Cái lạnh của mùa đông năm nay tại Trung Quốc dường như được tăng cường bởi khó khăn kinh tế. Trong khi không có đủ điện để sưởi ấm, người dân Trung Quốc lại đang phải đối mặt với “gian lận công tơ điện”.
Khi cái lạnh cực độ bao phủ Trung Quốc, đất nước này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu năng lượng và việc hóa đơn tiền điện tăng vọt. Cư dân mạng đang phàn nàn về việc hệ thống sưởi trong nhà không đủ ấm và hóa đơn tiền điện tăng quá cao.
Nhiệt độ lạnh kỷ lục của mùa đông năm nay đã mang tuyết đến cả các tỉnh cận nhiệt đới phía nam Trung Quốc. Vấn đề thiếu sưởi ấm đang gây khó khăn cho các thành phố đông dân phía bắc và các tỉnh phía tây bắc – các khu vực như Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ và Tân Cương.
Reuters hôm 24/12 đưa tin Bắc Kinh đã phá kỷ lục thời tiết lạnh kéo dài 7 thập kỷ.
Vào ngày 24/12, một cư dân mạng ẩn danh đã đăng một bài viết lên mạng xã hội kêu gọi sự chú ý đến những vấn đề về sưởi ở miền bắc Trung Quốc sau trận tuyết rơi gần đây.
Cư dân mạng không nêu rõ vị trí nhưng cho biết nhiệt độ đã giảm xuống âm 15 độ F (khoảng -26 độ C), nhưng “nhiệt độ trong nhà của nhiều căn hộ cư dân là khoảng 10 đến 15 độ [-12 đến -9 độ C]”.
“Người già và trẻ em mặc áo khoác cotton dày [ở nhà] mà vẫn bị cảm lạnh và đổ bệnh”, bài đăng cho biết và cho biết thêm người dân đã khiếu nại lên chính quyền nhưng không có phản hồi. “Đường dây nóng dịch vụ chính phủ 12345 chỉ là trò diễn. Cái gọi là dịch vụ khách hàng do công ty sưởi ấm quảng bá thật vô dụng”.
Một cư dân mạng khác đến từ Thiên Tân, một thành phố lớn ở miền bắc Trung Quốc, phàn nàn vào ngày 23/12 rằng trong vài ngày đầu tiên của đợt lạnh, nhiệt độ trong nhà chỉ là 14 độ F (-10 độ C).
Trung Quốc đã trải qua tình trạng thiếu điện đáng kể trong những năm gần đây. Vào mùa hè, việc sử dụng điều hòa không khí chỉ được duy trì ở mức tối thiểu và các nhà máy phải sắp xếp lịch trình hoạt động do các vấn đề về lưới điện. Ông Liu Xin (hóa danh), một cư dân ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times: “Việc các khu dân cư gặp phải tình trạng mất điện trong cả mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá không phải là hiếm”.
Ông Liu cho biết, cộng thêm vào nỗi khốn khổ của người dân là hóa đơn tiền điện cao ngất trời. Mùa đông năm nay, đèn ở một số tòa nhà bị tắt và một số đường phố trong thành phố của ông không sáng đèn.
Vấn đề với công tơ điện
Những năm gần đây, nhiều khu dân cư ở Trung Quốc đã thay thế đồng hồ đo điện truyền thống bằng đồng hồ thông minh. Sau khi thay đồng hồ, nhiều người dân phàn nàn rằng họ phải trả thêm tiền điện dù mức tiêu thụ điện của họ không thay đổi.
Sự đồn đoán của dư luận về việc gian lận đồng hồ đo điện đã tồn tại trong nhiều thập kỷ bất chấp các phương tiện truyền thông nhà nước nhiều lần phủ nhận.
Đầu năm 2018, một bài viết trên ứng dụng blog Jianshu của Trung Quốc tuyên bố rằng “75% công tơ điện [đồng hồ đo điện] của Trung Quốc được tăng tốc một cách có chủ ý, với độ lệch lớn nhất là nhanh hơn 28%”. Bài báo cáo buộc rằng công tơ điện được tăng tốc vì “một số công ty điện lực yêu cầu một cách riêng tư các nhà sản xuất tăng tốc độ chỉ số của đồng hồ đo”.
Bài báo được truyền thông nhà nước Trung Quốc People’s Daily Online đăng lại, đã khiến đồng hồ thông minh (đo điện) của Trung Quốc trở thành chủ đề nóng trong năm đó.
Vào tháng 8/2021, một bài phân tích trực tuyến về vấn đề này cho biết rằng đồng hồ thông minh vốn đã tiêu thụ một lượng điện nhất định chỉ để hoạt động, chi phí này sau đó sẽ được chuyển sang cho người dùng.
Hàng tỷ USD thuế năng lượng ngầm
Vào ngày 22/12, một bài viết trên cổng thông tin NetEase của Trung Quốc đã đặt câu hỏi: “Có phải đồng hồ [đo điện] quay nhanh là một bí mật?” Bài viết trích dẫn một ví dụ trong đó một cư dân mạng bị tính phí cho 135 độ điện mà đồng hồ của anh ấy hiển thị, mặc dù mức tiêu thụ thực tế trong nhà là 100 độ.
Bài viết ước tính công ty điện lực quốc doanh Trung Quốc đã mua 10 tỷ kWh điện nhưng bán ra 13,5 tỷ kWh.
Bài viết của NetEase cũng so sánh hai bộ dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 15/12 đối với 11 tháng đầu năm 2023, một về sản xuất điện và một về tiêu thụ điện. Dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy tổng sản lượng điện của cả nước từ tháng 1 đến tháng 11 là 8.073,2 tỷ kilowatt giờ (kWh), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Trung Quốc chỉ ra rằng tổng lượng điện tiêu thụ từ tháng 1 đến tháng 11 là 8.367,8 tỷ kWh, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng chú ý là, các số liệu chính thức chỉ ra rằng lượng điện được báo cáo đã được sử dụng của Trung Quốc đã vượt quá lượng điện thực sự được tạo ra, với khoảng chênh lệch là 294,6 tỷ kilowatt giờ. Nếu tính ở mức 0,5 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 0,07 USD) một đơn vị, sự chênh lệch sẽ lên tới khoảng 147,3 tỷ CNY (20,6 tỷ USD), một khoản tính phí quá mức rất lớn đối với hóa đơn điện của Trung Quốc.
Bài viết của NetEase kết luận rằng lời giải thích duy nhất cho hiện tượng phi logic này là đồng hồ đo điện của nhiều người Trung Quốc – kể cả người dùng công nghiệp – bị lỗi. Kết quả là khoản phí quá mức dẫn đến một mức thuế năng lượng ngầm, tăng thêm gánh nặng cho những người nộp thuế Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn, với khoản gia tăng hàng tỷ USD tiền thuế bổ sung.
Bài viết sau đó đã bị kiểm duyệt.
Thiếu tiền để dọn tuyết và hỗ trợ nạn nhân động đất
Thiếu điện không phải là vấn đề duy nhất của người dân Trung Quốc giữa thời tiết khắc nghiệt năm nay. Ngân sách eo hẹp đã khiến chính quyền Trung Quốc không có đủ tiền để dọn tuyết trên đường phố. Không chỉ như vậy, những nạn nhân động đất cũng đã không nhận được sự hỗ trợ đáng có.
Ông Chen, một người gốc Hà Bắc làm việc tại Bắc Kinh, nói với The Epoch Times vào ngày 18/12: “Vì thâm hụt tài chính và việc thiếu tiền trong nguồn tài chính của chính quyền địa phương ở nhiều nơi, công nhân vệ sinh thành phố từ chối làm việc mà không được trả lương. Trong hai ngày này, thành phố chỉ có thể dựa vào việc xúc tuyết thủ công, họ không lái những chiếc xe cào tuyết lớn ra đường để xúc”.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times rằng vì chính quyền trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nằm ở Bắc Kinh nên họ sẽ kiểm soát được việc dọn tuyết ở đó. Tuy nhiên, việc dọn tuyết đã trở thành một vấn đề lớn đối với nhiều thành phố phía bắc khác ở Trung Quốc.
Ông Lý nói: “Chính quyền địa phương vẫn còn nợ tiền dọn tuyết năm ngoái và vẫn chưa trả IOU [giấy nợ]”. “Sau đó, năm nay, họ yêu cầu người dân xúc tuyết, nhưng các công ty xúc tuyết và công ty dịch vụ đó đã từ chối cung cấp các dịch vụ. Chính quyền bây giờ phải mang theo tiền mặt để yêu cầu họ dọn tuyết”.
Trong khi đó, một trận động đất mạnh 6,2 độ richter xảy ra ở huyện Tích Thạch Sơn, châu Lâm Hạ, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 18/12, khiến ít nhất 126 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Nhiều tòa nhà và nhà cửa bị sập trong trận động đất. Tuy nhiên, chỉ 15 giờ sau trận động đất, ĐCSTQ tuyên bố công tác cứu hộ đã kết thúc, khiến các nạn nhân bị mắc kẹt ngoài trời trong nhiệt độ lạnh giá. Những người sống sót sau trận động đất và những người sơ tán đã đốt lửa trên đường phố và gần những ngôi nhà đổ nát của họ để giữ ấm.
Theo Đài quan sát Khí tượng Trung ương, nhiệt độ thấp nhất ở huyện Tích Thạch Sơn, tâm chấn, có thể đạt tới âm 10 đến âm 14 độ C (14 đến 6,8 độ F).
Ông Zheng, một người dân ở huyện Tích Thạch Sơn, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi vẫn chưa nhận được sự cứu hộ và cứu trợ thực sự.
“Nhà chúng tôi bây giờ không còn ở được nữa. Chúng tôi dựng lều trước nhà và đốt lửa. Trẻ em và người già ngồi trước đống lửa để sưởi ấm”.
Chính quyền Trung Quốc ‘thắt lưng buộc bụng’
Tình cảnh khó khăn về kinh tế và tài chính đã trở thành chủ đề bao trùm tại Trung Quốc. Với tình hình này, không khó để tưởng tượng tại sao người dân Trung Quốc lại đang phải vật lộn với các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống giữa thời tiết giá lạnh.
Mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố tài liệu hội nghị công tác thường niên, cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” đã được nhắc đến 6 lần và trở thành từ khóa. Ngoài ra, chính quyền địa phương Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh “sống thắt lưng buộc bụng”.
Ngày 22/12, Bộ Tài chính công bố văn bản nội dung hội nghị công tác thường niên. Từ khóa “những ngày thắt chặt chi tiêu” xuất hiện một cách đáng chú ý.
Một kênh thông tin về tài chính cho rằng cụm từ “những ngày thắt chặt chi tiêu” từ Bắc Kinh đã được nhắc đến trong nhiều năm liên tiếp và không có gì lạ khi nó xuất hiện trong văn bản cuộc họp của Bộ Tài chính năm nay. Điều kỳ lạ là “những ngày thắt chặt chi tiêu” chỉ xuất hiện 1 lần trong văn bản cuộc họp năm ngoái, trong khi nó xuất hiện tới 6 lần trong năm nay.
Được biết, bất động sản từng là “vũ khí thuế” của Bắc Kinh và các khoản thu nhập khác nhau từ bất động sản chiếm khoảng 50% thu nhập của địa phương. Sau khi thị trường bất động sản sụp đổ, áp lực tìm kiếm doanh thu đối với chính quyền địa phương tăng mạnh, cuộc sống thắt chặt chi tiêu là điều khó tránh khỏi.
Bộ Tài chính dường như coi “những ngày thắt chặt chi tiêu” là từ khóa của năm nay. Trong khi đó, tài chính của chính quyền địa phương thậm chí còn khó khăn hơn và họ đang nhấn mạnh đến cuộc sống thắt lưng buộc bụng.
Từ Quốc vụ viện Trung Quốc đến chính quyền địa phương, từ truyền thông trung ương đến các trang web của chính quyền địa phương, tất cả đều đề cập đến nhu cầu “sống thắt lưng buộc bụng” và không có ngoại lệ.
Tại Hội nghị Công tác kinh tế Tỉnh ủy Chiết Giang tổ chức ngày 20/12, Bí thư Tỉnh ủy Yi Lianhong nhấn mạnh các cơ quan đảng, chính quyền phải làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng.
Một bài viết có tựa đề “Sống thắt lưng buộc bụng” đăng trên trang web của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Giang Tô vào ngày 19/12 cho biết, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vừa được tổ chức tại Bắc Kinh và cuộc họp yêu cầu các cơ quan đảng, chính quyền làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng. Đảng viên, cán bộ Trung Quốc cũng được yêu cầu phải đi đầu trong việc sống thắt lưng buộc bụng.
Do các hạn chế về tài chính, chính quyền địa phương ở Chiết Giang và Thâm Quyến đã đưa ra thông báo yêu cầu các cơ quan chính quyền các cấp phải “sống thắt lưng buộc bụng”, và các cơ quan, tổ chức chính phủ ở nhiều nơi đã bắt đầu thanh lý những nhân sự không phải là nhân viên chính thức.
Bà Zhou, một cư dân ở Thạch Gia Trang, cho biết tình hình tài chính eo hẹp của nhiều chính quyền quận đã ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền. Bà cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, công chức ở các đơn vị khác nhau bắt đầu sống thắt lưng buộc bụng. Về vấn đề lương của cán bộ ở các đơn vị liên kết với chính quyền cấp quận, một số nơi phải tự mình giải quyết. Con gái bạn tôi hiện đang du học tại một trường đại học ở nước ngoài. Anh ấy hiện đang yêu cầu cô bé nhanh chóng nộp đơn xin nhập cư và cố gắng hết sức để ở lại nước ngoài”.
Được biết, vào tháng 2 năm nay, 31 tỉnh, thành ở Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch “sống thắt lưng buộc bụng”, bao gồm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi chung như “3 chi phí chung” được đề cập ở trên.
Bảo Nguyên tổng hợp