Trung Quốc đối mặt Đại khủng hoảng, chính quyền đề cao ‘thắt lưng buộc bụng’

Bảo Nguyên

Trung Quốc đối mặt Đại khủng hoảng, chính quyền đề cao ‘thắt lưng buộc bụng'
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc nằm phía trước khu tài chính Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 21/5/2007. (Ảnh: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Từ chính quyền trung ương tới địa phương ở Trung Quốc, khắp mọi nơi đều đang nhắc đến “thắt lưng buộc bụng”. Đặc biệt, tình hình tài chính của các chính quyền địa phương ngày một nghiêm trọng, khi họ đang phải “vay mới trả cũ”.

Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố tài liệu hội nghị công tác thường niên, cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” đã được nhắc đến 6 lần và trở thành từ khóa. Một số phương tiện truyền thông đưa tin, cuộc Đại khủng hoảng hiện đang đến gần tại Trung Quốc, và chính quyền địa phương Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh “sống thắt lưng buộc bụng”.

Từ khoá về thắt chặt chi tiêu

Ngày 22/12, Bộ Tài chính công bố văn bản nội dung hội nghị công tác thường niên. Từ khóa “những ngày thắt chặt chi tiêu” xuất hiện một cách đáng chú ý.

Một kênh thông tin về tài chính cho rằng cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” từ Bắc Kinh đã được nhắc đến trong nhiều năm liên tiếp và không có gì lạ khi nó xuất hiện trong văn bản cuộc họp của Bộ Tài chính năm nay. Điều kỳ lạ là “những ngày thắt chặt chi tiêu” chỉ xuất hiện 1 lần trong văn bản cuộc họp năm ngoái, trong khi nó xuất hiện tới 6 lần trong năm nay.

Được biết, bất động sản từng là “vũ khí thuế” của Bắc Kinh và các khoản thu nhập khác nhau từ bất động sản chiếm khoảng 50% thu nhập của địa phương. Sau khi thị trường bất động sản sụp đổ, áp lực tìm kiếm doanh thu đối với chính quyền địa phương tăng mạnh, cuộc sống thắt chặt chi tiêu là điều khó tránh khỏi.

Chính quyền địa phương nhấn mạnh thắt lưng buộc bụng

Bộ Tài chính coi “những ngày thắt chặt chi tiêu” là từ khóa của năm nay. Trong khi đó, tài chính của chính quyền địa phương thậm chí còn khó khăn hơn và họ đang nhấn mạnh đến cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Đài Á Châu Tự do đưa tin vào ngày 22/12 rằng cuộc Đại khủng hoảng đang đến với Trung Quốc, số lượng nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc đang giảm dần qua từng tháng. Nội thất IKEA nằm ở quận Tĩnh An, Thượng Hải, gần đây đã tuyên bố đóng cửa, cửa hàng Dongpu thuộc Bách hoá Teemall Quảng Châu tuyên bố đóng cửa vào ngày 31/12 và City Plaza, một trung tâm mua sắm ở Thâm Quyến đã hoạt động được 21 năm, cũng sẽ đóng cửa trước cuối năm.

Từ Quốc vụ viện Trung Quốc đến chính quyền địa phương, từ truyền thông trung ương đến các trang web của chính quyền địa phương, tất cả đều đề cập đến nhu cầu “sống thắt lưng buộc bụng” và không có ngoại lệ.

Người dân xách rau sau khi đi mua đồ trong một khu dân cư ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 04/07/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Tại Hội nghị Công tác kinh tế Tỉnh ủy Chiết Giang tổ chức ngày 20/12, Bí thư Tỉnh ủy Yi Lianhong nhấn mạnh các cơ quan đảng, chính quyền phải làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Gần đây, Chính quyền thành phố Hạ Môn đã ban hành “Thông báo về tăng cường quản lý ngân sách và tuân thủ lối sống thắt lưng buộc bụng”. Thông báo cho thấy rằng ngoài việc đình chỉ xây dựng đối với các dự án về thành tựu và làm hình ảnh ở địa phương, chi phí đặc biệt của các phòng ban và quỹ công sẽ bị thu hẹp lần lượt 10 % và 20% vào năm 2024, các khoản chi chung như chi phí “3 chung” sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Một bài viết có tựa đề “Sống thắt lưng buộc bụng” đăng trên trang web của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Giang Tô vào ngày 19/12 cho biết, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vừa được tổ chức tại Bắc Kinh và cuộc họp yêu cầu các cơ quan đảng, chính quyền làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng. Đảng viên, cán bộ Trung Quốc cũng được yêu cầu phải đi đầu trong việc sống thắt lưng buộc bụng.

Do các hạn chế về tài chính, chính quyền địa phương ở Chiết Giang và Thâm Quyến đã đưa ra thông báo yêu cầu các cơ quan chính quyền các cấp phải “sống thắt lưng buộc bụng”, và các cơ quan, tổ chức chính phủ ở nhiều nơi đã bắt đầu thanh lý những nhân sự không phải là nhân viên chính thức.

Một số cư dân mạng bình luận rằng quan chức Bộ Tài chính cho rằng chính quyền đang “thắt chặt chi tiêu” để người dân có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng “người dân cũng muốn sống cuộc sống như quan chức nhà nước…không cần thiết phải đặt ra hai tiêu chuẩn”.

Một người phụ nữ đi trên cầu vượt tại khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Bà Zhou, một cư dân ở Thạch Gia Trang, cho biết tình hình tài chính eo hẹp của nhiều chính quyền quận đã ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền. Bà cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, công chức ở các đơn vị khác nhau bắt đầu sống thắt lưng buộc bụng. Một số vấn đề về lương của cán bộ ở các đơn vị liên kết với chính quyền cấp quận phải tự được dàn xếp. Con gái bạn tôi hiện đang du học tại một trường đại học ở nước ngoài. Anh ấy hiện đang yêu cầu cô bé nhanh chóng nộp đơn xin nhập cư và cố gắng hết sức để ở lại nước ngoài”.

Được biết, vào tháng 2 năm nay, 31 tỉnh ở Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch “sống thắt lưng buộc bụng”, bao gồm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi chung, quỹ…

Vay mới trả cũ, nguy cơ về tài chính của chính quyền địa phương ngày một cao

Vấn đề về tài chính của chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã trở thành tâm điểm. Sự khó khăn về tài chính dường như ngày càng tăng cao, và các chính quyền địa phương đang tăng mạnh việc vay nợ.

Trong 11 tháng đầu năm nay, tổng lượng phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương Trung Quốc đạt xấp xỉ 9,14 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 1,27 nghìn tỷ USD), vượt xa mức phát hành trái phiếu 7,4 nghìn tỷ CNY (khoảng 1,03 nghìn tỷ USD) cho cả năm 2022. Trong số đó, trái phiếu đảo nợ lên tới 459 triệu CNY (gần 64 triệu USD), tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những dữ liệu này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong cuộc khủng hoảng nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại và chính quyền địa phương không có khả năng trả lãi và gốc. Họ đang phải vay mới và trả nợ cũ. Điều này có thể nhanh chóng phát triển thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn quốc.

Ba năm đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thực của Trung Quốc, cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản đang lan rộng khắp đất nước, khiến cuộc khủng hoảng tài chính địa phương của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.

Các tòa nhà dân cư đang được xây dựng bởi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Vanke ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 09/10/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Trong 11 tháng đầu năm nay, tổng lượng trái phiếu chính quyền địa phương phát hành đạt 9,14 nghìn tỷ CNY, một nửa trong số đó được dùng để trả nợ cũ. Tổng lượng phát hành trái phiếu không chỉ đạt mức cao mới trong cùng kỳ mà còn vượt xa tổng quy mô phát hành trái phiếu là 7,4 nghìn tỷ CNY cho cả năm 2022.

Ông Wang Guochen, trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, cho biết: “Ngày nay, nợ địa phương rất nhiều, cộng với sự suy yếu của bất động sản nên thu nhập giảm, đồng nghĩa với thu nhập từ nguồn tài chính đất đai cũng giảm. Mặt khác, vì đại dịch nên rất nhiều chi phí liên quan đến y tế hoặc xã hội đã được tích lũy”. Theo ông Wang Guochen, tổng số nợ ngày càng tăng và sẽ khó để có thể trả hết nợ.

The Wall Street Journal chỉ ra rằng sau nhiều năm vay mượn và chi tiêu không kiềm chế ở Trung Quốc, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tích lũy một lượng lớn nợ ẩn, và cuộc khủng hoảng đã đến thời điểm nguy cấp. Không ai biết quy mô thực sự của các khoản nợ ẩn của Trung Quốc và chính quyền đang cố gắng ngăn chặn làn sóng vỡ nợ của chính quyền địa phương, thứ có thể gây bất ổn cho khu vực tài chính.

Nhà bình luận Vương Hách (Wang He) cho biết: “… nợ chính thức về cơ bản hiện nay là 40 nghìn tỷ CNY (khoảng 5,57 nghìn tỷ USD). Đây là lượng nợ công khai và [ngoài ra] có cả nợ ẩn. Nợ ẩn của địa phương có lẽ lên tới hơn 60 nghìn tỷ CNY (khoảng 8,36 nghìn tỷ USD). Đây đã là một quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, ĐCSTQ thực sự không còn cách nào để xử lý nó lúc này. Nó chỉ đang trì hoãn bằng các biện pháp tài chính. Đồng thời, nó cũng đang tài chính hóa nợ. Ví dụ, [nó] buộc 5 ngân hàng quốc doanh lớn phải trả những khoản nợ này. Nợ phải được vay để trả nợ cũ, nợ phải được thay thế, điều này sẽ kéo hệ thống tài chính Trung Quốc vào cuộc, sớm muộn gì [hệ thống] cũng sẽ sụp đổ”.

Theo dữ liệu do chính quyền Trung Quốc công bố vào ngày 30/11, tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ chính quyền địa phương lần đầu tiên vượt mốc 40 nghìn tỷ CNY.

Tờ tiền 100 CNY của Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/9/2016. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

Các nhà phân tích tin rằng sự tích lũy nợ dài hạn của địa phương và tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước lớn và các đại gia bất động sản có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Trong những năm gần đây, vấn đề nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước và công ty bất động sản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của chính quyền địa phương và là nguyên nhân chính khiến nợ của địa phương tăng nhanh.

Ông Wang Guochen cho biết: “Tất cả những gì chính quyền địa phương có thể làm là cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương. Trong trường hợp này, tiêu dùng và đầu tư ở Trung Quốc đại lục sẽ tiếp tục giảm. Nếu các khoản nợ mới tiếp theo bị hạn chế, thì khoản đầu tư do chính quyền địa phương thúc đẩy cũng sẽ bị cản trở. Hiện nay trong cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung hay chiến tranh kinh tế thương mại, họ [Bắc Kinh] cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển sự độc lập về công nghệ. Trong trường hợp này, các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược này cũng cần sự đầu tư và trợ cấp sớm từ chính quyền nên lỗ hổng này thực sự sẽ ngày càng lớn hơn và lớn hơn”.

Đối mặt với rủi ro nợ địa phương ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn sự xuất hiện của làn sóng vỡ nợ chính quyền địa phương để không làm xói mòn sự ổn định của ngành tài chính, nhưng dường như các biến pháp vẫn chưa có mấy tác dụng.

Ông Wang Guochen nói: “Việc thay thế nợ của họ tương đối dễ dàng. Đầu tiên là gia hạn thời hạn, thứ hai là gia hạn thời gian ân hạn, thứ ba là tiền lãi phải trả cũng giảm. Nhưng tất nhiên, cách tiếp cận này có các tác động kéo theo. Nói cách khác, điều rõ ràng nhất là khi lãi suất của toàn bộ nợ công của chính quyền địa phương hoặc thậm chí của chính quyền trung ương giảm xuống, nó sẽ tạo thành sự tương phản mạnh mẽ với việc Mỹ tăng lãi suất, điều này sẽ khiến toàn bộ vốn chảy ra ngoài và đồng CNY mất giá, vì vậy đây cũng là nguyên nhân chính khiến đồng CNY mất giá gần đây”.

Nhà kinh tế học người Mỹ Davy J. Wong: “Bởi vì bạn phát hành khoản nợ mới, điều đó có nghĩa là bạn đang kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong tương lai và bạn có thể trả khoản nợ hiện tại như kỳ vọng, đồng nghĩa với việc dàn trải khoản nợ theo thời gian. Nhưng nếu tăng trưởng kinh tế không cao như dự kiến ban đầu, nợ sẽ tích lũy ngày càng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế không theo kịp tốc độ tăng lãi suất phải trả. Với việc tích lũy nợ cũ, nó sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn”.

Bảo Nguyên tổng hợp

Related posts