Sau vụ tai nạn thảm khốc khiến ít nhất một người thiệt mạng và 7 người khác mất tích, ngày 30/11, Nhật Bản đã yêu cầu quân đội Mỹ dừng bay toàn bộ phi đội Osprey (Chim ưng biển) ở nước này.
Trong chuyến bay huấn luyện hôm thứ Tư (29/11), một chiếc Osprey của Không quân Hoa Kỳ có trụ sở tại Nhật Bản đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía nam đất nước, khiến ít nhất một trong 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Việc tìm kiếm 7 thành viên phi hành đoàn còn lại mất tích vẫn đang được tiến hành. Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được tiết lộ vào thời điểm này.
“Chúng tôi nhận được cuộc gọi khẩn cấp vào chiều ngày 29/11từ một tàu đánh cá gần địa điểm gặp nạn ngoài khơi Yakushima, một hòn đảo phía Nam Kagoshima. Tàu tuần tra đã tìm thấy một nam thành viên phi hành đoàn, nhưng rất tiếc anh ấy đã không qua khỏi. Chúng tôi cũng tìm thấy những mảnh vỡ màu xám của máy bay và một chiếc bè cứu sinh bơm hơi trống rỗng ở khu vực cách bờ biển phía Đông Yakushima khoảng 1 km”, phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản Kazuo Ogawa cho biết hôm 29/11.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói với các phóng viên rằng các quan chức nước này đã yêu cầu quân đội Mỹ đình chỉ tất cả các chuyến bay của Osprey trong thời gian này, ngoại trừ những chuyến bay liên quan đến việc tìm kiếm và cứu hộ phi hành đoàn mất tích. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản xác nhận rằng chỉ có một chiếc V-22 Osprey của Mỹ tham gia hoạt động cứu hộ kể từ vụ tai nạn.
“Việc một vụ tai nạn như vậy xảy ra gây nhiều lo lắng cho người dân tại khu vực… và chúng tôi đang yêu cầu phía Mỹ thực hiện các chuyến bay với máy bay Osprey được triển khai tại Nhật Bản sau khi những chuyến bay này được xác nhận là an toàn”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara nói trước Quốc hội ngày 30/11, theo hãng tin Reuters.
Mới đây, phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội Nhật Bản, Quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản Taro Yamato cho biết nước này cũng có kế hoạch đình chỉ các chuyến bay của tất cả 14 chiếc Osprey trong thời điểm hiện tại. Do đó, chuyến bay huấn luyện theo kế hoạch tại trại quân đội Metabaru ở tỉnh Saga, miền nam Nhật Bản đã bị hủy bỏ.
Theo Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, chiếc Osprey bị rơi xuất phát từ Căn cứ Không quân Yokota và thuộc Đội Tác chiến Đặc biệt số 353. Từ những thông tin chi tiết có được, chiếc Osprey đã cất cánh từ Trạm Không quân Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ Iwakuni ở tỉnh Yamaguchi để thực hiện một nhiệm vụ huấn luyện.
Căn cứ Không quân Yokota là nơi đóng quân của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản và Lực lượng Không quân số 5.
Ngay sau khi cất cánh, lực lượng bảo vệ bờ biển nhận được cuộc gọi khẩn cấp về việc phi hành đoàn của Osprey yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Yakushima. Sau đó chiếc máy bay được cho là đã biến mất khỏi màn hình radar.
Các hãng tin địa phương dẫn lời một người dân Yakushima cho biết ông nhìn thấy chiếc máy bay bị lật ngược, lửa bốc ra từ một trong các động cơ và sau đó là một vụ nổ trước khi lao xuống biển. Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng như quân đội Nhật Bản đang tìm kiếm chiếc máy bay mất tích cùng phi hành đoàn.
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông dự định yêu cầu quân đội Mỹ giải thích thêm về vụ việc.
Ospreys và một danh sách dài các tai nạn
Osprey là một loại máy bay hybrid (máy bay động cơ xăng lai điện), có cánh quạt nghiêng, có khả năng cất cánh và hạ cánh giống như trực thăng. Tuy nhiên, trong quá trình bay, nó có thể xoay cánh quạt về phía trước và di chuyển nhanh hơn nhiều máy bay khác. Nó khác với hầu hết các máy bay ở khả năng hoán đổi trong khi bay để xoay cánh quạt về phía trước và bay giống như một chiếc máy bay thông thường.
Tuy nhiên, từ lâu dòng máy bay này đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi đối với lực lượng quốc phòng Hoa Kỳ do kém an toàn và nhiều vụ tai nạn. Kể từ khi máy bay này đi vào hoạt động năm 2007, đã xảy ra ít nhất hàng chục sự cố khiến nhiều người thiệt mạng.
Sau những rủi ro về an toàn, và gần đây là vụ việc một máy bay V-22 Osprey bị rơi do bộ ly hợp bị trượt, khiến sự phân bổ điện năng không đồng đều tới các cánh quạt, Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Lực lượng Không quân đã ra lệnh tạm thời ngừng hoạt động phi đội Osprey vào năm ngoái. Bộ phận này đôi khi bị bung ra trong quá trình hạ cánh, dẫn đến khả năng xảy ra tai nạn.
Chỉ cách đây vài tháng, một chiếc máy bay Osprey đã gặp sự cố trên đảo Melville của Úc.
Vào ngày 27/8, một chiếc Osprey của Mỹ đã rơi ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Úc khi đang vận chuyển quân nhân trong một cuộc tập trận quân sự thường kỳ, khiến 3 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng.
Một vụ việc khác xảy ra ở tiểu bang California (Mỹ) vào tháng 6/2022, khiến 5 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do trục trặc kỹ thuật.
Ngoài ra, một trong những chiếc máy bay Osprey bị rơi ngoài khơi Rockhampton (Úc) vào năm 2017, khiến 3 người thiệt mạng.
Một vụ tai nạn khác xảy ra ở vùng biển ngoài khơi đảo Okinawa phía nam Nhật Bản vào tháng 12/2016, khiến quân đội Mỹ tạm thời cấm vận hành máy bay này.
Huyền Anh tổng hợp