Khúc quanh bất ngờ trong hành trình năng lượng tái tạo của Việt Nam

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Cuối năm 2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) kết luận  ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, và ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng, nằm trong số các quan chức cấp cao của Chính phủ phải chịu trách nhiệm cho các thiếu sót, vi phạm “trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; thực hiện Quy hoạch điện 7 điều chỉnh” (PDP7). Do đó, Ủy ban đề nghị các cơ quan liên quan tiến hành các biện pháp kỷ luật đối với ông Anh, ông Dũng và một số quan chức cấp cao khác có liên quan.

Ông Anh giữ chức bộ trưởng Bộ Công Thương trong khi ông Dũng là phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế, bao gồm lĩnh vực năng lượng, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021. Trong nhiệm kỳ của họ, Việt Nam đã đạt được sự phát triển vượt bậc về năng lượng tái tạo, với nhiều dự án điện mặt trời và điện gió được hoàn thành chỉ trong ba năm. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điều này đã khiến sản lượng điện tái tạo của Việt Nam tăng đáng kể, từ mức chỉ 997 GWh năm 2018 lên tới 37.865 GWh vào năm 2022. Do đó, Việt Nam đã nổi lên trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, chiếm 69% sản lượng điện mặt trời và điện gió của toàn bộ khu vực trong năm 2022.

Tuy nhiên, những thành công như vậy cũng đi kèm nhiều vấn đề. Tháng 4 năm ngoái, một cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc cấp phép và chứng nhận vận hành thương mại các dự án năng lượng tái tạo. Ví dụ, PDP7 điều chỉnh đề ra mục tiêu lắp đặt 850MW năng lượng mặt trời vào năm 2020 , tăng lên 4.000MW vào năm 2025. Tương tự, kế hoạch dự kiến ​​sẽ có 800MW điện gió vào năm 2020 và mục tiêu là 2.000MW vào năm 2025. Tuy nhiên, tính đến tháng 5 năm 2023, tổng công suất lắp đặt của các dự án điện gió, điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã đạt con số đáng kinh ngạc là 21.839MW, vượt xa mục tiêu đặt ra trong PDP7.

Sự gia tăng đột ngột về nguồn năng lượng tái tạo này đã gây căng thẳng cho lưới điện quốc gia, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, nơi tập trung hầu hết các dự án năng lượng tái tạo. Hơn nữa, trong cùng thời kỳ, không có nhiều nhà máy điện truyền thống được xây mới, vốn là điều cần thiết để cung cấp phụ tải nền ổn định cho các nguồn năng lượng tái tạo vốn phụ thuộc vào thời tiết và do đó kém tin cậy hơn. Điều này đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an toàn cho hệ thống điện quốc gia. Hậu quả là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải cắt giảm lượng điện mua vào từ các nguồn năng lượng tái tạo, dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể cho các chủ dự án.

Động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam là việc thực hiện biểu giá điện đầu vào (FIT) cao cho các dự án được chứng nhận bắt đầu vận hành thương mại trước các thời hạn cụ thể. Ví dụ, các trang trại điện mặt trời bắt đầu hoạt động thương mại trước ngày 30 tháng 6 năm 2019 được nhận mức FIT là 9,35 xu Mỹ/kWh, trong khi các trang trại gió trên đất liền và ngoài khơi bắt đầu vận hành thương mại trước ngày 1 tháng 11 năm 2021 sẽ được nhận mức FIT lần lượt là 8,5 xu Mỹ/kWh và 9,8 xu Mỹ/kWh. Trong khi đó, giá FIT cho các dự án điện mặt trời mái nhà vận hành trước ngày 31 tháng 12 năm 2020 là 8,38 xu Mỹ/kWh. Các mức giá FIT này được cố định trong 20 năm.

Các mức giá FIT hấp dẫn này đã gây ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư trong nước để xây dựng các dự án điện mặt trời và điện gió dù hầu hết trong số họ đều không có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng. Họ chủ yếu tận dụng các mối quan hệ, thường bao gồm các khoản hối lộ, để giành được giấy phép dự án, sau đó dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân hàng hoặc trái phiếu doanh nghiệp để tài trợ cho việc phát triển dự án. Do đại dịch cũng như sự cạnh tranh gay gắt về nguồn cung thiết bị và nhà thầu, 62 dự án điện gió đã không thể hoàn thành trước thời hạn FIT. Không thể bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các dự án này gặp khó khăn tài chính trầm trọng. Ngay cả những dự án đủ điều kiện hưởng giá FIT cũng phải đối mặt với các vấn đề ngày càng gia tăng. Bên cạnh việc cắt giảm lượng điện mua vào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều vi phạm trong việc cấp chứng nhận hoàn thành và vận hành thương mại cho nhiều dự án, khiến các dự án này có nguy cơ bị loại khỏi cơ chế FIT. Nhà đầu tư nước ngoài mua lại các dự án từ nhà đầu tư trong nước cũng có thể phải gánh chịu tổn thất nếu cơ quan chức năng phát hiện ra các vi phạm tương tự ở dự án họ đã mua.

Tình hình này cũng tác động tiêu cực đến nhà nước và nền kinh tế nói chung. Hầu hết giá FIT đều cao hơn giá điện bán lẻ trung bình, có nghĩa là nhà nước và người dùng cuối về cơ bản đang trợ cấp cho các dự án năng lượng tái tạo. Các mức giá FIT cao cũng góp phần vào khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vốn ngày càng tăng trong hai năm qua, lên tới 55 nghìn tỷ đồng (2,3 tỷ USD) tại thời điểm tháng 9 năm 2023. Do đó, Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng giá điện bán lẻ, gây áp lực lên lạm phát và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Trước những hậu quả nghiêm trọng này, chính phủ đã cố gắng hạn chế thiệt hại. Ví dụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ngừng mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà hoàn thành sau ngày 31/12/2020, khiến hàng nghìn nhà đầu tư rơi vào tình trạng bấp bênh. Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành thanh tra kỹ lưỡng hầu hết các dự án năng lượng tái tạo. Các dự án bị phát hiện có vi phạm nghiêm trọng, như thiếu giấy phép xây dựng, không có giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chưa hoàn thành tất cả các yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận vận hành thương mại, có thể bị chấm dứt hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tháng trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thậm chí còn đề xuất giảm giá FIT cho 38 dự án nhưng đã nhanh chóng rút lại đề xuất chỉ sau 1 ngày. Sự đảo chiều đột ngột này có thể phần nào phản ánh khó khăn của chính phủ trong việc tìm ra một giải pháp thỏa đáng. Nếu xử lý nhẹ tay sẽ kéo dài tổn thất cho ngân sách nhà nước, còn nếu xử lý nặng tay có thể gây tổn thất tài chính lớn cho các nhà đầu tư, theo đó có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng do các nhà đầu tư phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn vay. Điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường chính sách của Việt Nam và làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của chính phủ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Hiện tại, dường như không có giải pháp đơn giản nào cho vấn đề này. Vẫn chưa rõ Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề và rút kinh nghiệm ra sao cho việc đưa ra các quyết định chính sách trong tương lai. Tuy nhiên, điều không thể tránh khỏi là những người chịu trách nhiệm liên quan sẽ sớm phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng cho một vấn đề vốn có thể trở thành một trong những sai lầm chính sách nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây của Việt Nam.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận về các vấn đề Đông Nam Á Fulcrum.sg.

Related posts