Trung Quốc: Số ca viêm phổi ở trẻ em gia tăng làm dấy lên hoài nghi và đồn đoán về COVID-19

Alex Wu

Khi làn sóng bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em tràn qua Trung Quốc và lây sang người lớn, nhiều lời giải thích khác nhau từ các cơ quan y tế nhà nước về đợt bùng phát này không thể dập tắt sự hoài nghi của công chúng rằng đây là bệnh COVID-19 do các biến thể của virus này gây ra.

Ban đầu, chính quyền Trung Quốc phủ nhận mọi “chi tiết bất thường hay mầm bệnh mới hay các biểu hiện lâm sàng bất thường” khi phản ứng trước yêu cầu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới về dữ liệu liên quan đến đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở trẻ em.

Nhưng gần đây hơn, hồi cuối tuần trước, Ủy ban Y tế Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đã cảnh báo rằng sự lây lan của một số mầm bệnh đường hô hấp đã biết có thể hội tụ thành một đợt bùng phát lớn từ nay đến mùa xuân tới. Ad

Tại cuộc họp báo hôm 26/11 về đợt bùng phát dịch bệnh này, phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Mễ Phong (Mi Feng) cho biết cúm, virus adeno, virus hợp bào hô hấp (RSV), và virus rhino đã vượt qua khuẩn mycoplasma trở thành nguyên nhân gây ra làn sóng gia tăng các bệnh về đường hô hấp cấp tính, chưa kể đến virus SARS-CoV-2 vốn gây ra bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, trong cùng cuộc họp báo đó, khi trả lời một câu hỏi của một phóng viên, ông Vương Hoa Khánh (Wang Huaqing), chuyên gia trưởng Chương trình Chích ngừa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết ngoài cúm còn có những mầm bệnh khác đang gây ra các bệnh về đường hô hấp ở các nhóm tuổi khác nhau từ 1-60 tuổi, bao gồm cả virus SARS-CoV-2.

Ông cho biết ở trẻ em từ 1-4 tuổi, “ngoài cúm, còn có RSV gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường”; cúm, khuẩn mycoplasma, virus adeno gặp ở trẻ em từ 5-14 tuổi. Đối với người từ 15-59 tuổi, “ngoài những virus cúm, thì RSV, và những mầm bệnh của virus corona chủng mới [virus SARS-CoV-2] đã được phát hiện; các loại virus corona thông thường chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong số [ca lây nhiễm ở] những người trên 60 tuổi.”

Trong khi đó, ông Vương Toàn Nghĩa (Wang Quanyi), phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh và là chuyên gia trưởng về dịch tễ học, cho biết tại Bắc Kinh, bệnh viêm phổi do mycoplasma không còn là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em nhập viện. Ba nguyên nhân hàng đầu là cúm, virus adeno, và RSV.

Không có thuốc điều trị dứt điểm

Bất chấp tuyên bố chính thức về các mầm bệnh đã biết đằng sau đợt bùng phát bệnh đường hô hấp cấp tính trên toàn quốc, các chuyên gia y tế Trung Quốc thừa nhận rằng không có loại thuốc hiệu quả nào để điều trị.

Hôm 27/11, truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin rằng nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lâm sàng của Trung Quốc cho biết không có loại thuốc nào hiệu quả để điều trị “nhiễm trùng đường hô hấp trên vào lúc này.”

Ông Thượng Vân Hiểu (Shang Yunxiao), Giám đốc Khoa Y học Hô hấp Nhi tại Bệnh viện Thịnh Kinh trực thuộc Đại học Y Trung Quốc, nói với giới truyền thông rằng hiện tại không có loại thuốc chống virus hợp bào đường hô hấp hiệu quả, và vẫn chưa có vaccine phòng virus hợp bào được chấp thuận để sử dụng ở Trung Quốc. Bệnh viêm phổi do virus adeno là một loại bệnh viêm phổi dễ gặp ở người lớn và trẻ em bị suy giảm miễn dịch.

Hôm 29/11, Ủy ban Y tế Thâm Quyến đã đăng trên tài khoản chính thức của mình trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo rằng, “Không có cách chữa trị cụ thể cho virus hợp bào đường hô hấp! Không có vaccine! Nó dễ lây lan gấp 2.5 lần so với bệnh cúm! Khoảng thời gian này quả thật khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Bệnh viêm phổi do mycoplasma vừa mới lắng xuống, thì bệnh cúm, virus noro, và COVID-19 lại đang cùng xuất hiện, và còn có thêm cả RSV.”

Vẫn là bệnh COVID-19

Công chúng Trung Quốc vẫn đang nghi ngờ “bệnh viêm phổi chưa được chẩn đoán,” mà chính quyền gọi là “bệnh viêm phổi do mycoplasma,” đột ngột bùng phát ở trẻ em kể từ giữa tháng Mười, là bệnh COVID-19 do một chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Ông Dư Xương Binh (Yu Changping), một chuyên gia về nhiễm trùng đường hô hấp nặng tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán với hơn 3 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, mới đây đã đăng trên tài khoản Weibo rằng: “Từ tháng Mười đến tháng Mười Một, bệnh viêm phổi do mycoplasma đã lây lan khắp Trung Quốc, chiếm vị trí thống trị trong các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp. Khoa nhi của nhiều bệnh viện thì quá tải, nhiều người lớn cũng nhiễm bệnh, và nhiều người bị viêm phổi… Kèm theo đó là một số ít ca nhiễm COVID-19.”

Trẻ em và cha mẹ chờ đợi tại khu vực ngoại trú tại một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh hôm 23/11/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Trẻ em và cha mẹ chờ đợi tại khu vực ngoại trú tại một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh hôm 23/11/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Vì căn bệnh viêm phổi bí ẩn này rất dễ lây lan, nên chính quyền ở Bắc Kinh, Sơn Tây, Hà Bắc, và những nơi khác đã đưa ra thông báo yêu cầu giáo viên và học sinh bị nhiễm bệnh phải ở nhà.

Một số trường học ở tỉnh Quảng Đông và Giang Tô đã cho học sinh nghỉ học, yêu cầu người nhiễm bệnh nghỉ ngơi tại nhà và tránh đi khám bệnh nhiều lần. Các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng khuyến nghị các trường học nên chuyển sang dạy học trực tuyến. Ad

Một đoạn video quay lại cảnh “Đại Bạch” từ một trung tâm cứu hộ khẩn cấp địa phương đang khử trùng các trường học ở thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc đã lan truyền trên mạng xã hội, gợi nhớ đến đại dịch COVID-19. “Đại Bạch” ám chỉ một đội quân gồm những nhân viên phòng chống dịch bệnh COVID-19 nổi tiếng với những bộ đồ bảo hộ màu trắng cồng kềnh trong thời gian ĐCSTQ thực hiện biện pháp phong tỏa hà khắc. Họ đã bị sa thải sau khi chế độ này đột ngột dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19 hồi tháng Mười Hai năm ngoái.

Các nhân viên phòng chống dịch bệnh trong bộ đồ bảo hộ đứng bên ngoài một khu dân cư đang bị phong tỏa ở Bắc Kinh vào ngày 28/11/2022. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)
Các nhân viên phòng chống dịch bệnh trong bộ đồ bảo hộ đứng bên ngoài một khu dân cư đang bị phong tỏa ở Bắc Kinh vào ngày 28/11/2022. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

Sự hồ nghi trong giới khoa học gia

Tuần trước, WHO lặp lại lời giải thích của ĐCSTQ khi nói rằng các bệnh truyền nhiễm thông thường trong mùa đông là nguyên nhân khiến số ca nhập viện tăng đột biến. Dự kiến mùa đông năm nay, số ca nhiễm bệnh đường hô hấp sẽ gia tăng ở nước này, vì đây là mùa đông đầu tiên sau khi chế độ này dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu hồi năm 2020.

Tuy nhiên, một số nhà dịch tễ học nhận thấy đợt bùng phát hiện nay ở Trung Quốc là bất thường, như đã được chỉ ra trên ấn phẩm khoa học Nature.

Bài báo viết: “Khi các hạn chế về COVID-19 được nới lỏng ở các quốc gia khác, thì bệnh cúm và virus hợp bào đường hô hấp (RSV) đã khiến số ca nhiễm bệnh tăng đột biến nhất.”

“Làn sóng bệnh tật ở Trung Quốc khác với làn sóng đã thấy ở các quốc gia khác. Một số quốc gia phải đối mặt với các ca bệnh cúm và RSV trong đợt gia tăng bệnh mùa đông hậu COVID, nhưng ở Trung Quốc, tình trạng nhiễm bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae lại phổ biến. Điều này là đáng ngạc nhiên vì nhiễm trùng do vi khuẩn thường mang tính cơ hội và phát triển sau khi nhiễm virus,” ông Benjamin Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cho biết.

Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), một phó giáo sư tại Khoa Khoa học Y sinh tại Đại học Phi Thiên và là cựu nhà vi trùng học của Lục quân Hoa Kỳ, hồi đầu tháng này nói với The Epoch Times rằng nếu dịch bệnh lần này thực sự là viêm phổi do mycoplasma, thì bệnh nhân sẽ phản ứng với các phương pháp điều trị đã biết.

Ông nói: “Không khó để kiểm soát bệnh viêm phổi do mycoplasma bằng kháng sinh; không thể nói rằng thuốc không có tác dụng. Đây có thể là một biến thể mới của COVID-19, và là cuộc tấn công toàn diện của hơn hai loại virus và vi khuẩn, [khả năng đó] không thể bị loại trừ.”

Trẻ em được truyền dịch ở cầu thang tại một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh hôm 23/11/2023. (Ảnh: Jade Gao /AFP qua Getty Images)
Trẻ em được truyền dịch ở cầu thang tại một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh hôm 23/11/2023. (Ảnh: Jade Gao /AFP qua Getty Images)

“Trên thực tế, dịch COVID-19 chưa bao giờ rời khỏi Trung Quốc. Nhưng chính quyền ĐCSTQ không dám nhắc đến nữa, nên họ dùng cúm ‘H1N1’ hoặc ‘viêm phổi do mycoplasma’ để che đậy.”

Cơ quan y tế Trung Quốc cũng tuyên bố rằng chủng mycoplasma đã phát triển khả năng kháng thuốc cao ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các bản tin của phương tiện truyền thông và những bài đăng trên mạng xã hội, thì các bác sĩ ở Trung Quốc cho biết họ đã thử tất cả các loại kháng sinh và các loại thuốc khác được biết là để điều trị bệnh viêm phổi do mycoplasma, nhưng không có hiệu quả trong việc điều trị.

Mối lo ngại của cộng đồng quốc tế

Cả ĐCSTQ và WHO đều bị nghi ngờ vì thiếu minh bạch về sự bùng phát của COVID-19 hồi năm 2019. Phản ứng của họ đối với đợt bùng phát bí ẩn hiện tại không thể dập tắt được sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, trong khi những đợt bùng phát tương tự đã bắt đầu xuất hiện ở các quốc gia khác.

Hôm 28/11, bà Jasmine Reed, một phát ngôn viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng cơ quan y tế liên bang này đang “liên lạc với các cơ quan y tế địa phương và văn phòng quốc gia của họ tại Trung Quốc.”

Viện Nghiên cứu Dịch vụ Y tế Hà Lan báo cáo rằng các trường hợp viêm phổi ở trẻ em đang gia tăng ở nước này.

“Trong tuần từ 13 đến 19/11, có 103 ca viêm phổi ở Hà Lan trong số mỗi 100,000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14.” Theo cơ quan y tế này của Hà Lan, đó là mức tăng từ 83 ca của tuần trước.

Ông Edward Liu, Bác sĩ Y khoa (M.D.), trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Hackensack Meridian Jersey Shore, cho biết: “Việc WHO và/hoặc CDC giúp đỡ Trung Quốc và Hà Lan xác định nguyên nhân của những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp này là điều hợp lý.”

Nam Hàn cũng báo cáo số ca viêm phổi do mycoplasma ở trẻ em của nước này đã tăng gấp đôi trong tháng Mười Một.

Trong khi đó, tuần trước, Giáo hoàng Francis cũng bị nhiễm bệnh viêm phổi, kèm theo các triệu chứng khó thở.

Cẩm An biên dịch

Related posts