75% vốn nước ngoài chảy vào chứng khoán năm nay, đã thoát ra khỏi Trung Quốc
Giới đầu tư nước ngoài đang bán tháo cổ phiếu Trung Quốc: Hơn 3/4 vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã rời khỏi nước này, theo đó giới đầu tư toàn cầu đã bán ra số cổ phiếu Trung Quốc trị giá hơn 25 tỷ USD.
Đợt bán tháo mạnh chứng khoán Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đẩy hoạt động mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 – năm hoàn chỉnh đầu tiên của chương trình kết nối chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông.
Nhiều nhà đầu tư và phân tích cho biết, các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu đang trì hoãn việc mua cổ phiếu Trung Quốc do chính sách kích thích mờ nhạt của Trung Quốc.
Tờ Financial Times đưa tin, người đứng đầu bộ phận giao dịch của một ngân hàng đầu tư Hồng Kông cho biết: “[Thị trường] Nhật Bản rất nóng, cả [thị trường] Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan (cũng rất nóng)”; “Bây giờ (nhà đầu tư) có thể nghĩ rằng ‘Tôi không cần phải ở Trung Quốc, nếu ở Trung Quốc có thể cản trở danh mục đầu tư của tôi’”.
Hồi tháng Một giới đầu tư toàn cầu bắt đầu mua cổ phiếu Trung Quốc cho năm 2023 với tốc độ kỷ lục, nhưng những tháng gần đây, trong bối cảnh ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và dữ liệu tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng của nước này, các quỹ nước ngoài đã mạnh mẽ bán tháo.
Tờ Financial Times tính toán dựa trên dữ liệu từ cơ chế kết nối giao dịch thị trường chứng khoán Hồng Kông chỉ ra, dòng vốn ròng nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay đã giảm mạnh 77% xuống còn 54,7 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD).
Việc nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu Trung Quốc đã khiến chỉ số CSI 300 trong năm nay giảm hơn 11% (tính theo USD), trong khi chỉ số chứng khoán chuẩn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã tăng 8% – 10%.
Theo ước tính của Goldman Sachs, trong năm nay các tổ chức tài chính đã ưu ái thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc, với dòng vốn ròng lần lượt là 12,3 tỷ USD và 6,4 tỷ USD. Việc giới đầu tư toàn cầu mua cổ phiếu Hàn Quốc đưa Seoul đi đúng hướng để chứng kiến dòng vốn nước ngoài ròng lần đầu tiên kể từ năm 2019.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ cũng hoạt động mạnh mẽ trong năm nay, trở thành điểm sáng của chứng khoán châu Á và các thị trường mới nổi. Công bố MSCI (chỉ số thị trường mới nổi) mới nhất trong nửa năm cho thấy tình hình khả quan cũng làm tăng kỳ vọng tại Ấn Độ, theo đó MSCI của Ấn Độ tăng thêm 0,39 điểm phần trăm từ mức 13,7% ban đầu, việc nâng lên 14,09% khiến Ấn Độ thành nước có mức tăng lớn nhất.
Bên cạnh đó, sự gia tăng gần đây của cổ phiếu công nghệ Mỹ đã thúc đẩy cổ phiếu bán dẫn của Nhật Bản, theo đó chỉ số Nikkei 225 cũng cho thấy xu hướng tăng gần đây. Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, tính đến tuần ngày 3/11, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục trong 6 tuần liên tiếp đẩy mạnh mua cổ phiếu Nhật Bản, lũy kế vốn đầu tư nước ngoài trong quý 4 tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 3,2401 tỷ Yên, số tiền tích lũy tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023 đã ở mức mua đạt kỷ lục cao mới trong một năm trong 10 năm qua.
Đối với Trung Quốc, dù nhà cầm quyền đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm ứng phó vấn đề đầu tư nước ngoài ngày càng giảm nhưng vẫn chưa thể cải thiện tình hình: Đầu tháng 10, Công ty Đầu tư Central Huijin (một công ty con của quỹ tài sản có chủ quyền của Trung Quốc) đã tăng cổ phần tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc và hứa tiếp tục mua vào, đồng thời cơ quan chức năng Trung Quốc thắt chặt các quy định bán khống để ngăn chặn thị trường lao dốc.
Theo Hạ Vũ, Epoch Times
Sau 4 ngày bị phế truất, Sam Altman đã trở lại vị trí CEO OpenAI
Sau 4 ngày kể từ khi bị sa thải khỏi vị trí CEO hôm Thứ Sáu (17/11), và sau lời kêu gọi của hơn 700 nhân viên trong một lá thư ngỏ, hôm nay (22/11) OpenAI cho biết “đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc để Sam Altman quay trở lại” cùng hội đồng quản trị mới.
Thông báo được hãng OpenAI đăng chính thức trên nền tảng X, cho biết đã đạt được thỏa thuận để ông Sam Altman quay trở lại vị trí CEO cùng với đội ngũ ban giám đốc mới gồm Bret Taylor (chủ tịch), Larry Summers và Adam D’Angelo.
Cựu chủ tịch Greg Brockman, người đã từ chức sau khi ông Sam Altman bị sa thải, cho biết trên trang cá nhân rằng ông sẽ “trở lại OpenAI và quay lại viết code”.
Trên trang cá nhân của mình, ông Sam Altman cũng cập nhật trạng thái mới: “Tôi yêu OpenAI. Mọi thứ tôi làm trong vài ngày qua đều nhằm mục đích duy trì đội ngũ và sứ mệnh cùng nhau”.
Trước đó, hôm 20/11, Satya Nadella, chủ tịch và CEO của ‘gã khổng lồ’ Microsoft, thông báo “Sam Altman và Greg Brockman, cùng một số đồng nghiệp” đã rời OpenAI để chuyển sang làm tại Microsoft, trong nhóm trí tuệ nhân tạo tiên tiến mới thành lập của của hãng.
Để giải thích cho việc quay lại với OpenAI, ông Sam Altman nói: “Với hội đồng quản trị mới và sự hỗ trợ của Satya Nadella, tôi mong muốn được quay trở lại OpenAI và xây dựng mối quan hệ đối tác bền chặt của chúng tôi với Microsoft.”
Quyết định này của Sam Altman đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều chuyên gia trong ngành. Ông Satya Nadella cho biết đã nói chuyện cùng Altman và Brockman, sau đó nhất trí về việc sự trở lại này đảm bảo OpenAI tiếp tục phát triển và giữ đúng sứ mệnh, nhưng cần có sự thay đổi trong ban quản trị. Ông nói: “Chúng tôi tin đây là bước thiết yếu đầu tiên trên con đường hướng tới quản trị ổn định hơn, đầy đủ thông tin và hiệu quả hơn.”
Tỷ phú Elon Musk bình luận dưới bài đăng của Altman: “Tôi mừng cho cậu.”
Ngay cả ông Emmett Shear, người giữ chức CEO tạm thời của OpenAI trong chưa đầy 3 ngày, cũng nói vô cùng hài lòng với kết quả này. Vị trí CEO trước đó được giao cho CTO của OpenAI, cô Mira Murati, nhưng cô đã từ chối, và đã ký tên vào bức thư ngỏ yêu cầu đưa Sam Altman quay trở lại và sa thải hội đồng quản trị.
Nhà khoa học trưởng của OpenAI, ông Ilya Sutskever, người đứng đầu quyết định sa thải Altman của hội đồng quản trị, cho biết ông vô cùng hối hận khi tham gia vào việc ra quyết định sa thải.
Ông Sutskever viết trong một tin nhắn trên nền tảng X (Twitter trước đây) rằng: “Tôi vô cùng hối hận vì đã tham gia vào các hành động của hội đồng quản trị. Tôi không bao giờ có ý định làm hại OpenAI. Tôi yêu tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau xây dựng và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để công ty về lại một nhà.”
Tuyết Mai
Nghiên cứu: Hơn 70% thanh niên Nhật Bản mắc chứng “sợ điện thoại”
Tờ Mainichi dẫn khảo sát của một hãng công nghệ thông tin tại Nhật Bản, theo đó, hơn 70% những người ở độ tuổi 20 và 30 ở Nhật Bản mắc chứng “sợ điện thoại”.
Cụ thể, SOFTSU Co., Ltd., công ty công nghệ có trụ sở tại Chuo ở Tokyo, đã thực hiện một cuộc khảo sát tìm hiểu thực tế trực tuyến về hoạt động điện thoại từ ngày 4 đến ngày 7/8, nhắm vào 562 người từ 20 tuổi trở lên làm việc tại các văn phòng có điện thoại cố định.
Khi được hỏi liệu những nhân viên trẻ có cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện điện thoại hay không, 57,8% số người được hỏi trả lời là “rất nhiều” hoặc “phần nào”. Tỷ lệ phần trăm tăng lên khi người trả lời được thu hẹp xuống những người ở độ tuổi 20 và 30 (tổng cộng 268 người), với 72,7% trong nhóm này cho biết họ không thoải mái với điện thoại.
Bên cạnh đó, 44,8% tổng số người được hỏi cảm thấy không hài lòng khi điện thoại cố định reo ở nơi làm việc. Lý do phổ biến nhất cho điều này, được 50,8% chọn, là “Tôi phải dừng việc đang làm để trả lời và điều này khiến tôi mất tập trung”.
Số cuộc gọi trung bình mà mọi người trả lời tại nơi làm việc mỗi ngày là 7,4 cuộc/ngày và theo độ tuổi, những người ở độ tuổi 50 nhấc máy thường xuyên nhất, trung bình 12,7 lần mỗi ngày.
Thời gian trung bình dành cho mỗi cuộc gọi là 3,1 phút. Dựa trên mức trung bình 245 ngày làm việc mỗi năm, điều này có nghĩa là nhân viên công ty dành trung bình khoảng 93 giờ mỗi năm cho điện thoại.
Công ty cho hay: “Số lượng người trẻ mắc chứng ‘ám ảnh điện thoại’ có thể ngày càng tăng do sự phổ biến của các chức năng nhắn tin trên mạng xã hội”.
Thời đại ngày nay, chúng ta được trang bị rất nhiều ứng dụng nhắn tin, nhưng vẫn không thể tránh khỏi những lúc phải gọi ai đó, hoặc được ai đó gọi. Chủ nhà hàng gọi điện để xác nhận lịch đặt chỗ của bạn, shipper gọi điện để bạn xuống lấy đồ, nhà tuyển dụng gọi để hẹn lịch phỏng vấn, bạn gọi điện cho tổng đài tư vấn để đăng ký dịch vụ…
Một số người trẻ ngày nay không thường xuyên gọi điện. Họ sống trong một thế giới tràn ngập ứng dụng nhắn tin, họ có thể hiểu rõ các quy tắc nhắn tin, ý nghĩa của các biểu tượng, emoji, nhưng không thực hành gọi điện nhiều như thế hệ ông bà, bố mẹ nên chưa có đủ kỹ năng khi ứng xử trong một vài tình huống.
Gọi điện thoại cũng đòi hỏi một sự tinh tế và quy tắc ngầm nhất định, tùy thuộc vào tính cách người đối thoại. Ví dụ nên bắt đầu gọi điện vào thời gian nào, có nên nhắn tin để thông báo trước khi gọi không (đề phòng người đó đang bận làm), hay nên kết thúc cuộc gọi ra sao để không kém duyên. Kể cả có biết điều mình muốn nói khi gọi cho ai đó, nhưng một số người vẫn phải tập luyện trước để có lời mở đầu suôn sẻ.
Phan Anh
Quốc hội Nam Phi bỏ phiếu đình chỉ quan hệ ngoại giao với Israel, đóng cửa ĐSQ Israel
Các nhà lập pháp Nam Phi hôm thứ Ba (21/11) đã bỏ phiếu ủng hộ việc đóng cửa đại sứ quán Israel ở Pretoria và đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao cho đến khi Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến với nhóm Hồi giáo Palestine Hamas ở Gaza.
Nghị quyết phần lớn mang tính biểu tượng vì việc có thực hiện nó hay không sẽ tùy thuộc vào chính phủ của Tổng thống Cyril Ramaphosa. Người phát ngôn của tổng thống cho biết Tổng thống Ramaphosa “ghi nhận và đánh giá cao” chỉ dẫn của quốc hội về quan hệ ngoại giao của Nam Phi với Israel, đặc biệt là về tình trạng của đại sứ quán.
Ông Vincent Magwenya nói: “Tổng thống và nội các đang thảo luận về vấn đề này, việc này vẫn thuộc trách nhiệm của cơ quan hành pháp quốc gia”.
Tổng thống Ramaphosa và các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao đã lớn tiếng chỉ trích sự lãnh đạo của Israel trong chiến dịch quân sự tàn khốc chống lại Hamas ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra Israel về những tội ác chiến tranh tiềm ẩn.
Đại sứ quán Israel không trả lời yêu cầu bình luận.
Hôm thứ Hai (20/11), đại sứ Israel tại Pretoria đã được triệu hồi về Tel Aviv để tham vấn trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Nam Phi. Cuộc bỏ phiếu vào thứ Ba (21/11) đã thông qua thông qua nghị quyết với kết quả 248 phiếu thuận – 91 phiếu chống.
Nghị quyết của quốc hội được đảng Đối lập Đấu tranh Tự do Kinh tế (EFF) đưa ra vào tuần trước, trong khi Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền cam kết ủng hộ lập trường ngoại giao trung dung của Nam Phi kể từ khi ông Nelson Mandela trở thành tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của nước này vào năm 1994.
Người đứng đầu đảng ANC, bà Pemmy Majodina, đã sửa đổi điểm cuối cùng của dự thảo nghị quyết của EFF, kêu gọi đóng cửa đại sứ quán và đình chỉ ngoại giao “cho đến khi Israel đồng ý ngừng bắn và Israel cam kết các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc tạo điều kiện mà kết quả phải là một nền hòa bình công bằng, bền vững và lâu dài”.
Nam Phi bày tỏ sự ủng hộ Palestine thành lập nhà nước trên các vùng lãnh thổ do Israel chiếm đóng trong nhiều thập kỷ. Đồng thời ví hoàn cảnh của người Palestine với hoàn cảnh của đa số người da đen trong thời kỳ đàn áp phân biệt chủng tộc, một sự so sánh mà Israel kịch liệt phủ nhận.
Đảng EFF đề xuất nghị quyết nêu trên để thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine về vụ Israel ném bom và xâm lược khu vực Dải Gaza vốn do Hamas cai quản.
Anh Nguyễn, theo Reuters