Ông Tập yêu cầu Việt Nam ngăn chặn nỗ lực của bên ngoài nhằm ‘làm xáo trộn’ khu vực

Bloomberg

Tác giả: Zibang Xiao

Cù Tuấn, biên dịch

14-12-2023

Tóm tắt:

* Trung Quốc, Việt Nam nhất trí ‘xây dựng cộng đồng có tương lai chung’.

* Chuyến thăm của ông Tập diễn ra sau khi Mỹ tăng cường tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 6 năm bằng việc kêu gọi quốc gia Đông Nam Á này ngăn chặn các thế lực bên ngoài gây ra vấn đề ở châu Á – Thái Bình Dương.

“Cả hai bên nên cảnh giác và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rối loạn khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Tập nói hôm thứ Tư 13/12, một bình luận có thể được coi là ám chỉ Mỹ một cách kín đáo. Nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông cũng kêu gọi hai nước cộng sản láng giềng tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tuyên bố, quan hệ hai nước chưa bao giờ “toàn diện, sâu sắc và thân thiện” hơn thế, khi chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày của ông Tập kết thúc. Cả hai bên mô tả chuyến thăm là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương.

Chuyến đi của ông Tập diễn ra chỉ ba tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố có cơ hội “to lớn” với Việt Nam, trong chuyến công du đầu tiên tới quốc gia châu Á này. Chuyến đi đó đã mang lại các thỏa thuận về mọi thứ, từ chất bán dẫn đến an ninh, như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc đã treo lơ lửng củ cà rốt kinh tế của chính họ. Bắc Kinh đã cam kết tài trợ cho tuyến đường sắt xuyên biên giới Việt – Trung, trong khi cả hai bên nhất trí về kế hoạch 3 năm để thúc đẩy thương mại.

Thể hiện sự đoàn kết là ví dụ mới nhất về cách Hà Nội cân bằng cẩn thận mối quan hệ với các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, khi các doanh nghiệp chuyển hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc sang quốc gia sản xuất này để bảo đảm chuỗi cung ứng.

Theo Joseph Liow Chin Yong, chủ tịch chính trị so sánh và quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (Comparative and International Politics at Nanyang Technological University) ở Singapore, ông Tập nên “hài lòng” với kết quả của chuyến đi, báo hiệu sự cải thiện trong quan hệ. Ông nói thêm: “Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng, bản thân Việt Nam đang quản lý khéo léo mối quan hệ với hai cường quốc vì lợi ích của chính mình”.

Tương lai chung

Nếu có bất kỳ căng thẳng nào kéo dài từ lịch sử đối đầu quân sự căng thẳng của Trung Quốc với Việt Nam – hai nước đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào năm 1979 – thì các mâu thuẫn này đã được giấu đi khi ông Tập đến Hà Nội hôm thứ Ba 12/12.

Lãnh đạo Trung Quốc được chào đón bằng 21 phát đại bác tại Sân bay quốc tế Nội Bài, với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản ra đón tận sân bay. Điều đó trái ngược với sự có mặt của chỉ Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam tại sân bay khi đón Tổng thống Mỹ Biden.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rất chi tiết về chuyến đi của ông Tập tới Việt Nam cho khán giả trong nước. Nhiều người dân cầm biểu ngữ tại sân bay khi ông Tập đến, trong đó có nội dung “Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ tình đồng chí, anh em sâu sắc” “Tình hữu nghị Trung – Việt sẽ tồn tại mãi mãi”.

Quyết định của ông Tập đến thăm Việt Nam – chuyến đi duy nhất của ông tới một quốc gia châu Á trong năm nay – được đưa ra khi nước láng giềng này của Trung Quốc được cho là đang xích lại gần hơn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Sau khi nâng cấp quan hệ với Washington lên ngang hàng với Bắc Kinh, tháng trước Hà Nội đã nâng cấp quan hệ với Tokyo.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Việt Nam cho thấy rằng những mối quan hệ được nâng cao đó không ngăn cản Hà Nội bắt tay với Bắc Kinh và các đồng minh của Trung Quốc. Trung Quốc và Việt Nam đồng ý “xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai”, một khẩu hiệu đề cập đến tầm nhìn chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc ưu tiên giúp đỡ các nước láng giềng châu Á bảo đảm sự phát triển chung của họ.

Theo một tuyên bố chung, hai quốc gia có yêu sách lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông này cũng cam kết “kiểm soát” những bất đồng và tránh “những hành động có thể làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp”. Hai nước sẽ thiết lập một đường dây nóng để xử lý các “sự cố bất ngờ” phát sinh từ hoạt động đánh bắt cá và có những trao đổi “thẳng thắn” về các vấn đề trên biển để giải quyết các bất đồng tốt hơn.

Việt Nam, giống như Trung Quốc, đang phải vật lộn với quá trình phục hồi kinh tế gập ghềnh sau đại dịch, có lý do để giữ Bắc Kinh đứng về phía mình. Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Hà Nội với thương mại song phương đạt 205,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Ông Tập cho biết các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của ông sẽ dẫn đến những chương mới trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

“Đây là chuyến đi cuối cùng thăm nước ngoài của tôi trong năm nay”, ông Tập nói với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng hôm thứ Tư, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.

“Điều đó thể hiện đầy đủ vị thế đặc biệt của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam trong bố cục ngoại giao của Trung Quốc”.

Related posts