Hôm Chủ nhật (3/12), Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi cử tri suy nghĩ về những gì đang xảy ra ở Hồng Kông dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi họ bỏ phiếu vào tháng tới. Bà nói rằng Đài Loan không muốn hòa bình kiểu Hồng Kông, mà là hòa bình có phẩm giá và phải được hậu thuẫn bằng việc tăng cường khả năng tự vệ.
Đài Loan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 13/1. Chủ nhật (3/12), ứng cử viên tổng thống của Đảng Tiến bộ Dân chủ Lai Thanh Đức (Lai Ching-te) và ứng cử viên phó tổng thống Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) đã tổ chức một sự kiện ở Đài Bắc. Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) và những người khác đã tham dự lễ khai mạc.
Cả (ĐCSTQ) và đảng đối lập chính của Đài Loan, Quốc Dân Đảng, đều mô tả cuộc bầu cử năm 2024 là sự lựa chọn giữa “chiến tranh và hòa bình”. Chủ nhật (3/12), bà Thái Anh Văn đã phản bác lại rằng đây là việc “tung tin giật gân”.
“Đầu tư của thế giới vào Đài Loan nghĩa là Đài Loan rất an toàn và rất yên tâm về Đài Loan. Tuy nhiên, các đảng đối lập đang tung tin giật gân. Họ nói rằng năm 2024 là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình. Tôi muốn hỏi tất cả những người bạn tốt ở đây, có ai muốn chiến tranh không? Không ai muốn chiến tranh. Chúng ta có muốn hòa bình không? Mọi người đều muốn hòa bình.”
Bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh, Đài Loan không muốn hòa bình kiểu Hồng Kông dưới sự cai trị của ĐCSTQ.
“Hãy nhìn vào Hồng Kông và nghĩ về Đài Loan. Chúng ta không muốn hòa bình kiểu Hồng Kông, chúng ta muốn hòa bình có phẩm giá. Tôi muốn nói với mọi người rằng chỉ với phẩm giá và sự độc lập, chúng ta mới có được hòa bình lâu dài, nền kinh tế mới có thể phát triển ổn định trong dài hạn.”
Bà nói: “Muốn bảo đảm hòa bình, chúng ta cần tăng cường khả năng tự vệ. Cửa nhà ta lắp khóa, không phải vì để chọc tức hàng xóm, mà là khóa cửa bảo vệ để an toàn hơn.”
Trong những năm gần đây, sự phát triển của Hồng Kông sau khi trở về Đại Lục đã thu hút nhiều sự chú ý từ Đài Loan. Năm 1997, khi Anh bàn giao chủ quyền Hồng Kông cho ĐCSTQ, ĐCSTQ đã hứa sẽ thực hiện “một quốc gia, hai chế độ” cho Hồng Kông, đảm bảo Hồng Kông sẽ được hưởng quyền tự trị cao trong 50 năm tới, và cho phép Hồng Kông tiếp tục duy trì mô hình phương Tây.
Tuy nhiên, sau khi chuyển giao chủ quyền Hồng Kông, mô hình “một quốc gia, hai chế độ” được ĐCSTQ bảo đảm dần dần biến mất.
Chỉ mới đi được nửa chặng đường 50 năm, những lời hứa trước đó của ĐCSTQ đã trở thành thất hứa, gây ra sự phản kháng mạnh mẽ từ người dân Hồng Kông. Các cuộc biểu tình quy mô lớn liên tiếp của người dân Hồng Kông trong những năm gần đây đã phản ánh đầy đủ điều này.
Năm 2014, người dân Hồng Kông tổ chức phong trào “Chiếm trung tâm” (còn gọi là Phong trào Ô dù), để đấu tranh cho quyền bầu cử phổ thông thực sự. Năm 2019, cuộc biểu tình dân chủ chống dẫn độ cũng nổ ra tại Hồng Kông.
Ngày 30/6/2020, ĐCSTQ đã thi hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông để đàn áp các cuộc biểu tình. Trong kỷ nguyên của Luật An ninh Quốc gia, các cuộc biểu tình và mít tinh dân chủ của người dân Hồng Kông đã đi vào lịch sử.
Sự độc lập tư pháp và tự do báo chí của Hồng Kông đã bị phá hủy hoàn toàn, mọi lĩnh vực hành chính, giáo dục và pháp luật đều bị ảnh hưởng. Hàng trăm nhà hoạt động dân chủ đã bị bỏ tù, hàng chục ngàn người dân đã chọn rời khỏi Hồng Kông. Điều này khiến nhiều người Đài Loan lo lắng Đài Loan sẽ nối bước Hồng Kông.
Cô gái Chu Đình (Agnes Chow), cựu Phó tổng thư ký Đảng Demosisto của Hồng Kông, hôm 3/12 sau thời gian dài im lặng đã tiết lộ quyết định sống lưu vong ở Canada và sẽ không quay lại Hồng Kông. Cô kể rằng kể từ khi ra tù, cô đã phải chịu đựng sự lo lắng, hoảng sợ, căng thẳng sau chấn thương và trầm cảm, nên cô đã đăng ký đi du học.
Bà Thái Anh Văn, người không thể tái tranh cử do giới hạn nhiệm kỳ, đã coi việc tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan là nền tảng trong nhiệm kỳ của mình.
Hôm Chủ nhật (3/12), bà cho biết, mọi người đều biết rằng “càng có nhiều cảm giác an toàn thì cảm giác khủng hoảng càng ít. Điều nguy hiểm nhất là không phòng bị.”
“Hòa bình với các giá trị dân chủ, được thế giới ủng hộ và khả năng tự vệ là nền hòa bình trang nghiêm. Chiến tranh không phải là một lựa chọn. Tổng tuyển cử năm 2024 không phải là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình. Tổng tuyển cử năm 2024 là sự lựa chọn hòa bình có phẩm giá của người dân Đài Loan.”
ĐCSTQ đã gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan trong 2 năm qua, và nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ không loại trừ phương án thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Trước thềm cuộc bầu cử ở Đài Loan, ĐCSTQ cũng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để can thiệp vào cuộc bầu cử, và cố gắng gây ảnh hưởng đến dư luận.
Hôm thứ Bảy (2/12) Ứng cử viên tổng thống Quốc dân đảng Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) cho biết, việc bỏ phiếu cho Đảng Dân Tiến sẽ tương đương với việc “đưa mọi người ra chiến trường”, vì ủng hộ nền độc lập của Đài Loan sẽ dẫn đến chiến tranh.
Quốc Dân Đảng có truyền thống ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng kịch liệt phủ nhận việc thân Bắc Kinh. Quốc Dân Đảng hứa sẽ bắt đầu lại các cuộc đàm phán với ĐCSTQ nếu thắng cử.
“Cách Cộng sản Trung Quốc can thiệp bầu cử là rất đa dạng,” quan chức cao cấp về an ninh Đài Loan nói hôm 4/10 về bầu cử sắp tới vào tháng 1/2024, như thao túng thăm dò dư luận, hay từ áp lực quân sự đến phát tán tin tức giả, Reuters đưa tin.
Theo ông Thái Minh Ngạn (Tsai Ming-yen), Giám đốc An ninh Quốc phòng Đài Loan, những áp lực quân sự và kinh tế mà Trung Quốc áp đặt lên Đài Loan, cùng nhiều tin tức giả, là để người dân Đài Loan, hiện đang sống trong chế độ tự do dân chủ, có thể đưa ra lựa chọn sai lầm giữa “chiến tranh và hòa bình” trong bầu cử tổng thống Đài Loan sắp tới.
“Cách Cộng sản Trung Quốc can thiệp vào bầu cử là rất đa dạng”, ông Thái Minh Ngạn nói với các nhà lập pháp trong phiên họp ủy ban quốc hội hôm 4/10. “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc Cộng sản Trung Quốc hợp tác với các tổ chức thăm dò dư luận và quan hệ công chúng để thao túng các cuộc thăm dò dư luận và sử dụng chúng để can thiệp vào cuộc bầu cử.”
Gần đây, ĐCSTQ cũng cung cấp các chuyến du lịch giá rẻ tới Trung Quốc Đại Lục cho hàng ngàn quan chức Đài Loan để đổi lấy phiếu bầu.
Bình Minh