Hãng truyền thông lớn của Trung Quốc xóa bản tin đặc biệt cuối năm có những gương mặt qua đời trong năm 2023

Alex Wu

Các nhân viên đi ngang qua một biển quảng cáo tại văn phòng của Tài Tân (Caixin Media) ở Bắc Kinh vào ngày 18/01/2018. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AP Photo)

Tài Tân (Caixin), một tập đoàn truyền thông lớn của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh được xem là ủng hộ cải tổ, đã lần lượt xóa các bài báo của họ hồi cuối năm 2023. Các chuyên gia nhận định, việc họ xóa bản tin đặc biệt cuối năm đã thu hút sự chú ý rộng rãi vì hãng này đại diện cho tiếng nói của công chúng vốn bị chính quyền cộng sản đàn áp bấy lâu.

Bà Hồ Thư Lập (Hu Shuli), chủ sở hữu của Tài Tân được cho là đã bị cơ quan an ninh quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thẩm vấn.

Vào ngày cuối cùng của năm 2023, Tài Tân đã đăng một bản tin đặc biệt cuối năm mang tên “Lời tiễn biệt cuối cùng cho năm 2023,” nói về những nhân vật nổi tiếng thế giới qua đời trong năm 2023. Bản tin này đã bị xóa vào cùng ngày mà không có bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, nhiều hãng thông tấn đã đăng lại bài viết, và ảnh chụp màn hình của bản tin này đã lan truyền trên mạng xã hội. Ad

Bản tin có một số bức ảnh chân dung cỡ lớn của các quan chức cao cấp của ĐCSTQ và những nhân vật chính trị nổi tiếng, bao gồm cả cựu thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) và cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, người đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng sản. Hầu hết những người nổi tiếng quá cố đều được đề cập đến trong phần thân bài với những bức ảnh nhỏ hoặc chỉ có tên trên một bức ảnh.

Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông là một số ít người xuất hiện trong những bức ảnh lớn ở cuối bài báo là những nhân vật bị chính quyền cho là nhạy cảm, gồm có bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong), người tố cáo dịch bệnh SARS; bác sĩ Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie), người tố cáo dịch AIDS; bà Chu Linh (Zhu Ling), nạn nhân của vụ đầu độc nổi tiếng liên quan đến các cựu quan chức cao cấp nhất của ĐCSTQ; và học giả luật ủng hộ dân chủ Giang Bình (Jiang Ping).

Bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh, người tố cáo dịch SARS năm 2003

Bác sĩ phẫu thuật quân y Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong) trong một phòng khách sạn ở Bắc Kinh vào ngày 09/02/2004. (Ảnh: AP Photo)
Bác sĩ phẫu thuật quân y Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong) trong một phòng khách sạn ở Bắc Kinh vào ngày 09/02/2004. (Ảnh: AP Photo)

Bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh — người tố cáo dịch SARS ở Trung Quốc, một bệnh đường hô hấp do virus corona SARS gây ra, đồng thời là một bác sĩ đã về hưu từ Bệnh viện Đa khoa Quân y của ĐCSTQ (còn gọi là Bệnh viện 301 Bắc Kinh) — đã qua đời hôm 11/03/2023 ở tuổi 91. Ông từng tiết lộ với thế giới sự thật về dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc.

Khi dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc hồi năm 2003, ĐCSTQ đã che đậy quy mô thực sự của dịch bệnh. Ngày 03/04/2003, ông Trương Văn Khang (Zhang Wenkang), Bộ trưởng Bộ Y tế đương thời của Trung Quốc, đã tuyên bố rằng “chỉ có 12 trường hợp mắc SARS ở Bắc Kinh và 3 trường hợp tử vong. SARS ở Trung Quốc đã thực sự được kiểm soát.” Ad

Bác sĩ Tưởng biết rằng dữ liệu thực tế cao hơn nhiều so với con số mà ông Trương cung cấp, và dịch SARS trên toàn quốc vào thời điểm đó đã lên đến mức rất nghiêm trọng.

Ngay ngày hôm sau, ông đã cung cấp thông tin liên quan cho kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV 4 và hãng thông tấn Hồng Kông Phoenix TV, nhưng đều bị họ phớt lờ. Sau đó ông đã tiết lộ những gì mình biết về tình hình thật sự của dịch bệnh trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Hoa Kỳ, khiến dịch bệnh được cả thế giới biết đến. Ông nói trong một trong những cuộc phỏng vấn với tờ Southern People Weekly của Trung Quốc rằng: “Đối với các bác sĩ, thì tìm kiếm sự thật là yêu cầu căn bản nhất, vì vậy chúng tôi phải kiên trì nói ra sự thật.”

Sau đó, bác sĩ Tưởng đã bị lực lượng an ninh quốc gia của chính quyền bắt cóc nhiều lần và bị quản thúc tại gia. Chính quyền cũng cấm ông ra ngoại quốc để thăm người thân và từ chối điều trị y tế cho ông.

Tháng 02/2004, bác sĩ Tưởng đã viết một bức thư công khai tới Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, kêu gọi bình phán lại phong trào dân chủ sinh viên năm 1989, vốn bị gán cho là một “cuộc bạo loạn” và bị quân đội của chế độ cộng sản đàn áp dã man. Vô số sinh viên đại học và người dân thường tay không tấc sắt đi biểu tình đã bị quân đội sát hại trong ngày 04/06/1989.

Tháng 03/2015, bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Cable TV Hồng Kông rằng việc cấy ghép nội tạng trái phép và buôn bán nội tạng của các tù nhân bị hành quyết là phổ biến trong các bệnh viện quân y Trung Quốc. Đây là một chủ đề rất nhạy cảm đối với ĐCSTQ, vì đảng này đã bị cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống từ các tù nhân lương tâm bị giam giữ, trong đó có các học viên Pháp Luân Công, một nhóm tín ngưỡng sống theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Những hoạt động trái pháp luật này chủ yếu được thực hiện tại các bệnh viện quân y và bệnh viện đa khoa lớn.

Khi bác sĩ Tưởng qua đời, chính quyền đã ra lệnh cho gia đình bác sĩ Tưởng không được tổ chức lễ tang công khai, không nhận lẵng hoa từ công chúng, và không nhận phỏng vấn của giới truyền thông.

Hiện tại, Trung Quốc đang trải qua một đợt bùng phát bệnh viêm phổi lớn khác. ĐCSTQ tiếp tục che giấu sự thật và dữ liệu về đợt bùng phát, theo cách làm tương tự như trong đại dịch COVID-19. Một số người nghi ngờ rằng đây là một đợt bùng phát COVID-19 khác.

Bác sĩ Cao Diệu Khiết, người tố cáo dịch AIDS

Bức ảnh không đề ngày tháng này chụp bác sĩ đã về hưu Cao Diệu Khiết, 74 tuổi, (bên phải) bôi thuốc lên cánh tay của một thôn dân khi bà giúp đỡ những người đến từ các làng AIDS bị bỏ rơi ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Bức ảnh không đề ngày tháng này chụp bác sĩ đã về hưu Cao Diệu Khiết, 74 tuổi, (bên phải) bôi thuốc lên cánh tay của một thôn dân khi bà giúp đỡ những người đến từ các làng AIDS bị bỏ rơi ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bác sĩ Cao Diệu Khiết, một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc sống lưu vong ở Hoa Kỳ, đã qua đời tại New York hôm 10/12/2023 ở tuổi 95. Các cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã im lặng về sự kiện này.

Bác sĩ Cao được biết đến từ hồi năm 1996 vì đã tiết lộ với cả Trung Quốc và toàn thế giới về hoạt động kinh doanh hiến máu và truyền máu bất hợp pháp được điều hành và tài trợ bởi các chính quyền địa phương của ĐCSTQ. Hoạt động này đã khiến bệnh AIDS lan rộng ở các vùng nông thôn của tỉnh Hà Nam, lây nhiễm cho hàng chục triệu thôn dân vô tội và làm xuất hiện của vô số “làng AIDS”, với hầu hết người dân nay đã lần lượt qua đời.

Kể từ đó, bà đã bị ĐCSTQ theo dõi và đàn áp. Năm 2009, bà buộc phải lưu vong sang Hoa Kỳ, do chính quyền cố gắng bịt miệng bà và lấy đi tất cả bằng chứng mà bà đã thu thập được về đại dịch AIDS. Bà sống trong một căn hộ nhỏ của chính phủ ở New York và được các điều dưỡng viên chăm sóc. Bà đã viết ba cuốn sách về thảm họa AIDS do con người gây ra ở Trung Quốc, được xuất bản bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh.

Bà viết trong cuốn hồi ký của mình: “Bởi vì tôi muốn nói ra sự thật với thế giới.” “Ở tuổi 82, để nói ra sự thật về bệnh AIDS ở Trung Quốc, tôi buộc phải rời bỏ quê hương và sống một mình ở New York, Hoa Kỳ, trong hơn mười năm.”

Bà Chu Linh, nạn nhân của một vụ án nhẫn tâm cấp cao

Nạn nhân bị đầu độc thallium Chu Linh. (Ảnh: Tài sản công cộng)
Nạn nhân bị đầu độc thallium Chu Linh. (Ảnh: Tài sản công cộng)

Bà Chu Linh (Zhu Ling), nạn nhân của một “vụ đầu độc thallium” tại Đại học Thanh Hoa, đã qua đời hôm 22/12/2023 ở tuổi 50. Tin tức này đã trở thành kết quả tìm kiếm hàng đầu trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc hôm 23/12, gây phẫn nộ trong lòng công chúng khi họ đi tìm công lý cho bà. Ad

Bà Chu, một người gốc Bắc Kinh, được nhận vào Đại học Thanh Hoa năm 1992. Bà bị cố ý đầu độc hai lần bằng chất hóa học gây tử vong thallium vào năm 1994 và 1995. Bà đã sống sót nhưng phải chịu những tổn thương suốt đời, bao gồm liệt toàn thân, tổn thương não nghiêm trọng, và mù lòa.

Bà Tôn Duy (Sun Wei), người bạn cùng phòng và cùng lớp của bà Chu là nghi phạm duy nhất trong vụ án và đã được công an thẩm vấn. Động cơ của bà được cho là do ghen tỵ. Tuy nhiên, công an Bắc Kinh đã được lệnh đình chỉ điều tra và hủy bỏ vụ án.

Ông nội của bà Tôn, ông Tôn Việt Kỳ (Sun Yueqi), từng là phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Cách mạng Quốc Dân Đảng trong hội nghị của ĐCSTQ. Ông biết thân thế bán nước của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân trong thời kỳ Nhật Bản xâm lược Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến mà ông Giang muốn che giấu. Cha của ông Giang, ông Giang Thế Tuấn (Jiang Shijun), từng là quan chức của chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ (Wang Jingwei) ở Nam Kinh. Ông Giang Trạch Dân cũng từng theo học tại trường đại học của một người cộng sự và tham gia một lớp đào tạo gián điệp của Nhật Bản. Có thông tin nói rằng ông Tôn đã yêu cầu ông Giang Trạch Dân, người lãnh đạo ĐCSTQ lúc đó, bảo vệ cháu gái Tôn Duy của mình. Ông Giang Trạch Dân đã hứa với ông Tôn: “Chừng nào Giang Trạch Dân tôi còn sống, thì cháu gái ông sẽ không phải vào tù.”

Bà Tôn sau này đã trốn sang Hoa Kỳ và đổi tên thành Tôn Dịch Nhan (Sun Shiyan, Jasmine Sun). Sau khi người dân Hoa Kỳ tạo ra chương trình thu thập chữ ký kiến nghị trên trang Change.org để điều tra và trục xuất bà Tôn vì tội ác của bà, thì bà đã chạy sang Úc. Ad

Bà Chu qua đời mà không hề có được công lý, khiến công chúng xót thương.

Những trường hợp qua đời nhạy cảm khác

Ông Giang Bình, một học giả pháp lý nổi tiếng của Trung Quốc, người cũng xuất hiện trong một bức ảnh lớn trong bản tin đặc biệt của Tài Tân, đã qua đời hôm 19/12/2023 ở tuổi 94. Ông là giáo sư luật đã về hưu tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc và là cựu hiệu trưởng của trường đại học này. Ông được người đời mệnh danh là “lương tâm của cộng đồng pháp luật Trung Quốc.” Ông Giang Bình cho biết ước mơ lớn nhất trong đời ông là được nhìn thấy “nền pháp quyền” trên thế giới, tuy nhiên, ông đã không được chứng kiến ước mơ đó trở thành hiện thực khi sống ở đất nước độc tài cộng sản Trung Quốc.

Ông Giang Bình bị ĐCSTQ bức hại trong phong trào chống cánh hữu vào những năm 1950. Năm 1989, vì ủng hộ phong trào dân chủ của sinh viên và bảo vệ sinh viên, ông đã bị cách chức hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị và Pháp luật.

Một bức ảnh khác trong bản tin đặc biệt cuối năm của Tài Tân thu hút sự chú ý là bức ảnh về danh sách 40 học giả ĐCSTQ qua đời trong năm 2023, nhóm có nhiều thành viên qua đời nhất trong bản tin đặc biệt cuối năm. Nguyên nhân cái chết của nhiều người trong số họ đã không được công bố.

Các nhân viên mặc đồ bảo hộ khiêng một chiếc quan tài tại Nhà tang lễ Đông Giao, được cho là có giao nhiệm vụ giải quyết các trường hợp tử vong do COVID-19, tại Bắc Kinh vào ngày 19/12/2022. (Ảnh: Bloomberg qua Getty Images)
Các nhân viên mặc đồ bảo hộ khiêng một chiếc quan tài tại Nhà tang lễ Đông Giao, được cho là có giao nhiệm vụ giải quyết các trường hợp tử vong do COVID-19, tại Bắc Kinh vào ngày 19/12/2022. (Ảnh: Bloomberg qua Getty Images)

Kể từ làn sóng dịch bệnh COVID-19 lớn ở Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2022 và tháng 01/2023, nhiều đảng viên, quan chức của ĐCSTQ, cũng như các chuyên gia, học giả, và người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực có lập trường ủng hộ ĐCSTQ đã đột ngột qua đời vì bệnh tật.

Đại sư Lý Hồng Chí (Li Hongzhi), nhà sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, nói với The Epoch Times hôm 26/08/2023 rằng virus gây ra dịch bệnh COVID-19 đang nhắm vào ĐCSTQ, cùng với những ai mù quáng đi theo, bảo vệ, và hy sinh mạng sống của mình cho đảng đó.

Khi đại dịch bắt đầu hồi tháng 03/2020, Đại sư Lý mô tả dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi khi các giá trị đạo đức sa sút.

Đại sư khuyên mọi người “Hãy tránh xa tà đảng Trung Cộng, không đứng cùng phe với tà đảng, vì … hành vi bề mặt là lưu manh, hơn nữa là không việc ác nào không làm.”

Mọi người từ chối giữ im lặng

Trong khi đó, nhà bình luận thời sự nổi tiếng Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai) tiết lộ trên mạng xã hội X rằng người sáng lập Tài Tân Hồ Thu Lập đã bị các nhân viên an ninh quốc gia của ĐCSTQ đến từ Bắc Kinh thẩm vấn khi đang đi công tác ở Thượng Hải trong những ngày gần đây.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với The Epoch Times rằng trong môi trường khắc nghiệt không có quyền tự do ngôn luận dưới sự kiểm duyệt của ĐCSTQ, “bà Hồ Thu Lập đã làm việc chăm chỉ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình. Bà ấy có cốt khí của một học giả-quan chức Trung Hoa truyền thống đáng ngưỡng mộ. Bà ấy nói những điều cần nói trước khi hãng truyền thông của bà bị đóng cửa hoặc trước khi bà bị tống vào tù. Tôi nghĩ bà ấy đã dốc hết sức của mình.”

Cơ quan quản lý không gian mạng của ĐCSTQ đã liên tục xóa các bài báo nhạy cảm khỏi Tài Tân, nhưng nhiều người đã tạo các bản sao thay thế và ảnh chụp màn hình để lan truyền trên mạng xã hội.

Nhà bình luận thời sự hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói rằng chính quyền đã chặn các bài báo của Tài Tân, bởi vì “ông [Tập Cận Bình] biết rằng ông ấy không có khả năng làm cho mọi người đều bị điếc hoặc mù, nhưng ông ấy có khả năng làm cho họ phải câm lặng và không cho phép họ lên tiếng. Chừng nào họ còn bị kinh sợ và không thể lên tiếng, thì ông ấy cảm thấy mình chiếm được thượng phong và vẫn ở thế kiểm soát chừng đó.”

Ông Phùng cho rằng ĐCSTQ đã cố gắng hết sức để đàn áp ngôn luận trong những năm gần đây, nhưng ngày nay các quan niệm về dân chủ, chủ nghĩa hợp hiến, pháp quyền, và nhân quyền đã ăn sâu vào lòng người dân. Mọi người không có kênh nào để lên tiếng ở Trung Quốc, vì vậy một số người chuyển sang mạng xã hội của ngoại quốc để lên tiếng.

“Hiện nay ở Trung Quốc, có rất nhiều người tức giận nhưng không dám lên tiếng, cũng có người dám nói nhưng không thể nói thẳng ra. Tư tưởng của người dân đã thay đổi, và có nhiều người ghét ông Tập Cận Bình đến tận xương tủy. Ông ấy không thể thay đổi điều căn bản này trong tâm mọi người.”

Cẩm An biên dịch

Related posts