Bảo Nguyên
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Bắc Kinh tiếp tục thiếu vắng các biện pháp thực chất. Liên tiếp các phản ứng yếu ớt từ phía Bắc Kinh, trong bối cảnh khó khăn kinh tế Trung Quốc đang thu hút sự chú ý.
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kết thúc vào tối thứ 3 (12/12). Trong cuộc họp, Bắc Kinh cam kết sẽ coi trọng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích rằng việc thiếu các biện pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng khiến tầm nhìn phát triển kinh tế trở thành những lời nói trống rỗng và vô nghĩa.
CEWC thường đề ra quan điểm chung cho chính sách kinh tế của năm tới. Cuộc họp vừa rồi cam kết sẽ “tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền kinh tế và nhiệm vụ hàng đầu là phát triển chất lượng cao”.
Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, nói với CNN rằng Bắc Kinh có thể đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm tới ở mức “4,5% đến 5%” hoặc “khoảng 5%”, sát với mục tiêu cho năm 2023.
Nhưng các nhà phân tích khác đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đạt được mức tăng trưởng như vậy hay không nếu không có các biện pháp kích thích nhắm trực tiếp vào người tiêu dùng. Đây vốn là điều mà Trung Quốc tránh nói đến.
Hôm thứ 4 (13/12), các nhà phân tích của Citi cho biết “không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tiêu dùng quy mô lớn” và “không có cuộc thảo luận chi tiết nào về việc tăng thu nhập hộ gia đình”.
Hiện tại, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng sâu sắc, trong đó sức tiêu dùng yếu là lực cản chính. Mặc dù Bắc Kinh nhiều lần hứa sẽ mở rộng nhu cầu trong nước và kích thích tiêu dùng nhưng nước này vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp kích thích quy mô lớn nào.
Vào tháng 8 năm nay, Wall Street Journal dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, ông Tập Cận Bình tin rằng việc thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng là lãng phí và không phù hợp. Vì vậy, ông rất e ngại việc trực tiếp gửi tiền cho người dân để kích thích nền kinh tế.
Ngoài tiêu dùng yếu, giá cả giảm là một vấn đề lớn, điều mà Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận sau nhiều năm.
Cuộc họp CEWC nêu rõ cần phải duy trì “nguồn cung tiền phù hợp với các mục tiêu dự kiến về tăng trưởng kinh tế và mức giá”. Tăng cung tiền là một trong những công cụ mà ngân hàng trung ương sử dụng để chống giảm phát.
Ông Larry Hu cho biết: “Đây là lần đầu tiên họ nhắc đến ‘mục tiêu giá cả'”. Ông nói tiếp: “Nói cách khác, trước nguy cơ giảm phát, chính sách tiền tệ có thể trở nên nới lỏng hơn”. Điều này có nghĩa là trong những tháng tới, lãi suất sẽ được cắt giảm.
Tuyên bố của CEWC cũng đã xóa cụm từ “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.
Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ bắt đầu sử dụng thuật ngữ này vào năm 2016, khi họ bắt đầu thắt chặt các quy định trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, câu nói này đã bị xóa khỏi cuộc họp Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 năm nay, gửi đi tín hiệu cho thấy các hạn chế về bất động sản có thể được dỡ bỏ.
Các nhà phân tích tại HSBC hôm thứ 4 (13/12) cho biết: “Cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất đã trở nên cấp bách hơn”, đồng thời nói thêm rằng có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất đang lan rộng sang nền kinh tế rộng lớn hơn, bao gồm thị trường tài chính và ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một loạt các thách thức: khủng hoảng bất động sản ở quy mô lịch sử, khủng hoảng ngân hàng ngầm, rủi ro nợ của chính quyền địa phương, vốn nước ngoài tháo chạy, niềm tin của người tiêu dùng thấp lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục, tăng trưởng toàn cầu chậm lại, và căng thẳng địa chính trị với phương Tây, v.v.
Tài chính người dân xuống dốc: Ví dụ ở tỉnh Thiểm Tây
Nền kinh tế Trung Quốc đang lao dốc, và tỉnh Thiểm Tây dẫn đầu lập các kỷ lục tiêu cực. Chuyên gia Lao Man, một nhà truyền thông cá nhân về tài chính, đã chỉ ra rằng theo số liệu thống kê chính thức, trong 3 quý đầu năm nay, cán cân thu chi của người dân tỉnh Thiểm Tây đã giảm so với năm ngoái. Trong ba quý đầu năm nay, con số này là 7.984 CNY (nhân dân tệ), giảm 4,6% so với 8.369 CNY của năm ngoái.
Chuyên gia Lao Man cho rằng đây là lần đầu tiên cán cân thanh toán của người dân cấp tỉnh giảm kể từ khi thống kê được thu thập trên khắp Trung Quốc và mức giảm không hề thấp.
Cán cân thu chi của cư dân là phần còn lại khi lấy thu nhập khả dụng bình quân đầu người trừ đi chi tiêu tiêu dùng cần thiết. Chuyên gia Lao Man cho rằng đây là một chỉ số rất quan trọng. Số tiền người dân chi để mua nhà, đi du lịch, mua sắm xa xỉ đều đến từ cán cân thu chi này [người dân dùng phần tiền thừa còn lại cho các hoạt động kể trên]. Xu hướng tiêu cực trong cán cân thu chi của Thiểm Tây sẽ tạo ra tác động to lớn và khó cưỡng lại cho nền kinh tế Thiểm Tây.
Chuyên gia Lao Man liệt kê những tác động lên nền kinh tế Thiểm Tây, từ sự sụt giảm đầu tư tài sản cố định đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong tiêu dùng. Cuối cùng ông kết luận rằng nền kinh tế Thiểm Tây sụp đổ nhanh hơn các tỉnh khác và nó đã lập kỷ lục lịch sử, bắt đầu từ khía cạnh thu chi của người dân.
Sẽ rất đáng để quan sát sự “bi thảm” này sẽ lan rộng khắp Trung Quốc nhanh như thế nào. Một người đàn ông đi ngang qua Khu trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 31/05/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Cuộc họp kinh tế trước đó cũng không thực chất
Trước đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã kết thúc cuộc họp quan trọng vào ngày 8/12, do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, nhằm chỉ đạo công tác kinh tế của Trung Quốc trong năm tới. Cuộc họp nhằm phác thảo các nguyên tắc cần thiết để ổn định và cải thiện nền kinh tế Trung Quốc trước môi trường bên trong và bên ngoài phức tạp. Tuy nhiên, kết quả dường như mang tính hùng biện hơn trong khi không có nội dung thực chất.
Các tuyên bố chính thức từ cuộc họp cho biết “chính sách tài khóa chủ động cần được tăng cường và cải thiện một cách thích hợp về chất lượng và hiệu quả”, mặc dù không có bước đi rõ ràng nào được vạch ra để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế suy yếu. Tương tự, ĐCSTQ đặt ưu tiên “ngăn chặn và hạ nhiệt rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm và kiên quyết bảo vệ các điểm mấu chốt trước các rủi ro hệ thống”. Mặc dù đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự chú ý đang hướng tới bong bóng nợ bất động sản, nhưng một lần nữa, không có sự đề cập nào đến kế hoạch cụ thể để thực hiện điều này.
Các tuyên bố cho thấy sẽ có cải cách và mở cửa nền kinh tế nhưng cũng khẳng định rằng sẽ có “điều tiết kinh tế vĩ mô gia tăng”. Hai mục tiêu chính sách này xung đột trực tiếp với nhau và là biểu hiện của tình thế tiến thoái lưỡng nan của ĐCSTQ. Một mặt, ông Tập dường như hiểu rằng khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, ĐCSTQ không muốn từ bỏ quyền kiểm soát và để các lực lượng thị trường điều tiết nền kinh tế.
Cuộc họp kinh tế này, cùng với nhiều tuyên bố trước đó của ông Tập trong 5 năm qua, đã kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và phát triển nền kinh tế thông qua nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.
Tờ Global Times thuộc sở hữu nhà nước đưa tin Bộ Chính trị Trung Quốc cam kết sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước, cho biết: “Đánh giá từ các tín hiệu từ cuộc họp, thúc đẩy tiêu dùng sẽ là ưu tiên hàng đầu”. Tuy nhiên, người dân thường cắt giảm tiêu dùng khi đối mặt với triển vọng kinh tế yếu kém, và tình hình hiện tại của Trung Quốc không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Xuất khẩu tăng nhẹ trong tháng 11 nhưng giá tại nhà máy và giá tiêu dùng vẫn giảm, dấu hiệu của giảm phát. Các chuyên gia cũng tin rằng sự gia tăng khiêm tốn trong xuất khẩu có thể chỉ là tạm thời. Nó chủ yếu bao gồm xuất khẩu phương tiện và tàu thủy, cũng như các đơn đặt hàng gấp cho dịp Giáng sinh.
Trong khi đó, những vụ vỡ nợ bất động sản được dự đoán từ lâu hiện đang trở thành hiện thực. Nợ chính quyền địa phương tiếp tục tăng. Mặc dù Bắc Kinh đã chỉ ra rằng họ sẽ không cho phép chính quyền địa phương vỡ nợ, nhưng ĐCSTQ cũng thiếu giải pháp cho những thách thức kinh tế, khiến các chính quyền này nợ quá nhiều đến mức không thể trả được.
Do vấn đề nợ chính quyền địa phương và bất động sản đang diễn ra, Moody’s Investor Service đã hạ triển vọng nợ chính phủ của Trung Quốc. Và do số lượng đáng kể các khoản vay bất động sản do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ, Moody’s đã hạ triển vọng của một số ngân hàng Trung Quốc.
Hơn nữa, bất kỳ khoản tiền nào do Bắc Kinh chỉ đạo nhằm giải cứu chính quyền địa phương đều là những nguồn lực, thay vì đó, có thể được sử dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, mặc dù sự sụp đổ hoàn toàn và thảm khốc của chính quyền địa phương có thể được ngăn chặn nhưng triển vọng kinh tế tổng thể khó có thể cải thiện đáng kể.
Một yếu tố khác cản trở tiêu dùng là thất nghiệp. Những người không có việc làm không thể tăng mức tiêu dùng. Bắc Kinh phải xử lý vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ vì hơn 21% thanh niên hiện đang thất nghiệp. Hơn nữa, cần phải tìm việc làm cho hàng triệu lao động nhập cư, những người đang nhận ra rằng các nhà máy nơi họ từng làm việc hiện đang cắt giảm sản xuất.
Ông Tập kêu gọi những người tham dự “củng cố niềm tin vào sự phát triển và tích cực đưa ra các gợi ý và đề xuất cho ĐCSTQ nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao”. Rõ ràng, ĐCSTQ tin rằng niềm tin vào nền kinh tế có thể được khôi phục bằng cách ra lệnh cho các đảng viên cảm thấy tự tin hơn.
Một tuyên truyền thú vị tương tự là lời kêu gọi “cải thiện kỳ vọng của xã hội như một phần trong nỗ lực của quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý vào năm 2024”. Có vẻ như Bắc Kinh đang có ý định hạ thấp kỳ vọng của người dân về nền kinh tế hơn là sửa chữa nó.
ĐCSTQ sẽ tổ chức cuộc họp lớn tiếp theo, hội nghị toàn thể, từ ngày 8 đến ngày 10/1. Tại cuộc họp đó, có thể những chính sách cụ thể hơn sẽ được vạch ra. Tuy nhiên, hiện tại, có vẻ như các cuộc họp kinh tế của ĐCSTQ tạo ra nhiều danh sách các mong muốn hơn là danh sách việc cần làm.
Các phản ứng yếu ớt của Bắc Kinh
Liên tiếp các cuộc họp về kinh tế, tuy nhiên dường như Bắc Kinh chưa đưa ra được các biện pháp mang tính thực chất.
Trước đó, khi Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, phản ứng của Bắc Kinh trước động thái đó cũng là rất yếu ớt. Đây là lập luận của chuyên gia Milton Ezrati, trong bài báo “Moody’s nhận ra thực tế của các vấn đề nợ Trung Quốc”, đăng ngày 12/12, trên tờ The Epoch Times. Tên của hãng xếp hạng Moody’s trước trụ sở công ty ở New York, Mỹ, ngày 18/9/2012. (Ảnh: EMMANUEL DUNAND/AFP qua Getty Images)
Theo ông Ezrati, động thái của Moody’s đã thừa nhận thực tế khó khăn, đặc biệt về vấn đề nợ, và khả năng các vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn tại Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đã chỉ trích động thái của tổ chức này, mặc dù bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng không điển hình. Bộ Tài chính Trung Quốc bày tỏ “thất vọng”, mô tả nền kinh tế Trung Quốc là “kiên cường”. Người phát ngôn của họ đã chỉ ra rằng Bắc Kinh đã thực hiện các bước để giải quyết vấn đề nợ của chính quyền địa phương và đang thực hiện các bước bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ đã không đưa ra nhiều chi tiết cụ thể.
Cách Bắc Kinh đáp trả động thái của Moody cũng không mang lại bất cứ niềm tin nào rằng Trung Quốc có thể khắc phục các vấn đề của mình. Ví dụ, giải pháp của Bộ Tài chính đối với vấn đề nợ của chính quyền địa phương là phân loại lại các khoản nợ liên quan đến cơ sở hạ tầng của họ, vốn thuộc về phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV). Nhưng việc phân loại lại không làm giảm bớt nghĩa vụ thanh toán. Nó chỉ di chuyển nghĩa vụ thanh toán trong nền kinh tế.
Rủi ro vỡ nợ vẫn là gánh nặng đối với hệ thống tài chính. Bộ Tài chính cũng thảo luận về những nỗ lực nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh hơn bằng cách tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Bộ không nói gì để giải thích cách chi tiêu đó sẽ được tài trợ như thế nào hoặc bằng cách nào các nhà quy hoạch có thể đảm bảo rằng các dự án của họ có thể thu lợi nhuận đủ để trả bất kỳ khoản nợ nào. Những lo ngại như vậy là khá hợp lý vì nhiều dự án cơ sở hạ tầng gần đây đã không mang lại lợi nhuận thích hợp. Phản ứng của Bắc Kinh khiến người ta không mấy tin tưởng rằng họ có ý chí giải quyết vấn đề hoặc thậm chí hiểu được những gì họ phải đối mặt.
Bảo Nguyên tổng hợp