Một dự án từng được kỳ vọng là “tòa nhà cao nhất Trung Quốc” đã bị đình chỉ xây dựng khi nhà phát triển của nó lâm vào khủng hoảng nợ. Lần chào bán đấu giá thứ 2 của dự án, dù đã được giảm giá mạnh, cũng đã không thành công.
Một tòa nhà thương mại mang tính biểu tượng từng được thiết kế để trở thành “tòa nhà cao nhất Trung Quốc” đã một lần nữa không thể được bán trong cuộc đấu giá gần đây, ngay cả sau khi giảm giá 2,6 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 360 triệu USD). Điều này nêu bật sự lan rộng của cuộc khủng hoảng bất động sản sang lĩnh vực bất động sản thương mại trong môi trường kinh tế hiện tại của Trung Quốc.
Trong lúc đó, công ty lớn nhất tham gia vào lĩnh vực bất động sản thương mại của Trung Quốc, Tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda Group) của ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), cũng đang gặp khó khăn.
Giấc mơ dang dở
Dự án Trung tâm quốc tế Shimao Thâm Quyến-Hong Kong ở Thâm Quyến từng được lên kế hoạch một cách đầy tham vọng để có chiều cao hơn 700 mét (2.297 feet), được kỳ vọng trở thành “tòa nhà cao nhất Trung Quốc”. Tuy nhiên, sau khi cuộc khủng hoảng nợ nổ ra trong Tập đoàn Shimao, nhà phát triển của dự án, vào năm 2022, việc xây dựng Trung tâm Quốc tế Shimao Thâm Quyến-Hong Kong đã bị đình chỉ và vẫn bị dừng cho đến ngày nay.
Định giá tổng thể của tài sản hiện được đề ra ở mức 16,3 tỷ CNY (khoảng 2,28 tỷ USD). Trong phiên đấu giá đầu tiên vào tháng 7 năm nay, giá khởi điểm được đặt ở mức 13,044 tỷ CNY (khoảng 1,823 tỷ USD) nhưng đã không bán được.
Sau nỗ lực đầu tiên không thành công này, Tập đoàn Shimao đã đề xuất giảm giá xuống 10,435 tỷ CNY (khoảng 1,458 tỷ USD), giảm 360 triệu USD cho phiên đấu giá công khai lần thứ hai vào ngày 16/11. Mặc dù đã giảm giá đáng kể, dự án một lần nữa thất bại trong việc tìm chủ mới.
Khu phức hợp bất động sản được đấu giá bao gồm 12 lô đất được sử dụng cho mục đích thương mại và xây dựng công cộng, với tổng diện tích xây dựng là 1,45 triệu mét vuông (15,6 triệu feet vuông). Khu phức hợp bất động sản này trước đây được quảng cáo như là tài sản có giá trị nhất trong một cuộc đấu giá ở Trung Quốc trong gần 7 năm.
Vào tháng 12/2017, Tập đoàn Shimao đã mua thửa đất với giá cơ bản là 23,9 tỷ CNY (3,37 tỷ USD). Có diện tích 321.900 mét vuông (3,46 triệu feet vuông), nó trở thành thửa đất đắt thứ hai trong lịch sử Thâm Quyến vào thời điểm đó.
Tập đoàn Shimao đặt tên cho nó là Trung tâm quốc tế Shimao Thâm Quyến-Hong Kong và lên kế hoạch phát triển nó thành một dự án toàn diện tích hợp Trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế Thâm Quyến-Hong Kong, các văn phòng thông minh, không gian thương mại quy mô lớn và các căn hộ chung cư.
Điều được thị trường đặc biệt quan tâm là mục tiêu dự định trở thành “tòa nhà cao nhất Trung Quốc”, với kế hoạch xây dựng tòa nhà cao tới 700 mét (2.297 feet). Nó cũng được dự định trở thành là địa danh thu hút mới mang tính biểu tượng của phía đông Thâm Quyến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, độ cao sau đó đã giảm xuống còn khoảng 600 mét (1.968 feet).
Hiện tại, Tháp Thượng Hải là tòa nhà cao nhất Trung Quốc, cao 632 mét (2.073 ft).
Vòng xoáy đi xuống chung của thị trường
Vào năm 2017, CITIC Trust đã phát hành các sản phẩm ủy thác liên quan tới dự án trên.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, CITIC Trust thông báo rằng họ đang gặp khó khăn trong việc hoàn trả 5,7 tỷ CNY (khoảng 852 triệu USD) tiền của dự án, dẫn đến việc đình chỉ xây dựng và gây ra cuộc khủng hoảng nợ cho Tập đoàn Shimao.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 22/11, ông Lu Yuanxing, một nhà phân tích kinh tế và chính trị tại Mỹ, từng làm giám đốc tiếp thị cho một công ty Trung Quốc, nói rằng ở bất kỳ thành phố nào, một tòa nhà thu hút mang tính biểu tượng thường có thể được bán với giá cao tại một cuộc đấu giá công khai. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Trung Quốc rõ ràng đang trong vòng xoáy đi xuống nên khó tìm được người sẵn sàng mua ngay cả khi giá giảm.
Trong bất động sản, người mua thường hoạt động tích cực khi thị trường đang lên và họ sẽ trầm lắng khi thị trường suy giảm. Giá càng lên cao thì người dân càng đổ xô đi mua, đẩy thị trường lên cao. Nhưng khi thị trường bắt đầu giảm, kỳ vọng ở đây là nó sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, ông Lu giải thích.
“Đặc biệt hiện nay, mọi người có thể thấy rất rõ Trung Quốc đang trong thời kỳ đi xuống về kinh tế, bất động sản thương mại chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đây chắc chắn không phải là vấn đề của một thành phố mà là sự phản ánh của môi trường kinh tế tổng thể”, ông nói thêm.
Khó khăn của công ty bất động sản thương mại lớn nhất Trung Quốc
Công ty lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản thương mại Trung Quốc, Tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda Group), cũng gặp rắc rối về thanh khoản tài chính.
Đơn vị quản lý tài sản của Đại Liên Vạn Đạt đã thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong rằng họ đang tìm cách gia hạn lịch trả nợ trái phiếu bằng USD cho một công ty con, Công ty TNHH Quốc tế Bất động sản Vạn Đạt (Wanda Property International Limited), nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản gần đây của công ty.
Trái phiếu trị giá 600 triệu USD được phát hành vào tháng 1/2014 với lãi suất 7,25% và ban đầu dự kiến đáo hạn vào ngày 29/1/2024. Vạn Đạt đang trong quá trình xin phép những người nắm giữ trái phiếu để hoãn ngày đáo hạn của trái phiếu từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2024 và sau đó trả dần làm 4 đợt.
Trái phiếu này là chứng khoán bằng đồng USD ở nước ngoài đang đáo hạn gần nhất của Vạn Đạt. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy công ty có thêm hai trái phiếu đáo hạn vào năm 2025 và 2026, với tổng giá trị là 800 triệu USD.
Vạn Đạt tuyên bố trong tài liệu rằng chiến lược của họ là một phần trong nỗ lực chủ động giải quyết các thách thức thanh khoản sắp xuất hiện xuất phát từ việc đáo hạn của trái phiếu, tốc độ giảm tốc kinh tế và sự bất ổn gia tăng của thị trường trong những năm gần đây. Tất cả những yếu tố này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Vài ngày trước đó, một người trong cuộc nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng Vạn Đạt đã đề nghị với các nhà đầu tư hoãn khoản thanh toán gốc và lãi 30 tỷ CNY (khoảng 4,19 tỷ USD) đến hạn vào cuối năm, nhưng đề xuất này đã vấp phải sự từ chối của các nhà đầu tư.
Nếu công ty không thể niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong như dự kiến trước cuối năm nay – điều có thể xảy ra – thì công ty sẽ phải trả khoảng 30 tỷ CNY để mua lại cổ phần cho các nhà đầu tư trước niêm yết.
Vạn Đạt đã bán 5 trung tâm mua sắm kể từ đầu năm nay. Một người quen thuộc với vấn đề nói với truyền thông Trung Quốc rằng việc bán tài sản “chủ yếu là để gây quỹ trả nợ và đảm bảo không có tình trạng vỡ nợ”.
Ngoài ra, kể từ tháng 7 năm nay, Vạn Đạt đã ba lần chuyển nhượng cổ phần của mình trong (Hãng phim Vạn Đạt) Wanda Film, thanh lý tổng cộng khoảng 6,762 tỷ CNY (khoảng 945 triệu USD).
Ông Lu nói: “Vạn Đạt luôn là một gã khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản thương mại của Trung Quốc”. “Trong thời kỳ kinh tế thuận lợi, các ngân hàng chắc chắn sẽ cạnh tranh để cung cấp các khoản vay cho các chủ doanh nghiệp tên tuổi và nhà phát triển bất động sản, vì ngân hàng có thể kiếm được lãi suất và người môi giới có thể nhận được hoa hồng. Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi”.
“Nếu ngân hàng không thu hồi được nợ, liệu họ có dám tiếp tục cho vay không? Do đó, việc có được các khoản vay mới trở nên cực kỳ khó khăn đối với các công ty bất động sản này”.
Ông chỉ ra thêm rằng việc mở rộng sử dụng đòn bẩy cao như vậy sẽ trở nên nguy hiểm khi xu hướng tổng thể đang đi xuống.
“Với đòn bẩy quá cao và khả năng sinh lời kém, các công ty bất động sản đang phải vật lộn để trả lãi chứ chưa nói đến tiền gốc. Hàng loạt cuộc khủng hoảng nợ gần đây trong lĩnh vực bất động sản là một minh chứng cho kịch bản này. Trong môi trường kinh doanh tổng thể đầy thách thức ở Trung Quốc, giai đoạn hiện tại chắc chắn không phải là một giai đoạn dễ dàng đối với Chủ tịch Vạn Đạt Vương Kiện Lâm”, ông Lu nói.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch