Bảo Nguyên
Dữ liệu chính thức mới nhất từ Trung Quốc cho thấy ngành sản xuất của nước này nằm trong diện thu hẹp trong hai tháng liên tiếp. Đồng thời, ngành dịch vụ cũng bị thu hẹp. Nền kinh tế Trung Quốc rơi vào một vòng luẩn quẩn. Với nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào Trung Quốc chưa bao giờ bất trắc và nguy hiểm như hiện nay.
Nền kinh tế gặp khó khăn của Trung Quốc đang trì trệ trở lại sau khi cho thấy dấu hiệu phục hồi ngắn ngủi.
Hôm thứ 5 (30/11), Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố rằng Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 49,4 trong tháng 11 từ mức 49,5 trong tháng 10. Chỉ số này đã ở dưới đường 50 điểm trong tháng thứ hai liên tiếp do đơn đặt hàng trong và ngoài nước cạn kiệt và hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục suy giảm.
Dữ liệu chính thức cho thấy Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ, đo lường hoạt động của ngành dịch vụ, đã giảm xuống 49,3 trong tháng 11 từ mức 50,1 trong tháng 10, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số phụ này giảm trong năm nay. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với chi tiêu của người tiêu dùng.
Lĩnh vực dịch vụ Trung Quốc thể hiện nhiều sự tích cực hơn lĩnh vực sản xuất kể từ đầu năm 2023, khi người tiêu dùng quay trở lại các cửa hàng, nhà hàng và các điểm du lịch sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến Covid vào cuối năm ngoái và đầu năm nay. Tuy nhiên, sự bùng nổ tiêu dùng được nhiều người mong đợi đã không bao giờ thành hiện thực khi cuộc khủng hoảng nhà ở và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao đã làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình. Dữ liệu công bố hôm thứ 5 cho thấy người tiêu dùng đã trở nên bi quan hơn.
Ngành bất động sản, vốn chiếm 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, đã rơi vào tình trạng suy yếu kéo dài, khiến niềm tin của người tiêu dùng và khả năng chi tiêu của các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trong tháng 10, giá nhà tại 70 thành phố lớn và vừa giảm theo tháng với tốc độ nhanh hơn, trong khi diện tích bán nhà mới trên toàn quốc giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Louise Loo, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Oxford Economics ở Singapore, cho biết những công bố hôm thứ 5 có thể khiến các quan chức Trung Quốc có chút lo lắng. Theo bà Louise Loo, các quan chức có thể nghiên cứu dữ liệu được công bố ngày hôm nay và xác nhận sự cần thiết phải chuẩn bị thêm các biện pháp kích thích.
Tuy nhiên, hàng loạt biện pháp hỗ trợ chính sách do Bắc Kinh đưa ra không có mấy tác dụng, làm gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải đưa ra thêm các biện pháp kích thích. Các nhà quản lý nhà máy dường như không thể rũ bỏ sự tiêu cực trước nhu cầu yếu trong và ngoài nước.
Bà Wang Dan, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), cho biết: “Thị trường trong nước không thể bù đắp tổn thất ở thị trường châu Âu và Mỹ. Số liệu cho thấy sản lượng nhà máy giảm và việc làm cũng giảm. Số liệu có thể cũng chỉ ra rằng người dân đã mất niềm tin vào chính sách của chính quyền”.
Bà cảnh báo rằng tình hình hoạt động của các nhà máy khó có thể được cải thiện sớm do mối đe dọa từ các vấn đề kinh tế khác. “Ưu tiên hiện nay rõ ràng là kiểm soát rủi ro nợ của chính quyền địa phương và rủi ro do các ngân hàng khu vực gây ra”.
Ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Securities, cho biết trong một báo cáo: “Bất chấp hàng loạt biện pháp kích thích được công bố trong vài tháng qua, chúng tôi tin rằng còn quá sớm để [nền kinh tế] chạm đáy. Chúng tôi dự đoán rằng vào cuối năm 2023 và mùa xuân năm 2024, nền kinh tế sẽ lại suy giảm”.
Vấn đề đáng lo ngại nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc là không thể khôi phục sức sống cho thị trường bất động sản nếu không cải thiện thị trường lao động và niềm tin của người tiêu dùng; nhưng việc cải thiện niềm tin của người tiêu dùng và thúc đẩy thị trường lao động cũng phụ thuộc vào một ngành bất động sản lành mạnh hơn.
Đây là một vòng luẩn quẩn. Nếu Bắc Kinh không thể tìm ra lối thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ khó có thể tiến triển.
Nhà đầu tư ngoại e ngại trước thị trường Trung Quốc
Đầu tư vào Trung Quốc chưa bao giờ bất trắc và nguy hiểm như hiện nay.
Vào ngày 1/12, The Wall Street Journal đưa tin, trong 10 năm qua, các nhà đầu tư toàn cầu đổ xô đến Trung Quốc trong thời kỳ kinh tế của nước này bùng nổ. Rủi ro địa chính trị trước đây không gây ra nhiều mối đe dọa nhưng hiện tại nó là yếu tố đầu tiên được các nhà đầu tư cân nhắc, khiến nhiều người không muốn đầu tư vào Trung Quốc.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tới một số công ty tư vấn và thẩm định nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà đầu tư tiềm năng và các công ty nước ngoài hiểu rõ rủi ro cũng như các yếu tố chính sách và doanh nghiệp khác để đưa ra quyết định đầu tư.
Các cơ quan liên quan của Bắc Kinh đã đột kích văn phòng Trung Quốc của nhiều công ty Mỹ, bao gồm Mintz Group và Bain & Co., đồng thời bắt giữ một số nhân viên địa phương.
Các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế và cổ phần tư nhân cũng đang phải hết sức cẩn thận khi đánh giá các công ty Trung Quốc.
Tại Diễn đàn vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm AVCJ được tổ chức vào tháng 11, ông Alvin Lam, đối tác điều hành tại Hong Kong của công ty đầu tư cổ phần tư nhân châu Âu CVC Capital Partners, cho biết: “Bây giờ chúng tôi phải xem xét rủi ro địa chính trị và rủi ro pháp lý cho mọi thương vụ, thậm chí trước cả khi chúng tôi bắt đầu đánh giá đúng mức độ hấp dẫn của doanh nghiệp và mô hình kinh doanh”.
Ông David Vaughn, giám đốc đầu tư phụ trách chiến lược toàn cầu và ngoài Mỹ tại ClariVest Asset Management có trụ sở tại San Diego, cho biết ông dự đoán các nhà đầu tư quốc tế sẽ giảm thêm lượng nắm giữ chứng khoán Trung Quốc nếu căng thẳng địa chính trị không cải thiện.
Gần đây, nguồn vốn nước ngoài đang tích cực rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Kể từ tháng 8 năm nay, các nhà đầu tư quốc tế đã rút số vốn tương đương hơn 24 tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc thông qua cơ chế kết nối với Hong Kong. Cổ phiếu A là các cổ phiếu được niêm yết ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến của các công ty Trung Quốc. Dữ liệu từ Wind Information cho thấy đây là dòng vốn chảy ra lớn nhất và lâu dài nhất xảy ra thông qua cơ chế liên thông này kể từ khi nó được thiết lập vào năm 2014.
Dòng vốn chảy ra trùng hợp với làn sóng dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc. Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 10% trong năm nay và có thể có mức giảm theo năm trong năm thứ ba liên tiếp.
Các chiến lược gia thị trường tại một số ngân hàng lớn ở Phố Wall cho biết hầu hết các quỹ phòng hộ và nhà quản lý quỹ tích cực đã bán tháo cổ phiếu Trung Quốc sẽ khó có thể quay trở lại với cổ phiếu Trung Quốc cho đến khi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và quan hệ Mỹ – Trung cải thiện đáng kể.
Các chiến lược gia tại Morgan Stanley đã cảnh báo các nhà đầu tư về khả năng của “sự phức tạp tiếp tục về địa chính trị” vào năm 2024, năm bầu cử ở Mỹ và Đài Loan.
Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo ngày 12/11 rằng các nhà đầu tư có thể bán tháo thêm 170 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc theo cái mà họ gọi là một kịch bản rất nghiêm trọng. Trong kịch bản này, quỹ hưu trí Mỹ có thể thanh lý hoàn toàn số cổ phiếu Trung Quốc mà họ nắm giữ vì lý do chính sách và địa chính trị. Hơn nữa, lượng phân bổ dành cho cổ phiếu Trung Quốc của các quỹ tương hỗ tích cực và quỹ phòng hộ có thể giảm xuống mức thấp nhất do lượng cổ phiếu Trung Quốc họ nắm giữ bị thanh lý.
Tín hiệu tồi tệ từ các gã khổng lồ phố Wall
Những động thái gần đây của những gã khổng lồ phố Wall phản ánh những góc nhìn tiêu cực về môi trường đầu tư và kinh tế của Trung Quốc. Cần biết rằng, phố Wall vốn có một quá khứ dành nhiều ưu ái cho đất nước này.
Tờ New York Times đã tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh DealBook” vào ngày 29/11. Trong cuộc đối thoại thảo luận về tình hình eo biển Đài Loan, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan Chase Group tin rằng Bắc Kinh sẽ không xâm chiếm Đài Loan, nhưng nếu điều đó xảy ra và chính phủ Mỹ ra lệnh cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, ông nhất định sẽ hợp tác.
Chuyên gia tài chính Đài Loan Huang Shicong cho biết: “Ngay cả khi Mỹ sẵn sàng cho phép bạn đầu tư, bạn sẽ phải đối mặt với sự bất ổn trong chính sách của Trung Quốc. Chưa kể gần đây nhiều công ty nước ngoài đã rơi vào cái gọi là các cuộc điều tra hoặc liên quan đến cái gọi là các vấn đề gián điệp. Tôi cho rằng đây không chỉ là rủi ro vận hành mà còn là rủi ro cá nhân đối với những người Mỹ đầu tư hoặc làm việc [tại Trung Quốc]”.
Ông nói thêm: “Những ngân hàng đầu tư lớn này có rất nhiều cơ hội và Trung Quốc không hẳn là cơ hội duy nhất. Trong tương lai sẽ có những thị trường như ASEAN, hay toàn bộ thị trường Ấn Độ và nhiều thị trường khác”.
Vào ngày 28/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Ngân hàng Toàn cầu, Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cảnh báo rằng không rõ sẽ mất bao lâu để căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được cải thiện và hiện tại ở Trung Quốc đang có nhiều sự không chắc chắn hơn. Goldman Sachs đã quyết định từ bỏ chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá” đối với Trung Quốc.
Ông Solomon cho biết 5 năm trước Goldman Sachs đã thực hiện chiến lược “tăng trưởng ở Trung Quốc bằng mọi giá”, nhưng giờ đây Goldman Sachs đã thay đổi. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể đã cắt giảm một số nguồn tài chính ở đó vì ở đó có nhiều sự không chắc chắn hơn”.
Financial Times đưa tin vào ngày 29/11 rằng Goldman Sachs đã thành lập văn phòng tại Hong Kong trong 40 năm và mở văn phòng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1994. Goldman Sachs đã thiết lập các mối quan hệ doanh nghiệp sâu sắc với Hong Kong và là một trong những công ty nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Solomon cho biết ông được khích lệ bởi cuộc đối thoại gần đây giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, nhưng cảnh báo rằng có những khác biệt sâu xa giữa hai bên.
Ông Solomon nói: “Tôi nghĩ điều này (bất đồng) sẽ mất nhiều năm để giải quyết vì có những khác biệt thực sự”.
Luật sư Liang Shaohua, cựu trưởng bộ phận pháp lý của Ngân hàng Xây dựng Bắc Kinh, cho biết: “Khi ông Tập Cận Bình đến thăm Mỹ, Trung Quốc và Mỹ dường như có quan hệ tốt đẹp trong một thời gian. Sau đó, Trung Quốc từ bỏ tuyên truyền gây hấn chống lại Mỹ, nói rằng đó là thời kỳ trăng mật. Bây giờ họ lại bắt đầu chỉ trích Mỹ. Đó là khoảng thời gian hai tuần. Theo xu hướng chung này, bất kỳ sự cải thiện nhỏ nào giữa Trung Quốc và Mỹ đều mang tính chiến thuật. Rút lui chiến lược và tách rời chiến lược là không thể tránh khỏi” [chiến lược có phạm vi thời gian bao trùm so với chiến thuật].
Bà Liang Shaohua nói: “Bây giờ nền kinh tế [Trung Quốc] đang hoạt động không tốt, không có lãi và nó đang dần đối mặt với tình trạng thù địch chính trị. Trong môi trường này, việc tồn tại ở Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn. Họ đã đúng khi từ bỏ chiến lược ban đầu về tăng trưởng bằng mọi giá. Trong tương lai, nhiều công ty nước ngoài có thể làm như vậy, đó là một mô hình thu nhỏ của sự tách rời giữa Trung Quốc và phương Tây”.
Trong khi đó, JPMorgan Chase đã hoạt động ở Trung Quốc được một thế kỷ, nơi họ tham gia vào các các hoạt động đầu tư lớn và ngân hàng doanh nghiệp, thanh toán và quản lý tài sản.
Ông Huang Shicong cho biết: “Tất nhiên, trước đây, các ngân hàng đầu tư này đóng vai trò là cầu nối kết nối các quỹ Trung Quốc với các quỹ nước ngoài, hoặc như là dấu hiệu sẵn sàng của các quỹ toàn cầu đối với Trung Quốc. Bây giờ tất cả họ đều đang rời đi, tất nhiên điều đó đồng nghĩa với một thông điệp tương đối tiêu cực có thể được đưa ra đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Mặt khác, nó sẽ cắt đứt mối liên hệ của Trung Quốc với các nguồn vốn bên ngoài, điều này chắc chắn không phải là điều tốt cho sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc”.
Các ngân hàng phương Tây đã tham gia một cách sâu sắc vào thị trường Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, môi trường kinh doanh của Trung Quốc đang xấu đi, tổng dân số Trung Quốc ngày càng giảm, tỷ lệ sinh giảm và cơ cấu dân số ngày càng già đi. Ý định thu hẹp thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng.
Trong khi đầu tư nước ngoài tiếp tục rút khỏi Trung Quốc, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã tận dụng chuyến đi tới Mỹ trong tháng này để bày tỏ thiện chí với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, ngoại giới tin rằng ông Tập đã không xoa dịu được cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, vốn đang vô cùng lo lắng về môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt ở Trung Quốc đại lục.
Trong chuyến đi trên, tại bữa tối giữa ông Tập và giới doanh nghiệp Mỹ cùng các chính trị gia có ảnh hưởng, Giám đốc điều hành BlackRock, ông Larry Fink ngồi cùng bàn ăn với nhà lãnh đạo Trung Quốc với tư cách là một vị khách quý. Tuy nhiên, chỉ hai tháng trước, BlackRock Global Fund đã quyết định chấm dứt China Flexible Equity Fund (Quỹ Cổ phần Linh hoạt Trung Quốc) với lý do thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư mới. Nhưng một lý do không được nêu ra là quỹ này đang bị ủy ban tuyển chọn của Hạ viện Mỹ điều tra vì bị cáo buộc chuyển các khoản đầu tư của Mỹ vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen.
Ngoài ra, tập đoàn Vanguard khổng lồ của Phố Wall cũng đã thông báo với chính quyền Trung Quốc vào đầu năm nay rằng họ sẽ đóng cửa tất cả văn phòng tại Trung Quốc.
Bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế tại Đại học bang Ohio, nói: “Các công ty tài chính phương Tây đang bắt đầu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc vì tất cả những sự không chắc chắn về những gì đang xảy ra ở đó”. “Các quỹ này đối mặt với sự không chắc chắn và rủi ro hàng ngày, nhưng họ có các thước đo mà họ sử dụng để đánh giá mọi thứ, và họ sẽ rút lui khi mức độ không chắc chắn hoặc rủi ro tăng quá cao”.
“Rõ ràng với mọi thứ đang diễn ra trên thế giới, sự không chắc chắn về những gì Trung Quốc có thể làm với Đài Loan, Nga, Ukraine, Trung Đông, v.v. có lẽ đã thay đổi thông số thước đo đối với nhiều công ty tài chính. Vì vậy, sự tiêu cực trong giao dịch của họ với Trung Quốc có lẽ đang hiện lên lớn hơn trong tâm trí họ”, bà nói thêm.
Bảo Nguyên tổng hợp