Vụ khai thác cát lậu: Bắt chủ tịch tỉnh An Giang

Ông Nguyễn Thanh Bình. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ông Nguyễn Thanh Bình bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan đường dây khai thác cát lậu lớn nhất địa phương này.

Chiều ngày 25/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét khẩn cấp đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Ông Giang bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68, Sở TN-MT tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Ông Nguyễn Thanh Bình bị xác định đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang), thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can.

Liên quan đến vụ án này, đến nay, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 20 bị can. Trong đó, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Nguyễn Việt Trí, nguyên Giám đốc Sở TN-MT An Giang, cùng bị khởi tố về hành vi Nhận hối lộ.

Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68, bị khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và đưa hối lộ…

Bước đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 đã khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng.

Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép, ông Lê Quang Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý mua hóa đơn khống để hợp thức nguồn gốc cát lậu.

Ông Lê Quang Bình và một số thuộc cấp dùng số tiền thu được từ hoạt động khai thác cát trái phép để lót tay cho một số cán bộ cơ quan chức năng tại tỉnh An Giang.

Phạm Toàn

Vụ Thứ trưởng Công thương bị bắt: Những sai phạm của Xuyên Việt Oil

Xuyên Việt Oil từng bị Thanh tra Bộ Công thương chỉ ra nhiều sai phạm về xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu… Ngoài ra, doanh nghiệp này nợ thuế hàng ngàn tỷ đồng.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải bị bắt hôm 21/12 với cáo buộc có sai phạm trong vụ án liên quan Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt (Xuyên Việt Oil).

Ngoài ra, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Duy Minh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Xuyên Việt Oil Nguyễn Thị Như Phương cũng bị khởi tố, tạm giam để điều tra liên quan vụ án tại doanh nghiệp này.

Nhiều sai phạm

Xuyên Việt Oil thành lập năm 2005, có trụ sở tại TP.HCM, được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu lần đầu vào ngày 22/8/2016, cấp lại vào ngày 19/11/2021.

Xuyên Việt Oil có 49 đại lý, bao gồm 17 đại lý do công ty mẹ Xuyên Việt Oil trực tiếp ký hợp đồng đại lý và 32 đại lý thuộc Công ty Đại Đồng Xuân, là công ty con của Xuyên Việt Oil.

Hồi năm 2022, kết luận từ Thanh tra Bộ Công Thương chỉ ra rằng để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ – con.

Cụ thể, Xuyên Việt Oil có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân. Thế nhưng, đúng vào ngày được cấp lại giấy phép, Xuyên Việt Oil và Công ty Đại Đồng Xuân ký kết văn bản hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm hủy bỏ, hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết.

Bộ Công Thương cho biết Xuyên Việt Oil chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu).

Liên quan đến việc thu mua nguồn hàng, theo quy định, đầu mối được phép mua xăng dầu từ nhiều nguồn để đảm bảo nguồn cung trong hệ thống. Ngoài lấy xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, Xuyên Việt Oil đã mua hàng từ chính công ty con – Công ty cổ phần Việt Oil Group Lado, là vi phạm quy định tại Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn vi phạm quy định về xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu, cũng như chưa kiểm tra, giám sát chất lượng, hoạt động của các tổng đại lý, đại lý trong hệ thống.

Kết quả thanh tra cho thấy các báo cáo, hồ sơ doanh nghiệp này cung cấp cho đoàn kiểm tra không khớp với số liệu Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) theo dõi. Các quy định về báo cáo định kỳ hàng quý, năm về tình hình kinh doanh, mua bán xăng dầu, số liệu nhập – xuất – tồn kho cho Bộ Công Thương cũng không được Xuyên Việt Oil tuân thủ hoặc gửi chậm.

Với loạt vi phạm và chiêu gian lận trong kinh doanh, doanh nghiệp này bị xử phạt vi phạm 390 triệu đồng và tước Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng (từ 10/8-13/9/2022).

Năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện việc kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với Xuyên Việt Oil.

Tại thời điểm kiểm tra, Bộ Công Thương ghi nhận công ty này có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng trong đó 3 cửa hàng có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Do không đáp ứng điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nên ngày 11/8, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-BCT thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Xuyên Việt Oil.

Doanh nghiệp nợ thuế cực lớn

Năm 2022, doanh nghiệp này nợ trên 684 tỷ đồng tiền thuế, đây cũng là thời điểm thị trường xăng dầu trong nước gặp trục trặc về nguồn cung. Vì lý do này, Cục Thuế TP HCM đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục, không giải quyết nhập khẩu xăng, dầu cho Xuyên Việt Oil.

Trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 2 năm 2023 vừa được Cục Thuế TP.HCM công bố, Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách với số nợ thuế lên tới 1.529 tỷ đồng, chiếm gần 19% tổng số nợ. Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tháng 1/2020, Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng chỉ 3 năm sau, số nợ đã tăng lên hàng ngàn tỷ đồng. Thời điểm đó, ông Lê Duy Minh là lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM.

Công ty Xuyên Việt Oil lý giải về tình trạng nợ thuế của mình là do thực tế đứt gãy nguồn cung xăng dầu tại TP.HCM năm 2022 và sự thay đổi đột ngột chính sách tín dụng của ngân hàng khiến công ty không cân đối kịp nguồn tài chính để nộp các khoản thuế tới hạn theo quy định. Tuy nhiên, trong văn bản gửi Cục Thuế TP.HCM, Tổng cục Thuế chỉ ra những bất thường liên quan đến công tác quản lý thuế với Xuyên Việt Oil, dẫn đến tình trạng nợ thuế hàng ngàn tỷ đồng chưa thể thu hồi.

Ngoài số nợ thuế nêu trên, Xuyên Việt Oil còn nợ hàng ngàn tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại và đều bị xếp vào diện nợ xấu. Theo báo cáo tài chính của Xuyên Việt Oil, đến cuối năm 2022, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đi lùi khi doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 11.911 tỷ đồng, giảm 10.446 tỷ đồng (46,7%) so với năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 lỗ 800 tỷ đồng, năm trước đó lỗ 720 tỷ đồng; lỗ lũy kế lên đến 3.533 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 533 tỷ đồng. Tổng tài sản của Xuyên Việt Oil tại thời điểm 31/12/2022 ghi nhận 8.483 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cuối năm 2021; nợ phải trả giảm 30% xuống 9.015 tỷ đồng, trong khi nợ vay ngắn hạn tăng 145%, tương ứng 5.844 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Related posts