Hạn chế thương mại đối với Trung Quốc là cần thiết cho quốc phòng

Hạn chế thương mại đối với Trung Quốc là cần thiết cho quốc phòng
Hoạt động cẩu container tại Cảng mới Hoài An ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hôm 21/07/2022. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing qua Getty Images) Bình luận

Phá hủy nền kinh tế Trung Quốc sẽ làm tê liệt sự phát triển quân sự của nước này, làm giảm mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và Đài Loan.

Việc cắt đứt nền kinh tế của một quốc gia sẽ cản trở khả năng phát triển các công nghệ mới hoặc mua vũ khí tân tiến của quốc gia đó. Đây là lý do tại sao các hạn chế thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề quốc phòng.

Chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hiện đại có nghĩa là phát triển các công nghệ quân sự tân tiến nhất, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, khoa học lượng tử, vũ khí tự động, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, và vũ khí siêu thanh. Trong khi Hoa Kỳ dẫn đầu về phát triển công nghệ quân sự, thì Trung Quốc và Nga đang có những bước tiến vững chắc với tư cách là hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất. Ngày nay, khả năng quân sự của một quốc gia tương quan trực tiếp với chi tiêu quốc phòng. Trong năm tài chính 2022, Hoa Kỳ có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới với 750 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai với 237 tỷ USD, trong khi Nga chỉ chi 48 tỷ USD.

Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã áp đặt hơn 300 tỷ USD thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Mặc dù chính phủ Tổng thống Biden đã chỉ trích cựu Tổng thống Trump, nhưng hầu hết các mức thuế này vẫn duy trì hiệu lực. Lệnh cấm nhập cảng đã được áp dụng đối với hàng hóa sản xuất tại Tân Cương. Các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với các công ty và quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tân Cương và những người có liên quan đến việc hạn chế các quyền tự do ở Hồng Kông. Và nhiều công ty Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen.

Hồi tháng Mười Một, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào Danh sách Tổ chức (Entity List) của mình dựa trên mối đe dọa của các công ty này đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại sử dụng Danh sách Tổ chức để hạn chế xuất cảng, tái xuất cảng, và chuyển nhượng trong nước đối với hàng hóa và dịch vụ vi phạm Quy định Quản lý Xuất cảng (EAR).

Hiện đã có hơn 600 công ty Trung Quốc trong danh sách này. Các công ty được thêm vào danh sách vì các hoạt động độc hại qua mạng, phát triển nhu liệu gián điệp cho các chính phủ ngoại quốc, phát triển và phân phối các công cụ tấn công mạng, cũng như vi phạm Các Biện pháp kiểm soát Xuất cảng Vũ khí Thông thường và Hàng hóa và Công nghệ Lưỡng dụng. Hơn nữa, các quy tắc về Sản phẩm Trực tiếp của Ngoại quốc (FDP) hạn chế xuất cảng đối với các công ty dựa trên trụ sở hoặc cách sử dụng sản phẩm của họ. Các quy tắc này hiện đã được mở rộng nhằm đưa thêm vào các mặt hàng điện toán tân tiến và các mặt hàng được sử dụng để duy trì và phát triển siêu máy điện toán được bán cho Trung Quốc.

Một nhân viên sản xuất vi mạch bán dẫn tại một nhà máy của Công ty bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, hôm 17/03/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Để ngăn các công ty Trung Quốc mua vi mạch bán dẫn và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố vòng đầu tiên của các hạn chế mới đối với việc xuất cảng và tái xuất cảng hoặc chuyển nhượng một số thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Lệnh cấm này cũng áp dụng cho nhu liệu và công nghệ liên quan. Tất cả người Mỹ cũng bị cấm làm việc tại các cơ sở tham gia vào việc “phát triển hoặc sản xuất” vi mạch bán dẫn của Trung Quốc. Công dân Hoa Kỳ cần phải có một giấy phép từ Bộ Thương mại để xuất cảng các mặt hàng hoặc cung cấp sự trợ giúp cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc nếu họ không chắc liệu các hoạt động của họ có vi phạm hạn chế thương mại này hay không.

Ngoài việc cắt đứt quyền tiếp cận công nghệ mới của chính quyền Trung Quốc, luật pháp Hoa Kỳ đang thu hẹp dần nguồn tiền của Bắc Kinh. Kể từ khi áp dụng mức thuế 25%, số vi mạch bán dẫn Hoa Kỳ nhập cảng từ Trung Quốc đã giảm 26%. Đây là khoản thu sẽ không còn sẵn có cho quân đội Trung Quốc. Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất cũng đã tác động tiêu cực đến lợi tức của Bắc Kinh. Lãi suất cao hơn không chỉ chuyển hướng đầu tư mới từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ, mà còn dẫn đến một cuộc di tản tiền vốn từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ.

Một nơi khác mà ví tiền của Bắc Kinh đang bị ảnh hưởng là trên các sàn giao dịch chứng khoán. Trong lịch sử, việc niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ là một nguồn tài trợ to lớn cho các công ty Trung Quốc, trong đó có những công ty tiến hành nghiên cứu và phát triển cho ĐCSTQ. Việc thắt chặt các quy định kiểm toán gần đây của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch có thể dẫn đến việc hủy niêm yết lên tới 250 công ty Trung Quốc.

Việc hạn chế chuyển tiền mặt và công nghệ của Hoa Kỳ sang Trung Quốc sẽ cản trở kế hoạch vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2035 của ĐCSTQ. Đồng thời, các hạn chế thương mại và thuế quan nhập cảng sẽ giúp phát triển các ngành công nghiệp nội địa của Hoa Kỳ và thúc đẩy sự phát triển công nghệ của Hoa Kỳ. Biện pháp này cũng sẽ tạo ra việc làm ở Hoa Kỳ trong khi cắt giảm việc làm ở Trung Quốc. Trong ba quý đầu năm 2022, hơn 60 tỷ USD đầu tư trực tiếp ngoại quốc đã được cam kết cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ. Cho đến nay, kế hoạch này đang hữu hiệu, và các hạn chế đối với thương mại và đầu tư của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng lên trong tương lai.


Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).

Vân Du biên dịch

Related posts