Zhongzhi thanh lý phá sản – Cú sốc làm rung chuyển lĩnh vực ngân hàng ngầm Trung Quốc

Zhongzhi thanh lý phá sản - Cú sốc làm rung chuyển lĩnh vực ngân hàng ngầm Trung Quốc
Một người đàn ông đi trên con đường phía trước văn phòng Bắc Kinh của Zhongrong International Trust Co., thuộc sở hữu của Zhongzhi Enterprise Group, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/8/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Sự sụp đổ của Zhongzhi có thể đã được dự đoán trước, tuy nhiên, việc gã khổng lồ này trực tiếp nộp đơn làm thủ tục thanh lý phá sản có thể khiến người ta bị sốc. Giờ đây, kinh tế Trung Quốc lại phải đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, “Tập đoàn Zhongzhi“, đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận.

Vào ngày 5/1, Tòa án Trung cấp số 1 Bắc Kinh đã ra thông báo cho biết Tập đoàn Zhongzhi Enterprise đã nộp đơn xin phá sản với lý do không trả được các khoản nợ đến hạn, không có đủ tài sản để trả hết nợ và rõ ràng là không có khả năng thanh toán.

Sau khi xem xét, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Bắc Kinh cho rằng hồ sơ của Zhongzhi đáp ứng các lý do phá sản được quy định tại Điều 2, khoản 1 Luật Phá sản doanh nghiệp và ra phán quyết vào ngày 5/1 chấp nhận đơn xin thanh lý phá sản của Tập đoàn Zhongzhi Enterprise.

Gã khổng lồ này vào thời kỳ đỉnh cao quản lý tài sản trị giá hơn 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 140 tỷ USD), giờ đây đã sụp đổ nhanh chóng sau khi lĩnh vực bất động sản Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng tàn khốc.

Phán quyết dân sự tuyên bố rằng thanh khoản của Zhongzhi bị thiếu hụt một cách trầm trọng, chỉ còn 1,81 triệu CNY (0,25 triệu USD) trong quỹ.

Vụ phá sản của Zhongzhi là một trong những vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, gây thêm áp lực lên tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng vốn đang trong tình trạng mong manh của Trung Quốc. Bất động sản trì trệ, nhu cầu trong nước yếu và thương mại trì trệ đều đang đè nặng lên nền kinh tế, khiến chỉ số chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm mạnh trong 3 năm liên tiếp.

Chỉ vài tháng trước khi Zhongzhi nộp đơn xin phá sản, công ty tín thác liên kết với gã khổng lồ lần đầu tiên làm dấy lên mối lo ngại trên thị trường tài chính khi không hoàn trả được các khoản đầu tư của khách hàng đối với các sản phẩm đầu tư lợi tức cao. Zhongzhi cho biết trong thư gửi các nhà đầu tư vào tháng 11/2023 rằng khoản nợ của họ lên tới 420 tỷ đến 460 tỷ CNY (khoảng 59 đến 65 tỷ USD), trong khi tài sản chỉ có 200 tỷ CNY (khoảng 28 tỷ USD).

Ba ngày sau khi Zhongzhi tiết lộ rằng họ “mất khả năng trả nợ một cách trầm trọng”, Chi nhánh Triều Dương của Văn phòng Công an Thành phố Bắc Kinh đã thông báo cho công chúng rằng họ sẽ mở một cuộc điều tra về công ty quản lý tài sản thuộc “Tập đoàn Zhongzhi”. Công an Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với một số nghi phạm.

Vụ phá sản này đã bộc lộ những lỗ hổng trong thị trường tài sản ủy thác trị giá 22 nghìn tỷ CNY (khoảng 3 nghìn tỷ USD) của Trung Quốc, đồng thời nêu bật những rủi ro của thị trường tín dụng tư nhân đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc thiếu thông tin và không có được sự minh bạch về các kênh tài chính bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Reuters cho biết diễn biến tồi tệ của Tập đoàn Zhongzhi đã làm gia tăng mối lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ bất động sản Trung Quốc sang lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn.

Zhongzhi là một trong những công ty lớn nhất trong ngành, thường được mệnh danh là “Blackstone” của Trung Quốc. Gã khổng lồ này cung cấp các sản phẩm đầu tư cho các hộ gia đình và doanh nghiệp giàu có và là thành phần chính của hệ thống ngân hàng ngầm Trung Quốc.

Logo Evergrande trên tòa nhà dân cư ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, vào ngày 4/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tác động đáng lo ngại của vụ việc

Bà Xiaoxi Zhang, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Thượng Hải, nói với tờ Wall Street Journal rằng việc Zhongzhi phá sản có thể có những tác động lan tỏa.

Bà nói: “Tâm lý nhà đầu tư trong nước có thể trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư giàu có”. Bà nói tiếp:” Tất nhiên, các tổ chức ngân hàng ngầm khác có thể theo bước [Zhongzhi]”.

Những người Trung Quốc hiểu biết sâu sắc về các biện pháp quản lý của Bắc Kinh đã nhắc nhở trên mạng xã hội nước ngoài X rằng việc tòa án Bắc Kinh chấp nhận vụ phá sản của Zhongzhi là một tín hiệu cho thấy các biện pháp “duy trì sự ổn định” sẽ được áp dụng với các nạn nhân của Zhongzhi.

“(Điều này) tương đương với một thông báo chính thức: 1. Hành động phân chia tài sản tịch thu từ Tập đoàn Zhongzhi đã chính thức bắt đầu; 2. Lời nhắc nhở đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang bị lợi dụng: đừng gây rắc rối nữa, và bạn sẽ bị bắt nếu bạn lại gây rắc rối nữa [do họ có thể biểu tình hoặc chống đối vì bị mất tiền trong Zhongzhi]”.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một cư dân mạng đã đăng: “Người giàu sẽ chết vì quỹ tín thác, tầng lớp trung lưu sẽ chết vì cổ phiếu, còn người nghèo sẽ chết trong P2P [các công ty cho vay ngang hàng]”.

Theo phân tích trước đây của ông Ying Yue, luật sư của Công ty luật Leaqual Thượng Hải, các nhà đầu tư của Zhongzhi có thể thiệt hại kinh tế hơn 75% và quá trình xét xử vụ án dự kiến sẽ chậm và kéo dài. Ông Ying Yue chịu trách nhiệm về các trường hợp tranh chấp trong hoạt động quản lý tài sản. Theo ước tính của Bloomberg, các nhà đầu tư của Zhongzhi có thể chỉ nhận lại được khoảng 13% số tiền gốc.

Ông Sun Jianbo, chủ tịch của Huaxin Capital có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Bloomberg rằng số tiền thu hồi được từ việc bán tài sản dự kiến sẽ thấp hơn vì tính thanh khoản của Zhongzhi đã cạn kiệt. Hiện tại, Zhongzhi chỉ còn 1,81 triệu CNY (0,25 triệu USD) thanh khoản.

Nguyên nhân từ bất động sản?

Một công nhân đứng nhìn chuẩn bị băng qua đường bên ngoài một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/4/2022. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Bloomberg đưa tin ông Zhao Jian, chủ tịch Viện nghiên cứu Xijing, cho biết thị trường bất động sản tiếp tục suy thoái, cùng với những hạn chế chính sách nghiêm ngặt và việc tăng cường chiến dịch chống tham nhũng tài chính, đã cản trở việc thu hồi vốn kịp thời ở Zhongzhi. Theo ước tính của ông, hơn một nửa tài sản của Zhongzhi có liên quan đến bất động sản.

Ông cho rằng, việc thu hồi vốn từ các tài sản này đã trở nên cực kỳ khó khăn.

China Fund News cho biết, bất động sản có thể là nguyên nhân của vụ việc. Zhongzhi và các chi nhánh của nó, đặc biệt là Công ty Tín thác Quốc tế Zhongrong (Zhongrong International Trust Co.), đã cung cấp tài chính cho các nhà phát triển và thu mua tài sản từ các công ty bất động sản như Evergrande.

Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ban hành các biện pháp kích thích nhằm phục hồi doanh số bán bất động sản, thị trường nhà ở Trung Quốc vẫn gặp khó khăn, với doanh số bán hàng giảm trong 20 tháng trong 2 năm qua.

Ông Hong Hao, nhà kinh tế trưởng của GROW Investment Group, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng với tốc độ bán hàng hiện tại, sẽ mất khoảng hai năm để giải quyết hết số nhà mới tồn kho và mười năm để giải quyết hết số căn hộ đang được xây dựng.

Một diễn biến khác thường

Dù vụ sụp đổ của Zhongzhi đã được dự đoán trước nhưng việc nộp đơn trực tiếp làm thủ tục phá sản là một diễn biến khác với các trường hợp trong quá khứ. Bởi trong những năm gần đây, dù cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc có lớn đến đâu thì việc tái cơ cấu nợ thường là bước đầu tiên để tránh phá sản chính thức.

Tập đoàn HNA sụp đổ với khoản nợ 1,2 nghìn tỷ CNY (khoảng 170 tỷ USD) đã hoàn tất tái cơ cấu vào năm 2022. Vụ vỡ nợ của Evergrande vào năm 2021 đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, nhưng với khoản nợ 2 nghìn tỷ CNY (khoảng 300 tỷ USD), tập đoàn này vẫn đang cố gắng tránh bị thanh lý và vẫn chưa nộp đơn xin phá sản.

Tờ Financial Times dẫn lời một nhà quản lý quỹ của Tập đoàn Tài chính Trung Quốc (China Financial Group) tại Hong Kong nói rằng thông tin Zhongzhi “trực tiếp tiến đến bước thanh lý” là “rất sốc”.

Đồng thời, vụ phá sản của Zhongzhi cũng nêu bật những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc giải quyết các vấn đề nợ quy mô lớn và đôi khi là bị ẩn giấu, đồng thời minh họa cho sự thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính cho các lĩnh vực rủi ro hơn trong hệ thống tài chính Trung Quốc.

Bắc Kinh từ chối giải cứu

Một số nhà phân tích cho rằng việc tòa án chấp nhận vụ phá sản của Zhongzhi cũng cho thấy Bắc Kinh không sẵn lòng giải cứu các công ty tài chính gặp khó khăn do đầu tư bất động sản.

Vào tháng 8/2023, Zhongzhi lần đầu tiên làm dấy lên mối lo ngại về sự sụp đổ của mình khi một trong những công ty tín thác của họ không kịp thời trả lợi tức từ các sản phẩm đầu tư lợi nhuận cao cho khách hàng.

Bloomberg dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, cũng trong tháng đó, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu hai công ty tài chính lớn nhất nước này kiểm tra sổ sách của Zhongrong. Đây có thể là sự thăm dò của Bắc Kinh về việc có nên đi đầu trong việc giải cứu ngân hàng ngầm đang gặp khó khăn hay không.

Vào cuối tháng 10 cùng năm, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tham dự Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia được tổ chức 5 năm một lần và nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn hiệu quả các rủi ro tài chính và trấn áp nghiêm khắc các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Sau đó, cơ quan quản lý ngân hàng, cơ quan giám sát các công ty tín thác, tuyên bố sẽ sử dụng “liều thuốc mạnh” để đối phó với những rủi ro lớn.

Tờ Wall Street Journal cho biết Zhongzhi đã tuyên bố phá sản sau một năm thảm họa, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang đối mặt với “khoảnh khắc Lehman”.

Các ngân hàng ngầm như Zhongzhi là những công ty được chính quyền quản lý một cách lỏng lẻo, tập hợp tiền tiết kiệm của hộ gia đình để cho vay và đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa. Ngành tín thác là nguồn tài chính thay thế quan trọng cho những người đi vay yếu hơn như các nhà phát triển bất động sản và các phương tiện tài chính chính quyền địa phương, những đối tượng không thể có được các khoản vay truyền thống từ ngân hàng.

Có trụ sở chính tại Bắc Kinh, Zhongzhi được thành lập vào năm 1995 và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khai thác mỏ, sản xuất, ủy thác, quản lý tài sản, bảo hiểm, quỹ, hợp đồng tương lai và các ngành công nghiệp khác. Vào thời kỳ đỉnh cao, tài sản của nó vượt quá 1 nghìn tỷ CNY (khoảng 140 tỷ USD).

Trang web của tập đoàn này cho biết tập đoàn này nắm giữ cổ phần của 6 tổ chức tài chính được cấp phép, bao gồm Zhongrong, 5 công ty quản lý tài sản và 4 công ty quản lý tài sản toàn diện. Bốn công ty quản lý tài sản toàn diện là Hengtian Wealth, Datang Wealth, Xinhu Wealth và Gaosheng Wealth.

Zhongzhi gặp khó ra sao?

Kể từ năm 2017, các cơ quan quản lý Trung Quốc – tuân theo chính sách “Nhà ở để ở, không phải để đầu cơ” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – đã tăng cường kiểm soát nguồn tài chính trong ngành bất động sản, áp đặt các hạn chế trực tiếp đối với các khoản vay ngân hàng. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn tài chính từ các công ty nằm dưới sự bảo trợ của Zhongzhi, bao gồm cả Zhongrong. Với nguồn vốn đáng kể, Zhongzhi nổi lên như một nhà hỗ trợ tài chính lớn cho nhiều công ty bất động sản trên khắp Trung Quốc.

Về cốt lõi, hoạt động kinh doanh chính của Zhongzhi có thể được chia thành hai thành phần chính.

Một thành phần xoay quanh việc tài trợ và tìm kiếm vốn, chủ yếu được hỗ trợ thông qua các công ty con bao gồm quỹ tín thác, công ty vốn cổ phần tư nhân, công ty quản lý tài sản và bốn công ty quản lý tài sản toàn diện lớn. Các khoản vốn có được này sau đó được chuyển vào việc mua cổ phần, đầu tư vốn cổ phần, các hoạt động về vốn nhằm tăng giá cổ phiếu và cuối cùng thực hiện chiến lược rút lui thông qua chuyển nhượng vốn cổ phần, mang lại lợi nhuận đáng kể.

Cách tiếp cận này cho kết quả tốt trong điều kiện thị trường vốn thuận lợi. Tuy nhiên, chiến lược rút lui của Zhongzhi gặp phải một loạt những trở ngại: các cơ quan quản lý Trung Quốc ban hành các quy định mới về thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán trì trệ, áp lực suy giảm mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải gánh chịu và hậu quả của các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch. Trong khi đó, nguồn vốn cổ phần tư nhân phải đối mặt với những hạn chế, dẫn đến thách thức về thanh khoản.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang suy thoái, các sản phẩm tài chính của Zhongzhi cuối cùng đã vỡ nợ.

Một khu dân cư phức hợp được xây dựng bởi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 31/8/2023. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Việc vỡ nợ của Zhongzhi cũng có tác động đáng kể đến tài sản cá nhân của nhiều cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.

Ông Liang Liang, giám đốc quản lý tài sản tại Hengtian Wealth, từng cho biết trong số các khách hàng có khoản đầu tư cá nhân vượt quá 417.000 USD, có tới 150.000 người bị ảnh hưởng, trong đó khoản đầu tư cá nhân lớn nhất lên tới 694 triệu USD.

Zhongzhi, cùng với các đơn vị do nó kiểm soát, đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao với lãi suất cạnh tranh. Đáng chú ý, ZEG không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhà nước mà còn nắm giữ tất cả 6 giấy phép hoạt động tài chính quan trọng, khiến nó trở thành một lựa chọn rất hấp dẫn cho các hoạt động gây quỹ.

Nhiều công ty tín thác Trung Quốc bị cảnh báo

Tuy nhiên, Zhongzhi không phải là cái tên duy nhất trong lĩnh vực tín thác Trung Quốc gặp vấn đề.

Bloomberg hôm 3/12/2023 đưa tin, ông Jason Bedford, người từng là nhà phân tích tại Bridgewater Associates và UBS Group AG, cho biết nhiều công ty tín thác đang gặp khó khăn và có vấn đề về khả năng thanh toán.

Ông Bedford nổi tiếng vì đã cảnh báo về rắc rối mà các ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc gặp phải sau khi phân tích gần 250 báo cáo tài chính. Ông Bedford đã đưa ra cảnh báo tương tự đối với các công ty tín thác của Trung Quốc.

Theo tính toán của ông Bedford, 14 trong số 55 quỹ tín thác công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã báo cáo hơn 1/3 tổng tài sản của họ là các tài sản thuộc diện đáng lo ngại. Theo ông Bedford, một số lượng đáng kể trong số 13 công ty không báo cáo cũng có thể đang gặp rắc rối.

Năm 2016, ông Bedford, khi đó là nhà phân tích tại UBS Securities, đã nghiên cứu hàng loạt ngân hàng chiếm gần 87% tài sản ngành ngân hàng Trung Quốc và cảnh báo điểm bùng phát của ngành ngân hàng Trung Quốc có thể xảy ra vào năm 2019. Năm 2019, sau khi xem xét báo cáo tài chính của gần 250 ngân hàng Trung Quốc, ông một lần nữa khẳng định rằng các ngân hàng mà ông xem xét phải đối mặt với mức thiếu vốn lên tới 2,4 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 349 tỷ USD).

Vào tháng 5 năm 2023, Công ty Tín thác Xinhua sụp đổ, trở thành công ty tín thác đầu tiên phá sản kể từ khi Luật Tín thác được ban hành năm 2001.

Các quỹ tín thác thường nhận tiền gửi từ các nhà đầu tư cá nhân giàu có và các công ty rồi đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác. Theo Bloomberg Economics, các quỹ tín thác, hoạt động với ít sự giám sát theo quy định hơn so với các ngân hàng, chiếm gần 10% tổng số khoản vay của Trung Quốc.

Ông Bedford cho biết: “Trong khi một số quỹ tín thác vẫn còn tương lai, thời kỳ cho các nhà phát triển bất động sản vay với lãi suất cao, vốn từ lâu đã trở thành xương sống của nhiều quỹ tín thác, dường như đã kết thúc”.

Bảo Nguyên tổng hợp

Related posts