Tin thế giới sáng thứ Tư: Vì tiết lộ thông tin người nhà ông Tập, thanh niên bị tra tấn đến rối loạn tâm thần

Tổng thống đắc cử Argentina Milei ăn trưa với cựu TT Clinton, sẽ gặp cố vấn của TT Biden

Tổng thống đắc cử Argentina Javier Milei đã ăn trưa với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại New York và sẽ gặp trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden tại Washington DC, theo Reuters đưa tin.

Văn phòng của ông Javier Milei phát đi tuyên bố loan báo rằng vào sáng thứ Hai (27/11), tổng thống tân cử Argentina đã tới New Jersey cùng với một nhóm nhỏ các cố vấn, trong đó có cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Argentina Luis Caputo, cựu bộ trưởng tài chính dưới thời Tổng thống Mauricio Macri. Ông Caputo khả năng sẽ được ông Milei bổ nhiệm làm bộ trưởng kinh tế trong chính phủ mới sắp tới.

Theo tuyên bố của văn phòng của tổng thống tân cử Argentina, ông Milei ngay khi đến Mỹ đã tới thăm viếng mộ của một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng. Sau đó, ông đã ăn trưa với cựu Tổng thống Bill Clinton tại New York.

Sự kiện ông Milei ăn trưa với ông Clinton gây ngạc nhiên lớn cho giới quát sát, bởi vì hai ông được cho là có tư tưởng chính trị đối nghịch nhau. Ông Clinton có quan điểm dân chủ cấp tiến, đề cao vai trò quản lý nhà nước, trong khi ông Milei tự nhận mình là người theo tư trưởng tư bản chủ nghĩa vô trị, coi trọng thị trường tự do và hạn chế sự can thiệp của chính phủ.

Ông Milei dự định sẽ gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan vào thứ Ba (28/11, giờ địa phương). Trong khi đó, các cố vấn kinh tế của tổng thống tân cử Argentina đã lên lịch họp với các quan chức tài chính Mỹ để thảo luận về các ưu tiên kinh tế của chính phủ mới sắp tới dưới sự lãnh đạo của ông Milei.

Phái đoàn của ông Milei cũng sẽ họp với các quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Argentina đang là quốc gia nợ IMF lớn nhất trong bối cảnh họ phải đương đầu với tình trạng lạm phát tăng cao, đang tiếp cận mức 150%.

Ông Milei sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Argentina vào ngày 10 tháng 12 tới đây. Trước mắt ông là thách thức rất lớn, khi 2/3 dân số của nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ đang rơi vào cảnh nghèo đói và nền kinh tế trên bờ vực sụp đổ.

Trong một diễn biến liên quan, Reuters hôm 27/11 đưa tin rằng khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hoãn chuyến đi tới Buenos Aires để gặp ông Milei như loan báo trước đó.

Hải Đăng

Ấn Độ giải cứu 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm

Lực lượng cứu hộ Ấn Độ đã giải cứu được toàn bộ 41 công nhân mắc kẹt 17 ngày trong đường hầm tại bang Uttarakhand.

Harpal Singh, thành viên lực lượng cứu hộ, nói họ tạo lối thoát thành công vào lúc 19h05 và công nhân đầu tiên được đưa ra ngoài vào khoảng 20h (21h30 giờ Hà Nội), hãng tin Ấn Độ Press Trust of India cho biết.

“Tôi cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhõm và hạnh phúc khi 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm Silkyara được giải cứu thành công “, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari nói. “Đây là nỗ lực được phối hợp tốt giữa nhiều cơ quan, là một trong những chiến dịch cứu hộ lớn nhất gần đây”.

Xe cứu thương sau đó đưa họ về cơ sở y tế cách hiện trường 30 km để chăm sóc. Các bác sĩ trước đó cảnh báo các công nhân có thể gặp hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Nhóm 41 công nhân bị mắc kẹt sau khi hầm đường bộ đang thi công ở khu vực dãy Himalaya bị sập hôm 12/11. Giới chức chưa công bố nguyên nhân sập hầm, nhưng khu vực này thường xảy ra lở đất, động đất và lũ lụt.

Giới chức địa phương chào đón công nhân đầu tiên được giải cứu khỏi đường hầm ở bang Uttarakhand ngày 28/11. Ảnh: NDTV
Giới chức địa phương chào đón công nhân đầu tiên được giải cứu khỏi đường hầm ở bang Uttarakhand ngày 28/11. Ảnh: NDTV

Trong 17 ngày qua, giới chức Ấn Độ triển khai nhiều phương án giải cứu các nạn nhân, nhưng gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình và thời tiết. Lực lượng cứu hộ đã đào và thiết lập hai đường ống nhỏ để cung cấp oxy, nước và đồ ăn cho nhóm công nhân.

Đến ngày 27/11, lực lượng cứu hộ phải áp dụng phương pháp “đào hang chuột”, sử dụng máy khoan thủ công để tạo lối mở qua những mét đất đá cuối cùng tới nơi nhóm công nhân mắc kẹt.

Đường hầm nơi các công nhân mắc kẹt là một phần trong dự án đường cao tốc Char Dham trị giá 1,5 tỷ USD, một trong những dự án tham vọng nhất của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm kết nối 4 địa điểm hành hương của người theo đạo Hindu thông qua hệ thống đường bộ dài 890 km.

Vì tiết lộ thông tin người nhà ông Tập, thanh niên bị tra tấn đến rối loạn tâm thần

Ngưu Đằng Vũ. (Ảnh tổng hợp của cử dân mạng và RFA)

Anh Ngưu Đằng Vũ (Niu Tengyu – quản trị viên của diễn đàn Esu Wiki trên wiki) – người vào năm 2020 bị kết án 14 năm tù vì liên quan đến việc rò rỉ thông tin về người thân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, hiện bị nghi rối loạn tâm thần do tra tấn.

Anh Ngưu Đằng Vũ (24 tuổi) hiện đang thụ án tại Nhà tù Tứ Hội (Sihui) ở TP. Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông. Qua cuộc gọi video, ngày 24/11 mẹ của anh là Khả Khả (Keke) đã được gặp anh. Người nhà tin rằng anh Ngưu gần đây đã bị tra tấn trong tù, dẫn đến chấn thương về thể chất và tinh thần, kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc sớm cho anh tại ngoại để điều trị.

Cuối tháng trước bà Khả cũng được gặp con, lúc đó tình trạng thể chất và tinh thần anh Ngưu bình thường, nhưng chỉ sau một tháng thì anh như một người hoàn toàn khác. Bà Khả Khả nói: “Con tôi (Ngưu Đằng Vũ) không nhận ra tôi nữa. Đôi mắt đờ đẫn, la hét và lời nói lung tung phi logic. Tôi thấy suy sụp”.

Ngưu Đằng Vũ được cho là bị tra tấn nhiều lần

Một số thông tin cho hay, anh Ngưu Đằng Vũ đã trải qua nhiều hình phạt khác nhau trước khi thụ án, bao gồm đốt bằng bật lửa, tiêm nước muối, treo cổ và ngồi trên ghế cọp… Qua cuộc gặp video, chứng kiến biểu hiện không bình thường của con khiến bà Khả Khả vô cùng lo lắng.

Sáng ngày 27/11, theo yêu cầu của bà Khả Khả, một người thân của gia đình đã được vào tù gặp anh Ngưu trong khoảng 30 phút dưới sự giám sát chặt chẽ. Tình cảnh được người thân miêu tả lại sau đó khiến trái tim bà Khả Khả như tan nát. Bà nói: “Ông ấy (một người họ hàng) đã kể, Ngưu Đằng Vũ bị rối loạn tâm thần và không biết mình là ai. Nó kể có người đầu độc trong nước uống nhà tù. Nó cứ nói ‘đầu độc, đầu độc’…”.

Vài năm trước, chính quyền Quảng Đông khi điều tra vụ án diễn đàn Esu Wiki trên wiki [được cho là tiết lộ thông tin cá nhân của cô Tập Minh Trạch – con gái lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình], đã thu giữ thẻ ngân hàng của Ngưu Đằng Vũ. Tháng trước sau khi bà Khả Khả lấy lại thẻ ngân hàng này, bà phát hiện ra tiền trong thẻ không còn. Sau đó bà yêu cầu cho gặp Ngưu Đằng Vũ qua video để tìm hiểu nhưng phía nhà tù cứ trì hoãn. Bà cho rằng khoảng thời gian đó con bà đã bị nhà tù răn đe.

Bà kể: “Tôi nghi ngờ liệu thời điểm đó họ có uy hiếp hay hăm dọa con tôi để ngăn con tôi nói ra số dư thẻ ngân hàng hay không. Lúc đó tôi nghĩ Ngưu Đằng Vũ là người có khả năng chịu đựng áp lực nên sẽ không sao. Nhưng ngày 24/11 khi tôi gặp nó để kiểm tra thẻ ngân hàng thì nó không nhận ra tôi nữa”.

Nghi ngờ đối với cơ quan tư pháp Quảng Đông

Vì điều kiện sống khắc nghiệt của phòng giam đã khiến di chứng của những lần tra tấn trước đây đối với Ngưu Đằng Vũ, bao gồm bàn tay phải bị thương nặng và bệnh viêm tai giữa, tái phát hết lần này đến lần khác.

Tháng trước, bà Khả đã tới Quảng Đông để lên tiếng về tình hình con bà. Khi đó, lãnh đạo Tòa án tối cao tỉnh Quảng Đông hứa sẽ hối thúc Tòa án trung cấp Mậu Danh để điều chỉnh kết luận vụ án, theo đó bắt đầu xét xử lại trước cuối năm nay.

Bà Khả Khả cho biết: “Vào tháng 10 tôi đã đến Tòa án nhân dân trung cấp Mậu Danh và Tòa án nhân dân cấp cao Quảng Đông, cả hai tòa án đều hứa sẽ cho biết kết quả trước tháng 1 [sang năm], có thể đó là nguyên nhân nó (Ngưu Đằng Vũ) đã bị bức hại”.

VOA đã thực hiện nhiều cuộc gọi tới ban quản lý Nhà tù Tứ Hội ở Quảng Đông, nhưng không ai trả lời.

Vào tháng 5/2019, các trang web “China Wiki” và “ZhinaRed Foundation” liên tiếp công bố thông tin cá nhân của anh rể Đặng Gia Quý và con gái Tập Minh Trạch của ông Tập Cận Bình. Sau đó, cảnh sát ở Mậu Danh tỉnh Quảng Đông đã bắt giữ 24 thành viên của các trang web, họ bị nghi ngờ chịu bức cung. Cuối cùng tất cả họ đều bị kết tội. Khi đó Ngưu Đằng Vũ mới 20 tuổi, bị kết tội gây rối, xâm phạm thông tin công dân và hoạt động kinh doanh trái phép, bị kết án 14 năm tù, phán quyết được giữ nguyên trong lần xét xử lại vào 2 năm trước.

Chuyên gia khuyên tránh để Ngưu Đằng Vũ vào bệnh viện tâm thần

Một người làm trong ngành luật pháp Trung Quốc yêu cầu giấu tên vì lo ngại an toàn, cho rằng tình hình hiện tại của Ngưu Đằng Vũ không ổn, luật sư và người nhà nên sớm nộp đơn xin cho Ngưu Đằng Vũ tại ngoại điều trị, đưa anh ra nước ngoài điều trị nếu cần thiết: “Có cơ sở pháp lý để được tạm tha vì lý do y tế, có thể cần một số thủ tục ví dụ như người nhà, luật sư và cá nhân phải nộp đơn, sau đó tòa án sẽ đánh giá. Ra được nước ngoài sẽ tốt. Một số cơ sở y tế ở Trung Quốc khả năng còn hạn chế, vì nhiều cơ sở kiểu này ở Trung Quốc phục vụ các quan chức”.

Chuyên gia pháp lý nhắc nhở: “Bệnh viện tâm thần Trung Quốc còn khó chịu hơn nhà tù, rất khủng khiếp, sẽ chỉ làm cho bệnh nhân tâm thần trở nên tồi tệ hơn mà không cải thiện được. Nếu cứ theo luật pháp, chỉ cần người nhà không đồng ý thì không đưa vào bệnh viện tâm thần, nhưng với tình hình pháp lý hiện tại ở Trung Quốc thì phải chuẩn bị tâm lý trước cho khả năng này”.

Theo VOA

Tổng thư ký Stoltenberg: ‘Tất cả đồng minh đều đồng ý’ Ukraine sẽ gia nhập NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau cuộc họp báo chung bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào ngày 12 tháng 7 năm 2023. (Ảnh: PETRAS MALUKAS/AFP, Getty Images)

NATO tái khẳng định sự hỗ trợ lâu dài của mình đối với Ukraine và cho biết các thành viên của tổ chức này đều đồng ý rằng Ukraine sẽ tham gia liên minh, nhưng phải là sau chiến tranh và sau khi nước này cải cách.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg khi ông nói về cuộc họp sắp tới của Hội đồng NATO-Ukraine trong tuần này, một lần nữa nhắc đến tư cách thành viên NATO đối với Ukraine là một vấn đề chắc chắn bất chấp sự bất đồng trước đó từ bên trong liên minh.

“Các nước đồng minh đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO”, ông Stoltenberg nói các cuộc thảo luận trong tuần này sẽ tập trung vào “những cải cách ưu tiên” để Ukraine phù hợp với việc gia nhập tổ chức này. Hỗ trợ trực tiếp gần đây dành cho Ukraine bao gồm liên minh phòng không, hàng tỷ USD viện trợ mới và việc mở trung tâm huấn luyện chiến đấu cơ F-16 ở Romania cho phi công Ukraine.

Khi ông Stoltenberg khẳng định Ukraina sẽ gia nhập NATO, nghĩa là nước này sẽ tham gia ‘Điều khoản số 5’, điều này yêu cầu các quốc gia thành viên sẽ phải tham chiến nếu bất kỳ nước nào trong số họ bị tấn công ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, tuy nhiên điều đó sẽ phụ thuộc vào một số thay đổi lớn. Bên cạnh những cải cách dành cho Ukraine bao gồm “khả năng tương tác đầy đủ giữa lực lượng Ukraine và lực lượng NATO… dựa trên lý thuyết và quy trình đào tạo của NATO”, ông Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ không còn phải ở trong tình trạng chiến tranh trước nữa.

Ông Stoltenberg nói với báo chí trong cuộc họp giao ban rằng: “Tất cả các đồng minh đều đồng ý rằng giữa một cuộc chiến tranh, tư cách thành viên đầy đủ là không thể. Nhưng tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét cách thức để đưa Ukraine và NATO xích lại gần nhau hơn nữa”.

Đây không phải lần đầu tiên ông Stoltenberg tuyên bố về việc toàn khối chấp nhận Ukraine sẽ gia nhập NATO. Hồi tháng Tư, khi tổng thư ký nói rằng “tất cả các đồng minh NATO đã đồng ý Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO”, thì Thủ tướng Hungary Victor Orban phản hồi trong qua thư rằng viết “cái gì thế!?”.

Đức gần đây cũng kêu gọi thận trọng trong việc vội vàng đưa Ukraine trở thành thành viên liên minh. Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng sau chiến tranh Ukraine sẽ được trang bị vũ khí do phương Tây sản xuất, và đó sẽ là lúc để bắt đầu nói về các đảm bảo an ninh. Ông cho biết năm 2023 là thời điểm để “tập trung vào những gì sắp xảy ra” và NATO “còn lâu mới” sẵn sàng cho Ukraine trở thành thành viên, đồng thời lưu ý “tiêu chí của NATO bao gồm hàng loạt điều kiện mà Ukraine hiện không thể đáp ứng”.

Tuy nhiên, không có nhận xét nào làm giảm đi nhiệt tình của Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết vào tháng Chín rằng ông đã coi Ukraine là “một thành viên thực tế của NATO”.

Việc cố gắng lèo lái Ukraine hướng tới châu Âu dù chưa đáp ứng các tiêu chí không chỉ xảy ra ở NATO. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra khi Ukraine tha thiết muốn trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu (EU). Các nhà lãnh đạo cấp cao của EU nói về động thái này như định mệnh không thể tránh khỏi, tuy nhiên, điều đó sẽ không được thực hiện cho đến khi chiến tranh kết thúc và khi Ukraine giải quyết được các vấn đề của mình như tham nhũng, đầu sỏ, vận động hành lang và quyền cho dân tộc thiểu số.

Anh Nguyễn, theo Breitbart News

Mỹ lần đầu gửi hàng viện trợ cho người dân Gaza

Mỹ thông báo điều 3 phi cơ quân sự đến Ai Cập, chở theo hàng viện trợ để cung cấp cho người dân Gaza trong thời gian ngừng bắn, theo tờ The Hill.

“Chuyến bay viện trợ đầu tiên trong số ba chuyến bay do quân đội Mỹ thực hiện sẽ đến Bắc Sinai, Ai Cập ngày 28/11”, theo các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ. “Động thái sẽ cung cấp nhiều hàng hóa, như vật tư y tế, thực phẩm, đồ dùng mùa đông cho dân thường”.

Theo nhóm quan chức, nhân viên Liên Hợp Quốc sẽ tiếp nhận hàng viện trợ ở Bắc Sinai, sau đó đưa vào Dải Gaza để phân phát. Bắc Sinai có biên giới chung với Dải Gaza, khu vực Hamas kiểm soát.

Đây là lần đầu tiên Mỹ gửi hàng viện trợ cho Gaza kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát ngày 7/10. Hoạt động bắt đầu một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông sẽ tranh thủ việc Israel và Hamas gia hạn lệnh ngừng bắn để đưa thêm hàng viện trợ vào Gaza.

Hai chuyến bay tiếp theo sẽ đến Ai Cập trong những ngày tới, nhóm quan chức cho biết.

Xung đột nổ ra hôm 7/10, khi Hamas bất ngờ tấn công lãnh thổ Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 240 dân thường bị bắt làm con tin. Israel đáp trả bằng các cuộc không kích và tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Giao tranh giữa hai bên đã khiến khoảng 16.000 người thiệt mạng, hơn 41.000 người bị thương tính đến ngày 23/11.

Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 2/3 trong tổng số 2,3 triệu người ở Gaza phải di dời vì chiến sự, đẩy khu vực vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo. Nước, thực phẩm thiết yếu và nhiên liệu trở nên khan hiếm.

Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn dài 4 ngày, bắt đầu từ 24/11, để trao đổi con tin và tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo. Trong thời gian này, Hamas đã thả 69 người, gồm 50 người Israel và người mang quốc tịch kép, cùng với 19 người nước ngoài. Ở chiều ngược lại, Israel trả tự do cho 150 công dân Palestine đang bị giam tại các nhà tù nước này. Thỏa thuận đã được gia hạn thêm hai ngày.

Phía Mỹ cho biết 800 xe tải viện trợ đã từ Ai Cập đến Gaza trong 4 ngày ngừng bắn, một số xe còn tiếp cận được miền bắc Gaza, nơi bị tàn phá nặng nề do chiến sự.

Phan Anh

Related posts