Chiều ngày 14/12, tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói về nội hàm của việc hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc.
Theo bà Hằng, văn bản này có tên đầy đủ là “Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Theo đó, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Hai bên cũng nhất trí cho rằng phát triển quan hệ giữa hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.
Hai bên kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.
“Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”, bà Hằng khẳng định.
Về nội hàm của hợp tác Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc, người phát ngôn cho biết các phương hướng hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới trên bình diện song phương và trong các vấn đề khu vực, các vấn đề toàn cầu cũng đã được nêu cụ thể trong tuyên bố chung giữa hai nước.
Vì sao không còn tên gọi “chung vận mệnh”?
Việt Nam và Trung Quốc đã không sử dụng cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh”, một sáng kiến do nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xướng cách đây 10 năm, khi mới lên nắm quyền.
RFA dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra, Úc, cho rằng việc đổi tên gọi quan hệ của hai nước rất thú vị. Không phải là “cộng đồng chung vận mệnh” mà là “chung tương lai”. Và họ không chỉ “chung tương lai” mà cái tên này có bổ ngữ rất dài phía sau: “có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.”
Theo ông Nguyễn Thế Phương, cái bổ ngữ rất dài phía sau tên gọi này là một chỉ dấu quan trọng để thấy những điều Việt Nam muốn có từ mối quan hệ. Điều đó cho thấy Việt Nam chính là bên chủ động, cố gắng thay đổi tên gọi, làm cho bản chất quan hệ sẽ thay đổi so với quan hệ của Trung Quốc với các nước khác, và quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc cũng khác quan hệ với các cường quốc khác.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật TP.HCM nhận xét rằng trong chuyến thăm này của Tập Cận Bình tới Việt Nam, có một số vấn đề mà Việt Nam quan tâm sâu sát: trước hết là kinh tế thương mại, đó là cái Việt Nam rất cần; thứ hai là một loạt sáng kiến của Trung Quốc.
Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh là một sáng kiến lớn, trong đó có nhiều sáng kiến nhỏ, như BRI (vành đai con đường), Sáng kiến Văn minh toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu… Khi “du hành” tới Việt Nam thì Trung Quốc đã phải đổi tên gọi “Sáng kiến” này thành “Cộng đồng chia sẻ tương lai.”
Theo ông Hoàng Việt, nếu dùng khái niệm “vận mệnh” thì Việt Nam có thể phản đối. Việt Nam có lẽ e ngại khái niệm này vì “vận mệnh” có khả năng dẫn tới cách diễn giải là “tôi sống thì anh sống, tôi chết thì anh chết”. Trong đó khi đó, quan điểm của Việt Nam là “không chọn bên”. Chiến lược của Việt Nam là “ngoại giao cây tre”, tức phần gốc thì vững chắc, không đổi, nhưng phần thân và ngọn thì linh hoạt. Nếu nói hai nước “chung vận mệnh” thì sẽ bị diễn giải là Việt Nam chọn bên.
Sáng kiến Vành đai con đường là một bộ phận của Sáng kiến Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định rằng tuyên bố của cả hai bên trước đây nói rất rõ là tiếp tục phát triển tuyến đường sắt kết nối Lào Cai – Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) và Hải Phòng, đồng thời thảo luận về tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Việt Nam, Trung Quốc nghiên cứu hợp tác về hai tuyến đường sắt
Về câu hỏi hợp tác đường sắt được ký kết trong chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Phạm Thu Hằng cho biết hai bên đã ký 36 văn bản hợp tác.
Trong có hai văn bản hợp tác về đường sắt là bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam với Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam – Trung Quốc.
Thứ hai là bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam với Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết hai bên đã nhất trí việc nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng – Hà Nội – Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng “vào thời điểm phù hợp”.
“Việc triển khai các dự án này sẽ góp phần tăng cường hợp tác kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai và sáng kiến Vành đai và Con đường”, bà Hằng nói thêm.
Minh Long