Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã nêu tên Nvidia, và cho biết, nếu hãng này lách lệnh cấm và cung cấp chip cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), họ sẽ bị kiểm soát vào ngày hôm sau. Các chuyên gia phân tích, đây là sự đảo ngược hoàn toàn thái độ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong 26 năm qua.
Hoa Kỳ đã nhìn rõ dã tâm của ĐCSTQ, các nước đồng minh cũng sẽ làm theo, nhằm hạn chế hiệu quả sự bành trướng của ĐCSTQ. Mới đây, Nvidia, hãng chip AI hàng đầu của Mỹ, cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chính phủ trong việc tuân thủ các quy định xuất khẩu chip.
Thứ Tư (6/12), trong một cuộc họp báo ở Singapore, Giám đốc điều hành Nvidia, ông Hoàng Nhân Huân (Jensen Huang) cho biết: “Nvidia đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Hoa Kỳ, để đảm bảo rằng các sản phẩm mới của công ty tuân thủ các quy định xuất khẩu có liên quan.”
Ông cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi bây giờ là tiếp tục hợp tác với chính phủ (Hoa Kỳ), sản xuất một bộ sản phẩm mới tuân thủ các quy định mới, bao gồm một số hạn chế nhất định”.
Trung Quốc là thị trường chip trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới, với quy mô 7 tỷ USD. Thị phần của Nvidia tại Trung Quốc lên tới 90%.
Nhà sản xuất chip Nvidia đã công bố báo cáo tài chính quý 3 vào ngày 21/11, hiệu quả hoạt động của hãng đã tăng lên đáng kể, và một lần nữa vượt quá mong đợi của Phố Wall. Doanh thu tại Trung Quốc dự kiến giảm mạnh trong quý 4, nhưng sẽ được bù lại từ những nơi khác.
Ngày 24/11, Reuters báo cáo, theo 2 nguồn tin, công ty điện toán trí tuệ nhân tạo Nvidia của Hoa Kỳ đã thông báo với khách hàng Trung Quốc, rằng một con chip trí tuệ nhân tạo AI H20 được thiết kế mới, nhằm tuân thủ các quy định xuất khẩu của Hoa Kỳ, sẽ bị trì hoãn cho đến quý đầu tiên của năm sau.
Ngoài H20, Nvidia cũng đang lên kế hoạch sản xuất chip L20 và L2 tuân thủ quy định xuất khẩu mới của Mỹ.
Bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu thắt chặt của Mỹ, Nvidia không được phép xuất khẩu chip AI tiên tiến gồm A800 và H800 sang Trung Quốc. Hiện tại, Nvidia đang hy vọng, những con chip mới được phát triển có thể giúp duy trì thị phần tại nước này.
Theo phân tích thông số kỹ thuật của SemiAnalysis, chip H20, L20 và L2 có hầu hết các tính năng mới nhất của Nvidia dành cho hoạt động AI. Nhưng một số khả năng tính toán của chúng đã bị suy yếu để tuân thủ các quy định mới của Hoa Kỳ.
Trước đó (ngày 2/11), Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã trực tiếp nêu tên Nvidia tại một diễn đàn. Bà nhấn mạnh rằng các sản phẩm cải tiến đặc biệt của Nvidia đã được cung cấp cho Trung Quốc trong năm qua. Hoa Kỳ cũng đã mở rộng phạm vi kiểm soát chip lần này.
Nếu một công ty thiết kế lại chip của mình để tránh các hạn chế, cho phép ĐCSTQ tiếp cận các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), thì bà sẽ áp đặt các hạn chế đối với chúng vào ngày hôm sau.
Bà Raimondo cho biết, các biện pháp mới nhằm mục đích kiềm chế sự phát triển quân sự của Trung Quốc, bằng cách lấp các lỗ hổng trong các quy định ban hành vào tháng 10 năm ngoái. Ít nhất quy định này có thể sẽ được cập nhật “hàng năm”.
Ngày 6/12, ông Tô Tử Vân (Su, Tzu-yun), Giám đốc nguồn lực chiến lược tại Học viện Quốc phòng Đài Loan, phân tích với Epoch Times rằng: “Bộ trưởng Thương mại của chính quyền Biden đã công khai tuyên bố, ngay cả khi Nvidia thay đổi chip và liên tiếp hạ thấp các quy định, thì bà Raimondo vẫn nói thẳng rằng ngay cả khi quy định được hạ xuống, bà ấy cũng sẽ lập tức ban hành một lằn ranh đỏ mới vào ngày hôm sau.”
“Thái độ của bà ấy quả thực là hiếm thấy, phải nói rằng đó là sự đảo ngược hoàn toàn thái độ của Hoa Kỳ trong 26 năm qua”, ông nói.
Gần đây, Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn công nghệ cao của ĐCSTQ. Ngày 17/10, chính quyền Biden đã cập nhật quy định kiểm soát xuất khẩu đối với chip AI, mở rộng danh sách thiết bị bị cấm nhập cảnh vào một số quốc gia.
Bà Raimondo cho biết, trong tương lai, các biện pháp này có thể sẽ được cập nhật ít nhất hàng năm. Phát biểu tại diễn đàn này, bà cũng cho biết, ĐCSTQ là “mối đe dọa lớn nhất” trong lịch sử Hoa Kỳ, không phải là bạn.
Bà nói, ĐCSTQ đang cố gắng hết sức để lách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ mỗi ngày. Vì vậy, Hoa Kỳ cần phải luôn tỉnh táo, và hợp tác với các đồng minh của mình là Hà Lan, Nhật Bản, cùng các nước châu Âu, nhằm thắt chặt các biện pháp kiểm soát, thực thi chúng một cách nghiêm túc hơn.
Bà Raimondo cũng kêu gọi Thung lũng Silicon ngăn chặn Bắc Kinh có được chip tiên tiến, không được gây tổn hại đến an ninh quốc gia vì lợi ích ngắn hạn. Nếu các công ty Mỹ mất thị trường ở Trung Quốc, nguyên nhân cơ bản không phải là các lệnh trừng phạt của Mỹ, mà là do ĐCSTQ muốn tách rời.
Chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự của ĐCSTQ khiến các cơ quan quản lý Mỹ gần như không thể phân biệt giữa người dùng cuối quân sự và phi quân sự ở Trung Quốc, đây là cơ sở của hầu hết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Mô hình hợp nhất cho phép quân đội Trung Quốc vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và có quyền truy cập bí mật vào công nghệ và thiết bị của Mỹ thông qua các đối tác dân sự của mình – một lỗ hổng mà ĐCSTQ đã khai thác.
Do vậy, để ngăn Bắc Kinh lợi dụng quan hệ kinh tế để đánh cắp bí quyết công nghệ, đe dọa đến an ninh quốc gia, lệnh cấm chip mới của Hoa Kỳ nhằm làm tê liệt sự phát triển về AI và siêu máy tính của Trung Quốc.
Bình Minh