Tình cảnh tồi tệ của giới nhà giàu Trung Quốc và cách họ chuyển tiền ra nước ngoài

Bảo Nguyên

Tình cảnh tồi tệ của giới nhà giàu Trung Quốc và cách họ chuyển tiền ra nước ngoài
Tờ tiền 100 CNY của Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/9/2016. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

Xu hướng người giàu Trung Quốc rời khỏi đất nước đang được đẩy nhanh. Họ đang tìm mọi cách chuyển tài sản của họ ra nước ngoài để tránh bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm đến trong bối cảnh kinh tế suy giảm.

Giới nhà giàu Trung Quốc đang trong tình cảnh tồi tệ. Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã viện dẫn khái niệm “thịnh vượng chung” để thúc đẩy cái gọi là phân phối lại của cải một cách công bằng.

Trên thực tế, một số nhà quan sát về Trung Quốc cho rằng do nền kinh tế Trung Quốc đang trong vòng xoáy đi xuống, chính quyền Trung Quốc đang tìm cách chiếm đoạt tài sản của những cá nhân giàu có.

Thiếu niềm tin vào Bắc Kinh

Ông Mike Sun, chiến lược gia đầu tư và chuyên gia về Trung Quốc làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times: “Tôi không tin tưởng vào ông ấy [Tập Cận Bình]. Người dân Trung Quốc nói chung thiếu niềm tin [vào sự lãnh đạo ở Trung Quốc], dẫn đến việc người dân chỉ muốn rời khỏi đất nước”.

Từ ngày 28 đến 29/11, ông Tập đã đến thăm Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin mục đích chuyến thăm của ông là thúc giục ngành tài chính phục vụ tốt hơn nền kinh tế quốc gia.

Ông Sun nói: “Ông ấy ở đó để trấn an thị trường”. Ông Sun tiếp tục: “Trên thực tế, cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đang giảm, đặc biệt là cổ phiếu tài chính. Mọi người không mua nó. Bất kể họ có cố gắng trấn an thị trường thế nào, thì nó cũng không hiệu quả. Điều này có nghĩa là tình hình kinh tế chung của Trung Quốc khá tồi tệ”. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của các công ty Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến].

Ông Sun cho biết hiện chỉ có ĐCSTQ đang tiến hành đầu tư quy mô lớn; chính quyền vẫn đang chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhưng khu vực tư nhân thì trì trệ. Ông cho biết các nhà đầu tư tư nhân đang thiếu niềm tin đáng kể và các cá nhân giàu có đang tìm cách chuyển tài sản của họ ra nước ngoài thay vì đầu tư vào thị trường trong nước.

“Nhiều người bạn của tôi ở Trung Quốc hiện muốn rời đi. … Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn mà họ phải đối mặt là không thể mang tiền ra khỏi đất nước. Điều này hạn chế rất nhiều việc mọi người có thể rời khỏi Trung Quốc”.

Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dự trữ ngoại tệ của mình, hạn chế người Trung Quốc chỉ được rút số tiền tương đương 50.000 USD hàng năm từ tài khoản ngân hàng của họ. Để vượt qua sự kiểm soát của cơ quan quản lý, nhiều cá nhân giàu có đã sử dụng các ngân hàng ngầm như một phương tiện bí mật để chuyển tiền ra khỏi đất nước.

Hành khách được nhìn thấy tại Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh ở thủ đô của Trung Quốc vào ngày 28/4/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Lén chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc

Vào ngày 28/11, một bài báo trên tờ New York Times tuyên bố rằng những người giàu có của Trung Quốc đã chuyển hàng trăm tỷ USD ra khỏi đất nước trong năm nay, hướng nguồn vốn tới ngoại tệ, vàng thỏi và bất động sản ở thị trường nước ngoài.

Theo ông Jay Zhao, Giám đốc điều hành của công ty bất động sản trực tuyến GA Technologies có trụ sở tại Tokyo, khách hàng Trung Quốc đã trở thành người mua chính những căn hộ ở Tokyo trị giá từ 3 triệu USD trở lên và họ mang theo vali đầy tiền mặt để thanh toán. Phiên bản tiếng Trung của The Epoch Times trước đây đã đưa tin rằng không thiếu khách du lịch Trung Quốc giàu có đến Nhật Bản để mua bất động sản.

Theo ông Sun, những người giàu có ở Trung Quốc lấy du lịch làm cái cớ để mang lượng tiền mặt khổng lồ ra nước ngoài vì ĐCSTQ nghiêm cấm đầu tư vốn trực tiếp ra nước ngoài. Về cơ bản, các cá nhân Trung Quốc được phép mang tiền ra khỏi đất nước để đi du lịch và học tập ở nước ngoài nhưng không được phép mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc bất động sản. Vì vậy, để mua bất động sản ở nước ngoài, người dân đã tìm các cách lách qua sự kiểm soát của nhà nước để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Sun cho biết ĐCSTQ đang nhắm vào hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc nhằm ngăn chặn dòng ngoại tệ chảy ra ngoài.

Ông nói: “Ma Cao từng là trung tâm rửa tiền và ngân hàng ngầm, nhưng giờ đây tuyến đường này đã bị chặn”.

Du khách chụp ảnh bên ngoài khu nghỉ dưỡng sòng bạc Wynn, cùng với hình ảnh của tòa nhà nghỉ dưỡng sòng bạc Grand Lisboa (trên cùng ở giữa) ở Ma Cao, Trung Quốc, vào ngày 5/3/2019. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP qua Getty Images)

Ông Alvin Chau, cựu CEO của Suncity, được mệnh danh là “vua cò sòng bài” (junket king) ở Ma Cao, đã bị kết án 18 năm tù vào tháng 1 năm nay vì điều hành một sòng bạc xuyên biên giới bất hợp pháp cùng một tổ chức rửa tiền.

“Khi tôi hỏi một vài người bạn trong lĩnh vực kinh doanh về cách tiền của họ rời khỏi Trung Quốc thông qua Ma Cao, họ đồng thuận rằng tất cả đều được chuyển lậu. Tiền mặt được vận chuyển bằng tàu cao tốc đến Ma Cao và một số nước thứ ba ở Đông Nam Á. Từ đó, số tiền đã được chuyển đến các nước như Nhật Bản thông qua các phương tiện hợp pháp”, ông Sun nói.

Một phương thức chuyển tiền khác né tránh được sự giám sát của ĐCSTQ là thông qua các công ty xuất nhập khẩu. Các công ty này cố tình tăng giá sản phẩm của họ trong khi giao dịch với Trung Quốc và hợp tác với các đối tác quốc tế để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua tài khoản của công ty.

Phương pháp ít phức tạp hơn là mang tiền mặt ra khỏi Trung Quốc trong vali, vì đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc có thể đổi lấy USD ở Đông Nam Á và Mỹ.

Ông Meng Jun, một doanh nhân Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, nói với The Epoch Times rằng một số giao dịch bất động sản hạng sang ở Nam California đã được thực hiện bằng đồng tiền của Trung Quốc.

“Một số người bán yêu cầu thanh toán bằng đồng CNY do họ đang trở về Trung Quốc, vì vậy họ để người mua thanh toán bằng đồng CNY từ Trung Quốc. Họ có thể chuyển nhượng quyền sở hữu bất động sản như thế này. Điều này là hợp pháp ở California và nhiều người tôi biết đã làm điều này”, ông Meng Jun nói.

Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc được đếm tại một ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc vào ngày 24/09/2013. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Thất thoát vốn

Trung Quốc đang trải qua đợt tháo chạy vốn lớn nhất trong nhiều năm. Nikkei Asia tiết lộ dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc vào tháng 9 cho thấy dòng vốn ròng chảy ra là 53,9 tỷ USD, lớn nhất kể từ tháng 1/2016, với con số khi đó là 55,8 tỷ USD do đồng CNY Trung Quốc mất giá.

Chia nhỏ các con số, đầu tư trực tiếp ròng, bao gồm cả các nhà máy sản xuất, chiếm 26,2 tỷ USD, trong khi dòng vốn chảy ra ròng liên quan đến đầu tư chứng khoán, như cổ phiếu và trái phiếu chiếm 14,6 tỷ USD. Khoản thất thoát thứ 2 đã liên tục đi theo xu hướng thất thoát ròng kể từ tháng 2/2022.

Trong tháng 8, Trung Quốc chứng kiến dòng vốn chảy ra 49 tỷ USD, lớn nhất kể từ tháng 12/2015. Dòng vốn chảy ra cũng khiến tỷ giá đồng CNY của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm.

Tấn công vào tài sản của giới giàu có

Ông Meng cho biết ĐCSTQ hiện đang tìm cách tấn công vào tài sản của giới giàu có ở Trung Quốc. “ĐCSTQ đang cạn tiền nên đã dùng đến việc cướp bóc những cá nhân giàu có ở Trung Quốc. Việc này đã diễn ra được một thời gian; giờ nó đang diễn ra một cách công khai và trắng trợn. Chế độ này đang cố gắng hết sức để tống tiền người dân thông qua cái gọi là kiểm toán thuế và kiểm soát vốn”.

Tờ The New Yorker đưa tin vào tháng 10 rằng theo một chủ nhà máy ở Thượng Hải, các quan chức của đảng bị cáo buộc đã sử dụng hồ sơ ngân hàng để nhắm mục tiêu vào các cá nhân có tài sản lưu động ít nhất 30 triệu CNY (khoảng 4 triệu USD) và yêu cầu họ giao nộp 20% tài sản hoặc phải chịu “kiểm toán thuế đầy đủ”.

“Cuối cùng, những người giàu sẽ đổ xô bán tài sản và chuyển tiền ra nước ngoài bằng mọi cách. Nhiều người sẽ rời khỏi Trung Quốc vì sự an toàn của mình. Nếu chần chừ lâu hơn, họ thậm chí có thể không được phép rời khỏi đất nước. Vì vậy, chúng ta phải có hiểu biết rõ ràng về hành động của ĐCSTQ”, ông Meng nói.

Bà Wang Ruichen là một cựu quan chức ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] ở tỉnh Thanh Hải và là một doanh nhân đến từ Trung Quốc, người đã công khai kêu gọi bãi nhiệm lãnh đạo ĐCSTQ.

Bà Wang giải thích rằng có một số lý do khiến ĐCSTQ nhắm vào người giàu. Ở Trung Quốc, giới tinh hoa của ĐCSTQ rất giàu có và tham nhũng, nhưng trong trường hợp này, “người giàu” ám chỉ những cá nhân đã thành công một cách độc lập với ĐCSTQ và có thể không có liên hệ với chính quyền.

Theo bà Wang, nhiều người Trung Quốc giàu có trong khu vực tư nhân đã đạt được vị thế kinh tế hiện tại nhờ nỗ lực của chính họ, và trong quá trình đó, họ đã trở nên quen thuộc với tình trạng tham nhũng cố hữu và cơ cấu giống như mafia của ĐCSTQ. Trong khi đó, họ không mắc nợ ĐCSTQ mà đã đi theo con đường riêng của mình.

Bà nói: “Có một thực tế là người giàu không nhất thiết phải ủng hộ ĐCSTQ”. “ĐCSTQ giờ đây sẽ truy lùng những người giàu có cũng như những người ôm giữ các giá trị dân chủ, bằng một mũi tên giết chết nhiều con chim”.

Doanh nhân Meng Jun từng sở hữu một công ty về các sản phẩm cao su với hơn 100 nhân sự tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã chấm dứt tất cả. Công việc kinh doanh của ông bị phá sản do chính sách phong tỏa khắc nghiệt của ĐCSTQ và cuối cùng ông phải trốn khỏi Quảng Châu để sang Mỹ.

Ông Meng cho biết, theo quan điểm của ĐCSTQ, người giàu giống như những con cừu non sẵn sàng bị làm thịt.

Ông Meng cho biết: “Ngay cả những người cực kỳ giàu có trước đây được ĐCSTQ hậu thuẫn, như Jack Ma, ông Vương Kiện Lâm [Wang Jianlin] của Wanda Group, ông Tiêu Kiến Hoa [Xiao Jianhua] của Tomorrow Holding, và ông Ngô Tiểu Huy [Wu Xiaohui] của Anbang Insurance đều đã bị thanh trừng, và một số cuối cùng đã phải gánh chịu hậu quả hết sức bi thảm”.

Doanh nhân Trung Quốc Tôn Đại Ngọ tại một nhà kho thức ăn chăn nuôi ở Hà Bắc, Trung Quốc, vào ngày 24/09/2019. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Theo ông Meng, ngoài ra còn có trường hợp ông Tôn Đại Ngọ [Sun Dawu] của Dawu Group. Dawu Group ban đầu có tài sản hơn 5 tỷ CNY (700 triệu USD), nhưng cuối cùng ĐCSTQ đã bán nó cho một doanh nghiệp vô danh với giá 600 triệu CNY (85 triệu USD). Ông Meng cho rằng đó là một vụ cướp trắng trợn. Ông Tôn thậm chí còn bị bắt và bị kết án 18 năm tù. Ở Trung Quốc có rất nhiều ví dụ như thế này. Theo ông Meng, trong mắt ĐCSTQ, dù bạn có nổi tiếng và thành đạt đến đâu cũng không thể đánh bại được ĐCSTQ. ĐCSTQ nắm quyền trong mọi việc, và điều đó thật khủng khiếp.

Ông Lu Yuanxing, một nhà phân tích kinh tế và chính trị tại Mỹ, cho biết, ĐCSTQ đang “đào vàng” một cách tàn nhẫn trong mọi lĩnh vực của xã hội, với tài sản của các tỷ phú là mẻ đầu tiên được thu hoạch trong hoạt động “cắt hẹ” của ĐCSTQ [cắt hẹ: chỉ việc ĐCSTQ “thu hoạch” tài sản của người dân].

“Cắt hẹ” là một từ thông dụng trên Internet được sử dụng để mô tả sự dễ bị tổn thương của công dân Trung Quốc – có thể được so sánh với hẹ – trước sự áp bức và bóc lột dưới bàn tay của ĐCSTQ.

Xu hướng suy giảm tài sản của giới siêu giàu Trung Quốc đã được thể hiện trong Danh sách người giàu Trung Quốc Hurun năm 2023, công bố ngày 24/10.

Bảo Nguyên tổng hợp

Related posts