Trương Nhân Tuấn
Vụ này lùm xùm nhiều ngày rồi, trên báo chí, trên mạng, thậm chí trên tuyền hình quốc tế. Nội dung không cần nhắc lại. Câu hỏi “có bao giờ Việt Nam tệ như thế này chưa”, cần phải đặt ra.
Nguyên nhân do đâu mà học sinh (mới 12, 14 tuổi) mà lưu manh, mất dạy, hung hăng… với cô giáo như vậy không biết?
Hôm trước tôi có comment ở một trang Facebook nào đó, đại khái tôi cho rằng, “cha mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của con mình, về những thương tổn mà con mình đã gây ra cho cô giáo. Nhà trường vì không bảo vệ cô giáo, nên nhà trường phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại tinh thần và vật chất cho cô giáo“.
Có học giả cho rằng, nguyên nhân đến từ “giáo dục”, trách nhiệm là của Bộ Văn hóa – Giáo dục. Có người thì “chỉ dạy” cha mẹ cách dạy con. Người này hàm ý cho rằng, nguyên nhân là do cha mẹ không biết dạy dỗ con cái. Riêng một quan chức ngành giáo dục, cấp thứ trưởng, cho rằng trách nhiệm chuyện này là ở toàn xã hội.
Tôi khá đồng ý với ông thứ trưởng. Toàn xã hội phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Vấn đề là “đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Tức là đảng phải chịu trách nhiệm về chuyện này.
Nhưng đảng chịu trách nhiệm với ai? Khi đảng không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì đảng không chịu trách nhiệm với ai cả.
Vậy thì cách nào để chuyện tương tự không xảy ra nữa?
Nói trách nhiệm này thuộc về giáo dục, tôi e rằng không đúng lắm. Giáo dục chỉ có bổn phận dạy dỗ kiến thức, sự hiểu biết về lễ nghĩa cho trẻ em mà thôi. Dạy là một chuyện, mà trẻ em có “hiểu” và “làm theo” hay không là chuyện khác.
Nói trách nhiệm thuộc về cha mẹ, nào giờ người ta đều nói như vậy. Nhưng thời nay “người với người đã trở thành thiên tai”.
Đạo đức XHCN trong một thời gian rất dài đã khuyến khích các hành vi “có lợi cho cách mạng” kiểu con tố cha, vợ tố chồng, bạn bè tố cáo lẫn nhau. Những đứa trẻ ngày xưa đã từng tố cáo cha mẹ chúng, hay đã từng chứng kiến cha mẹ chúng tố cáo cậu mợ, ông bà của chúng… hôm nay chúng là bậc phụ huynh của những đứa trẻ hư hỏng ở Tuyên Quang. Chúng là những nhà lãnh đạo về giáo dục, là thầy giáo, cô giáo, là thủ trưởng, bộ trưởng, chủ tịch… nọ kia.
Làm cách nào những bậc cha mẹ xuất thân như vậy có thể “dạy dỗ” con cái? Dạy dỗ cách nào khi cha mẹ nói láo, chửi tục, xài bằng giả, tham nhũng, hà hiếp dân lành?
Cha mẹ không cần học, chỉ cần khát máu một chút, kiểu “giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ…” thì lên làm quan lớn. Bậc cha mẹ như vậy, cách nào có thể dạy dỗ con cái lương thiện, biết tôn sư trọng đạo?
Ông thứ trưởng nói đúng: Trách nhiệm là của toàn xã hội. Xã hội thối nát, gia đình thối nát, thì học đường thối nát. Nói chung là con người đã thối nát hết rồi!
Vậy làm cách nào để chấn hưng lại?
Theo tôi, cách duy nhứt, là áp dụng khắt khe “pháp trị”.
Cha mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của những đứa con vị thành niên của mình. Chỉ có cách này, phải trừng phạt cha mẹ thật nặng, thì cha mẹ mới có trách nhiệm với con cái, mới chú tâm dạy dỗ con cái.
Học đường phải có trách nhiệm bảo vệ thầy cô. Nhà trường phải chịu mọi phí tổn cho thầy cô trong công tác giáo dục.
Thầy cô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi đánh đập, chửi bới học sinh là phạm tội “bạo hành trẻ vị thành niên”. Tội này, thầy cô ngoài việc bồi thường cho nạn nhân, thầy cô còn có thể gỡ lịch dài hạn.
Chỉ có “pháp trị” mới có thể giải quyết (phần nào) tệ nạn bạo lực học đường mà thôi.