Birmingham, thành phố lớn thứ 2 nước Anh, tuyên bố “phá sản”

Tòa thị chính Birmingham. (Ảnh: Yuan Connie /Epoch Times)

Chính quyền thành phố Birmingham, thành phố lớn thứ 2 ở Anh, tuyên bố vỡ nợ và ban hành “Thông báo Mục 114” theo quy định của pháp luật, nêu rõ rằng họ không có đủ tiền để cân bằng thu chi.

Hội đồng thành phố cho hay, mức thâm hụt phát sinh do khó khăn trong việc thanh toán từ 650-760 triệu bảng Anh (khoảng 816-954 triệu USD) cho các yêu cầu trả lương bình đẳng.

Thành phố hiện dự kiến ​​sẽ thâm hụt 87 triệu bảng Anh (109 triệu USD) cho năm tài chính 2023-2024.

Bà Sharon Thompson, phó lãnh đạo hội đồng, nói với các ủy viên hội đồng rằng họ phải đối mặt với “các vấn đề tồn tại lâu dài, bao gồm cả những lo ngại về trách nhiệm trả lương bình đẳng trong lịch sử của hội đồng” – theo hãng tin PA Media của Vương quốc Anh.

Ngoài ra, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, chính quyền Đảng Bảo thủ đã cắt giảm ngân sách trung ương 1 tỷ bảng (1,25 tỷ USD).

Bà nói: “Chính quyền địa phương đang phải đối mặt với một “cơn bão”. Giống như các hội đồng trên khắp đất nước, rõ ràng hội đồng này phải đối mặt với những thách thức tài chính chưa từng có, từ sự gia tăng lớn về nhu cầu chăm sóc xã hội dành cho người cao tuổi và sự sụt giảm đáng kể thu nhập từ kinh doanh, cho đến tác động của lạm phát tràn lan”.

Hội đồng thành phố Birmingham cho biết, tất cả các khoản chi tiêu mới không thiết yếu đều bị tạm dừng, ngoại trừ việc duy trì các dịch vụ dễ bị tổn thương và theo luật định.

Chính quyền thành phố nhấn mạnh, động thái này là bước cần thiết để khôi phục nền tảng tài chính lành mạnh. Họ sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 28 hàng tháng để xây dựng phương án giải quyết vấn đề nợ nần.

Birmingham được điều hành bởi Đảng Lao động. Hội đồng Đảng Lao động chỉ ra, chính quyền thành phố đang phải đối mặt với những thách thức tài chính chưa từng có, việc tuyên bố phá sản là bước cần thiết để cho phép chính quyền thành phố thiết lập lại nền tảng tài chính lành mạnh.

Người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak mô tả, vụ việc này khiến người dân địa phương lo lắng, nhưng cũng nhắc lại rằng ông từ chối cứu trợ chính quyền thành phố Birmingham. Thủ tướng Anh chỉ ra rằng các quan chức địa phương nên giải quyết vấn đề ngân sách của chính họ, và cách sử dụng tiền của người nộp thuế một cách hợp lý.

Birmingham nằm ở hạt West Midlands, Anh, và từng là thị trấn quan trọng trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp Anh. Năm ngoái, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh đã công bố dữ liệu điều tra dân số giai đoạn đầu năm 2021. Ngoài London, Birmingham là “điểm dừng chân” thứ 3 của cư dân Hồng Kông.

Một số người Hồng Kông sống ở Birmingham cho biết, gần đây hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền thành phố đã giảm đáng kể. Họ lo lắng rằng việc tuyên bố “phá sản” sẽ làm tăng đáng kể thuế chính quyền thành phố (thuế hội đồng).

“Thông báo Điều 114” thực chất là một thông báo pháp lý, không phải là “phá sản” thực sự. Nghĩa là chính quyền thành phố chính thức tuyên bố không có khả năng trả nợ, để ngừng thanh toán các khoản nợ và các chi phí không cần thiết, nhằm đảm bảo cho chính quyền thành phố vẫn có thể tiếp tục duy trì các dịch vụ trong các lĩnh vực cốt lõi. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết dịch vụ theo luật định.

Đây không phải là lần đầu tiên Birmingham tuyên bố “phá sản”. Trong những năm gần đây, một số khu hành chính tại địa phương cũng tuyên bố “phá sản” như Thurrock, Slough, Northamptonshire, Woking, Croydon đã đưa ra 3 lần “Thông báo Mục 114”.

Birmingham là thành phố đa văn hóa lớn nhất ở miền trung Vương quốc Anh. Nơi đây đã tổ chức Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung năm ngoái, một sự kiện thể thao lớn dành cho các quốc gia Khối thịnh vượng chung và dự kiến tổ chức Giải vô địch Điền kinh châu Âu năm 2026.

Bình Minh (t/h)

Related posts