Thông điệp đằng sau kế hoạch bán tháo cổ phiếu của Jack Ma

Jessica Mao • Lynn Xu

Thông điệp đằng sau kế hoạch bán tháo cổ phiếu của Jack Ma
Ông Jack Ma, đồng sáng lập và cựu chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba, phát biểu trong Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes tại Singapore vào ngày 15/10/2019. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP qua Getty Images)

Kế hoạch bán tháo cổ phiếu Alibaba của nhà sáng lập Jack Ma đã bị tạm dừng. Tuy nhiên, nó phản ánh góc nhìn của Jack Ma về kinh tế Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đang tiến hành “thu hoạch” tài sản của người dân.

Theo một văn bản được đăng nội bộ tại công ty Alibaba vào ngày 22/11, người sáng lập Jack Ma (Mã Vân), một trong những người giàu nhất Trung Quốc, đã tạm dừng kế hoạch bán tháo cổ phiếu khổng lồ sau khi cổ phiếu của công ty trượt giá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch bán tháo cổ phiếu đã gửi đi một thông điệp rằng ông Jack Ma, giống như phần còn lại của khu vực tư nhân Trung Quốc, đang cảm nhận được nỗi đau đớn trong nền kinh tế đang lao dốc.

Các nhà phân tích chính trị và kinh tế tin rằng kế hoạch bán cổ phiếu được công bố vào ngày 16/11 phần lớn được thúc đẩy bởi những lo ngại về tương lai kinh tế của Trung Quốc và sự giàu có đang giảm dần của ông Ma dưới sự cai trị của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Một hồ sơ chính thức vào tuần trước cho thấy hai công ty đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh do quỹ tín thác của gia đình ông Ma sở hữu có ý định bán cổ phần của ông Ma tại Alibaba vào ngày 21/11, làm giảm tổng số cổ phiếu mà ông nắm giữ đi 10 triệu cổ phiếu lưu ký Mỹ.

Thời điểm nộp đơn trùng với việc công bố báo cáo tài chính của công ty, trong đó thông báo rằng Alibaba đang hủy bỏ kế hoạch tách đơn vị đám mây trị giá 11 tỷ USD của mình.

Vào ngày 16/11, cổ phiếu của Alibaba sụt giảm 9% tại New York và ngày hôm sau, nó giảm mạnh gần 10% tại Hong Kong. Sự sụt giảm đáng kinh ngạc đã xóa sạch khoảng 20 tỷ USD khỏi giá trị thị trường của công ty.

Trong bài đăng trên mạng nội bộ của Alibaba hôm thứ 4 (22/11), ông Jiang Fang, giám đốc tài năng của công ty, nói với nhân viên rằng thời điểm không may là một “sự trùng hợp ngẫu nhiên” và nói rằng ông Ma chưa bán bất kỳ cổ phiếu nào, và ông không còn lên kế hoạch bán tháo cổ phiếu ồ ạt nữa, đồng thời “vẫn [có quan điểm] rất tích cực” về công ty.

Tuy nhiên, ông Lu Yuanxing, một nhà phân tích kinh tế và chính trị tại Mỹ, cảm thấy rằng kế hoạch bán cổ phiếu của ông Ma, mặc dù đã bị hủy bỏ, lại cho thấy một câu chuyện khác – rằng ông bi quan về triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lu nhấn mạnh quy mô của thị trường Trung Quốc đang ngày càng giảm, sức mua của người tiêu dùng suy yếu và thực tế là không có ngành nào có thể tránh khỏi tác động của sự suy giảm này. Ông nói: “Đối với các nhà sáng lập tỷ phú thuộc tất cả các lĩnh vực công nghiệp, việc thanh lý vốn cổ phần và giữ tiền mặt trong hiện tại sẽ là yên tâm hơn”.

Ngoài ra, ông Lu cho biết, ĐCSTQ đang “đào vàng” một cách tàn nhẫn trong mọi lĩnh vực của xã hội, với tài sản của các tỷ phú là mẻ đầu tiên được thu hoạch trong hoạt động “cắt hẹ” của ĐCSTQ [cắt hẹ: chỉ việc ĐCSTQ “thu hoạch” tài sản của người dân].

“Cắt hẹ” là một từ thông dụng trên Internet được sử dụng để mô tả sự dễ bị tổn thương của công dân Trung Quốc – có thể được so sánh với hẹ – trước sự áp bức và bóc lột dưới bàn tay của ĐCSTQ.

Giới siêu giàu Trung Quốc bị ảnh hưởng

Sự giàu có đang suy giảm của ông Ma – cũng như những nhân vật tương tự như ông trong giới siêu giàu Trung Quốc – đã được thể hiện trong Danh sách người giàu Trung Quốc Hurun năm 2023, công bố ngày 24/10.

Danh sách này ghi nhận sự sụt giảm về số lượng người giàu trong năm thứ hai liên tiếp – đây chỉ là lần sụt giảm liên tiếp thứ 2 trong lịch sử 25 năm của nó. Bảng xếp hạng hàng năm tìm ra 1.241 cá nhân có tài sản hơn 5 tỷ CNY (nhân dân tệ) (690 triệu USD). Con số đó đã giảm 5% so với năm ngoái và giảm 15% so với mức đỉnh hai năm trước, theo báo cáo của Hurun.

Danh sách do Viện nghiên cứu Hurun có trụ sở tại Thượng Hải công bố bao gồm 895 tỷ phú, giảm 51 tỷ phú kể từ năm ngoái và giảm 290 tỷ phú kể từ mức đỉnh điểm hai năm trước.

Năm nay, tổng tài sản của 20 tỷ phú hàng đầu là 3,2 nghìn tỷ USD, giảm 20% so với mức 4 nghìn tỷ của năm 2020.

So sánh tài sản của các tỷ phú Trung Quốc lần lượt vào năm 2020 và 2023. Nguồn: Danh sách người giàu Hurun. Cột bên trái: tỷ CNY. Danh sách lần lượt: Mã Vân (thương mại điện tử), Mã Hóa Đằng (Internet), Chung Thiểm Thiểm (đồ uống), Hứa Gia Ấn (bất động sản), Dương Huệ Nghiên (bất động sản). (Ảnh: The Epoch Times)

Năm 2020, ông Ma đã giành danh hiệu cá nhân giàu nhất Trung Quốc trong ba năm liên tiếp và tự hào với tài sản ròng trị giá 58,8 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến năm 2023, tổng tài sản của ông đã giảm 35 tỷ USD xuống còn 23,4 tỷ USD, dẫn đến việc bị tụt xuống vị trí thứ 10.

Giám đốc điều hành Tencent Pony Ma (Mã Hóa Đằng) đã trở lại vị trí thứ hai trong năm nay với khối tài sản tăng thêm 9 tỷ USD. Bất chấp sự hồi sinh, tài sản của ông vẫn thấp hơn 18,8 tỷ USD so với năm 2020.

“Vua nước đóng chai” Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan), người sáng lập Nongfu Spring, nhà cung cấp nước đóng chai, và là người giàu thứ ba năm 2020, đã vượt qua các ông trùm Internet để giành vị trí dẫn đầu vào năm 2023, năm thứ ba liên tiếp, với khối tài sản trị giá 62 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị tài sản ròng của người đàn ông 69 tuổi này đã giảm khoảng 3 tỷ USD so với mức 65 tỷ USD vào năm ngoái.

Những lĩnh vực bị tác động mạnh nhất

Theo báo cáo của Hurun, gần 500 cái tên đã bị loại khỏi danh sách trong hai năm qua, trong khi chỉ riêng năm nay đã có 179 cái tên bị loại.

4 trong số 10 người có tài sản giảm mạnh nhất là từ ngành năng lượng mặt trời, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế yếu kém của Trung Quốc. Những ví dụ đáng chú ý bao gồm ông Luo Liguo, chủ tịch của Hoshine Silicon Industry, ông Li Zhenguo và bà Li Xiyan, những người sáng lập LONGi Green Energy, ông Zhang Hejun của Ningbo Deye Inverter Technology, và ông Liu Hanyuan và bà Guan Yamei của Tongwei. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành năng lượng mặt trời đã mất đi 18 tỷ USD.

Lĩnh vực bất động sản chiếm 15% trong số những người bị loại khỏi danh sách, trong đó lĩnh vực sản phẩm công nghiệp chiếm 14%.

Một nạn nhân đáng chú ý của sự sụt giảm tài sản trong lĩnh vực bất động sản là người sáng lập Tập đoàn Wanda Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), người có giá trị tài sản ròng giảm mạnh nhất, khoảng 7,3 tỷ USD.

Bà Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), tới từ nhà phát triển bất động sản Country Garden, chứng kiến tài sản của mình giảm gần 90% trong hai năm, xuống còn 3,6 tỷ USD.

Ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ đang gặp khó khăn Evergrande và từng là người giàu thứ hai châu Á, đứng đầu danh sách người giàu Hurun năm 2017 với tổng tài sản là 40 tỷ USD. Kể từ đó, tài sản của ông ngày càng giảm sút, rơi xuống vị trí thứ 172 vào năm 2022 và tiếp tục tụt xuống vị trí thứ 268 vào năm 2023 với 2,8 tỷ USD.

Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn đang tham dự một cuộc họp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 5/6/2017. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Mặc dù tài sản của ông Hứa đã giảm tới mức đáng kinh ngạc 98% kể từ thời kỳ đỉnh cao, nhưng ông vẫn lọt vào danh sách năm 2023 nhờ lượng cổ tức được trả trong những năm trước. Evergrande là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, và ông Hứa đã bị cảnh sát giám sát vào tháng 9 và đang bị điều tra về những “tội phạm” chưa xác định.

Những khó khăn kinh tế trong ngành thực phẩm cũng được phản ánh trong danh sách người giàu năm nay. Ông Qin Yinglin và bà Qian Ying, những người chủ sở hữu của Muyuan Foodstuff, một công ty chế biến thịt lợn, mất 5,5 tỷ USD do giá thịt lợn giảm. Ông Pang Kang, chủ tịch Công ty TNHH Thực phẩm và Hương liệu Hải Thiên Phật Sơn, mất 6,9 tỷ USD.

Trong các lĩnh vực khác, ông Che Jianxing từ nhà bán lẻ đồ nội thất khổng lồ Tập đoàn Red Star Macalline bị loại khỏi danh sách, trong khi người sáng lập JD.com Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong) và vợ ông, bà Zhang Zetian, chứng kiến tài sản giảm 6,2 tỷ USD do gã khổng lồ thương mại điện tử phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh.

Tỷ phú Trung Quốc và người sáng lập Alibaba Jack Ma tham dự một diễn đàn ở Hong Kong vào ngày 02/02/2015. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Một hệ thống rối loạn

Ông Lu cho rằng, Trung Quốc không phải là một xã hội hoạt động bình thường dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Tham nhũng tràn lan là triệu chứng của một hệ thống bị rối loạn chức năng.

Ông Lu cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, các công ty thường xuyên thông đồng với chính quyền địa phương, hối lộ quan chức để lấy vốn nhà nước, sau đó sử dụng để trục lợi cá nhân.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng bất động sản là người mua nhà bị lừa khi đóng tiền thanh toán ban đầu, công nhân không được trả lương và các công trình xây dựng bị bỏ dở trên khắp đất nước. Một báo cáo từ Nomura Holdings ngày 14/11 ước tính có khoảng 20 triệu căn nhà bán trước chưa được xây dựng và bị trì hoãn ở Trung Quốc.

Hơn nữa, các chính sách hà khắc zero-COVID và lệnh phong tỏa kéo dài nhiều năm của ĐCSTQ đã gây ra suy giảm kinh tế và sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Ông Lu nói: “Do đó, tài sản của những đại gia bất động sản này chắc chắn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng”.

Chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành năng lượng mặt trời của ĐCSTQ đã khiến nguồn vốn đáng kể được bơm vào ngành này. Tuy nhiên, một phần đáng kể trong số tiền đó đã chảy vào túi tư nhân ở nhiều phân khúc khác nhau.

“Các sản phẩm quang điện [liên quan đến năng lượng mặt trời] của Trung Quốc từ lâu đã ở trong tình trạng dư thừa. Một khi bong bóng thị trường vỡ, những doanh nhân này chắc chắn sẽ bị thua lỗ theo đó”, ông Lu nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts