ngọn cờ súy, cũng chỉ mạnh được thế thôi. Trận gió soắn hút cát, bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi.
Bấy giờ vào khoảng giữa giờ thân.”
Lối hành văn cổ kính, chịu ảnh hưởng của truyện Tam Quốc, Tây Hán Chí… Bố cục sáng sủa, khoa học, tả cảnh linh hoạt, sống động khiến cho Chém Treo Ngành trở thành tùy bút nổi bật nhất trong Vang Bóng Một Thời, đã được coi như một trong những áng văn tuyệt diệu nhất của nền văn chương Việt Nam.
Tôi thiết nghĩ chúng ta cũng nên phiên dịch tác phẩm ấy ra các tiếng ngoại ngữ để tố cáo tội ác tầy trời của bọn thực dân, để cho cả thế giới thấy cái bộ mặt thật ghê tởm của chúng. Bọn thực dân thường huyênh hoang ta đây yêu chuộng công bằng, bác ái, đi truyền bá văn minh nhưng thực chất chúng chỉ là bọn uống máu người không tanh đã đem cảnh máu chảy thịt rơi ra làm trò tiêu khiển y như những tên bạo chúa La Mã thời trung cổ vậy.
(Trích trong cuốn Nghệ Thuật Tùy Bút của Nguyễn Tuân, tác giả Trọng Đạt, xuất bản năm 2014)
Trọng Đạt