Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc không ngừng suy thoái, từ tháng 11 vừa qua có thể nói hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống ở nhiều nơi tại Trung Quốc khó khăn hơn, ngày càng có nhiều cửa hàng ăn trên đường phố đóng cửa và cho thuê lại.
Gần đây, trang web Canyin88 chuyên về dịch vụ ăn uống tại Trung Quốc đã thực hiện khảo sát nhiều khu thương mại và khu lân cận ở Quảng Châu, đồng thời phỏng vấn những người làm trong lĩnh vực ăn uống ở những nơi khác như Bắc Kinh, Thành Đô, Thâm Quyến, Thượng Hải…, đã miêu tả tóm gọn: “Thị trường đóng băng”.
Một người tiêu dùng ở Quảng Châu cho biết: “Tôi thực sự sốc trước tốc độ đóng cửa của Giang Nam Tây, cái tiệm vào thứ Hai tôi còn đi ăn bún ốc nhưng đến thứ Bảy khi đi ngang qua thì thấy đã dẹp rồi”.
Giang Nam Tây nơi người này thường đến là một trong những khu thương mại nổi tiếng ở Quảng Châu, xung quanh có rất nhiều khu phức hợp thương mại lớn, độ nhộn nhịp tại đây hiếm khi giảm. Cô cho hay, vài ngày trước cô đi qua thấy cảnh một tiệm bún ốc đóng cửa hồi tháng 8 vẫn trống trơn, không có người tiếp quản.
Một quán bún ốc có tên “Chiêm Lưu Ký” (Zhanliuji) ở khu thương mại Giang Nam Tây cũng đã ngừng hoạt động và đang trong quá trình tháo dỡ trang thiết bị cửa hàng. Đi thẳng dọc con đường ăn uống dài 2 cây số trước đây vốn nhộn nhịp thì nay có hơn 10 cửa hàng đóng cửa, trong đó có quán bánh cuốn, gà rán, đồ ăn Thái Lan, cháo lòng heo, quán nướng…
Hầu hết các cửa hàng đóng cửa đều là quán đơn lẻ, cũng có một số ít là chuỗi cửa hàng. Có những khu tiệm ăn nằm liên kề nhau đều đồng loạt đóng cửa, chẳng hạn dãy 4 tiệm ăn liên kề chỉ còn chỗ bán đồ ăn nhanh ở giữa là vẫn mở cửa, 3 tiệm ăn còn lại đã đóng cửa.
Trên đường Nam Nhất quận Thiên Hà được mệnh danh là “phố trà” của Quảng Châu, việc cửa hàng gỡ biển hiệu thậm chí còn tàn khốc hơn. Vào ngày người của Canyin88 ghé thăm, chứng kiến có 6 quán trà trong khu vực đang cho thuê lại, vài quán khác thì đang bị rào lại.
Theo nguồn tin, thị trường đóng băng không chỉ giới hạn ở Quảng Châu, các thị trường ăn uống ở nhiều nơi nhộn nhịp khác tại Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thành Đô, Quý Châu, Trường Sa… cũng không mấy lạc quan.
Người chủ một nhà hàng đồ ăn nhanh ở Phúc Kiến đóng cửa vào tháng 11 cho biết: “Tôi mở cửa hàng này hồi tháng 4, diện tích hơn 50 mét vuông và giá thuê hàng tháng là 7000 nhân dân tệ. Doanh thu hàng ngày chỉ là 600 – 700 nhân dân tệ, không thể trụ tiếp nên phải chuyển nhượng. Trong nửa năm thua lỗ gần 200.000 nhân dân tệ, cuối cùng khi đóng cửa thì bán thiết bị trong cửa hàng chỉ được khoảng 5.000 nhân dân tệ”.
Dữ liệu của trang tra cứu doanh nghiệp Trung Quốc QCC cho thấy, số lượng nhà hàng ăn uống đăng ký mới trên toàn Trung Quốc từ tháng 1 – 10 năm nay là 3,501 triệu, so với cùng kỳ năm ngoái nhiều hơn 374.000; tuy nhiên tổng số nơi hủy bỏ kinh doanh là 1,056 triệu, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 538.000.
Nhiều người trong ngành ăn uống Trung Quốc cho rằng việc kinh doanh năm nay tại Trung Quốc khó khăn hơn những năm trước. Một mặt, mức tiêu thụ ngày càng giảm và lưu lượng hành khách giảm; mặt khác, một số lượng lớn người kinh doanh đổ vào ngành này khiến áp lực cạnh tranh lớn hơn.
Tình trạng bi thảm được mô tả đã làm dấy lên bàn luận trong cộng đồng mạng:
“Biểu hiện trực quan nhất là cuộc chiến giá cả khốc liệt. Từ cà phê, trà đến mì, đồ ăn nhanh và các loại bữa tối đa dạng, người kinh doanh đã áp dụng các cách như giảm giá, khuyến mãi, giảm giá mua theo nhóm…. Cuộc chiến về giá không chỉ gây hỗn loạn lĩnh vực kinh doanh ăn uống, cũng khiến nhiều hơn số cửa hàng điêu đứng đóng cửa. Bối cảnh khiến nhiều người trong ngành dự đoán rằng ngành này vào cuối tháng 12 năm nay sẽ hứng làn sóng đóng cửa quy mô lớn.”
“Một cửa hàng có thể có giá thuê mặt bàng hàng ngàn [nhân dân tệ], ngoài giá thuê cao còn chịu tiền điện nước cũng đắt nên đương nhiên giá thành đồ ăn cũng cao, nếu kinh doanh không tốt thì không thể mãi duy trì.”
“Việc số cư dân thường trú đến từ vùng khác suy giảm đương nhiên sẽ có ít người tiêu dùng hơn, chỉ cần nhìn vào tình hình hiện tại trong các siêu thị là có thể rõ.”
“Quán ăn vặt của chúng tôi nằm cạnh trung tâm mua sắm, trước đây lượng người qua lại rất đông và họ cũng không tiết kiệm trong việc ăn uống, còn bây giờ dường như ai cũng nghĩ đến tiết kiệm được gì thì tiết kiệm, chỉ chi những gì cần thiết”…
Theo Hạ Tùng, Epoch Times