Lạnh giá khắc nghiệt, Trung Quốc thiếu tiền dọn tuyết và hỗ trợ nạn nhân động đất

Bảo Nguyên

Lạnh giá khắc nghiệt, Trung Quốc thiếu tiền dọn tuyết và hỗ trợ nạn nhân động đất
Một người đàn ông dùng xẻng để dọn tuyết khi tuyết rơi dày ở Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vào ngày 21/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tài chính khó khăn, việc dọn tuyết đã trở thành một vấn đề lớn đối với nhiều nơi ở Trung Quốc. Trong khi đó, các nạn nhân động đất đang mắc kẹt ngoài thời tiết lạnh giá mà không có được sự hỗ trợ.

Nhiệt độ thấp trong lịch sử đã tấn công hầu hết các khu vực của Trung Quốc trong mùa đông này.

Các tỉnh phía Nam, thuộc vùng cận nhiệt đới, đã chứng kiến những đợt tuyết rơi hiếm hoi, trong khi đợt rét đậm cản trở các nỗ lực cứu trợ ở phía Tây Bắc, nơi một trận động đất đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và khiến những người sống sót phải đốt lửa để sưởi ấm giữa nhiệt độ dưới mức đóng băng. Trong khi đó, ngân sách eo hẹp đã khiến chính quyền Trung Quốc không có đủ tiền để dọn tuyết trên đường phố hoặc hỗ trợ những người sống sót sau trận động đất.

Đợt lạnh trước đã quét qua Trung Quốc và khiến các đường cao tốc phải đóng cửa. Chỉ vài ngày sau, một đợt không khí lạnh mạnh khác đang tràn vào hầu hết các vùng trên đất nước.

Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc ngày 19/12 cho biết một đợt không khí lạnh mạnh mới đã đến, mang đến thời tiết khắc nghiệt cho hầu hết Trung Quốc, ở cả miền Bắc và miền Nam, bao gồm nhiệt độ thấp, tuyết rơi dày đặc, mưa băng giá và gió mạnh. Cơ quan đã dự báo nước này sẽ trải qua một “tuần đóng băng” từ ngày 19/12 trở đi và có khả năng xảy ra một đợt lạnh khác từ ngày 26 đến ngày 27/12, khi một khối không khí lạnh khác có thể mang theo thêm nhiều gió mạnh và nhiệt độ đóng băng đến các khu vực miền trung và miền đông Trung Quốc.

Cái lạnh trước đó đã mang theo mưa, tuyết, nhiệt độ lạnh và gió mạnh. Hơn 30% diện tích Trung Quốc có nhiệt độ giảm mạnh hơn 10 độ C (18 độ F). Mức thấp lịch sử trong tháng 12 đã được ghi nhận tại 30 trạm thời tiết quốc gia trên khắp Trung Quốc, với 145 trạm thời tiết quốc gia báo cáo lượng tuyết rơi hàng ngày vượt quá kỷ lục lượng tuyết rơi cao trong tháng 12.

Đợt lạnh thứ hai bắt đầu vào ngày 19/12 đã khiến nhiệt độ giảm thêm từ 4 đến 8 độ C (7,2 đến 14,4 độ F) trên mức nhiệt độ vốn đã cực thấp ở các vùng phía tây bắc, bắc và đông Trung Quốc.

Đài quan sát khí tượng trung ương đã đưa ra cảnh báo nhiệt độ thấp vào ngày 19/12.

Ông Wang, một cư dân tỉnh Quảng Tây ở cực nam Trung Quốc trong vùng cận nhiệt đới, nói với The Epoch Times vào ngày 18/12: “Làn sóng của cái lạnh đã đến. Những ngày này trời rất lạnh. Có tuyết rơi”.

Ông Li, ở tỉnh Hà Nam, cho biết: “Nhiệt độ thực sự là thấp nhất trong cùng kỳ trong ít nhất 20 năm qua”. “Đã nhiều năm rồi tuyết chưa rơi nhiều như thế này”.

Các phương tiện chạy trong tuyết ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/12/2023. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing qua Getty Images)

Dọn tuyết trở thành vấn đề lớn

Ngày 19/12, Đài quan sát Khí tượng Bắc Kinh cho biết, khi đợt lạnh kéo đến, gió bắc mạnh có thể bắt đầu trở lại, với gió giật lên tới cấp 7. Nhiệt độ xuống tới mức thấp nhất là âm 12 độ C (10,4 độ F) vào ngày 19/12 và 20/12. Nhiệt độ tối đa là âm 8 độ C (17,6 độ F).

Cảnh báo thời tiết đã được đưa ra đối với những con đường băng giá và nhiệt độ thấp kéo dài ở Bắc Kinh, cùng với lời nhắc về gió mạnh.

Bà Huang, người đã sống ở Bắc Kinh hơn 20 năm, nói với The Epoch Times vào ngày 18/12 rằng mùa đông năm nay là mùa đông lạnh nhất mà bà nhớ được trong 20 năm qua.

“Bắc Kinh đã nhiều năm không có tuyết rơi dày như vậy. Nó phải sâu từ 2–3 cm, khá dày”.

Ông Chen, một người gốc Hà Bắc làm việc tại Bắc Kinh, nói với The Epoch Times vào ngày 18/12: “Hôm nay tôi sẽ rời Bắc Kinh. Nó quá lạnh. Gió đang gào thét và hiện tại nhiệt độ là âm 12 độ C [10,4 độ F]”.

“Tôi chưa bao giờ thấy tuyết rơi dày như vậy trong hơn 20 năm. Tuyết đã rơi ba ngày rồi và hiện tại các con đường đều phủ đầy băng”.

“Tuyết ở Bắc Kinh lần này dày đến nỗi đường sá thậm chí còn chưa được dọn sạch”.

Một lượng lớn tuyết bao phủ các phương tiện và đường phố trên đường phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 16/12/2023. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing qua Getty Images)

“Vì thâm hụt tài chính và việc thiếu tiền trong nguồn tài chính của chính quyền địa phương ở nhiều nơi, công nhân vệ sinh thành phố từ chối làm việc mà không được trả lương. Trong hai ngày này, thành phố chỉ có thể dựa vào việc xúc tuyết thủ công, họ không lái những chiếc xe cào tuyết lớn ra đường để xúc”.

Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times rằng vì chính quyền trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nằm ở Bắc Kinh nên họ sẽ kiểm soát được việc dọn tuyết ở đó. Tuy nhiên, việc dọn tuyết đã trở thành một vấn đề lớn đối với nhiều thành phố phía bắc khác ở Trung Quốc.

Ông Lý nói: “Chính quyền địa phương vẫn còn nợ tiền dọn tuyết năm ngoái và vẫn chưa trả IOU [giấy nợ]”. “Sau đó, năm nay, họ yêu cầu người dân xúc tuyết, nhưng các công ty xúc tuyết và công ty dịch vụ đó đã từ chối cung cấp các dịch vụ. Chính quyền bây giờ phải mang theo tiền mặt để yêu cầu họ dọn tuyết”.

Cùng với đợt lạnh còn có bão tuyết, gió mạnh và thời tiết băng giá. Đã có tuyết rơi từ trung bình đến dày ở một số khu vực phía nam Giang Tô và tuyết rơi dày ở một số vùng trên bán đảo Sơn Đông. Đã có mưa lạnh giá ở miền trung tỉnh Quý Châu ở phía tây nam Trung Quốc và phía tây tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc.

Những cột băng treo trên lan can dọc bờ biển ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, vào ngày 12/12/2023. (Ảnh: Liu Debin/VCG qua Getty Images)

Nạn nhân động đất mắc kẹt ngoài trời

Một trận động đất mạnh 6,2 độ richter xảy ra ở huyện Tích Thạch Sơn, châu Lâm Hạ, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 18/12, khiến ít nhất 126 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Nhiều tòa nhà và nhà cửa bị sập trong trận động đất. Tuy nhiên, chỉ 15 giờ sau trận động đất, ĐCSTQ tuyên bố công tác cứu hộ đã kết thúc, khiến các nạn nhân bị mắc kẹt ngoài trời trong nhiệt độ lạnh giá. Những người sống sót sau trận động đất và những người sơ tán đã đốt lửa trên đường phố và gần những ngôi nhà đổ nát của họ để giữ ấm.

Theo Đài quan sát Khí tượng Trung ương, nhiệt độ thấp nhất ở huyện Tích Thạch Sơn, tâm chấn, có thể đạt tới âm 10 đến âm 14 độ C (14 đến 6,8 độ F).

Ông Zheng, một người dân ở huyện Tích Thạch Sơn, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi vẫn chưa nhận được sự cứu hộ và cứu trợ thực sự.

“Nhà chúng tôi bây giờ không còn ở được nữa. Chúng tôi dựng lều trước nhà và đốt lửa. Trẻ em và người già ngồi trước đống lửa để sưởi ấm”.

Người dân sưởi ấm sau trận động đất ở huyện Tích Thạch Sơn, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc, vào ngày 19/12/2023. (Ảnh: CNS/AFP qua Getty Images)

Chính quyền Trung Quốc đề cao ‘thắt lưng buộc bụng’

Khó khăn về tài chính đã trở thành chủ đề nổi bật tại Trung Quốc. Mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố tài liệu hội nghị công tác thường niên, cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” đã được nhắc đến 6 lần và trở thành từ khóa. Một số phương tiện truyền thông đưa tin, cuộc Đại khủng hoảng hiện đang đến gần tại Trung Quốc, và chính quyền địa phương Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh “sống thắt lưng buộc bụng”.

Ngày 22/12, Bộ Tài chính công bố văn bản nội dung hội nghị công tác thường niên. Từ khóa “những ngày thắt chặt chi tiêu” xuất hiện một cách đáng chú ý.

Một kênh thông tin về tài chính cho rằng cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” từ Bắc Kinh đã được nhắc đến trong nhiều năm liên tiếp và không có gì lạ khi nó xuất hiện trong văn bản cuộc họp của Bộ Tài chính năm nay. Điều kỳ lạ là “những ngày thắt chặt chi tiêu” chỉ xuất hiện 1 lần trong văn bản cuộc họp năm ngoái, trong khi nó xuất hiện tới 6 lần trong năm nay.

Được biết, bất động sản từng là “vũ khí thuế” của Bắc Kinh và các khoản thu nhập khác nhau từ bất động sản chiếm khoảng 50% thu nhập của địa phương. Sau khi thị trường bất động sản sụp đổ, áp lực tìm kiếm doanh thu đối với chính quyền địa phương tăng mạnh, cuộc sống thắt chặt chi tiêu là điều khó tránh khỏi.

Bộ Tài chính dường như coi “những ngày thắt chặt chi tiêu” là từ khóa của năm nay. Trong khi đó, tài chính của chính quyền địa phương thậm chí còn khó khăn hơn và họ đang nhấn mạnh đến cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Đài Á Châu Tự do đưa tin vào ngày 22/12 rằng cuộc Đại khủng hoảng đang đến với Trung Quốc, số lượng nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc đang giảm dần qua từng tháng. Nội thất IKEA nằm ở quận Tĩnh An, Thượng Hải, gần đây đã tuyên bố đóng cửa, cửa hàng Dongpu thuộc Bách hoá Teemall Quảng Châu tuyên bố đóng cửa vào ngày 31/12 và City Plaza, một trung tâm mua sắm ở Thâm Quyến đã hoạt động được 21 năm, cũng sẽ đóng cửa trước cuối năm.

Từ Quốc vụ viện Trung Quốc đến chính quyền địa phương, từ truyền thông trung ương đến các trang web của chính quyền địa phương, tất cả đều đề cập đến nhu cầu “sống thắt lưng buộc bụng” và không có ngoại lệ.

Tại Hội nghị Công tác kinh tế Tỉnh ủy Chiết Giang tổ chức ngày 20/12, Bí thư Tỉnh ủy Yi Lianhong nhấn mạnh các cơ quan đảng, chính quyền phải làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng.

Gần đây, Chính quyền thành phố Hạ Môn đã ban hành “Thông báo về tăng cường quản lý ngân sách và tuân thủ lối sống thắt lưng buộc bụng”. Thông báo cho thấy rằng ngoài việc đình chỉ xây dựng đối với các dự án về thành tựu và làm hình ảnh ở địa phương, chi phí đặc biệt của các phòng ban và quỹ công sẽ bị thu hẹp lần lượt 10% và 20% vào năm 2024, các khoản chi chung như “3 chi phí chung” sẽ được kiểm soát chặt chẽ (“3 chi phí chung” đề cập đến 3 khoản chi tiêu tài chính do chính quyền Trung Quốc đài thọ, bao gồm chi phí đi công tác nước ngoài, chi phí mua và vận hành phương tiện giao thông, và chi phí tiếp đãi công vụ. Các quan chức, cán bộ, công chức của đảng và nhà nước Trung Quốc thường lạm dụng 3 khoản chi này để dùng tiền công vào việc tư).

Một bài viết có tựa đề “Sống thắt lưng buộc bụng” đăng trên trang web của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Giang Tô vào ngày 19/12 cho biết, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vừa được tổ chức tại Bắc Kinh và cuộc họp yêu cầu các cơ quan đảng, chính quyền làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng. Đảng viên, cán bộ Trung Quốc cũng được yêu cầu phải đi đầu trong việc sống thắt lưng buộc bụng.

Do các hạn chế về tài chính, chính quyền địa phương ở Chiết Giang và Thâm Quyến đã đưa ra thông báo yêu cầu các cơ quan chính quyền các cấp phải “sống thắt lưng buộc bụng”, và các cơ quan, tổ chức chính phủ ở nhiều nơi đã bắt đầu thanh lý những nhân sự không phải là nhân viên chính thức.

Một số cư dân mạng bình luận rằng, quan chức Bộ Tài chính nói chính quyền đang “thắt chặt chi tiêu” để đổi lấy việc người dân có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng “người dân cũng muốn được sống một cuộc sống như của cán bộ nhà nước…không cần thiết phải đặt ra hai tiêu chuẩn”.

Bà Zhou, một cư dân ở Thạch Gia Trang, cho biết tình hình tài chính eo hẹp của nhiều chính quyền quận đã ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền. Bà cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, công chức ở các đơn vị khác nhau bắt đầu sống thắt lưng buộc bụng. Về vấn đề lương của cán bộ ở các đơn vị liên kết với chính quyền cấp quận, một số nơi phải tự mình giải quyết. Con gái bạn tôi hiện đang du học tại một trường đại học ở nước ngoài. Anh ấy hiện đang yêu cầu cô bé nhanh chóng nộp đơn xin nhập cư và cố gắng hết sức để ở lại nước ngoài”.

Được biết, vào tháng 2 năm nay, 31 tỉnh, thành ở Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch “sống thắt lưng buộc bụng”, bao gồm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi chung như “3 chi phí chung” được đề cập ở trên.

Khủng hoảng tài chính của chính quyền địa phương

Sự khó khăn về tài chính của chính quyền địa phương dường như ngày càng tăng cao, và các chính quyền địa phương đang tăng mạnh việc vay nợ.

Trong 11 tháng đầu năm nay, tổng lượng phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương Trung Quốc đạt xấp xỉ 9,14 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 1,27 nghìn tỷ USD), vượt xa mức phát hành trái phiếu 7,4 nghìn tỷ CNY (khoảng 1,03 nghìn tỷ USD) cho cả năm 2022. Trong số đó, trái phiếu đảo nợ lên tới 459 triệu CNY (gần 64 triệu USD), tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những dữ liệu này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong cuộc khủng hoảng nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại và chính quyền địa phương không có khả năng trả lãi và gốc. Họ đang phải vay mới và trả nợ cũ. Điều này có thể nhanh chóng phát triển thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn quốc.

Ba năm đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thực của Trung Quốc, cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản đang lan rộng khắp đất nước, khiến cuộc khủng hoảng tài chính địa phương của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.

Trong 11 tháng đầu năm nay, tổng lượng trái phiếu chính quyền địa phương phát hành đạt 9,14 nghìn tỷ CNY, một nửa trong số đó được dùng để trả nợ cũ. Tổng lượng phát hành trái phiếu đạt mức cao mới trong cùng kỳ.

Bảo Nguyên tổng hợp

Related posts